Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thu Nhạn – Tận tụy vì con trẻ Việt Nam

Cả cuộc đời cống hiến cho ngành Y học Việt Nam nói chung và Nhi khoa nói riêng, giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Thu Nhạn không chỉ được nhận về những giải thưởng danh giá, mà còn được mọi người kính trọng, yêu mến coi bà như một “người bảo mẫu của trẻ em”.Trong cuộc sống, đôi khi có những kỉ niệm khiến cho chúng ta không bao giờ quên, đặc biệt là những kí ức đau buồn. Với giáo sư Nhạn, tuổi thơ là sự mất mát lớn – 3 người em của bà đã bị dịch bệnh cướp đi. Chính những đau đớn đó đã trở thành một phần động lực giúp bà lựa chọn và theo đuổi con đường sự nghiệp y khoa. Đi du học bên Liên Xô, rồi khi trở về làm việc tại Việt Nam, giáo sư đã chứng kiến nhiều căn bệnh dần cướp đi mạng sống của trẻ thơ. Điều đó luôn khiến bà cảm thấy mình cần phải làm điều gì đó để giúp các em. Những năm 60, căn bệnh suy dinh dưỡng thể nặng đã khiến nhiều trẻ em nước nhà bị tử vong. Đó là một tổn thất và nỗi đau rất lớn không chỉ của riêng gia đình các em. Nhận cương vị Phó giám đốc Viện nhi Thụy Điển, giáo sư đã bắt tay vào nghiên cứu, tìm hiểu để tìm ra phương pháp điều trị hữu hiệu nhất, thay vì chỉ truyền máu và plasma – những phương pháp vừa tốn kém vừa có hiệu quả không cao.

                                                                                              Gs-Ts Nguyễn Thu Nhạn

Nhiều người quen với suy nghĩ rằng, chỉ có dùng thuốc đặc trị hay các dụng cụ y khoa chuyên môn mới có thể chữa được bệnh, nhất là bệnh nặng. Nhưng giáo sư Nhạn đã cho chúng ta thấy, chỉ cần có chế độ ăn phù hợp cũng có thể đẩy lùi được bệnh suy dinh dưỡng. “Ăn điều trị” chính là phương pháp được bà khuyến khích các bà mẹ áp dụng cho con của mình. Thật khó tin khi cho rằng chỉ cần dùng những nguyên liệu đơn giản như sữa đậu nành cũng có thể chữa bệnh! Nhưng kết quả cho thấy, phương pháp này đã thực sự phát huy tác dụng. Cho đến năm 1998, chỉ còn lại khoảng 2% trẻ bị suy dinh dưỡng thể nặng.Không chỉ dừng lại ở đó, giáo sư Nhạn còn không ngừng cống hiến cho ngành y học nước nhà nhiều nghiên cứu tâm huyết khác. Hiện nay bà đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội nhi khoa Việt Nam, Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, và cũng là Chủ nhiệm chương trình sàng lọc sơ sinh trong nước. Sàng lọc sơ sinh là một biện pháp dự phòng hiện đại, phát hiện sớm những bệnh lý rối loạn chuyển hóa và di truyền ở trẻ ngay sau khi chào đời. Chương trình này được thí điểm tại Hà Nội từ năm 2000 và hiện đang được mở rộng khắp trên cả nước. Đối với giáo sư Nguyễn Thu Nhạn, thời gian để tìm tòi và áp dụng những thành tựu khoa học trên thế giới vào việc cứu chữa bệnh cho trẻ em Việt Nam luôn là sự quý giá. Vì vậy, dù tuổi đã cao và có nhiều hạn chế về sức khỏe, nhưng bà vẫn không để thời gian trôi đi một cách lãng phí. Vẫn còn những nghiên cứu dang dở khác, vẫn còn nhiều trẻ em đang mắc bệnh nặng. Sự cống hiến của bà không chỉ đem lại những thành công trong công danh, sự nghiệp, mà còn mang lại sự sống cho các em thơ, mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình. Đối với bệnh nhân cũng như các đồng nghiệp, bà không chỉ là một giáo sư, bác sĩ, mà còn như một người mẹ luôn tận tụy vì con trẻ Việt Nam

                                                                                                                   

                                                                                                                                                                                   Thùy Linh – Bibi.vn

Nguồn: http://bibi.vn/component/option,com_specialsub/task,showDetail/content_id,1113/cat_code,CHUYENMUC/sub_code,CM_GOCCUAME/