Từ một lời hứa …
Câu chuyện đến với văn học của GS Phạm Đức Dương kể ra cũng rất thú vị như ông vẫn nói, đó là mối duyên phận bắt đầu từ một lời hứa: Tháng 5-1945, ông Phan Anh, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim về thăm quê ở làng Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh), Phạm Đức Dương do học khá nên được chọn vào nhóm đại diện cho học sinh trường Đông Thái đến đón tiếp ông Phan Anh. Trong buổi gặp mặt, ông Phan Anh đã hỏi Phạm Đức Dương rằng:
– Em học Việt văn có giỏi không?
– Thưa ông, tôi học tiếng Pháp khá hơn. Luận văn bằng tiếng Pháp thường được 8-9 điểm, còn tiếng Việt chỉ được 5-6 điểm thôi ạ.
– Bây giờ nước nhà được độc lập, người ta không dùng tiếng Pháp nữa, em nghĩ sao?
– Dạ thưa, được độc lập là sung sướng lắm rồi, em hứa sẽ học giỏi tiếng Việt. [1]
Chỉ là một lời hứa lúc còn là học sinh, nhưng nó lại ăn sâu vào tâm trí của Phạm Đức Dương. Để thực hiện lời hứa của mình, ông đi tìm mượn các sách báo văn học của các thầy dạy văn để đọc. Ông được thầy Quát, một thầy giáo dạy văn cho mượn bộ báo “Ngày nay” của Tự lực Văn đoàn và các sách văn học… và những kiến thức có được đó là “chút vốn” đầu tiên về văn học của ông.
Đến những luận văn ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
Năm 1959, Phạm Đức Dương thi đậu vào Khoa Ngữ văn của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sự yêu thích văn chương trong ông lúc này có điều kiện để phát huy. Ông chăm chỉ đọc sách văn học và viết các tiểu luận về văn học. Như ông kể lại: Lúc đó, nhà trường không bắt buộc các sinh viên phải viết các tiểu luận nghiên cứu. Sinh viên thích thì tự trao đổi với thầy, tự đọc rồi viết để các thầy xem và góp ý, vì thích văn học nên năm nào tôi cũng viết. Năm thứ nhất, khi học chuyên đề văn học dân gian của thầy Đinh Gia Khánh, tôi đã viết “Yếu tố thần linh trong truyện cổ tích-cầu nối giữa hiện thực và ước mơ”. Năm thứ hai, khi học văn học cổ điển, tôi viết “Hình tượng Từ Hải trong truyện Kiều của Nguyễn Du”, và “Cái thanh và cái tục trong thơ Hồ Xuân Hương”. Năm thứ ba, học văn học hiện đại, tôi viết “Cái say của Chí Phèo và cái tỉnh của
Và cuộc chuyển đổi…
Giấc mơ học văn học của Phạm Đức Dương chấm dứt khi Khoa Ngữ văn mở thêm bộ môn Ngôn ngữ học. Đang là một sinh viên đầy triển vọng về văn học, ông chuyển sang học tập và nghiên cứu ngôn ngữ học. Ông cho biết, cuộc chuyển đổi này có hai nguyên nhân lớn: Thứ nhất, đối với ông, ngôn ngữ học là một lĩnh vực mới nên có sức hấp dẫn đặc biệt bởi những khát khao chiếm lĩnh những tri thức mới. Và thứ hai, đó là nhu cầu về đào đạo của Nhà nước, của nhà trường. Khi thành lập bộ môn mới, khoa yêu cầu các sinh viên học khá nên đăng ký vào học ngành mới. Bản thân Phạm Đức Dương là đảng viên, lại học khá nên các thầy cũng muốn ông sang học ngôn ngữ học: Lúc đầu, tôi cũng phân vân nhiều, vì văn học là ngành tôi yêu thích, ngôn ngữ học là ngành mới nên cũng có sức hút riêng. Rồi tác động của những người thầy: thầy Cao Huy Đỉnh muốn tôi theo văn học dân gian, còn thầy Hoàng Phê lại muốn tôi theo ngôn ngữ học. Cuối cùng, tôi quyết định đi theo ngôn ngữ học để khám phá những chân trời mới và cũng làm tròn trách nhiệm của người đảng viên là tuân thủ ý kiến chỉ đạo của cấp trên[3].
Năm 1963, Phạm Đức Dương tốt nghiệp đại học với luận văn “Ngữ âm tiếng Lào hiện đại”, đây cũng là công trình đầu tiên của ông về ngôn ngữ học, và là mốc mở đầu của ông trong một lĩnh vực nghiên cứu mới. Tuy nhiên, đây cũng là sự "kết thúc" mối duyên của ông với văn học, dù ông vẫn dành những quan tâm cho văn học.
Sau đó, Phạm Đức Dương về công tác tại Ban Ngữ âm-Ngôn ngữ dân tộc, Viện Ngôn ngữ học. Năm 1967, ông được cử đi thực tập sinh về ngôn ngữ học thực nghiệm ở Liên Xô. Là thực tập sinh nhưng trong quá trình học tập, với những tri thức tích lũy trong gần mười năm chiến đấu ở Lào và quá trình học tập, công tác tại Viện Ngôn ngữ học, ông cố gắng viết luận án như một nghiên cứu sinh và đề xuất với Viện Phương Đông, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô giúp đỡ và tạo điều kiện cho ông bảo vệ Phó Tiến sĩ. Năm 1970, ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Ngôn ngữ học thực nghiệm với đề tài “Hệ thống thanh điệu và thanh phổ của nguyên âm tiếng Lào hiện đại (tài liệu thực nghiệm)”. Về nước, ông cứ nghĩ rồi mình sẽ tiếp tục công việc đã làm trong mười năm qua là nghiên cứu ngôn ngữ học nhưng…
Năm 1973, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, GS.VS Nguyễn Khánh Toàn thành lập Ban Nghiên cứu Đông Nam Á. Đây là một ban nghiên cứu liên ngành nên cần có nhiều nhà khoa học ở các chuyên ngành khác nhau. Khi Phạm Đức Dương về nước, ông được phân sang Ban nghiên cứu Đông Nam Á công tác. Từ đó, nhiệm vụ chính của ông là nghiên cứu và xây dựng ngành Đông Nam Á học Việt
TS Phạm Đức Dương trình bày tham luận tại hội thảo khoa học, 1985
Chân dung một nhà Đông
GS.TS Phạm Đức Dương là người có nhiều đóng góp lớn trong việc xây dựng ngành Đông Nam Á học Việt
Trên phương diện quản lý, nếu như nói GS.VS Nguyễn Khánh Toàn là người khai sinh ra lĩnh vực nghiên cứu Đông Nam Á thì Phạm Đức Dương là người thực hiện những ý tưởng của người đi trước như Nguyễn Khánh Toàn, Cao Huy Đỉnh…, là người lãnh đạo quá trình xây dựng ngành, như ông đã tổng kết lại[4]:
Xây dựng một Viện Nghiên cứu Đông Nam Á lớn mạnh cả về cơ sở vật chất, nhân lực đến hệ thống tư liệu, hệ thống đề tài nghiên cứu. Đồng thời đã mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực về nghiên cứu khoa học. Vậy nên sau 40 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Đông Nam Á đã đứng vững và có nhiều uy tín trong nghiên cứu khoa học.
Xây dựng một ngành học về Đông Nam Á trong trường đại học để đào tạo cán bộ nghiên cứu Đông Nam Á học, bắt đầu từ bộ môn Đông Nam Á học ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó đến một số trường đại học. Ông còn tham gia giảng dạy, đào tạo cán bộ Đông Nam Á học tại nhiều trường đại học, viện nghiên cứu.
Xây dựng Hội Nghiên cứu khoa học Đông Nam Á Việt Nam (SEARAV) gồm hàng chục Viện nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu khoa học để tập hợp các nhà khoa học nghiên cứu về Đông Nam Á, cùng chia sẻ, truyền bá kiến thức khoa học về Đông Nam Á.
Cùng với GS.TSKH Nguyễn Duy Quý, nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), GS Phạm Đức Dương có kế hoạch xây dựng Trường Đại học Đông Nam Á. Bởi là một ngành lớn, một liên ngành trong nghiên cứu khu vực học thì việc cần có một cơ sở đào tạo đại học nhằm cung cấp cán bộ chuyên sâu bổ sung cho các cơ sở nghiên cứu, theo ông là hết sức cần thiết. Tiếc rằng, khi ông từ giã cuộc đời công việc này vẫn còn dang dở…
Trên phương diện nghiên cứu-học thuật, GS Phạm Đức Dương là một nhà nghiên cứu Đông Nam Á theo đúng nghĩa của nó. Nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh, một nhà khoa học nổi tiếng, Trưởng ban tiền nhiệm của Phạm Đức Dương ở Ban Đông Nam Á là một nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian, ông không nghiên cứu chuyên sâu về Đông Nam Á học. Còn đối với Phạm Đức Dương, bên cạnh việc chỉ đạo, quản lý xây dựng và phát triển ngành, ông còn là một nhà nghiên cứu Đông Nam Á học uy tín. Ông là tác giả nhiều cuốn sách nghiên cứu về Đông Nam Á, chủ biên và đồng tác giả của hàng chục công trình xuất bản khác trong lĩnh vực này. Những thành công của ông trong nghiên cứu Đông Nam Á có thể khái quát ở một số điểm nổi bật:
Thứ nhất, Phạm Đức Dương góp phần hoàn chỉnh lại nhận thức khoa học về Đông Nam Á, đưa Đông Nam Á không chỉ đơn thuần là một khu vực địa lý, một khu vực kinh tế, mà là một thực thể không tách rời cả không gian lẫn thời gian. Nghiên cứu Đông Nam Á của Phạm Đức Dương là nghiên cứu khu vực học. Trước đó, các nghiên cứu về các nước Đông Nam Á bị bó hẹp trong không gian của một quốc gia, một nền văn hóa. Phạm Đức Dương có đóng góp lớn trong việc đưa Đông Nam Á thành một đối tượng nghiên cứu để nhìn nhận những mối quan hệ mật thiết của các nước trong khu vực, đặt những vấn đề nghiên cứu đó trong bối cảnh chung của khu vực.
Thứ hai, Phạm Đức Dương là người đặt Đông Nam Á vào vị trí một bức tranh chung về ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử, dưới tác động của hai nền văn minh lớn là văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ. Những nghiên cứu của ông không tách rời các nền văn hóa, nhưng cũng không phải nhìn nhận chung chung về các nền văn hóa riêng biệt. Ông nghiên cứu các vấn đề cụ thể, nhưng đặt những vấn đề đó trong bối cảnh chung của cả khu vực.
Những nghiên cứu của Phạm Đức Dương hướng vào các chủ đề về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ Đông Nam Á. Trong đó, ông cố gắng tìm hiểu để giải mã tâm thức của chủ thể nền văn hóa mà ông nghiên cứu, và ông không tách những quan hệ, hệ quả hay mối liên hệ của các nền văn hóa trong quá trình giải mã tâm thức chủ thể nền văn hóa đó.
Thứ ba, Phạm Đức Dương đã đặt các nền văn hóa khác nhau như Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia trong một bối cảnh chung, bức tranh chung của khu vực Đông Nam Á để phân tách các đặc trưng văn hóa. Trong quan điểm của ông không tồn tại một nền văn hóa tách biệt, không liên quan với các nền văn hóa khác trong khu vực. Hay nói cách khác, Phạm Đức Dương đã đặt các nền văn hóa khác nhau trong khu vực Đông Nam Á bên cạnh nhau, trong bối cảnh lịch sử và các mối quan hệ với nhau để xem xét.
Cuối cùng, Phạm Đức Dương là người có đóng góp lớn trong việc xây dựng phương pháp nghiên cứu liên ngành trong nghiên cứu khu vực học để nghiên cứu về Đông Nam Á. Bởi như ông nói, chỉ có phương pháp liên ngành mới có thể nhìn nhận được Đông Nam Á một cách toàn diện, và nghiên cứu khu vực học không thể tách rời phương pháp nghiên cứu liên ngành.
Đến với Đông Nam Á học không phải là sự lựa chọn ban đầu, mà trải qua nhiều bước chuyển đổi, nhưng GS.TS Phạm Đức Dương đã có nhiều đóng góp lớn. Như chính ông vẫn nói: “Trong cuộc sống, con người ta chỉ có thể chọn cho mình một cái nghề để sống, còn cái nghiệp nhiều khi nó chọn người. Dù “bất đắc dĩ”, nhưng khi dấn bước vào nghiệp nếu mình có tâm huyết và cố gắng thì vẫn có những đóng góp đích đáng”.
Bùi Minh Hào