Nhà khoa học đất thượng võ

PGS.TS Bùi Văn Trịnh

Quê hương Bình Định trải qua hàng nghìn năm đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, đấu tranh chống giặc ngoại xâm để tồn tại và phát triển. Người dân nơi đây sớm hun đúc nên tinh thần thượng võ, lòng yêu nước, yêu quê hương sâu sắc, ý chí nghị lực vươn lên trong học tập và công tác. Tiếp nối truyền thống quê hương PGS.TS Bùi Văn Trịnh đã vượt lên hoàn cảnh, kiên trì theo đuổi con đường học tập, cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Hiện ông vẫn đang từng ngày đem trí tuệ, công sức để đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục – Đào tạo và Nghiên cứu khoa học trên cương vị Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Cần Thơ.

Từ trong gian khổ…

PGS.TS Bùi Văn Trịnh sinh ngày 10 tháng 6 năm 1957 tại xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, đói khổ triền miên, người dân lâm vào nạn thất học. May mắn với chàng trai Bùi Văn Trịnh là được thoát ly lên Chiến khu tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong thời gian này ông được những đồng đội có học vấn cao từ miền Bắc chi viện vào làm việc chung đơn vị giúp đỡ học hết lớp 3. Năm 1975 khi tiếp quản về Đà Nẵng, ông được học bổ túc văn hóa hết cấp 1 và đến năm 1976 ông được Nhà nước cử đi học các Trường bổ túc Văn hóa Công Nông số 3 Quảng Nam – Đà Nẵng (tại Tam Kỳ) và Trường bổ túc Văn hóa Thanh Niên số 2, Nghĩa Bình (Quảng Ngãi). Đến năm 1980, ông tốt nghiệp cấp 3 và được cử dự thi và đỗ vào ngành Kinh tế Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ.

Cuối cùng mọi cố gắng cũng được đền đáp, sau khi tốt nghiệp Đại học ông được giữ lại trường làm Giảng viên (1985).Tâm sự về những năm tháng tuổi thơ, PGS.TS Bùi Văn Trịnh chia sẻ, trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, từ bé ông chỉ nghĩ: học là cho biết đọc, biết viết để làm việc. Nhưng càng tìm hiểu sâu, ông càng bị hấp dẫn bởi tri thức. Niềm đam mê học tập, sự tận tình của thầy cô ở các cơ sở giáo dục cùng với sự giúp đỡ, quan tâm của Nhà nước giúp ông có được những thành công hôm nay.

… đến những thành công trong nghiên cứu khoa học.

Không ngừng học hỏi nâng cao kiến thức, tích cực hoàn thiện bản thân, năm 1996 Bùi Văn Trịnh xuất sắc hoàn thành luận án Thạc sĩ với đề tài “Một số giải pháp chủ yếu nhằm hình thành và phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam”. Năm 2001, ông được phong chức danh Giảng viên chính. Không bằng lòng với những gì đã đạt được, thầy giáo Bùi Văn Trịnh lại tiếp tục khẳng định bản lĩnh, hoàn thành xuất sắc Luận án Tiến sĩ với đề tài “Một số giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện kênh tiêu thụ sản phẩm lợn thịt trên địa bàn tỉnh Cần Thơ”. Với những đóng góp trong sự nghiệp Giáo dục – Đào tạo và Nghiên cứu khoa học, năm 2012 ông chính thức được phong
hàm Phó Giáo sư.

TS. Bùi Văn Trịnh nhận Học vị Phó Giáo sư tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Những vấn đề nảy sinh và sẽ nảy sinh trong thực tiễn, cách nhìn nhận như thế nào và tại sao lại thế đã lôi cuốn và hấp dẫn PGS.TS Bùi Văn Trịnh chinh phục con đường nghiên cứu khoa học. Trong quá trình nghiên cứu khoa học, PGS.TS Bùi Văn Trịnh đã để lại nhiều dấu ấn bằng những kết quả có ý nghĩa giá trị thực tiễn đó như: Thể trạng của cùng một giống trâu nhưng nuôi ở vùng nước lợ thấp hơn vùng nước ngọt, nếu nuôi tôm sú để xuất khẩu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ cần bỏ ra 18.000 đồng lấy 1USD, sản phẩm heo thịt ở CầnThơ tiêu thụ tốt nhất là trọng lượng hơi từ 80 đến 110 kg/con…

Có thể kể đến một số đề tài nghiên cứu tiêu biểu của PGS.TS Bùi Văn Trịnh đã được công bố trong những năm gần  đây như:

Đề tài “Nghiên cứu tình hình Kinh tế hợp tác trong nông thôn tỉnh Hậu Giang” được công bố với những kết quả như sau:

(1) Ở Hậu Giang tỷ lệ HTXNN chiếm tỷ lệ gần 65% trong tổng số HTX của tỉnh, cao hơn tỷ lệ chung của vùng (49%), HTX thương mại chiếm tỷ lệ thấp hơn (1,63%) so với tỷ lệ chung của vùng (3,7%), đặc biệt địa phương không có HTX trong lĩnh vực tín dụng.

(2) Năm 2007 Hậu Giang có 4.709 tổ hợp tác sản xuất – kinh doanh, so với năm 2006 tăng 57 tổ. Về cơ cấu thì cộng đồng dân cư Hậu Giang tham gia vào tổ hợp tác sản xuất 44,32 %, tổ phụ nữ tiết kiệm 32,21%, tổ hùn vốn 19,20% và Câu lạc bộ khuyến nông 4,27%.

(3) Trong tổng số 119 HTX nông nghiệp thì chỉ có 8 HTX (6,72%) hoạt động tốt; 6 HTX (5,04%) loại khá; 18 HTX (15,13%) đạt mức trung bình. Tính chung trong tổng số HTX được thành lập của tỉnh thì hoạt động đạt từ loại trung bình đến tốt cũng chỉ chiếm 26,89%; tỷ lệ hoạt động yếu đã chiếm gần 1/3 (31,93%); tỷ lệ giải thể chiếm tới 41,18%.

(4) Trong số các HTX còn đang hoạt động thì đã có tới 54,29% thuộc diện yếu kém; 25,71 % loại trung bình, tốt và khá chỉ 20% trong tổng số.

(5) Các HTX có thời gian hoạt động trên 5 năm chỉ chiếm tỷ lệ 29,6% và hoạt động từ 1 đến dưới 3 năm chiếm tới 40,7% trong tổng số HTX đang hoạt động. Với thời gian hoạt động còn ngắn, vừa thể hiện chưa có kinh nghiệm vừa chưa thể hiện rõ kết quả hoạt động để đánh giá.

PGS.TS Bùi Văn Trịnh tại Tập huấn phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2006

Đề tài “Phân tích lợi thế so sánh sản phẩm mía nguyên liệu ở đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ đầu Hội nhập WTO” (2008) được công bố với các kết quả như sau:

(1) Để sản xuất được 1000m2 mía nguyên liệu thành phẩm người nông dân phải bỏ ra gần 3 triệu đồng chi phí, trong đó chi phí vật hóa là 86,33% và chi phí lao động sống là 13,67%.

(2) Một đồng chi phí đầu tư vào trồng mía thì nông dân thu được 1,69 đồng và thu nhập ròng khoảng 1,54 đồng (với các tỷ số tài chính thu nhập/tổng chi phí là 0,69; thu nhập ròng/ tổng chi phí là 0,54) và trong 1 đồng thu nhập thì có khoảng 0,19 đồng thu nhập ròng.

(3) Sản xuất mía ở đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế sản xuất. Tức là, việc sản xuất mía ở vùng này sẽ mang lại lợi ích cho người nông dân và lợi ích cho xã hội.

Đề tài “Phân tích lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm tôm sú xuất khẩu ở ĐBSCL trong thời kỳ hậu WTO” (2011). Đây là đề tài mà PGS.TS Bùi Văn Trịnh tâm đắc nhất trong suốt quá trình nghiên cứu khoa học. Bởi nó có ý nghĩa hết sức thực tiễn, giúp cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long duy trì và mở rộng diện tích nuôi tôm sú thích hợp, đủ cung cấp nguyên liệu cho chế biến thủy sản tồn tại và phát triển, hạn chế phá sản hàng loạt, ổn định sản xuất kinh doanh ngành hàng tôm sú ở khu vực. Công trình nghiên cứu này đã công bố được những kết quả như sau:

(1) Đã đánh giá hiệu quả nuôi tôm sú từ các hộ nuôi Tấm gương người làm khoa học trồng thủy sản trong vùng ĐBSCL;

(2) Chỉ ra các lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh tôm sú từ các hộ nuôi trồng bằng cách xác định chi phí nội nguồn;

(3) Phân tích được các yếu tố ảnh hưởng đến lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh;

(4) Đã đề xuất một số giải pháp thích hợp về việc phát triển sản xuất và xuất khẩu sản phẩm tôm sú của ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập WTO.

PGS.TS Bùi Văn Trịnh tại Thảo luận Khoa học từ thực tế ở Mỹ Sơn – Quảng Nam năm 2010 (PGS.TS Bùi Văn Trịnh ngoài cùng bên trái)

Đến nay sau gần 20 năm cống hiến trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, PGS.TS Bùi Văn Trịnh đã biên soạn nhiều sách, giáo trình và được đưa vào sử dụng trong công tác Giáo dục – Đào tạo, tiêu biểu là 5 giáo trình: Kế toán quản trị; Thị trường Tài chính; Thị trường Chứng khoán; Kế toán Phân tích và Dân số học Đại cương. Công bố nhiều bài báo khoa học, trong đó có 33 bài về các lĩnh vực khoa học có liên quan đến Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn như: “Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng và lượng tín dụng mà mỗi nông hộ tiếp cận được để sản xuất lúa, nuôi thủy sản”; “Lợi ích của các tác nhân tham gia vào hệ thống kênh tiêu thụ nông sản heo thịt, thức ăn bổ sung của gia súc, trái cây, nguyên liệu mía, lúa” và “Lợi thế so sánh của 2 mặt hàng tôm sú và mía nguyên liệu ở đồng bằng sông Cửu Long”…

Tham gia chủ nhiệm một số lĩnh vực nghiên cứu khoa học như: “Xác định hệ thống kênh phân phối các sản phẩm trái cây và heo thịt”; “Lợi thế so sánh các sản phẩm tôm sú và mía nguyên liệu ở đồng bằng sông Cửu Long và một số giải pháp để nhân rộng và phát triển kinh tế hợp tác xã trong nông nghiệp ở nông thôn tỉnh Hậu Giang”.

Bên cạnh những cống hiến trong nghiên cứu khoa học, PGS.TS Bùi Văn Trịnh đã góp một phần không nhỏ cho sự nghiệp Giáo dục – Đào tạo của nước nhà. Hướng dẫn 30 học viên bảo vệ thành công Luận án Thạc sĩ; kết hợp với các bộ môn khác đào tạo ra nhiều thế hệ sinh viên biết vận dụng lý thuyết để ứng dụng vào thực tiễn giải quyết được nhiều vấn đề nảy sinh phức tạp trong cuộc sống.

Những đóng góp của PGS.TS Bùi Văn Trịnh cho ngành Giáo dục – Đào tạo và nghiên cứu khoa học là không hề nhỏ, nhưng ông khiêm tốn cho rằng: những đóng góp của bản thân trước hết là để góp phần hoàn thiện tri thức cho bản thân, có thêm trực quan sinh động, để dễ truyền tải lý luận về khoa học kinh tế đến người học ngày càng hiệu quả hơn. Có như vậy, người học mới tiếp thu tri thức một cách tự nhiên và thích thú, chủ động tư duy và năng lực ứng dụng tri thức mới nảy sinh trong quá trình họ thao tác nghề nghiệp, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Quan điểm trong nghiên cứu khoa học

Với PGS.TS Bùi Văn Trịnh nghiên cứu khoa học phải gắn liền với thực tiễn, những kết quả nghiên cứu muốn được nhanh chóng ứng dụng vào thực tiễn thì người làm khoa học nên quan sát thực tế trong những vấn đề xảy ra. Nên tự đặt câu hỏi cho sự vật: Tại sao là thế này mà không là thế kia? Có cách nào tốt hơn không? Hiện tại là thế này nhưng rồi tương lai có còn như thế không?…

PGS.TS Bùi Văn Trịnh nghiên cứu Lịch sử Cách mạng ở Côn Đảo năm 2013

PGS.TS Bùi Văn Trịnh chia sẻ một lần có người hỏi một anh nông dân người Khmer: “anh làm nghề gì?” anh trả lời là nông dân, “ruộng anh nhiều không?” hết ruộng đất rồi. Từ cuộc nói chuyện ngắn ngủi này, PGS.TS Bùi Văn Trịnh đã manh nha và sau đó quyết định nghiên cứu đi tìm nguyên nhân vì sao người nông dân Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long lại không có đất và thiếu đất canh tác. Đặc biệt ông còn chứng minh rằng không phải heo thịt trọng lượng càng lớn thì đem lại lợi nhuận càng cao, mà trọng lượng heo thịt nên dao động từ 80 đến 110kg thì người chăn nuôi mới thu được lợi nhuận cao nhất. Đó là những kỷ niệm đáng nhớ của PGS.TS Bùi Văn Trịnh trong quá trình nghiên cứu khoa học của mình.

Suốt chặng đường nghiên cứu khoa học, PGS.TS Bùi Văn Trịnh luôn coi trọng việc gắn nghiên cứu với thực tiễn. Những công trình khoa học của ông là thành quả của cả một chặng đường phấn đấu không ngừng và tâm huyết của người làm khoa học. PGS.TS Bùi Văn Trịnh cũng không quên nhắn nhủ với thế hệ trẻ những điều tâm huyết rằng: “Để thành công trong học tập và nghiên cứu khoa học hay bất kỳ lĩnh vực nào trước hết phải có niềm đam mê, ham thích lĩnh vực mà mình dự định vươn tới. Khi đã vươn tới nắm bắt mục tiêu thì dù có gặp nhiều khó khăn cũng phải cố gắng tìm ra giải pháp biến khó khăn nhiều thành khó khăn ít, khó khăn ít thành bình thường. Đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, luôn nảy sinh những khó khăn mà trong bản thân người làm khoa học không bao giờ lường trước được. Bởi vậy đòi hỏi ở mỗi người sự kiên trì, ý chí vươn lên, nghị lực và quyết tâm”.

Nguồn: Tấm gương người làm khoa học. Tập 6. H – Văn hóa – Thông tin, 2014