Nhà giáo Nhân dân – Giáo sư, tiến sĩ khoa học La Bình: Hướng con người đến những điều thiện

Xin chào GS! Hẳn là ông rất vui khi trở lại quê hương vui thú điền viên sau nhiều năm đứng trên bục giảng và nghiên cứu khoa học ?

70 tuổi tôi, mới được Nhà nước chính thức cho nghỉ hưu theo chế độ nhưng vì thấy mình còn đủ sức lực nên tôi vẫn tiếp tục con đường giảng dạy dù không trực tiếp đứng trên giảng đường nữa. Công việc chính của tôi hiện nay là hướng dẫn nghiên cứu sinh, đào tạo cao học, hướng dẫn làm luận án tiến sĩ… Ngoài ra, tôi còn là tổ trưởng kỹ thuật, chuyên gia Hội đồng tư vấn nghiệm thu các công trình cấp nhà nước như tư vấn công trình biển đảo Cà Mau, Phú Mỹ, Dung Quất… Thế nên, mặc dù ở quê  nhưng tôi vẫn thường xuyên đi công tác. Tôi lấy đó làm vui vì còn giúp được gì đó cho đời, dù rằng rất nhỏ !

Thời niên thiếu của ông cũng là thời điểm khó khăn của cả đất nước. Ông đã làm gì để vượt lên những khó khăn ấy để trở thành một nhà khoa học ? 

Tôi xuất thân trong một gia đình nông dân, bố mất do bị đánh bom trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Lúc ấy, nhà chỉ có ba chị em, tôi là con trai duy nhất trong gia đình. Ngày trước, mẹ tôi lam lũ nuôi các con ăn học; ngoài làm ruộng bà thức khuya, dậy sớm nuôi tằm, dệt vải… để có thêm vài đồng bạc nuôi các con. Ở quê tôi lúc ấy chưa có trường tiểu học nên anh rể gửi tôi lên Phú Bình (Thái Nguyên) học ở Trường Hàn Thuyên. Học xong, tôi được tham gia khóa đầu tiên của lớp bổ túc công nông để gấp rút ôn thi vào đại học. Năm 1956, tôi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa, học được ba năm thì trường hết thầy dạy (trường mới mở nên không có thầy dạy về công nghệ) nên tôi và một số học sinh nữa phải sang Mát-xcơ-va (Liên Xô cũ) để học chuyển tiếp mấy năm về kỹ thuật hóa, được cấp bằng kỹ thuật ở Nga. Tốt nghiệp, tôi về giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ đó cho đến tận khi nghỉ hưu. Nói tóm lại là tôi đi đi về về nhiều lần nhưng cuối cùng vẫn luôn gắn bó với Trường Đại học Bách khoa (cười).

Ông có thể kể một vài kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian đi học?

Có lẽ với tôi kỷ niệm sâu sắc, đáng nhớ nhất trong thời gian tôi đi học, đó là những năm tháng tôi học ở Trường Tiểu học Hàn Thuyên (Phú Bình- Thái Nguyên), lúc đó tôi mới chỉ 12- 13 tuổi, hàng tuần về nhà vào đêm chủ nhật, sáng hôm sau là lếch thếch vác bao gạo ăn đủ 7 ngày, đi bộ hơn 20 km lên trường. Thi thoảng mẹ cho vài hào để mua rau, chứ hầu như không biết đến miếng thịt, miếng cá. Mỗi lần về, tôi chỉ được mang chai tương hay lọ muối vừng ăn cho cả tuần. Gian khổ là thế nhưng mẹ tôi luôn động viên tôi cố gắng học. Bản thân tôi lúc đó đã xác định là học để có kiến thức sau đó làm những việc mình thích, mình say mê. Mặc dù là con út trong gia đình nhưng do nhà neo người, dù mới mười mấy tuổi nhưng tôi cũng được người chú dạy cho các việc của đàn ông như cày bừa, rồi biết cả quay tơ, dệt vải…

Là nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực hóa vô cơ, được nhận Huân chương Lao động hạng Ba, ông ấn tượng nhất với đề tài nào trong suốt cuộc đời làm khoa học của mình?

Tôi nghiên cứu sâu về các hợp chất phục vụ sản xuất nông nghiệp và đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả thiết thực. Nhưng có lẽ đề tài mà tôi tâm đắc nhất là chương trình giúp Nhà máy Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc xử lý sự cố để tạo ra sản phẩm Sô-da theo phương pháp A-mô-ni-ăc và làm mất khả năng tạo bọt (khí) trong dung dịch rửa của nhà máy. Đề tài thành công đã góp phần tạo điều kiện cho đơn vị phát triển, khẳng định vị thế của phân đạm Hà Bắc trên thương trường.

Được biết, gia đình ông có rất nhiều tiến sĩ?

Vợ tôi trước đây cùng công tác ở Trường Đại học Bách khoa, nay đã nghỉ hưu. Hai vợ chồng già chuyển về quê sống để được gần anh em, họ hàng, láng giềng. Hiện tôi có ba người con, con gái cả là La Thị Thái Hà (SN 1967), làm luận văn Tiến sĩ ở Bungari, hiện là giảng viên Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, chồng Hà cũng là Tiến sĩ, Viện phó Viện Kỹ thuật môi trường (Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh). Con gái thứ hai là La Thị Thái Hòa (SN 1971) từng đỗ thủ khoa Trường Đại học Y Hà Nội, sau đó đi học và tốt nghiệp Đại học tại Bungari, chuyên ngành nha khoa. Con trai út là La Trần Bắc (SN 1976), tốt nghiệp cử nhân Đại học Kinh tế quốc dân, bảo vệ luận án tiến sĩ Môi trường tại Áo năm 2010.

Điều gì đã làm nên “một gia đình tiến sĩ” như vậy, thưa ông?

Thực ra, tôi chưa bao giờ đặt mục tiêu cho gia đình là có bao nhiêu tiến sĩ mà quan trọng hơn là những người con mình sẽ cống hiến thế nào cho đất nước và khoa học. Vợ chồng tôi thường khuyên các con phải cố gắng, quyết tâm học tập, chỉ có học mới mong thay đổi cuộc sống. Thật may, cả ba người con của tôi đều thương bố mẹ nên học tốt. Trong thời kỳ bao cấp, cũng như đại đa phần các gia đình đã thoát ly ruộng đất thời bấy giờ rất khó khăn với từng cân gạo, lạng thịt hay mét vải đều từ tem phiếu, các con tôi nhiều khi cũng phải nhịn đói hay mặc quần áo vá đến trường… Ngay ban đầu tôi luôn định hướng cho con về nghề nghiệp sao cho phù hợp với năng khiếu, sở thích của con, từ đó để các con phát huy hết khả năng của mình.

Không chỉ gia đình ông mà thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm quê ông có rất nhiều tiến sĩ, nhiều người gọi đây là “làng tiến sĩ”?

Nói Cẩm Xuyên là “làng tiến sĩ” cũng đúng phần nào, bởi trong cả nước hiếm thôn nào có đến hơn 10 tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư và rất nhiều thạc sĩ, cử nhân như ở Cẩm Xuyên. Để lý giải điều này có lẽ phải nói đến yếu tố lịch sử. Làng này cũng đã có một tiến sĩ giữ chức quan trong triều thời phong kiến, đó là Quận công La Quang Chiến. Đây chính là yếu tố truyền thống và sau đó được phát huy với nhận thức về tầm quan trọng của việc học của người dân. Cẩm Xuyên đúng là vùng đất học, không phải vì có nhiều tiến sĩ mà ở đây sự học luôn được coi trọng và đặt lên hàng đầu. Sau thế hệ của tôi thì các thế hệ tiếp sau cũng rất thành đạt như Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thế Chi – hiện là Giám đốc Học viện Tài chính. Thời nay, ở làng Cẩm Xuyên vẫn có nhiều gia đình thuộc hộ nghèo hoặc bố mẹ ít học nhưng nuôi 3-4 con học đại học, thành tài.

Ông nhận xét và nhắn nhủ gì với lớp trẻ hiện nay ?

Lớp trẻ bây giờ khá năng động, sáng tạo, có nhận thức tốt. Với thanh niên ở quê, nếu không học đại học, chỉ ở nhà làm ruộng hay làm nghề thì họ cũng khá thành đạt, nhiều người thành thợ tay nghề cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó hiện nay do sự phát triển tất yếu của xã hội nên nếu thanh niên thiếu nhận thức về xã hội mà thiếu sự quan tâm giáo dục của cha mẹ, xa rời gia đình thì rất dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội như nghiện game, cờ bạc, hút hít. Tôi cho rằng, nếu không có sự giáo dục đúng hướng của các bậc phụ huynh sẽ  khiến cho một bộ phận thanh niên có lối sống hưởng thụ. Tôi không phê phán sự hưởng thụ nhưng các bạn trẻ nên xác định cho mình rằng hãy học, hãy làm việc, hãy cống hiến hết mình đi đã, rồi sẽ có thành quả, lúc đó “hưởng thụ” vẫn chưa muộn. Vì thế, tôi nghĩ rằng yếu tố gia đình quyết định trong giáo dục nhân cách cho con cái. Trước hết, phải hướng cho con cái đến những điều thiện và dạy con cái hiểu về giá trị của đồng tiền, biết quý trọng công sức làm ra đồng tiền.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

Nguyễn Trường – Phương Nhung
                 (Thực hiện)

Nguồn:baobacgiang.com.vn/268/89425.bgo