Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Thạch: Ông giáo sư khoai tây sạch

“Chưa dựng được mô hình, chết cũng không nhắm mắt”
Tôi mạn phép gọi Nhà giáo nhân dân – Giáo sư (GS) – tiến sỹ (TS) Nguyễn Quang Thạch là “giáo sư khoai tây” bởi tình yêu và niềm tự hào toát ra từ ông mỗi khi nhắc đến loại cây này. Ánh mắt lấp lánh vui, tay thoăn thoắt cầm đèn laser chỉ vào các mô hình nhân giống khoai tây, ông giảng giải cho tôi từng bước của công nghệ nuôi cấy mô tế bào và khí canh.
GS Thạch bén duyên với khoai tây từ năm 1977 khi Chính phủ Pháp, Đức hỗ trợ khôi phục nông nghiệp Việt Nam bằng cách đầu tư phòng nuôi cấy mô để nhân giống một số cây trồng, bao gồm khoai tây.

GS-TS Nguyễn Quang Thạch tại phòng làm việc. Ảnh: Ngọc Vũ

Ông trầm giọng nhớ lại: “Việt Nam hồi đó rất thiếu lương thực, cây khoai tây là cứu tinh bởi không tranh đất với 2 vụ lúa, lại ngắn ngày. Theo tính toán, với 200.000ha ở Đồng bằng sông Hồng, năng suất 10 tấn/ha (so với ở châu Âu 40 tấn/ha), Việt Nam sẽ có 2 triệu tấn lương thực trong 3 tháng. Tuy nhiên, khoai tây giống của Việt Nam vừa thiếu vừa kém, nhanh thoái hóa do nhiễm virus nên năm nào cũng phải nhập khẩu giống mới”.
Việc nhiều nước đã có mô hình nhân giống khoai tây sạch bệnh mà Việt Nam chưa có là nỗi trăn trở của GS Thạch và thầy ông – PGS-TS Nguyễn Văn Uyển, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới.
“Thầy Uyển từng day dứt nói với tôi: “Thạch à, anh em mình mà không xây dựng thành công hệ thống sản xuất khoai tây sạch bệnh từ nuôi cấy mô thì chết cũng không thể nào nhắm mắt” – GS Thạch kể. Lời giao phó này của người thầy và cũng là cộng sự được ông coi như lời thề của chính mình.
Ở Lâm Đồng, ông Uyển từng đưa cây nuôi cấy mô ra bồn mạ và nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng cách cắt ngọn; nhưng công nghệ này không thể thực hiện ở miền Bắc – nơi có nền nhiệt cao hơn. “Cây cứ đưa ra khỏi bồn cấy là chết, nếu sống thì số củ giống tạo ra cũng rất ít… Nếu cứ như thế, Việt Nam sẽ không bao giờ tạo ra được giống sạch bệnh tại chỗ” – GS Thạch nói.
Sau đó, nhờ công nghệ thủy canh của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển rau châu Á, nhóm của ông đã nhân giống được khoai tây sạch bệnh ở miền Bắc. 16 năm qua, công nghệ này liên tục được cải tiến. Ông kể: “Giai đoạn 2006-2010, nhờ có đề tài cấp nhà nước, chúng tôi đã giải quyết công nghệ khí canh và nó nhanh chóng được ứng dụng. Từ một nhà khí canh do Nhà nước đầu tư, Nam Định đã “bùng nổ” lên gấp 5 lần. Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Phú Thọ cũng đang đợi để bùng nổ”.
Trong buổi tổng kết chương trình KC.04/11-15, GS Thạch làm nhiều người bật cười khi khoe: “Chúng tôi đã ký hợp đồng cung cấp khoai tây độc quyền cho một công ty Hàn Quốc. Bây giờ, điều chúng tôi lo nhất là làm sao có đủ khoai giao cho họ”. 
Nhớ lại chuyện đó, ông cười bảo: “Đấy là sự lo lắng trong vui sướng. Khi tới Việt Nam, công ty này đã tìm đến nhiều người làm khoai tây, nhưng chỉ viện chúng tôi trụ lại. Giai đoạn đầu, họ còn tìm dự án của Chính phủ Hàn Quốc giúp chúng tôi có thêm tiền và phòng thí nghiệm để nghiên cứu”. Kể chuyện này, GS Thạch tự hào rằng với năng lực và đam mê, nhóm của ông đã không chỉ thuyết phục đối tác Hàn Quốc bằng hiệu quả công việc mà còn chạm tới trái tim họ.
Say mê tạo công nghệ made in Việt Nam
Dù đã hoàn thiện công nghệ khí canh, nhưng đến nay, GS Nguyễn Quang Thạch vẫn tiếp tục nghiên cứu để đổi mới nó, tìm những thiếu sót để cải tiến. Trong một lần “bắt đúng bệnh” khiến khoai tây kém ra củ do nhiệt độ nước thủy canh quá cao, ông đã tìm ra cách “trị” là hạ nhiệt độ nước. Từ thành công này, ông bắt đầu nghĩ tới việc sản xuất rau vụ đông vào bất cứ thời điểm nào trong năm.
Ngoài khoai tây, GS Thạch cũng nghiên cứu về các loại rau khác và hoa – trong đó có lan hồ điệp. Để lan hồ điệp có thể ra hoa, phải có giai đoạn nhiệt độ thấp khoảng 1 tháng. Ông đã thiết kế nhà trồng với 2 lớp mika để cách nhiệt mà vẫn đủ sáng, sau đó dùng máy lạnh để hạ nhiệt trong nhà kính. Với nhiệt độ ban ngày 24-250C, ban đêm 140C, ông đã kích thích được lan hồ điệp ra hoa.
GS Thạch tự hào: “Công nghệ này được tôi triển khai từ những năm 2000. Trong điều kiện kinh tế khó khăn khi ấy mà sáng tạo ra được công nghệ hoàn toàn của Việt Nam, đó là niềm sung sướng không gì sánh được của người làm khoa học” .
“Tôi đang thử nghiệm ý tưởng trồng loại rau này dưới điều kiện chiếu sáng nhân tạo. Nếu thành công, nó sẽ được áp dụng ngay tại các nhà hàng, phòng khách, phòng làm việc” – ông nói khi chỉ vào những bồn thủy canh trồng cây rau chân vịt được xếp gọn bên một góc phòng làm việc, cách nói sôi nổi trẻ trung như minh chứng cho một sự thực: Chừng nào còn đam mê sáng tạo, người ta sẽ chưa biết đến tuổi già. 

GS-TS Nguyễn Quang Thạch sinh năm 1943, từng tu nghiệp tại Pháp và Đức. Ông nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, hiện là Chủ nhiệm khoa Công nghệ sinh học và Nông nghiệp, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TPHCM. 

GS-TS Nguyễn Quang Thạch cũng là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện Sinh học nông nghiệp, thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Phó chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam; Chủ tịch Hội Sinh lý thực vật Việt Nam; Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Khoai tây Việt Nam. 

Năm 2008, GS-TS Thạch được trao giải nhì giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam Vifotec. Ông là người có công đưa công nghệ khí canh vào Việt Nam, mở ra một triển vọng mới cho việc phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, xanh, bền vững.

 

Tuệ Minh

Nguồn:khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/nha-giao-nhan-dan-nguyen-quang-thach-ong-giao-su-khoai-tay-sach/20160728100129167p1c160.htm