Nhà khoa học – Chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ mô phỏng

Những sản phẩm này được sử dụng rộng rãi và được nhiều cơ quan lớn trong và ngoài quân đội đặt hàng sản xuất. Thành công của nhiều đề tài trong lĩnh vực công nghệ mô phỏng đã góp phần tăng cường khả năng huấn luyện, làm chủ trong khai thác sử dụng phương tiện và tiết kiệm chi phí cho hoạt động đào tạo. PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam nguyên là Phó Giám đốc kiêm Bí thư Chi bộ Trung tâm Công nghệ Mô phỏng, Học viện Kỹ thuật Quân sự. 

PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam sinh ngày 19 tháng 7 năm 1952 trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Đỗ Khê, xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Khi ông nội mất sớm, bà nội ông không có một miếng đất cắm dùi, phải mang bố ông đi theo và làm thuê làm mướn mãi tận Hà Nội. Khi bà ông làm thuê ở chùa Tự Khoát, bố ông được nhà sư chủ trì của chùa quý mến và đã cho bố ông ăn ở rồi gửi đi học làm nghề thuốc đông y. Thời kỳ Cách mạng tháng tám 1945, bố ông về quê tham gia cách mạng và là Xã Đội trưởng. Hòa bình bố ông được điều lên Hà Nội công tác. Ở Hà Nội, bố ông vừa làm việc vừa tranh thủ học thêm văn hóa và nâng cao trình độ chuyên môn.  Bố ông luôn giáo dục các con về ý thức độc lập và tinh thần ham học.  Năm 1965, chiến tranh lan rộng ra miền Bắc, cả Hà Nội đi sơ tán. Học hết lớp 5, cậu bé Nguyễn Hoàng Nam được bố cho sơ tán về quê tiếp tục học tập. Đang sống ở thành phố đầy đủ tiện nghi, nay về nông thôn với biết bao thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần đã làm cậu đôi khi buồn và nhớ bạn bè, nhớ phố phường. Tuy vậy chỉ sau một thời gian, được sự chăm sóc của mẹ và bà con làng xóm, cậu đã nhanh chóng quen dần với cuộc sống thôn quê. Ngoài những buổi đi học, cậu chăm chỉ giúp mẹ nấu cơm, quét dọn nhà cửa, phơi thóc, cắt cỏ làm phân xanh. Trong hoàn cảnh chiến tranh phải sơ tán theo trường theo lớp, cuộc sống phải tự lập, nên sau giờ làm cậu luôn giành thời gian còn lại để học bài. Năm 1970, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học tại trường cấp 3 Bình Lục, Nguyễn Hoàng Nam thi vào trường Đại học Sư phạm Ngoại Ngữ. Những năm đầu chiến tranh, Nhà nước ta huy động các thanh niên vào quân ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy vậy những cậu sinh viên đang học đại học được ưu tiên tiếp tục học, chưa cần huy động tới. Nhưng mới học dở năm thứ 2 của trường Đại học Sư phạm Ngoại Ngữ, chiến tranh ngày càng trở nên ác liệt hơn, theo tiếng gọi của Tổ quốc, lứa sinh viên thế hệ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm… ngày ấy lần lượt xếp lại bút nghiên, lên đường nhập ngũ.

Sinh viên khoa Nga (ĐHSPNN) trước khi lên
đường nhập ngũ, năm 1972 (Nguyễn Hoàng Nam
hàng đầu thứ 2 từ phải sang)

Vào bộ đội, anh binh nhì Nguyễn Hoàng Nam phục vụ ở đại đội 4, tiểu đoàn 616, Sư đoàn bộ binh 338. Chủ trương của quân đội lúc đó là điều động bổ sung những người lính sinh viên đại học vào các binh chủng kỹ thuật.  Và thế là Nguyễn Hoàng Nam được chuyển về Binh chủng Tăng – thiết giáp. Những năm tháng trong quân ngũ miệt mài học tập và chiến đấu nhưng đôi khi người lính trẻ ấy cũng có những suy nghĩ trăn trở của đời thường đó là: chiến đấu thì sống chết không biết thế nào, nhưng khi hòa bình còn sống trở về mà không có nghề thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Do vậy, ở đơn vị ông miệt mài làm việc và hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà cấp trên giao phó với mong muốn có một nghề chắc chắn trong tay. Ở Binh chủng Tăng-Thiết giáp ông theo học lớp trưởng xe, rồi được chuyển học tiếp lớp Kỹ thuật viên đại đội. Lúc bấy giờ các nước bạn  viện trợ cho nước ta các vũ khí hiện đại như tên lửa, máy bay, tầu chiến, xe tăng…, Quân đội cần tuyển chọn và đào tạo những người có trình độ chuyên môn, biết khai thác, sử dụng trang bị vũ khí hiện đại này. Một số chiến sĩ (là sinh viên nhập ngũ) được tuyển chọn, đưa lên trường Văn hóa Lạng Sơn để ôn tập và thi tuyển, trong đó có Nguyễn Hoàng Nam. Ông lại tích cực ôn luyện và trúng tuyển đi học nước ngoài và trở thành học viên của Học viện xe tăng Malinopski tại Matxcơva thuộc Liên Xô cũ. Khi được ra nước ngoài học, ông sung sướng tưởng mình nằm mơ, nhưng khi phải vật lộn với các tài liệu vũ khí xe tăng bằng tiếng Nga thì ông nản quá, lại ước được về nước cầm súng còn hơn cày đống tài liệu khó nhằn này. Những năm tháng nơi đây, trải qua giá rét có khi tới âm 20-30 độ, tê tái chân tay, mặt mũi, cùng với nỗi nhớ quê hương da diết, ông vẫn miệt mài học tập. Sau 5 năm học tập ông đã tốt nghiệp loại xuất sắc (bằng đỏ), lúc đó các thầy ở trường cũng như lãnh đạo ở trong nước có ý kiến cho phép ông tiếp tục làm nghiên cứu sinh, nhưng ông xin về nước làm việc. Về nước, ông được điều động về công tác tại Học viện Kỹ thuật Quân sự. Tại đây ông làm công tác giảng dạy từ năm 1978-1987. Trong những năm này, ngoài nhiệm vụ giảng dạy ở trường, ông còn được phân công làm nhiều nhiệm vụ khác. Cuối năm 1979 ông được biệt phái về sư đoàn bộ binh cơ giới 308 với nhiệm vụ phiên dịch và tham gia giảng dạy loại khí tài mới vừa được trang bị cho đơn vị. Năm 1980 ông được giao nhiệm vụ đi phiên dịch cho lớp bổ túc cán bộ cao cấp học ở Liên xô.  Năm1987 thầy giáo Nguyễn Hoàng Nam trở lại Liên xô và làm nghiên cứu sinh tại Đại học Bách khoa Minsk nước Cộng hòa Belarus. Ông đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ (1991) chuyên ngành Cơ khí chế tạo máy. Nơi đây, ngoài thời gian học tập, nghiên cứu Nguyễn Hoàng Nam đã tham gia nhiều hoạt động xã hội, ông được bầu là Bí thư Chi bộ, Bí thư Thành đoàn Lưu học sinh Việt Nam học tại thành phố Minsk. Cuối năm 1991 TS Nguyễn Hoàng Nam về nước tiếp tục làm việc tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
 
Nhà khoa học thành công với nhiều đề tài trong lĩnh vực mô phỏng

Sau khi hoàn thành Luận án Tiến sĩ, Nguyễn Hoàng Nam cũng có những băn khoăn, trăn trở và loay hoay với việc định hướng nghiên cứu, định hướng học thuật của mình… Những năm 1973-1975 khi còn đang theo học tại Học viện Tăng – Thiết giáp Matscơva (ở Liên xô cũ) PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam có nhiều dịp được tiếp xúc với các đồng chí lão thành cách mạng (được Đảng và Nhà nước cử đi học) ở Học viện xe tăng. Trong những buổi giao lưu với các chú, các bác, ông nhớ mãi câu nói của một đồng chí lão thành: “Đời chúng tớ không dám nghĩ sản xuất chế tạo xe tăng, xe chiến đấu… đến các cậu chúng tớ cũng không nghĩ sản xuất được vì vậy nên tập trung vào nghiên cứu khai thác sử dụng thiết bị vũ khí cho thật tốt…”. Tiếp thu ý kiến của các chú, các bác là những người đi trước từng trải trong thực tiễn, Nguyễn Hoàng Nam đã trăn trở và suy nghĩ nhiều để tìm cho mình một hướng nghiên cứu. Nhớ tới những lời khuyên bảo của thế hệ đi trước, Nguyễn Hoàng Nam đã nhiều năm đi thực tế ở đơn vị, tìm hiểu những khó khăn ở đơn vị. Qua kết quả khảo sát ở đơn vị, ông nhận thấy rằng, vào thời bình, trong quân đội ta đa phần các loại trang bị vũ khí được đưa vào bảo quản niêm cất. Hầu hết các đơn vị chỉ dùng một số lượng trang bị vũ khí nhất định để phục vụ cho công tác huấn luyện chiến đấu.

 

PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam được biệt phái về
sư đoàn 308 tham gia huấn luyện trang bị vũ khí mới

Để tăng thời gian huấn luyện sử dụng vũ khí, ở các đơn vị, nhà trường thường được trang bị thêm các thiết bị tập. Tuy vậy các thiết bị tập này rất nghèo nàn và đơn điệu. Chúng có nhược điểm chung: Đó là những thiết bị “ chết”, giữa các cơ cấu điều khiển với người học không có sự liên hệ ngược (tín hiệu phản hồi). Và vì thế trong quá trình tập, luôn luôn phải có giáo viên hướng dẫn bên cạnh để nhận biết và chỉ ra các thao tác sai của người tập. Cũng từ đây, ông thấy cần phải khắc phục những nhược điểm trên bằng cách ứng dụng công nghệ mô phỏng. Ở nước ngoài Công nghệ mô phỏng không xa lạ, nhưng hoàn toàn  mới mẻ tại Việt Nam, vì trước đó ít có ai nghiên cứu và ứng dụng. Các thiết bị tập với ứng dụng công nghệ mô phỏng có những ưu điểm cơ bản như: Giảm bớt được nhịp độ và số lần tập trên thiết bị thực, song vẫn đảm bảo chất lượng huấn luyện, giảm khả năng ô nhiễm môi trường; Nâng cao hiệu quả kinh tế-kỹ thuật; Đảm bảo tính an toàn cao, tránh được các trường hợp nguy hiểm  mà trong thực tế thường xẩy ra, khắc phục được nhược điểm của các thiết bị tập cũ và tạo cho học viên sự hứng thú trong tập luyện. Một trong những ưu điểm nổi bật, đó là thiết bị do ta thiết kế, chế tạo sẽ rẻ hơn rất nhiều so với thiết bị của nước ngoài. Ông đã định hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ mô phỏng, thiết kế chế tạo những thiết bị mô phỏng phục vụ cho công tác huấn luyện bộ đội ở các đơn vị, nhà trường. Ông tập trung một nhóm nghiên cứu thực hiện ý tưởng trên và đã đạt được nhiều thành công, cải thiện rõ rệt chất lượng huấn luyện học viên tại nhiều cơ sở đào tạo. PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam là người chủ trì nhiều đề tài cấp Học viện, cấp Binh chủng, cấp Bộ (bộ Quốc phòng, Bộ KH&CN)… tiêu biểu như: Chủ trì đề tài cấp cơ sở “Nghiên cứu thiết kế chế tạo cabin huấn luyện bắn súng pháo trên xe tăng có ứng dụng công nghệ mô phỏng (1998)”; Chủ trì Đề tài nhánh của KC 01.09B Cấp nhà nước “Nghiên cứu nâng cao chất lượng bộ luyện bắn súng pháo trên xe tăng có ứng dụng công nghệ mô phỏng” do Giáo sư, TSKH Phạm Thế Long làm chủ nhiệm đề tài (2001); Chủ trì Đề tài nhánh của KC 01.07 Cấp nhà nước “Nghiên cứu thiết kế chế tạo cabin huấn luyện lái xe tăng có ứng dụng công nghệ mô phỏng” do PGS.TS Nguyễn Đức Luyện chủ nhiệm đề tài (2003); Chủ trì đề tài cấp bộ “Nghiên cứu thiết kế hệ thống tự động kiểm tra bài lái tổng hợp huấn luyện lái xe tăng bộ đội tăng thiết giáp (2002)”; “Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tự động kiểm tra bài lái tổng hợp huấn luyện lái xe tăng bộ đội tăng thiết giáp (2004)”; Chủ trì đề tài cấp cơ sở “Nghiên cứu thiết kế hệ thống mô phỏng huấn luyện bắn súng bộ binh (2009)”; Đồng Chủ nhiệm Đề tài Cấp Bộ “Nghiên cứu làm chủ và phát triển công nghệ nền phục vụ cho việc phát triển hệ thống mô phỏng huấn luyện bắn súng bộ binh nhẹ (2010)”…

Chuyển giao công nghệ thiết bị mô phỏng
phục vụ nhiệm vụ huấn luyện cho các đơn vị

Ngoài ra PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam cũng tham gia nhiều đề tài cấp ngành, cấp Binh chủng, cấp bộ (Bộ Quốc phòng, Bộ KH&CN) khác như: Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống phần mềm của thiết bị mô phỏng huấn luyện lái xe tăng taị trường sĩ quan Tăng thiết giáp, do PGS.TS Nguyễn Việt Hùng (Trường SQ TTG) chủ trì (2003); Ứng dụng công nghệ mô phỏng, nghiên cứu thiết kế cabin huấn luyện kíp chiến đấu trên pháo tự hành SU-152, do Binh chủng Pháo binh chủ trì (2006); Nghiên cứu thiết kế và chế tạo cabin huấn luyện kíp chiến đấu trên SU-152 có ứng dụng công nghệ mô phỏng do Thiếu tướng, Tư Lệnh Binh chủng pháo binh chủ nhiệm; Ứng dụng công nghệ mô phỏng, nghiên cứu thiết kế hệ thống mô phỏng huấn luyện chiến thuật cấp phân đội cho bộ đội tăng thiết giáp (2011-2012)… Các công trình ứng dụng công nghệ mô phỏng của PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam được ứng dụng nhiều trong thực tế; ông là người chủ trì thực hiện nhiều công trình theo đơn đặt hàng của Bộ quốc phòng và các đơn vị (trường dạy nghề Quảng Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Tổng cục xây dựng lực lượng CAND) như: Thiết kế lắp đặt các thiết bị trên sa bàn địa- vật lý mô phỏng 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không tại bảo tàng B-52 Hà Nội (1997); Ứng dụng công nghệ mô phỏng, Chế tạo thiết bị mô phỏng tập bắn súng pháo trên xe tăng được thực hiện theo đặt hàng của Bộ Quốc phòng để cung cấp cho các nhà trường thuộc binh chủng Tăng – Thiết giáp, các đơn vị thuộc quân khu, quân đoàn; Ứng dụng công nghệ mô phỏng, Sản xuất thiết bị mô phỏng tập bắn súng pháo trên xe chiến đấu bộ binh cơ giới BMP-1 phục vụ huấn luyện ở các trường và đơn vị bộ binh cơ giới; Sản xuất thiết bị mô phỏng huấn luyện tập bắn tên lửa chống tăng B-72; Xây dựng phòng mô phỏng chuyên dụng phục vụ giảng dạy chuyên ngành xe máy phục vụ giảng dạy và huấn luyện ở đơn vị và nhà trường; Thiết kế chế tạo 03 cabin mô phỏng huấn luyện lái xe ô tô theo đặt hàng của trường cao đẳng dạy nghề Quảng Ninh; Nâng cấp phần mềm cabin mô phỏng huấn luyện lái tầu sông của trường trung cấp dạy nghề Phú Thọ; Cải tiến và nâng cấp cabin mô phỏng huấn luyện lái tầu sông của trường cao đẳng dạy nghề Hàng Giang Hải Dương; Thiết kế chế tạo cabin mô phỏng huấn luyện lái phương tiện thủy nội địa theo đặt hàng của Tổng cục xây dựng lực lượng Công an Nhân dân và nhiều thiết bị tương tự khác.

Theo hướng nghiên cứu của mình PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam cũng công bố nhiều các bài báo và báo cáo điển hình trên Tạp chí Khoa học kỹ thuật quân sự, Tạp chí Trang bị và kỹ thuật, các Hội nghị khoa học trong nước và quốc tế như: Tính toán cơ số sẵn sàng chiến đấu cho xe tăng; Phương pháp xác định số lượng xe để khảo sát; Về hiện tượng cháy ly hợp chính xe tăng T55; Xác định chu kỳ bảo dưỡng kỹ thuật xe; Phương pháp xác định định mức khai thác xe quân sự; Thiết bị tập bắn súng pháo trên xe tăng; Xây dựng và ứng dụng công cụ quản lý các đối tượng quân sự trên bản đồ 2D; Thiết bị huấn luyện bắn pháo súng trên xe tăng với phương pháp  giảng dạy; Phương pháp đánh giá khả năng làm việc của lốp xe…; Nghiên cứu thiết kế bộ tạo rung sóc…; Các mô hình mô phỏng sự tương tác giữa bộ phận vận hành của xe bánh hơi với nền đường; Công nghệ mô phỏng và ứng dụng trong huấn luyện bộ đội pháo binh hiện nay… Trong nghiên cứu, chế tạo các thiết bị mô phỏng, PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam đã bám sát giáo trình, tài liệu huấn luyện, tạo ra các tình huống sát với thực tế để người tập xử lý. Đây là một yếu tố quan trọng giúp người tập thao tác thành thục và xử lý tốt những tình huống mà trong thực tế chiến đấu có thể xẩy ra. Trung tâm công nghệ mô phỏng do PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam trực tiếp phụ trách đã tập trung xây dựng những hệ thống mô phỏng bán tự nhiên phục vụ huấn luyện. Những hệ thống này có nội thất giống hoặc gần giống với khí tài thật với phần mềm mô phỏng địa hình ba chiều sống động. Đài truyền hình Việt Nam trong chương trình khoa học và công nghệ phát sóng trên VTV2 đã nhận định: “Đây là một trong những thành công trên lĩnh vực nghiên cứu cải tiến thiết bị huấn luyện theo hướng hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác huấn luyện trong quân đội”. Từ trước năm 1999, PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam đã thực hiện thành công các đề tài ứng dụng công nghệ mô phỏng. Ông tâm sự: “khó khăn nhất là lúc bắt đầu đăng ký xây dựng hệ thống vì lúc trước cũng có nhiều nhà khoa học đăng ký xây dựng hệ thống tương tự nhưng theo giải pháp khác và không thành công. Khi mình đăng ký nghiên cứu, nhiều lãnh đạo đã khuyên nên chọn hướng khác vì sợ không thành công”. Ông họp nhóm và quyết tâm làm. Khó khăn nhất trong giai đoạn đó là phần mềm, dựng địa hình, có mục tiêu động, khi bắn có hiệu ứng khói lửa, hiệu ứng mục tiêu bị tiêu diệt… đồng thời ông cũng tích cực liên hệ với Binh chủng tổ chức hội thảo, báo cáo… và cuối cùng ông cùng nhóm nghiên cứu đã thành công để triển khai đưa đề tài vào ứng dụng. Năm 1999 khi Học viện Kỹ thuật Quân sự thành lập Trung tâm công nghệ mô phỏng (nay là Viện Mô phỏng) ông đã được lãnh đạo đơn vị tín nhiệm đề bạt làm Phó Giám đốc Trung tâm.

Giới thiệu chuyên đề “Ứng dụng công nghệ mô phỏng
trong quân sự” với bạn Lào, năm 2010

Đề tài Nghiên cứu thiết kế chế tạo cabin huấn luyện bắn súng pháo trên xe tăng có ứng dụng công nghệ mô phỏng do PGS. TS Nguyễn Hoàng Nam Chủ trì đã được nghiệm thu năm 1998. Trong những năm 1999-2006 ông và các cộng sự của mình tiếp tục đưa ra phiên bản mới ứng dụng những công cụ mô phỏng hình ảnh 3D tiên tiến. Thiết bị này được sử dụng ở nhiều đơn vị như: Binh chủng Tăng- thiết giáp; Quân khu 4, Quân khu 9; Quân đoàn 1, Quân đoàn 3… Trong quá trình vận hành các thiết bị mô phỏng tại các đơn vị, PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam và nhóm thiết kế chế tạo của ông thường xuyên theo sát và có nhiều đề nghị đối với đơn vị sử dụng để có thể thường xuyên bảo dưỡng, bảo trì thiết bị nhưng do nguồn ngân sách hạn chế, việc thực hiện nhiều khi chưa được như mong đợi. Năm 2010 -2011, PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam được cử sang nước bạn Lào giúp xây dựng Học viện Kỹ thuật Quân sự. Ở đây, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ mà cấp trên giao cho (như xây dựng chương trình đào tạo, các giáo trình, tài liệu, công tác đảm bảo cơ sở vật chất  phục vụ cho công tác giảng dạy một số chuyên ngành), theo yêu cầu của bạn, ông đã giới thiệu với bạn chuyên đề “Ứng dụng Công nghệ mô phỏng trong quân đội” Với mong muốn giáo dục cho các cháu thiếu nhi ý thức tham gia giao thông từ bé góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông, PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam và nhóm nghiên cứu của mình đã cho ra đời sản phẩm “Hệ thống mô phỏng giáo dục giao thông cho trẻ em”. Sản phẩm đã lọt vào vòng Chung khảo của Cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2013. Năm 2014, PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam tiếp tục cùng nhóm nghiên cứu thiết kế, chế tạo Hệ thống mô phỏng huấn luyện điều khiển phương tiện thủy nội địa cho ngành cảnh sát đường sông – Bộ Công an và hiện ông cùng nhóm nghiên cứu đang tiến hành triển khai lắp ráp.

Người thầy giáo Quân đội nhân dân Việt Nam

Là người thầy giáo giảng dạy và đào tạo ở trình độ cao trong quân đội nhân dân Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam đã tiến hành đi sâu nghiên cứu về chuyên môn như: Xây dựng và hoàn thiện chương trình môn học, từng bước biên soạn giáo trình tài liệu, qui chuẩn nội dung và học trình môn học. Nghiên cứu xây dựng hệ thống thiết bị phục vụ cho việc nâng cao chất lượng huấn luyện bộ đội trong nhà trường và ở các đơn vị. Ông tham gia giảng dạy các môn học: Khai thác trang bị Tăng-Thiết giáp; Vật liệu sử dụng trên xe quân sự; Khai thác trang bị ôtô máy kéo… Khi ông làm Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ mô phỏng thuộc Học viện Kỹ thuật Quân sự, ông có nhiều điều kiện hơn, giành nhiều thời gian nghiên cứu thực hiện những ý tưởng của ông nhằm nâng cao chất lượng trong huấn luyện, đào tạo những người lính có trình độ khai thác, sử dụng trang bị vũ khí tốt, tinh nhuệ trong chiến đấu. Tuy vậy khi được hỏi và tâm sự với ông, chúng tôi nhận thấy mặc dù phải rời khỏi khoa, bộ môn chuyên ngành, ông vẫn tiếp tục giảng dạy, truyền đạt những kiến thức của mình cho thế hệ sau.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam nhận Giải thưởng Sáng tạo
Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC), năm 2006

PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam cũng là Chủ biên của nhiều đầu sách giáo trình, tài liệu phục vụ công tác đào tạo như: Khai thác trang bị ôtô- tăng thiết giáp (NXB Học viện KTQS, 1992); Hướng dẫn làm đồ án tốt nghiệp môn học Khai thác xe quân sự (NXB Học viện KTQS, 1996); Vật liệu sử dụng trên xe quân sự (NXB Quân đội nhân dân, 2001); Cơ sở khai thác xe quân sự- tập 1 (NXB Học viện KTQS, 2004); Cơ sở khai thác xe quân sự.- tập 2 (NXB Học viện KTQS, 2003)… Tham gia nhiều hội đồng bảo vệ Luận án; PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam cũng có những trăn trở về các đề tài của Nghiên cứu sinh; rất nhiều đề tài mang tính thực tiễn bắt nguồn từ nhu cầu xã hội nhưng khi làm xong thì ứng dụng lại hạn chế. Thông thường trong kết luận của đề tài, tác giả có đề xuất sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp để ứng dụng, nhưng rất tiếc là ít người làm được. Quan điểm của ông làm khoa học phải làm đến cùng và sống chết với khoa học. Với những đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và huấn luyện bộ đội, PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý. Về sản phẩm huấn luyện bắn súng pháo trên xe tăng ứng dụng công nghệ mô phỏng, ông được cấp Giấy chứng nhận “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật” của Học viện-số 21/SK97; Giấy chứng nhận “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật” của Bộ quốc phòng năm 1997-1998; Bằng khen của Bộ Quốc phòng về sáng kiến cải tiến kỹ thuật (1999). Ông được nhà nước phong chức danh Phó giáo sư (2002); Huân chương chiến công hạng nhất (2004); Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt  Nam (Vifotech, 2006); Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (2006); Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ của Bộ KH&CN (2007); Huân chương Hữu nghị của Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (2011)… Hiện PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam đã nghỉ công tác quản lý, nghỉ hưu theo chế độ; ông dành nhiều thời gian hơn cho công tác nghiên cứu, nhiều nhà nghiên cứu trẻ đã cộng tác với ông để cùng thực hiện các đề tài, dự án. Ông tâm sự: “các bạn trẻ tiếp cận tốt các công cụ phần mềm, công nghệ thông tin và mong muốn mình hỗ trợ về kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ mô phỏng. Một số anh em trong đơn vị có đam mê về các hướng mình đang làm và chủ động cộng tác cùng với mình tìm hướng nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực giáo dục đào tạo trong và ngoài quân đội, làm ra những sản phẩm được xã hội chấp nhận”. Thành công với rất nhiều đề tài trong lĩnh vực công nghệ mô phỏng, PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam và nhóm nghiên cứu đã góp phần tạo ra những hệ thống, thiết bị mô phỏng cho phép giảm nhiều thời gian tập luyện trên thiết bị thật, tiết kiệm được kinh phí huấn luyện, nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn.
 
Gần hai chục năm nghiên cứu và tạo ra các thiết bị mô phỏng, PGS.TS Nguyễn Hoàng Nam tự hào mình là một trong những người đặt nền móng và phát triển ứng dụng công nghệ mô phỏng tại Việt Nam.

Nguồn: Tấm gương người làm khoa học. Tập 12. H – Hồng Đức, 2015. Trang 296 – 310.