Những tưởng câu chuyện của bà sẽ bắt đầu với chuyến đi đến những “vùng đất chết” nhưng PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà khiến chúng tôi ngạc nhiên khi kể về sự phong phú, đa dạng và quý giá của tài nguyên thiên nhiên Việt Nam. Sau mỗi chuyến đi, bà hiểu và trân trọng hơn bao giờ hết nguồn tài nguyên mà thiên nhiên ban cho “đất mẹ” Việt Nam.
PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà cũng là nhà khoa học đau đáu với sức khỏe và thể chất của các thế hệ người Việt. “Sức khỏe muốn đảm bảo thì môi trường phải trong sạch”, bà chia sẻ. Chính vì lẽ đó, nhà nữ khoa học, chủ nhân của giải thưởng Kovalesvkaia 2015 đã đặt chân đến những “miền đất chết” của đất nước, nghiên cứu và tìm ra những công nghệ xử lý chất thải độc hại làm sạch triệt để môi trường.
PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà cùng các đồng nghiệp phân tích mẫu thu thập từ rừng nguyên sinh (Quảng Nam), giúp địa phương làm nông nghiệp hữu cơ
PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà cùng các cộng sự nghiệm thu các mẫu vật nguyên sinh do cán bộ Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam) phân tích
Hơn 40 năm làm công tác nghiên cứu, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà đã làm chủ nhiệm 30 đề tài, dự án, công bố 146 công trình khoa học và công nghệ với nhiều giải thưởng khoa học trong nước và quốc tế. Có những công trình của bà và cộng sự đã tạo được “tiếng vang” lớn trong việc sáng tạo ra những công nghệ đột phá, có tính ứng dụng cao.
Một trong số các công trình tiêu biểu của bà là “Công nghệ xử lý đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin bằng phương pháp phân hủy sinh học (bioremediation)”. Là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chất độc hóa học chứa dioxin sau chiến tranh, hàng loạt các điểm nóng nhiễm dioxin thuộc loại cao nhất thế giới như sân bay Phù Cát, Biên Hòa, Đà Nẵng… khiến những vùng đất này bị bỏ hoang không thể sử dụng để canh tác. Đó là lý do khiến PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà cùng các cộng sự bắt tay vào nghiên cứu công trình này trong 10 năm kể từ năm 1999. Khi nghiên cứu công trình này, bà phải vượt qua những khó khăn, cản trở vì là vấn đề mới, đầy phức tạp và thử thách. Bà nhớ lại: “Cả thế giới không tin là công nghệ sinh học có thể xử lý được dioxin nhưng tôi bảo họ, các bạn cứ chờ đấy, 10 năm nữa chúng tôi sẽ tìm ra”.
Giữ đúng lời hứa, 10 năm sau, công trình ”Quy trình xử lý đất ô nhiễm dioxin bằng phương pháp phân hủy sinh học” của PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà và các cộng sự tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng độc quyền sáng chế. Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đã được Chính phủ cho phép lập dự án để mở rộng quy mô. PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà tự hào chia sẻ: “Chưa có một công bố nào trên thế giới về khử độc đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin có hiệu quả bằng công nghệ sinh học và thực hiện ở hiện trường quy mô lớn như ở Việt Nam”. Bởi hiện nay, dù các nhà khoa học Mỹ đã áp dụng công nghệ khử hấp thu nhiệt để xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa và sân bay Đà Nẵng nhưng phương pháp này khi áp dụng vẫn phải dùng đến biện pháp chôn lấp hoặc xử lý tiếp tục ở công đoạn sau. Còn với công nghệ của PGS.TS Cẩm Hà thực hiện cùng cộng sự, hàm lượng dioxin trong đất giảm hàng nghìn lần, dưới mức cho phép để làm nông nghiệp, chi phí bằng 1/7 công nghệ Mỹ đang áp dụng mà hiệu quả lại lâu dài.
PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà (bên trái) và Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, 2 nhà khoa học nữ nhận giải Kovalevskaia năm 2016
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao giải thưởng Kovalevskaia về thành tựu xuất sắc trong khoa học của cá nhân nhà nữ khoa học cho PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà (bên trái ảnh)
Hai nhà nữ khoa học được nhận gải thưởng Kovalevskaia năm 2016 chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà (thứ 2 từ phải sang) giao lưu cùng các khán giả sau lễ trao giải Kovalevskaia năm 2016
PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà chụp ảnh lưu niệm cùng người thân tại lễ trao giải Kovalevskaia năm 2016
Nhiều công trình nghiên cứu làm sạch tài nguyên đất, nước do PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà cùng các công sự vẫn tiếp tục ra đời. Năm 1998, công nghệ làm sạch dầu ô nhiễm ở các môi trường sinh thái khác nhau bằng công nghệ phân hủy sinh học của bà được áp dụng tại 5 kho dầu lớn nhất của khu vực miền Bắc thuộc Công ty Xăng dầu B12 (2 kho ở Quảng Ninh, 1 kho ở Hải Phòng, 1 kho tại Hải Dương và kho K99 của quân đội tại Hải Phòng). Do công nghệ được thực hiện có hiệu qủa trong xử lý được nước, chất thải rắn nhiễm dầu luôn đạt qui chuẩn về môi trường nên sau 17 năm hoạt động liên tục, qui trình công nghệ và các chế phẩm (Oilcleancer 1 và Oilcleancer 3) vẫn được duy trì.
Gần đây nhất, công trình nghiên cứu công nghệ chuyển hóa phụ phế liệu nông nghiệp và chăn nuôi thành compost có chất lượng đáp ứng cho tạo sản phẩm nông nghiệp hữu cơ do bà cùng các cộng sự thực hiện trong các chuyến đi của bà và các đồng nghiệp đến các khu rừng nguyên sinh, bản địa trên khắp đất nước Việt Nam để tìm ra nhờ vào những mẫu sinh phẩm thiên nhiên.
Hiện nay, tuy đã bước qua tuổi 64, nhưng bước chân của PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà vẫn không ngừng rong ruổi trên những vùng đất khắc nghiệt, nguy hiểm và độc hại nhất của Việt Nam để tiếp tục sứ mệnh làm sạch tài nguyên đất, nước, vì thể chất, sức khỏe của các thế hệ người Việt.
Bài: Thảo Vy – Ảnh: Trần Thanh Giang
Theo http://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/nha-khoa-hoc-lam-sach-nhung-vung-dat-chet/249371.html