Nhà khoa học miệt mài, bền bỉ cùng các công trình nghiên cứu

Là một nhà khoa học nữ, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh đã trải qua nhiều áp lực trong học tập và nghiên cứu, có những thứ bà đã phải đánh đổi để có thể theo đuổi đến cùng con đường nghiên cứu khoa học. Nhìn lại chặng đường bà đến với nghiên cứu khoa học, có thể thấy một bản lĩnh “thép” ẩn sâu trong con người bà, bởi bất chấp những khó khăn, bà đã chinh phục thành công con đường nghiên cứu khoa học. PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh hiện là Giám đốc Trung Tâm nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học – Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Tuổi thơ, gia đình và hành trình đến với nghiên cứu khoa học

PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh sinh ngày 26/05/1952. Bà sinh ra trong một gia đình thuộc giai cấp công nhân, cả bố và mẹ đều là cán bộ lão thành cách mạng. Ngay từ nhỏ bà đã học được ở cha mẹ của mình sự phấn đấu bền bỉ để nâng cao trình độ tự học và lòng yêu mến đối với tất cả những gì liên quan đến tri thức. Mẹ bà là một bác sĩ nhân hậu. Cụ theo học đông y tại trường Đại học y khoa Thái Bình trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Cụ chữa bệnh và bênh vực người bệnh, chính vì vậy những người công nhân, nơi cụ làm việc rất yêu quí cụ. Ngày mất, linh cữu cụ phủ đầy hoa hồng đỏ do bạn bè đồng chí đem đến. Không chỉ cảm phục mẹ, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh còn dành tình cảm đặc biệt cho người cha của mình. Trong ký ức của bà, bố là người đôn  hậu và nhiệt tình. Những năm chiến tranh, ông cụ và cố Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phan Trọng Tuệ đạp xe đạp đi khảo sát tình tình hình thanh niên xung phong suốt các tỉnh phía Bắc, dưới  bom đạn của Mỹ. Trước khi mất, ông cụ còn bàn luận: “hãy thử hiểu tại sao chúng ta nằm trên núi thuốc mà phải chết trên núi thuốc.” Lúc bấy giờ, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh đang mê mải nghiên cứu gen và các quá trình miễn dịch, ít để ý và cũng không hiểu ông cụ ngụ ý gì. Nghĩ lại khoảng thời gian thơ ấu của mình, được sống gần bố mẹ và các em, thật hạnh phúc và nhiều kỷ niệm. So với các bạn cùng trang lứa, bà có tuổi thơ sung sướng hơn. Bà học mẫu giáo tại trường Mầm non, học phổ thông tại trường Quang Trung và Chu Văn An. Ngày ấy, vì là chị lớn của gia đình đông con nên từ 9 tuổi, bà đã đi chợ thổi cơm cho cả gia đình. Thế rồi, do hoàn cảnh đất nước chiến tranh, bà phải xa cha mẹ, xa các em để đi sơ tán theo trường về vùng nông thôn, nỗi vất vả bao gồm cả nỗi nhớ nhà lại ùa về, thế nhưng khoảng thời gian đó đã giúp bà tính tự lập cũng như mạnh mẽ hơn, đây cũng là quãng thời gian vô tư và hồn nhiên nhất của tuổi học trò.

 PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh và bạn học thời sinh viên
ở trường Đại học tổng hợp Kishinhov (Liên Xô cũ)

Sau khi học xong cấp 3, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh có cơ hội được đi học tập ở Liên Xô Đại học Tổng hợp Kishinhov, Liên Xô (cũ) chuyên ngành Sinh học. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1975, bà trở về nước và công tác tại Viện Vệ sinh dịch tễ học Hà Nội trong vai trò là cán bộ nghiên cứu. Nghĩ về chặng đường học tập của mình, PGS.TS Hồng Hạnh nhận thấy mình có được sự thuận lợi và may mắn trên con đường học vấn. Bà tuần tự học hết phổ thông, học đại học, làm thực tập sinh rồi làm thạc sĩ và nghiên cứu sinh.

Từ năm 1981, bà chuyển sang Viện Công nghệ Sinh học, Viện khoa học và công nghệ Việt Nam và công tác tại đây cho đến lúc về hưu. Trong khoảng thời gian công tác tại đây, bà có một thời gian làm Thực tập sinh KH tại Trung Tâm sinh học Szeget (Viện Hàn Lâm khoa học Hung gary). Sau đó bà được đi học thạc sĩ tại Đại học Tổng hợp Tự do Brussels, Bỉ chuyên ngành Sinh học phân tử và tốt nghiệp năm 1992. Đến năm 1998, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Tự do Brussels, Bỉ.

Nghiên cứu khoa học – Chặng đường gian nan và cần sự bền bỉ

Con đường nghiên cứu khoa học đến với bà một cách tự nhiên, tuy nhiên cũng chứa đựng không ít khó khăn vất vả, đặc biệt đối với phụ nữ như bà. Để theo đuổi con đường nghiên cứu ấy, bà đã phải đánh đổi rất nhiều. Nghĩ lại, khoảng thời gian học tập nghiên cứu khó khăn nhất đối với bà chính là lúc học cao học ở trường Đại học Tổng hợp Brussels (Bỉ), vì phương Tây có các phương pháp giáo dục đào tạo  khác các nước Đông Âu, đặc biệt là Nga. Hơn nữa, những rào cản về ngôn ngữ khiến bà gặp không ít trở ngại. Bà vẫn thường hài hước kể: “Thật ngộ nghĩnh, vào những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ 20, tôi đặt chân đến Bỉ  với chút  tiếng Anh nghèo nàn, trong túi chỉ có $50, và  không hiểu câu hỏi ‘How do you do’  vì chỉ biết câu hỏi “How are you” trong trường hợp đó mà thôi!” Những khó khăn trên đất người cũng dần qua đi khi bà tập trung vào học tập. Sự giúp đỡ tận tình của những giáo sư ở Đại học Tổng hợp tự do Brussels đã giúp bà sớm hòa nhập, phát huy được năng lực của mình và sớm trở thành học viên nổi bật về tính chăm chỉ cần cù của lớp. Thời gian này, các sinh viên lan truyền câu nói đùa là con đường hàng ngày của Hạnh là một tam giác, bao gồm phòng ngủ, bếp và phòng thí nghiệm. Cho đến lúc trở về trước sau bảo vệ luận án tiến sĩ, và vẫn không thuộc Brussels. Thời gian này bà cũng có cơ hội được đi sâu vào nghiên cứu khoa học. Khi ấy, GS Hammer  Ramond – trường Đại học Tự do Brussels muốn đào tạo cho Việt Nam các nhà khoa học tốt theo quan niệm của ông và GS đã giúp đỡ bà rất nhiều. Tuy vậy, đó chỉ là khởi đầu tốt đẹp. Ở giai đoạn tiếp theo, Raymond hầu như buông tay để sinh viên vật lộn tự khẳng định mình.

PGS.TS Hạnh làm việc trong phòng thí nghiệm tại Viện
Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, bàn luận với đồng nghiệp PGS.TS Nguyễn Thị Bình về kết quả nghiên cứu

Ở trường đại học Kíshinhop (Liên xô cũ), sinh học phân tử không được giảng dạy nhiều. Những khái niệm về gen, về plasmid… với bà là xa lạ. Điều bà biết duy nhất về sinh học phân  từ  quyển “chuỗi Helix” của Watson là: một giả thuyết cần một kết quả thực nghiệm tốt chứng minh cho nó, không có bức hình tuyệt đẹp số 51 của Rosalid Franklin về tinh thể ADN thì không thể có model về cấu trúc ADN của Watson và Crisk. Thế mà, bà phải làm cả hai việc một lúc. Khi bà đề nghị phân tử mạch vòng CD1 của ký sinh trùng L.mexicana 379 có cấu trúc nhị phân gồm hai mảnh giống hệt nhau, xếp đặt theo kiểu nối đôi nhau, tất cả đều im lặng, không nói gì vì trước đó, có người đã đề nghị nó là một đơn phân. Điều đó có nghĩa là bà phải chứng minh bằng được điều đó. Bà ở lỳ trong  phòng thí nghiệm để chứng minh điều mình đưa ra. Bà đã mất hơn một năm để nghĩ ra cách cắt hạn chế ADN của ký sinh trùng, phân giải chúng bằng PFGE (từ trường xung) và lai các mảnh cắt với mẫu thử phóng xạ. Khi chỉ cho Giáo sư xem phim X-quang, bà thật sự ngạc nhiên khi nghe nhận xét thờ ơ của thầy: Cô có thể giữ lại kết quả X-quang để cho bài báo được không? Nhưng bài báo nào? Nó sẽ ra làm sao? Sẽ đi tiếp như thế nào? Sẽ là những năm tháng làm việc liên tục với đồng vị phóng xạ 6 ngày/1 tuần, là những lúc nửa đêm tỉnh dậy đi bộ đến phòng thí nghiệm, trèo qua thang vào phòng thí nghiệm, có khi ngủ qua đêm trong phòng máy tính. Sau bảo vệ luận án Tiến sĩ thử lần thứ hai trước Hội đồng khoa học, bà đã ngủ liên tục 24 giờ, vần còn mơ thấy các cuộc tranh cãi nẩy lửa với các Gíáo sư , ai đã tìm ra vấn đề này… Ngày nay, khi nghĩ lại những lúc đó, bà thấy xấu hổ vì đã tranh luận cật lực với các Giáo sư, không một nụ cười và với một thứ tiếng Anh kinh khủng và bà ước gì khi ngày ấy quay trở lại, Bà sẽ xuất hiện ở phòng bảo vệ với tấm áo dài màu xanh da trời, và tất nhiên sẽ mỉm cười tươi vui và tranh luận một cách rất ngoại giao với Hội đồng… Nhưng con người không thể cái gì cũng hoàn thiện. Một nhân cách như thế đòi hỏi những năm tháng rèn luyện…

Quả thực nghiên cứu khoa học là chặng đường đầy gian nan. Qua những giai đoạn quan trọng qua đi, dù chứa đựng không ít khó khăn vất vả, nhưng rồi bà cũng đã đạt được những thành công nhất định, đặc biệt bà tìm thấy niềm đam mê nghiên cứu để theo đuổi đến cùng. Có lẽ những năm tháng học tập ở nước ngoài đã truyền cho bà niềm đam mê nghiên cứu, để rồi thời gian sau này và cả hiện tại, bà vẫn tiếp tục theo đuổi niềm đam mê ấy. Thời kỳ đại học, bà chủ yếu Nghiên cứu các protease phân giải hạt đậu tại Liên Xô. Thời kỳ sau tốt nghiệp đại học, bà Nghiên cứu thành phần hóa học thức ăn Việt Nam, vệ sinh thực phẩm, chế độ dinh dưỡng cho trẻ em và cho công nhân hầm mỏ tại Viện Vệ sinh dịch tễ học 1 Yeasin, Hà Nội;  Nghiên cứu ảnh hưởng của tia Gamma Cobalt-60 đến quá trình tạo mô sẹo của bao phấn, Nghiên cứu các vi sinh vật sống trong rễ lúa. Thời gian làm luận án thạc sĩ và tiến sĩ, Nghiên cứu yếu tố di truyền CD1 của ký sinh trùng Leishmania mexican 379 và Nghiên cứu kiểu hình gen của ký sinh trùng Leishmania mexican 379. Thời gian sau tiến sĩ, Nghiên cứu một số đặc điểm di truyền của vi khuẩn Helicobacter pylori và các phương pháp chuẩn đoán; Nghiên cứu vi khuẩn lao và các phương pháp chẩn đoán; Nghiên cứu hiện tượng bội nhiễm vi sinh vật ở các bệnh nhân vị bệnh dạ dày kèm nhiễm Helicobacter pylori. Thời gian về hưu, bà Nghiên cứu qui trình chế tạo chế phẩm sinh học chứa Nattokinase; Nghiên cứu qui trình chế tạo chế phẩm sinh học chứa Nato collagen II; Nghiên cứu qui trình chế tạo nước mắm cốt thời hạn ngắn (1 tháng); Nghiên cứu sử dụng một số vi sinh vật có ích dùng làm Probiotoc cho người (động vật); Nghiên cứu nấm nội sinh thực vật và khả năng chống ung thư; Nghiên cứu tính kháng thuốc của Helicobacter pylori và các phác đồ điều trị.

TS Hạnh làm việc cùng với một đồng
nghiệp trong phòng thí nghiệm

Với các hướng nghiên cứu đó, bà đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu ý nghĩa, trong đó có thể kể đến như: Nghiên cứu di truyền, kiểu gen của ký sinh trùng Leishmania mexicana 379 có ý nghĩa chẩn đoán bệnh do ký sinh trùng; Nghiên cứu hiện tượng bội nhiễm vi sinh vật (nấm, vi khuẩn non-HP) ở các bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, nghiên cứu kháng thuốc của Helicobacter pylori và các phác đồ điều trị; Nghiên cứu chẩn đoán lao, vi khuẩn Helicobacter pylori bằng các phương pháp sinh học phân tử; Nghiên cứu nấm nội sinh trong thực và khả năng chống ung thư; Nghiên cứu qui trình chế tạo chế phẩm sinh học Nattokinase; Nghiên cứu qui trình làm nước mắm cốt với thời gian rút ngắn; Nghiên cứu chế tạo Probiotic dùng cho người (chăn nuôi)… Những nghiên cứu của bà đã mang lại những kết quả tốt, như Phát hiện cấu trúc nhị phân của ADN mạch vòng CD1 trong bộ genom của ký sinh trùng Leishmania Mexicana M379; Phát hiện thêm  hai loại ADN mạch vòng nữa có tên K và T; Phát hiện nấm Candida cruzei trong dạ dày người Việt Nam, Xác định bản chất quá trình tạo nước mắm theo phương pháp truyền thống và qui trình sản xuất nhanh nước mắm, phát hiện (phân lập, định tên)  hàng loạt các chủng nấm nội sinh trong thực vật Việt Nam, một số trong đó có khả năng sản xuất các chất chống ung thư rất mạnh … Để có được những kết quả nghiên cứu khoa học như ngày hôm nay, PGS.TS Hồng Hạnh luôn nhớ về khoảng thời gian được học tập và nghiên cứu ở nước ngoài để lại trong bà rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Bà vẫn nhớ lúc bắt đầu làm luận án Tiến sĩ, một tối, bà được một cậu nghiên cứu sinh người Philippin gọi gấp đến phòng kính hiển vi huỳnh quang để xem kết quả tạo kháng thể đơn dòng mà cậu ấy đã làm trong hơn nửa năm. Cậu ấy khóc và nói rằng, muốn bà là người đầu tiên chia sẻ thành công với cậu ấy. Bà mừng cho bạn, và cũng không khỏi ngạc nhiên vì cậu ấy đã khóc, giọt nước mắt sau thành công khiến bà ngưỡng mộ vì tình yêu của bạn dành cho khoa học, cho nỗ lực sau bao ngày tháng…

Học tập ở nước ngoài đã giúp bà có những cái nhìn khác. Bà vốn dĩ là người không biết cạnh tranh trong học tập, nghiên cứu, vì chỉ nghĩ đơn giản là cứ cố gắng thôi. GS Hammer Raymond – người hướng dẫn bà vẫn trách cứ nửa đùa nửa thật “Hạnh kiêu hãnh theo kiểu Slavo”. Một lần, GS Hammer Raymond gọi hai nghiên cứu sinh là bà và cậu người Kenya đến nhà ăn cơm. Ông hỏi bà: “Hạnh này, nếu hai người cùng khát nước và cô kiếm được cốc nước trước, cô sẽ làm  gì?” Bà hớn hở trả lời, bà sẽ chia cho bạn một nửa. GS nghiêm mặt lại: “Không chia cho ai hết. Cô giữ mà uống một mình”. Sau này, bà biết David không được học bổng.

Sau nhiều năm nghiên cứu khoa học, bà rút ra kết luận, kết quả nghiên cứu chỉ nhận được vào lúc khó khăn nhất, khi ta vô cùng lúng túng, cảm thấy muốn bỏ việc vì quá mệt mỏi, vì có bao điều cần phải trả lời.  Bà nhớ  lúc làm luận án Tiến sĩ, bà cần phải phát hiện một protein tái tổ hợp tự nhiên của ký sinh trùng Leishmania. Đây là thí nghiệm cuối cùng trước lúc bà được phép ngồi viết luận án.  Đã 7 năm rồi, một nghiên cứu sinh người Trung Quốc, một Tiến sĩ Postdoc người Pháp đã không tìm thấy nó. Bà chỉ còn có 50 µl kháng thể đa dòng của chuột để tìm protein trong ký sinh trùng, nếu thất bại thì biết làm sao? Một chủ nhật, bà bắt gặp một cậu nghiên cứu sinh tại phòng lạnh đang loay hoay làm một  kỹ thuật về tạo dòng phân tử. Cậu ấy hỏi bà cách làm. Sau khi chỉ phương pháp, bà buồn phiền chia sẻ lo lắng của mình. Thật may mắn, cậu ấy đã bày cho bà cách làm sạch kháng huyết thanh bằng một mẹo rất ngộ nghĩnh. Bà bắt chước làm và 2 ngày sau tìm thấy protein. Như vậy, lúc bà cảm thấy chán nản và muốn bỏ cuộc thì bà lại có được may mắn và sự may mắn đó đã giúp bà thành công.

 PGS.TS Hạnh và học trò 

Có thể nói, thành công sẽ đến với những người biết cố gắng và theo đuổi đến cùng niềm đam mê của mình, và điều này đúng với PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh. Sau bao khó khăn, bà cũng đã chinh phục được con đường nghiên cứu khoa học, mang lại nhiều đóng góp lớn cho khoa học nước nhà. Hiện nay dù đã về hưu, bà vẫn tiếp tục theo đuổi nghiên cứu, vẫn tiếp tục với những công trình mới đầy tâm huyết và ý nghĩa. Trong vai trò là Giám đốc Trung Tâm nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà cùng với các cộng sự tiếp tục nghiên cứu những đề tài khoa học ý nghĩa phục vụ cho đất nước, cho nhân dân. Bà muốn là người tìm ra cách chế tạo thuốc điều trị ung thư đa phổ có giá rẻ như… thuốc cảm. Vẫn biết đây là một điều rất khó, tuy nhiên với sự kiên trì bền bỉ và những ấp ủ về đề tài, mong rằng điều đó sẽ trở thành hiện thực.

Nguồn: Tấm gương người làm khoa học. Tập 12. H – Hồng Đức, 2015. Trang 161 – 170