Nhà khoa học ấy là GS.TS.NGƯT Vũ Triệu Mân – Chủ tịch Hội nghiên cứu Bệnh hại Thực vật Việt Nam; Nguyên trưởng bộ môn; Phó chủ nhiệm khoa; Giám đốc trung tâm bệnh cây nhiệt đới; Giảng viên cao cấp Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Nguyên Phó hiệu trưởng; Đại học Công nghệ Đông Á.
Tiếp nối truyền thống trong gia đình
GS.TS Vũ Triệu Mân sinh ngày 23/12/1943 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Cha ông là nhà văn Vũ Ngọc Phan và mẹ là nhà thơ Hằng Phương – những người nổi tiếng trong giới văn học lúc bấy giờ. Học cao, hiểu rộng nhưng cụ Vũ Ngọc Phan kế tục truyền thống nho học đã năm đời yêu nước và thanh liêm của gia đình, cụ không chịu ra làm quan mà chọn nghề làm báo, viết văn và dạy học để kiếm sống với mong ước khôi phục nền văn hóa của dân tộc. Năm 1946, cụ Vũ Ngọc Phan lúc ấy là chủ tịch Ủy ban vận động Hội nghị văn hóa toàn quốc và kiêm chức Chủ tịch ủy ban kháng chiến khu Đống Đa (nay là Quận Đống Đa) Hà Nội. Sơ tán nhân dân vào lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ gia đình ông phải ra đi chậm, bị giặc Pháp chăn đường lên Việt Bắc nên tản cư vào Làng Quần Tín, xã Thọ Ngọc, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Cậu bé Mân lần đầu đi học ở trường làng thầy giáo là một thương binh cụt một tay, ông rất tận tâm với học trò nhưng rất nghiêm nên lớp học rất nề nếp. Khi vắng thầy những đứa trẻ nghịch ngợm mới dám trêu cậu là mân mó, cậu đỏ mặt vì tức giận. Về nhà cậu thắc mắc hỏi cha, ông ngừng bút trong giây lát kể: “Tên của con do ông nội đặt… Ông nội con là một nhà nho nghèo thường đi dạy học xa. Năm ấy ông ốm rất nặng, biết không qua khỏi, ông gọi cha đến bên giường và bảo – Con đưa cho thầy cái nghiên và bút ra đây, cha thấy ông viết ba chữ vào lòng bàn tay, ông bảo cha chép lại rồi dặn – đây là tên thầy đặt cho con trai của con, bao giờ có con trai thì con đặt tên này. Ít lâu sau ông nội mất, mẹ sinh con đầu lại là con gái – chị cả của con bây giờ. Mãi đến một ngày trước khi con sinh khoảng 12 giờ đêm cha lại mơ thấy ông nội. Ông đứng trong một đống lửa rực đỏ, tay dắt con chó vàng và một tay dơ lên trong lòng bàn tay có ba chữ nho mà cha đã chép. Cha vụt tỉnh dậy và đi tìm cuốn sổ, rồi kể lại cho mẹ nghe. Đến 3 giờ sáng con sinh ra và được đặt tên này”. Chuyện kể rằng ngày xưa, binh lính nước Triệu khi đào mương gặp một tảng đá rất lớn đập ra thấy một con trai to khác thường bên trong chứa viên ngọc rất lớn bèn dâng lên vua, vua Triệu lại mang viên ngọc dâng lên Hoàng đế Trung Hoa, viên ngọc có màu đen nhưng tỏa ánh sáng rực rỡ trong cung điện nên Hoàng đế đã chọn làm ngọc tỷ của Trung Hoa. Chữ Mân là phiên âm tiếng Việt còn chữ Hán viết là bộ ngọc và chữ dân ghép lại nghĩa là viên ngọc màu đen vì thế tên con là Triệu Mân. Từ đó cậu bé không thắc mắc nữa. Sau dần dần các bạn cũng đã quen cái tên của cậu, thậm chí nhiều người sau này còn trở thành bạn thân của cậu.
Gia đình sống ở làng Quần Tín nhờ địa phương giúp đỡ cũng trồng cấy lúa, rau màu để sinh sống. Thời gian này cha cậu bị đau dạ dày nặng phải đi mổ, rồi anh trai thứ 5 của cậu đột ngột qua đời trong một cơn bệnh nặng. Dì út em ruột của mẹ cũng đột ngột mất trong một tai nạn, rồi cha phải từ biệt gia đình lên an toàn khu (ATK) Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới. Các sự kiện ấy vừa xảy ra thì một cơn bão lớn ập tới căn nhà gắn liền với tuổi thơ của cậu đổ sập xuống. Rồi 4 mẹ con gồm mẹ, chị trên cậu và chú em út cũng phải ra đi lên chiến khu Việt Bắc từ giã làng Quần Tín nơi anh và dì nằm lại, nơi có bao kỷ niệm tuổi thơ lòng cậu nặng trĩu đau buồn. Mười lăm ngày, 4 mẹ con đi bộ với sự giúp đỡ của các chú dân quân của làng đã vượt qua hơn 300 km đường rừng núi, đường vòng tránh vùng giặc chiếm đóng để đến Tuyên Quang. Những năm tháng ở làng và cuộc đi dài ngày ấy để lại trong ký ức của cậu nhiều kỷ niệm không bao giờ phai mờ. Ở Tuyên Quang cậu theo học tiểu học ở trường cấp 1,2,3 Tân Trào, ngày nào cũng đi bộ gần 4 km để tới trường, những buổi trực nhật cậu phải lấy lá cây rừng bôi đen tấm bảng để thầy, cô viết phấn lên vì không có sơn. Nhớ những cơn mưa lớn cậu xin trú chân nhờ ở nhà bác Tô Ngọc Vân họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam và là bạn của cha cậu. Những bức vẽ sinh động của bác đã khiến cậu say mê nghệ thuật hội họa, dù không học trường lớp nào từ đó cậu luôn thích vẽ. Sau ngày giải phóng thủ đô năm 1954, gia đình trở về Hà Nội, cậu tham gia vào Đội thiếu niên tiền phong. Là một đứa trẻ hoạt bát, nhanh nhẹn thích vẽ cậu đã được cử làm báo của lớp, làm ban lãnh đạo của Đội rồi được vào Đoàn thanh niên lao động Việt Nam và trở thành cán bộ của Đoàn trong nhiều năm sau. Tốt nghiệp phổ thông, anh nộp đơn thi vào Khoa Kiến trúc, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng tổ chức đã đề nghị anh chuyển sang những ngành khó khăn hơn lúc ấy như: sư phạm, tài chính… với lý do anh là cán bộ Đoàn, là cảm tình Đảng phải gương mẫu chọn nghề nghiệp. Sau nhiều ngày tìm hiểu anh quyết định chọn ngành cơ khí của Học viện nông lâm là nơi học cuối cùng của mình. Vào Cơ khí anh được phân công làm nguội, gò, trong lúc các bạn đi lao động xa, anh và một bạn miền nam tập kết cả ngày lúi húi trong xưởng. Rồi phòng Tổ chức gọi hai anh em lên cho về nhà vì nhẹ cân và chưa đến tuổi đi học Đại học. Nhưng ít lâu sau họ lại gọi tới cho chọn ngành học, anh xin vào ngành hóa học hóa nông nghiệp, khi hiểu về ngành… anh suy nghĩ cả đêm không ngủ được vì đăng ký sai nguyện vọng của mình. Hồi ấy khu ký túc xá rất nghiêm túc, anh học lớp nông hóa nhưng hết chỗ ngủ phải ngủ đêm ở lớp Bảo vệ thực vật (BVTV), nhiều hôm học về sớm phải chờ các bạn, giờ giấc không khớp. Bỗng một hôm thấy bạn B đứng ở cửa lớp nông hóa chờ, làm quen anh mới biết bạn ấy học ở lớp bảo vệ thực vật nhưng do thiếu chỗ nên ngủ lại ở lớp nông hóa. Sau lần ấy, hai người cùng nhau lên văn phòng khoa xin đổi thẻ giường ngủ. Thật bất ngờ ông cán bộ văn phòng bảo với hai anh: “Cậu nào ở lớp nào thì vào lớp ấy”. Sau câu nói ấy, anh bất ngờ trở thành sinh viên lớp Bảo vệ thực vật. Đến với ngành thật bất ngờ, nhưng anh luôn phấn đấu và trở thành một sinh viên ưu tú, anh được bầu làm bí thư chi đoàn, chấp hành liên chi đoàn… và được kết nạp vào Đảng lao động Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp ra trường anh được phân làm cụm trưởng một nhóm gần 10 kỹ sư các ngành nghề khác nhau trong đoàn chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của Bộ. Sau hai năm, chỉ đạo sản xuất, anh được điều về giảng dạy ở Bộ môn Bảo vệ thực vật. Học viện nông lâm, trở thành giảng viên của một trường Đại học lớn khi tuổi đời mới ngoài 20, anh không tránh khỏi những bỡ ngỡ về chuyên môn, về phương pháp sư phạm mà anh chưa từng được học. Anh đã tự mình trau dồi chuyên môn bằng cách tự tìm đọc tài liệu trong và ngoài nước và tham quan học hỏi. Sau một năm anh đã đã trở thành giảng viên trẻ bắt đầu hiểu biết nghề.
Nghiên cứu khoa học… niềm đam mê vô tận
Đam mê nghiên cứu khoa học ngay khi còn là sinh viên anh đã có bài báo phổ biến khoa học từ lúc mới là sinh viên năm thứ 4. Về trường anh bắt tay ngay vào nghiên cứu và sau 2 năm anh đã có công trình đăng trên tạp chí Khoa học kỹ thuật nông nghiệp năm 1971. Tuy nhiên anh đã thật sự thất vọng khi hiểu rằng với các phương tiện lúc ấy không có cách nào phòng trừ được các bệnh hại ở gốc cây một cách hiệu quả. Anh đã đi tìm phương hướng nghiên cứu mới bằng cách đến thư viện trường rồi thư viện khoa học trung ương để đọc tài liệu, với trình độ Nga văn và Trung văn lúc ấy anh chỉ có thể đọc các phần tóm tắt của các bài báo. Sau nhiều lần tham khảo anh đã thống kê từ năm 1968 đến 1971 hướng bài viết tăng dần về tạo giống kháng bệnh, lượng bài viết về virus thực vật cũng tăng dần. Theo nhận định của mình, thêm vào đó là hướng nghiên cứu của những người đi trước trong tổ bộ môn đã giúp anh chọn virus thực vật làm hướng nghiên cứu chính. Ngay sau khi có được hướng nghiên cứu anh đã chọn nghiên cứu bệnh virus hại khoai tây với hiểu biết ít ỏi. Nhờ hai chuyên gia ở Viện nghiên cứu sinh học thực nghiệm Praha Tiệp Khắc đến thăm và giảng bài về bệnh virus thực vật, anh vững tin vào sự lựa chọn của mình. Giữa lúc anh đang chuẩn bị phát triển đề tài thì tổ chức phân công anh lên đường cùng hai đồng nghiệp vào chiến trường miền nam trong đợt công tác B xây dựng một trường cao đẳng rồi nâng lên đại học cho vùng giải phóng miền Nam. Hai đồng nghiệp của anh một người được phân công vào Quảng Trị, một người vào Tây Ninh, còn anh cơ quan lại xin anh trở lại để dạy học tiếp. Trở về trường anh được giao làm chủ nhiệm lớp K15, cả lớp đi lao động đào mương anh nhớ khi làm chủ nhiệm lớp K12 đơn vị xuất sắc đắp đê Văn Giang, những ngày ấy để lại trong anh nhiều kỷ niệm sâu sắc về tình thầy trò. Hết đợt lao động anh lại tiếp tục đề tài nghiên cứu, chưa bao lâu chỉ thị 222 TTg của Thủ tướng chính phủ ra lệnh sơ tán triệt để, để chống chiến tranh phá hoại của địch vào giai đoạn ác liệt nhất. Anh phải ra đi sơ tán cùng sinh viên gần một năm trời. Sau chiến tranh phá hoại bằng B52 thất bại, Mỹ mới chịu mở cuộc hòa đàm ở Paris. Từ vùng sơ tán về củng cố lại cơ sở mất mấy tháng anh lại làm tiếp nghiên cứu với chuyên gia Đức ở vùng Thanh Sơn, Phú Thọ. Công việc giảng dạy và quản lý rất bận rộn nhưng bằng niềm đam mê, lòng yêu nghề nên dù khoảng cách từ nông trường về đến trường Đại học khá xa nhưng hàng tuần anh vẫn đi đi về về giữa hai nơi. Sau chiến thắng 30/4 giải phóng hoàn toàn miền nam Việt Nam, anh hăng hái tiếp tục nghiên cứu. Chuyên gia D.Spire nhà khoa học về virus thực vật của Pháp sang thăm Việt Nam, ông đã thuyết trình một buổi tại Viện Vệ sinh dịch tễ Hà Nội về nghiên cứu virus thực vật. Rồi tại Ủy ban khoa học nhà nước các cán bộ Việt Nam tổ chức báo cáo khoa học cho ông nghe, thầy giáo Vũ Triệu Mân đã trình bày đề tài nghiên cứu của mình về bệnh virus hại khoai tây. Ông D.Spire rất vui mừng và đề nghị phía Việt Nam cho anh sang Pháp học tập vì đó chính là đề tài ông đang thực hiện ở Pháp. Anh hăng hái chuẩn bị học tiếng Pháp, nhưng sau ngày 30 tháng 4 miền Nam đã giải phóng còn bừa bộn những công việc phải giải quyết tổ chức lại yêu cầu anh lên đường đi tiếp quản các cơ sở của ngành ở miền Nam từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn… Anh đi khắp miền Nam cho đến tháng 4/1976 mới trở về Hà Nội. Nhà trường sắp xếp để anh đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Học và thi Nga văn rồi anh lại quyết định xin đi Pháp học tiếp về virus thực vật. Năm 1978, nguy cơ xâm lược biên giới phía bắc ngày càng rõ rệt. Theo sự phân công của tổ chức, anh đã cùng các giảng viên đưa sinh viên đi xây dựng phòng tuyến biên giới phía bắc. Trong một đêm tối trời, nhận thông tin từ một liên lạc viên lên nông trường anh đã cùng một bạn vượt sông trở về trường để chuẩn bị kiểm tra Pháp văn, ôn tập vội vàng và kiểm tra rồi làm thủ tục xuất cảnh và ngày lên đường đã tới.
GS.TS Vũ Triệu Mân chủ trì Đại hội và Hội thảo quốc gia
bệnh hại thực vật của Hội nghiên cứu bệnh hại thực vật
Việt Nam tại Hà Nội ngày 20/10/2006
Đến phòng thí nghiệm virus thực vật của INRA ở Versailles, Pháp, anh đã tiếp thu nhanh chóng kỹ thuật mới, thực hiện thành công đợt học tập và được giám đốc cơ quan gửi tặng một phòng thí nghiệm ELISA virus thực vật nhỏ trị giá 20.000 Frances. Ông Hiệu trưởng nhà trường rất ủng hộ, nhưng kinh phí không có, chỉ có một mình anh vừa là trưởng phòng vừa là nhân viên. Anh đã quyết định lên đường vào các tỉnh phía nam tìm kiếm đề tài, lấy được kinh phí anh tập huấn và trả lương cho các học trò làm ở cơ sở để thực hiện đề tài, từ cách này phòng virus thực vật đầu tiên ở Việt Nam bắt đầu hoạt động và vốn nhỏ bé ban đầu đã giúp phòng hoạt động chẩn đoán bệnh hại. Những kỷ niệm ấy thật khó quên với anh. Khi đã lớn tuổi, để tạo cho mình là một người không chỉ là điềm đạm, khô khan với phong cách nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học mà trở thành một con người và đầy nhiệt tâm, ông luôn cố gắng xây dựng và rèn luyện bản bản thân mỗi ngày bằng cách học tập không ngừng, ông đã chủ trì 14 cuộc Hội thảo quốc gia về bệnh hại thực vật. Chủ tịch, phản biện, tham gia rất nhiều Hội đồng khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ… Chủ tịch, người nhận xét nhiều Hội đồng nhà nước chấm luận án Tiến sĩ, Thạc sĩ; Hội đồng tư vấn các dự án, xét duyệt đề tài Nhà nước.
Với uy tín của mình, năm 1991 ông được giao làm chủ nhiệm dự án hợp tác Việt Nam – Pháp về bệnh hại khoai tây. Năm 1997 chủ nhiệm dự Việt Nam – Australia về bệnh hại thực vật. Đây là dự án lớn nhất trong nghiên cứu nông nghiệp của Australia ở Việt Nam với kinh phí lên tới gần 2 triệu Australia dola. Nhờ dự án này phòng virus thực vật đã thành một phòng trang bị hiện đại và đã thực hiện nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Tỉnh và thành phố, thành công trong nhiều kết quả nghiên cứu virus thực vật phục vụ sản xuất ở Việt Nam cho đến nay. Ông là chủ nhiệm 6 đề tài cấp Nhà nước và nhiều đề tài cấp Bộ, cấp tỉnh và thành phố. Ông còn mở ra các chương trình hợp tác với Nhật Bản, Hà Lan, Đan Mạch về bệnh hại cây trồng, ông đã tham gia nhiều cuộc Hội thảo quốc tế tại Việt Nam và nhiều Hội nghị các Hội nghiên cứu bệnh hại thực vật ở nhiều nước trên thế giới. Ông là Chủ tịch Hội nghiên cứu bệnh hại thực vật Việt Nam và giám đốc trung tâm trực thuộc Liên hiệp Hội từ 2001 và 2002 tới nay.
Thành quả trên chặng đường nghiên cứu và giảng dạy
Ngay từ những ngày đầu mới bước chân vào nghề tính đến nay cũng đã gần 50 năm, khi phỏng vấn ông, GS TS Vũ Triệu Mân luôn giữ vững quan điểm: Thứ nhất: Việc chọn nghề chỉ là tương đối, nhưng quan trọng nhất khi đã vào nghề phải toàn tâm, toàn ý sẽ tìm được hướng đi đúng. Thứ hai: Đã vào nghề phải nghiêm túc thực hiện các kỹ thuật hiện đại, nếu ở nước tiên tiến họ làm được nhiều kỹ thuật, do trang thiết bị và do trình độ, ta chỉ làm được ít thì cũng cần làm nghiêm túc như họ, không được tùy tiện. Thứ ba: Nghề virus thực vật rất hấp dẫn, rất sâu sắc, nhưng phải có trang thiết bị hiện đại. Phải tìm mọi cách để lo xây dựng phòng thí nghiệm.Vào nghề phải lo chuyên môn, không ham muốn quá nhiều việc sẽ hạn chế phát triển. Thứ tư: Làm việc theo nhóm là rất quan trọng, không có ai thành công mà chỉ làm một mình. Phải tạo nhóm làm việc, phải liên kết với nhiều cơ quan để tận dụng trang thiết bị và học tập kiến thức của nhiều người. Thứ năm: Không có hợp tác quốc tế thì không thể hoạt động tốt, nhưng hợp tác phải cùng có lợi, phải cùng nhau làm việc bình đẳng mới thành công. Thứ sáu: Phải tích cực công bố kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước, tích cực tham gia hội nghị, hội thảo, tham quan thực tế, học tập suốt đời như lời dạy của Bác Hồ… Luôn gần với sản xuất, phục vụ sát với nhu cầu của xã hội. Điều đặc biệt hơn là lúc nào GS Vũ Triệu Mân cũng ghi nhớ lời nhà văn Vũ Ngọc Phan cha của ông dặn: “Con không bao giờ được tự mãn với bằng cấp, chức vụ, chỉ có thể tự tin với chính mình khi biết mình làm đúng, làm tốt một việc”. Có lẽ chính sự thấu hiểu của ông qua lời cha dặn và có những quan điểm riêng của bản thân mà ông đã đạt được nhiều kết quả cao trong giảng dạy và nghiên cứu. Không ngừng lao động và sáng tạo, đến nay GS.TS.NGƯT Vũ Triệu Mân đã công bố được nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó phải kể đến các đề tài cấp Nhà nước đã được nghiệm thu như: Nghiên cứu bệnh virus hại khoai tây và phòng chống bệnh bằng chọn lọc giống sạch bệnh; Sản xuất Kit chẩn đoán bệnh hại cây trồng; Sử dụng giải pháp CNSH (Kit)Nghiên cứu một số bệnh gây tác hại lớn cho cây trồng và biện pháp phòng trừ; Sử dụng giải pháp CNSH trong sản xuất và thử nghiệm Kit chẩn đoán bệnh hại cây trồng; Nghiên cứu sản xuất kit chẩn đoán nhanh virus gây bệnh vàng lùn, lùn xoăn lá trên lúa Đè tài hợp tác quốc tế Việt Nam-Australia mà ông là chủ nhiệm.… có thể nói ông là người đầu tiên đã đưa kỹ thuật chẩn đoán ELISA, sản xuât Kit ELISA với bệnh hại thực vật vào nước ta ngay từ đầu những năm 80 của thế kỷ 20, phòng thí nghiệm của ông cũng là nơi dùng kỹ thuật sinh học phân tử (PCR) chẩn đoán bệnh ở thực vật rất sớm ở Việt Nam. Ông đã viết nhiều cuốn sách: Bệnh virus hại khoai tây; Bệnh virus hại lúa; Chẩn đoán nhanh bệnh hại thực vật; chủ biên và viết cuốn Bệnh virus hại thực vật ở Việt Nam (tập 1,2); Là chủ trì và trưởng ban biên tập của 14 lần Hội thảo quốc gia bệnh hại thực vật Việt Nam; Chủ biên cuốn Năm mươi năm nghiên cứu bệnh hại thực vật Việt Nam 1955-2005; Chủ biên và viết 4 giáo trình bệnh cây đại cương, bệnh cây chuyên khoa và hai giáo trình bệnh cây nông nghiệp v.v…ông có gần 100 bài báo trong nước và cùng các học trò có nhiều bài báo đăng ở nước ngoài.
GS.TS Vũ Triệu Mân và GS Mayama Chủ tịch Hội nghiên cứu
bệnh hại thực vật Nhật Bản tại Hội thảo quốc gia của Hội nghiên cứu
bệnh hại thực vật Nhật Bản tại Nhật Bản tháng 5/2008
Khi nhắc đến GS Vũ Triệu Mân, người ta không chỉ biết đến ông là một nhà nghiên cứu khoa học đã có nhiều công trình khoa học được áp dụng vào thực tế mà còn biết đến ông là một người thầy mẫu mực, một nhà giáo ưu tú tâm huyết với nghề. Ông luôn tận tâm, tận tình với các thế hệ sinh viên, học viên, đến nay ông đã hướng dẫn thành công rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, nhiều học viên bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ và luận án Tiến sĩ. Nhiều học trò một thời ông dìu dắt đã trưởng thành và có vị trí công tác quan trọng trong xã hội, có người đã và đang bước tiếp ông tiếp tục học hỏi vươn lên để đạt trình độ tiên tiến trên thế giới. Không chỉ làm công việc chuyên môn ông còn là một họa sĩ nghiệp dư có nhiều lần tham gia triển lãm mỹ thuật của thủ đô Hà Nội. Ông coi hội họa là hình thức thư giãn một cách giúp cho bản thân nâng cao lòng yêu dân tộc, yêu đất nước.
Chắc hẳn với GS.TS.NGƯT Vũ Triệu Mân, tình yêu với khoa học, với lĩnh vực Bệnh cây và Bảo vệ thực vật không bao giờ phai nhạt, mặc dù hiện nay đã về hưu nhưng ông vẫn giành một tình yêu lớn đối với nghề nghiệp. Ông vẫn tham gia viết và xuất bản nhiều công trình khoa học, hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh làm luận án,Tham gia làm chủ tịch và phản biện nhiều công trình dự án khoa học lớn và có lẽ, trong lĩnh vực bảo vệ thực vật ở nước ta, cái tên “Vũ Triệu Mân” vẫn sẽ được nhắc đến không chỉ hôm nay mà còn mai sau bởi những công trình nghiên cứu ý nghĩa mà ông đã và đang cống hiến cho khoa học, giáo dục nước nhà.
Giải thưởng khoa học và thành tích khoa học tiêu biểu
– Giải A cuộc thi tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (1984 – 1985).
– Huy chương bạc Hội chợ triển lãm kinh tế kỹ thuật toàn quốc 1987.
– Giải 3 cuộc thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (1991).
– Bốn tiến bộ kỹ thuật đươc Hội Đồng Khoa học bộ Nông Nghiệp
– PTNT công nhận với sản phẩm 4 loại kit ELISA chẩn đoán virus Rau và cây ăn quả 2005.
– Cúp vàng Hội chợ triển lãm Kinh tế Kỹ thuật Việt Nam-ASEAN với sản phẩm kit ELISA chẩn đoán 4 bệnh virus hại lúa, năm 2009.
– Bằng Lao động sáng tạo của TCĐ Việt Nam, năm 1985, 1991.
– Nhiều bằng khen cấp Bộ về nghiên cứu khoa học và ứng dụng các kết quả nghiên cứu váo sản xuất, bằng khen của thủ tướng chính phủ về hoạt động khoa học.
– Bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1984.
– Năm 1991 đã được phong hàm Phó Giáo sư.
– Năm 1996 Phong hàm Giáo sư.
– Nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Nguồn: Tấm gương người làm khoa học. Tập 12. H – Hồng Đức, 2015. Trang 266 – 277.