Ứng dụng từ các đề tài của ông cũng góp phần cải thiện đời sống cho nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương. PGS.TS Lưu Đàm Cư nguyên Phó trưởng phòng Tài nguyên thực vật, Trưởng phòng Thực vật dân tộc học (Viện Sinh thái-Tài nguyên sinh vật), Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
PGS.TS Lưu Đàm Cư sinh ngày mùng 8 tháng 3 năm 1954 trong một gia đình đông con (6 anh chị em) làm nghề đông y và làm ruộng tại xã Trực Nghĩa, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Tiền khởi nghĩa, bố ông là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã Trực Nghĩa, năm 1960 cụ làm Phó Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, trưởng ban công tác Mặt trận xã; Từ năm 1965 cụ tham gia Hội Đông y huyện Trực Ninh và trước khi mất giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Đông y huyện. Cuộc sống của gia đình đông con ở nông thôn rất khó khăn về kinh tế nhưng bố mẹ vất vả cho con đi học, mong muốn một cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn. Cả 6 anh chị em ông đều được ăn học nên người, các anh các chị đều được học hết cấp 2 (khi đó là lớp 7) rồi học trung cấp theo nghề Y hay học đại học và công tác ở các cơ quan Y tế, thương mại ở Nam Định. Là con út, Lưu Đàm Cư có nhiều điều kiện được ăn học hơn các anh chị của mình. Những năm ấu thơ ngoài những buổi đi học, ông lại phụ giúp gia đình làm thuốc, làm đồng. Năm 1970 tốt nghiệp THPT, Lưu Đàm Cư dự thi khối A vào đại học Tổng hợp Hà Nội, ngày ấy nhà trường chưa tuyển chọn chuyên ngành nên khi thi đỗ, cậu được nhà trường xếp vào khoa Sinh vật niên khóa (1970-1975). Tuổi thơ cậu gắn bó với môi trường ruộng đồng, thiên nhiên và thích trồng cây; do vậy ở khoa sinh vật, cậu xin vào Bộ môn sinh lý thực vật liên quan đến đời sống của cây. Học tập, nghiên cứu và đi sâu vào tìm hiểu về cây trồng đã dần hình thành tình yêu thiên nhiên trong cậu. Năm 1975 Lưu Đàm Cư tốt nghiệp ĐH Tổng Hợp Hà Nội chuyên ngành Thực vật học với thành tích học tập tốt cậu được cán bộ tổ chức của Ủy ban khoa học kỹ thuật nhà nước đến tìm hiểu nhận về công tác. Nhớ lại ngày ấy, PGS.TS Lưu Đàm Cư cho biết: “tâm lý lúc đó cũng run lắm vì mình ở nông thôn ra, cứ hình dung về Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước gặp toàn những nhà khoa học lớn thì không biết sẽ làm việc như thế nào”. Năm 1975, Lưu Đàm Cư về công tác tại Tổ Tài nguyên thực vật, tiền thân của Phòng Tài nguyên thực vật, Viện Sinh vật học sau này. Nơi đây ông đi sâu vào nghiên cứu giá trị của thực vật, sử dụng được chuyên môn sâu và mở rộng thêm ra được nhiều lĩnh vực mới.
Năm 1980 Lưu Đàm Cư thi đỗ nghiên cứu sinh, ông làm luận án TS (trước đây là Phó tiến sỹ) tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (Matxcơva), sau khi tốt nghiệp về nước ông tiếp tục công tác tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật với chức danh nghiên cứu viên, rồi Phó Trưởng phòng Tài nguyên thực vật (1990); Trưởng phòng Thực vật dân tộc học (2000). Từ năm 2006 đến 2014, PGS. TS Lưu Đàm Cư được điều về công tác tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam) với chức vụ Phó Giám đốc và kiêm nhiệm Trưởng phòng Sinh học, Trưởng phòng Quản lý Bộ sưu tập mẫu vật, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên. Tháng 4/2014 ông nghỉ theo chế độ, nhưng vẫn gắn bó với Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam với chức danh nghiên cứu viên cao cấp. Tâm đắc về nghiên cứu tài nguyên thực vật (1975-2000) PGS. TS Lưu Đàm Cư cho biết: “đây là Bộ môn thú vị, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đất nước”. Trong 40 năm nghiên cứu khoa học, PGS.TS Lưu Đàm Cư tập trung vào các hướng nghiên cứu chính như: đánh giá tiềm năng và khả năng khai thác, sử dụng của tài nguyên thực vật Việt Nam trong một số nhóm (cây tinh dầu, cây thuốc, cây có chất mầu, cây có chất độc) trên cơ sở khoa học cơ bản hiện đại. Năm 2000, ông được giao nhiệm vụ xây dựng Phòng Thực vật dân tộc học tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Đây là hướng nghiên cứu phát triển mạnh ở các nước phương Tây và có triển vọng ứng dụng lớn.
Nhà khoa học của tài nguyên thực vật
Theo hướng nghiên cứu này, PGS.TS Lưu Đàm Cư đã và đang chủ trì nhiều đề tài, có thể kể đến: Tiêu chuẩn hoá giống Bạc hà (Đề tài nhánh của đề tài cấp Nhà nước: Tiêu chuẩn hoá giống Đương quy, Ngưu tất, Bạch chỉ và Bạc hà; Thuộc chương trình KHCN cấp Nhà nước KY-02: Tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc, 1991-1995); Tuyển chọn giống Đương quy có năng suất, chất lượng cao (VSTTNSV; 1990-1991); Điều tra thu thập các bài thuốc dân tộc phục vụ công tác Kế hoạch hoá gia đình (Chương trình Trung du-miền núi; 1995-1996); Điều tra đánh giá tiềm năng các nguồn tài nguyên thực vật quan trọng ở các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc (Chương trình NCCB; 1995-1996); Nghiên cứu bảo tồn và phát triển một số loài thực vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao (VKHVN; 1996-1997); Bảo tồn nguồn gen cây thuốc tại trại thực nghiệm Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật (Dự án: Bảo tồn nguồn gen cây thuốc Việt Nam; Bộ Y tế; 1996-1997), Cây thuốc dân tộc của các cộng đồng thiểu số miền Bắc Việt Nam (Chương trình NCCB; 2001-2003); Nghiên cứu thực nghiệm các bài thuốc dân tộc điều trị phì đại tuyến tiền liệt (VKHVN, Chương trình Hoạt chất sinh học; 2001-2002); Điều tra kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu (Chương trình NCCB; 20042005); Điều tra phân bố chất màu trong một số loài thực vật và nghiên cứu ứng dụng trong công nghiệp, đời sống (Dự án ĐTCB, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam; 2001-2002); Introduction of rare and endangered medical plants into forest garden of Ethnic minorities (ARCBC, 2001-2003); Nghiên cứu nâng cao năng suất và chất lượng các sản phẩm từ cây Hồi (Illicium verum) tại Lạng Sơn (Giai đoạn 1) (VKHVN; 2004-2006); Nghiên cứu xác định quy mô sản xuất và sản xuất thử nghiệm các sản phẩm thương mại từ cây Thạch đen (Mesona sinensis) tại Lạng Sơn (UBND tỉnh Lạng Sơn; 2006-2008); Điều tra thực trạng tài nguyên thực vật khu vực Tây Bắc và đề xuất phương án sử dụng hợp lý góp phần phát triển kinh tế-xã hội (VKHVN; 2006-2007); Điều tra, nghiên cứu kinh nghiệm sử dụng thực vật của các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai (VSTTNSV; 2000-2002); Điều tra các cây có ích của dân tộc TàyNùng huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn và đề xuất phương án sử dụng góp phần phát triển KTXH (VSTTNSV; 2003-2005); Nghiên cứu bảo tồn tri thức dược học dân tộc và cây thuốc truyền thống của dân tộc thiểu số miền Bắc Việt Nam (Dự án “Bảo tồn nguồn cây thuốc cổ truyền”, Bộ Y tế; 1998-2015); Nghiên cứu chiết tách chất màu thực phẩm từ kinh nghiệm sử dụng thực vật của đồng bào dân tộc thiểu số (Trung tâm hỗ trợ châu Á, ĐHQGHN; 20032005); Điều tra đánh giá tiềm năng và khả năng ứng dụng các cây có chất màu để sản xuất chất màu tự nhiên từ nguyên liệu thực vật (Chương trình NCCB; 2006-2008); Điều tra đánh giá diện tích, sản lượng Hồi Việt Nam và quy hoạch vùng nguyên liệu trọng điểm (Đề tài “Nghiên cứu tổng hợp thuốc điều trị cúm do virus H5N1 gây ra bằng nguồn nguyên liệu trong nước; Cấp Nhà nước; 20062008); A conservation strategy of rare and endangered medicinal plants of Tay and Nung ethnic minorities in Vietnam (Rufford; 2007-2008); Nghiên cứu ứng dụng các phương pháp phân loại học hiện đại phục vụ công tác định loại mẫu vật tại bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực phân loại học ở Việt Nam (VKHCNVN; 2008-2009); Nghiên cứu đánh giá thực trạng quần thể loài cá cóc Mẫu Sơn (Tylototriton sp) phục vụ quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế xã hội khu vực núi Mẫu Sơn tỉnh Lạng Sơn (UBND tỉnh Lạng Sơn); Nghiên cứu tri thức bản địa trong sử dụng và bảo tồn tài nguyên sinh vật của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên và đề xuất các biện pháp góp phần phát triển KTXH, bảo tồn bản sắc văn hóa (Cấp Nhà nước; 20122014); Xây dựng bộ quy chuẩn và quy trình thu thập mẫu vật của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (VHLKHVN, 2013-2014),…
PGS.TS Lưu Đàm Cư nghiên cứu chọn giống
Bạc hà tại Hà Nội năm 1993
PGS.TS Lưu Đàm Cư cũng tham gia nhiều đề tài/dự án khoa học khác như: Điều tra các cây tinh dầu và dầu béo ở Việt Nam (1975-1976); Điều tra các cây dầu nhựa ở Tây Nguyên (Chương trình Tây nguyên I; 1978-1980); Tuyển chọn các giống Bạc hà, Hương lau cho công nghiệp hương liệu(Chương trình Sinh thái học phục vụ nông nghiệp; 1982-1985), Tài nguyên thực vật Phanxipan (Chương trình điều tra tổng hợp vùng Phanxipan; 1996-1997); Nghiên cứu bảo tồn và phát triển các loài thực vật quý hiếm (VKHVN; 1998-1999); Điều tra các cây có hoạt tính sinh học tỉnh Hoà Bình (Cấp Nhà nước; 1998-1999); Nghiên cứu tri thức bản địa để xây dựng chính sách quản lý Đa dạng sinh học (2000-2002); Tuyển chọn cơ cấu vật nuôi-cây trồng và xây dựng mô hình vệ sinh môi trường cấp hộ gia đình cho làng Sinh thái Bản Vang, Mường Phăng, Điện Biên, Lai Châu (1998-2000); Nghiên cứu tuyển chọn giống bình vôi (Stephania) có hoạt tính sinh học cao (2001-2002); Điều tra các cây hoa và cây cảnh hoang dại tại Việt Nam (1997-1998); Hệ sinh thái đất ngập nước hạ lưu sông Mê Kông (LHQ, 2003), Góp phần bảo tồn và phát triển nguồn gen cây nhuộm màu thực phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số tại Mường Khương, Lào Cai (PGS.TS Lưu Đàm Cư là Trưởng nhóm chuyên gia; Dự án do Quỹ môi trường toàn cầu GEF/UNDP tài trợ; 20042006); Xây dựng quy trình và tiêu chí phục vụ công tác kiểm kê, đánh giá và xếp hạng các bộ mẫu vật bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam(Cấp Nhà nước, 2009-2011); Xây dựng quy hoạch công tác thu thập mẫu thực vật để xây dựng Bộ sưu tập mẫu vật quốc gia về thiên nhiên Việt Nam (2013-2014)… Trong các hướng nghiên cứu của mình về tài nguyên thực vật Việt Nam, PGS.TS Lưu Đàm Cư cũng đã công bố nhiều công trình khoa học trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước (tạp chí Hóa học, tạp chí Dược liệu, tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tạp chí Khoa học và Công nghệ, Доклады РАН, Bull. of Main botanical Garden, J. Essent. Oil Res., J. High Resolution Chromatography, Flavour and Fragrance Journal…), kỷ yếu, thông báo khoa học, tuyển tập các công trình nghiên cứu, hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước. Với các kết quả nghiên cứu đã thu được, ông tham gia biên soạn một số sách chuyên khảo về tài nguyên cây tinh dầu, cây có hoạt chất sinh học và các sản phẩm ngoài gỗ của Việt Nam.
Giữ gìn, bảo tồn tài nguyên thực vật
Trong các đề tài kể trên với vai trò là nhà nghiên cứu, tổ chức, chỉ đạo các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng, PGS.TS Lưu Đàm Cư đã đạt được nhiều thành công trong công tác nghiên cứu. Những năm 1975-1983 ông tham gia nghiên cứu nhập nội, thuần hóa và đưa vào sản xuất thành công 02 giống Bạc hà có chất lượng cao (VN-74 và NV-76) để sản xuất tinh dầu phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. PGS.TS Lưu Đàm Cư là tác giả của các giống Bạc hà TN-8 và TN-10 có hàm lượng menthol cao. Đây là các giống Bạc hà được ông tạo ra bằng đột biến hoá học có hàm lượng menthol cao trên 80%. Giống Bạc hà TN-8 được chương trình KY02 chọn và đề xuất là giống tiêu chuẩn quốc gia (1996). Ngoài ra, từ kết quả điều tra, nghiên cứu nhóm nghiên cứu của ông đã đưa vào sản xuất thử nghiệm nhiều loài cây kinh tế có nguồn gốc hoang dại (Ocimum basilicum var. pilosum (Willd.) Benth, Agastache rugosa(Fisch. & C.A.Mey.) Kuntze…) và một số mẫu sản phẩm thương mại từ nguyên liệu thực vật (cánh kiến trắng từ nhựa cây Bồ đề, bột thạch khô hoà tan từ cây thạch đen… Trong dự án Xây dựng mô hình bản sinh thái cho người Khơ Mú ở xã Mường Phăng huyện Điện Biên PGS.TS Lưu Đàm Cư phụ trách điều hành những năm 1998-2000; Ông và nhóm nghiên cứu đã triển khai các giống cây trồng có năng suất cao cho người dân như: lúa nương (3 tấn/ha), ngô, lạc…) sau 3 năm đời sống người dân thay đổi hẳn từ chỗ thiếu đói, đi làm thuê đến nhà nào cũng có lợn, có gà… thành công của Đề tài góp phần xây dựng mô hình bản kinh tế sinh thái cho các đồng bào dân tộc ít người ở vùng cao.
Nghiên cứu phát triển cây Thạch đen tại
Tràng Định, Lạng Sơn năm 2007
PGS.TS Lưu Đàm Cư cũng thành công trong việc xây dựng hệ thống Mô hình bảo tồn và phát triển các loài cây thuốc quý hiếm tại cộng đồng dân tộc thiểu số. Mô hình hiện đang được nhân rộng tại các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn trong các dân tộc Hmông, Dao, Thái, Mường, Tày,… Trong nhóm đề tài liên quan đến chất mầu, PGS.TS Lưu Đàm Cư thực hiện 3 đề tài kế tiếp nhau. Ông và nhóm nghiên cứu đã đánh giá được về cơ bản tiềm năng các cây có chất mầu ở Việt Nam, xây dựng được danh mục các loài cây có chất màu với hơn 160 loài, bằng thí nghiệm nhóm nghiên cứu đã chỉ ra được hơn 20 loài có thể dùng làm nguyên liệu để sản xuất chất màu tự nhiên và xây dựng được mô hình trồng và sản xuất chất mầu tự nhiên từ thực vật cho hội Nông dân tỉnh Lào Cai. Thực hiện Đề tài Đánh giá hiện trạng và quy hoạch lại vùng hồi Việt Nam PGS.TS Lưu Đàm Cư có điều kiện để tập hợp số liệu về sản lượng, diện tích và đánh giá năng suất, chất lượng hồi Việt Nam. Ông cho rằng: cây Hồi ở nước ta có chất lượng tốt và chế biến cũng không khó, nhưng vẫn phải xuất khẩu qua trung gian hoặc bán nguyên liệu thô (quả tươi chưa chế biến) làm cho hiệu quả sản xuất hồi thấp là thực trạng cần khắc phục. Để nâng cao năng suất, chất lượng hồi ở nước ta, nhóm nghiên cứu của ông đã chọn được các cá thể hồi (Illicium verum) có năng suất và chất lượng cao (tinh dầu chứa trên 85% anethol, năng suất quả cao và ổn định) dùng để làm giống phục vụ cải tạo các vùng trồng hồi cho năng suất, chất lượng thấp tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh,… Từ năm 2000 đến nay PGS.TS Lưu Đàm Cư tập trung nhiều hơn cho việc điều tra, thu thập số liệu và xây dựng Cơ sở dữ liệu về tri thức bản địa của các dân tộc Việt Nam trong sử dụng tài nguyên sinh vật. Bước đầu Cơ sở dữ liệu về tri thức và kinh nghiệm sử dụng tài nguyên sinh vật của các dân tộc Việt Nam được xây dựng và quản lý bằng phần mềm chuyên dụng, trong đó đã cập nhật các kết quả điều tra của 30 dân tộc thiểu số. Trong lĩnh vực nghiên cứu bảo tồn các cây thuốc truyền thống của các dân tộc thiểu số, ông cùng nhóm nghiên cứu của mình ngoài việc triển khai các mô hình bảo tồn và bảo tồn thành công một số loài cây thuốc quý hiếm, đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng của người dân địa phương bằng các lớp tập huấn để người dân hiểu vì sao phải bảo tồn, hướng dẫn người dân trồng cấy nhân giống, bón phân, giảm áp lực bị đe dọa tuyệt chủng.
PGS.TS Lưu Đàm Cư tập huấn cộng đồng tại
Vị Xuyên, Hà Giang năm 2008
Năm 2006 Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thành lập, PGS. TS Lưu Đàm Cư được lãnh đạo điều động về công tác. Nơi đây ông cùng với Ban lãnh đạo Bảo tàng tổ chức bộ máy phòng ban, ông làm nhiệm vụ Phó Giám đốc, ở các thời gian khác nhau kiêm nhiệm trưởng một số phòng nghiên cứu. Tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, PGS.TS Lưu Đàm Cư tham gia các nghiên cứu: Ứng dụng phương pháp hiện đại vào phân loại mẫu vật; Chủ trì Xây dựng bộ quy chuẩn và quy trình thu thập các mẫu vật về thiên nhiên: động vật, thực vật, địa chất thổ nhưỡng… làm cơ sở để thu thập bộ tiêu chuẩn mẫu quốc gia; tham gia Quy hoạch mẫu về thực vật từ nay đến 2030 (cụ thể chủng loại, số lượng mẫu vật cho từng giai đoạn). Trong giai đoạn 20062014, ông đã cùng Ban giám đốc Bảo tàng và các đồng nghiệp xây dựng và đưa vào hoạt động Phòng trưng bày “Tiến hoá sinh giới’ phục vụ công chúng. Đây là phòng trưng bày đầu tiên của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và được đánh giá cao về nội dung và kỹ thuật trưng bày. Gần đây nhất, PGS.TS Lưu Đàm Cư nghiên cứu tri thức bản địa về sử dụng và bảo tồn tài nguyên sinh vật của các dân tộc Tây Nguyên và đề xuất các biện pháp, giải pháp hợp lý. Đề tài đánh giá được kinh nghiệm sử tài nguyên sinh vật của 12 dân tộc bản địa Tây Nguyên về sinh vật làm thuốc, sinh vật làm lương thực thực phẩm, sinh vật có chất độc, sinh vật để nhuộm mầu, cây làm thủ công mỹ nghệ và sinh vật làm cảnh… nhưng quan trọng nhất theo ông là xây dựng được cơ sở dữ liệu về tri thức bản địa Tây Nguyên, bởi tri thức bản địa của các dân tộc thiểu số nước ta đang trong tình trạng bị xói mòn và có nguy thất thoát cao. Ngoài cơ sở dữ liệu về tri thức bản địa trong sử dụng tài nguyên sinh vật của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, đề tài đã đề xuất 04 loài cây (không độc với người) sử dụng để sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, một số loài sinh vật có thể phát triển thành hàng hóa để nâng cao đời sống của người dân địa phương và một số kinh nghiệm độc đáo của người dân Tây Nguyên có thể nghiên cứu, áp dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội (kinh nghiệm sử dụng sinh vật làm thuốc, nhuộm màu, làm rượu cần…).
Nghiên cứu tìm hiểu nhiều về Tây Nguyên, PGS.TS Lưu Đàm Cư nhận định: “chỉ khoảng vài chục năm nữa thôi Tây Nguyên mất phần lớn diện tích rừng và những tri thức bản địa cũng sẽ mất theo; việc ngăn chặn nạn chặt phá rừng, tu bổ và bảo vệ rừng là việc làm hết sức cấp bách”. Đi nhiều, tích lũy nhiều kinh nghiệm, PGS.TS Lưu Đàm Cư cũng tham gia nhiều các hoạt động giảng dạy nhiều các chuyên đề cho nghiên cứu sinh và học viên cao học như: Tính chống chịu của thực vật, Tài nguyên cây thuốc & Tài nguyên cây tinh dầu, Thực vật dân tộc học… tại Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội; Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật… PGS.TS Lưu Đàm Cư cũng hướng dẫn nhiều sinh viên, 02 học viên cao học và 04 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ. Dành trọn cuộc đời cho nghiên cứu khoa học, PGS.TS Lưu Đàm Cư chia xẻ: Người làm khoa học yêu cầu phải trung thực, nghiêm túc. Trong lĩnh vực nghiên cứu của mình, tôi vẫn nhắc nhở anh em không quá quan tâm nhiều hay ít, mà quan trọng là các số liệu, kết quả phải là thực. Đồng thời người cán bộ nghiên cứu cũng phải chấp nhận gian khổ của nghề như nằm rừng, ăn rừng… và điều quan trọng nữa của người làm khoa học đó là phải có đam mê với nghề.
Chia tay với PGS.TS Lưu Đàm Cư nhưng những công trình nghiên cứu của ông góp phần to lớn cho việc sử dụng hiệu quả và bảo tồn, gìn giữ những giống cây quý, những tri thức dân tộc về tài nguyên sinh vật cho nhiều thế hệ mai sau.
Nguồn: Tấm gương người làm khoa học. Tập 12. H – Hồng Đức, 2015. Trang 92 – 103.