Nhà khoa học, nhà giáo giàu sáng tạo

Trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ông luôn dành nhiều thời gian và công sức để chủ động trong việc tích lũy, miệt mài nghiên cứu và đồng thời luôn dành một tình yêu chân thành, sẻ chia kiến thức cho các thế hệ sinh viên, học viên và đồng nghiệp.

Chuyên gia đầu ngành Tổ chức học Thú y Việt Nam

GS.TS.Phạm Đức Lộ sinh ngày 20 tháng 09 năm 1934 tại xã Đông Lĩnh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Từ nhiều năm về trước hay cho đến bây giờ khi nhắc đến ông ông trong ngành Tổ chức học Thú y, không ai không biết đến ông, một chuyên gia đầu ngành, một thầy giáo tận tụy với sự nghiệp trồng người. Ông đã có đóng góp rất lớn khi xây dựng nên các cơ sở cả về lý thuyết lẫn thực hành. Việc làm quan trọng nhất là xây dựng phòng thí nghiệm và viết giáo trình cho Bộ môn Tổ chức học tại trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Đây luôn là nhiệm vụ số một của môn học, để làm cơ sở phối hợp nghiên cứu với các cơ quan khoa học. Sau 8 năm miệt mài, đêm ngày tập trung viết giáo trình, đi thư viện Trung ương tìm tài liệu, ông đã hoàn thành: “Giáo trình Tổ chức học và Phôi thai học”, được Bộ trưởng Tạ Quang Bửu xem và duyệt cho in tại NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp năm 1971. Đó là giáo trình đầu tiên của trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội được Bộ Đại học duyệt in.

GS.TS Phạm Đức Lộ

Ông còn xây dựng thành công cơ sở sản xuất tiêu bản phiến kính tế bào động vật hiện đại, đuổi kịp các nước và cung cấp phiến kính mẫu cho việc giảng dạy và nghiên cứu tế bào của bộ môn. Từ đó ông đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ kỹ thuật cao trong phòng thí nghiệm để liên tục lao động, sáng tạo, xây dựng và bảo vệ phòng thí nghiệm đặc chủng. Nhờ vậy mà các loại kính hiển vi và máy móc hiện đại, các loại hóa chất quý hiếm, loại tối độc nguy hiểm luôn được bảo vệ cẩn thận.

Bằng tài năng và vốn kiến thức chuyên môn tốt với những thành công đã có được, GS.TS.Phạm Đức Lộ luôn được cấp trên, đồng nghiệp tin tưởng giao trọng trách khi nắm giữ các cương vị: Trưởng môn học, Chủ nhiệm Bộ môn Tổ chức học, Phó Chủ nhiệm khoa Thú y, Phó phòng Giáo vụ, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Đây là thời gian ông cùng đồng nghiệp đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp khoa học và giáo dục của trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Điều làm ông tâm đắc nhất trong thời gian quản lý này là biết tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát huy năng lực của mình trong lao động “chất xám”, biết tôn trọng “tính tự do và dấu ấn cá nhân của nhà khoa học” để họ khẳng định mình trong hoạt động khoa học và công nghệ của trường nói riêng và của Nhà nước nói chung.

Ông đã liên kết với ban lãnh đạo của Đại học Thủy sản Nha trang, Đại học Tổng hợp Hà nội, Đại học Nông nghiệp Hà nội, Viện Nuôi cá Đình bảng, Viện AIT Thái Lan để mở lại lớp đại học Thủy sản (Lớp Nuôi Cá: 1994) cho miền Bắc. Được sự đồng ý của Bộ trưởng Trần Hồng Quân, đây là lớp đầu tiên của Việt Nam dạy hoàn toàn bằng chương trình quốc tế, có thực tập tốt nghiệp tại Thái Lan. Bên cạnh công tác quản lý, GS.TS.Phạm Đức Lộ cũng dành thời gian tham gia các hội thảo, hội nghị trong nước, tham gia hoạt động Hội Thú y và hợp tác quốc tế, đồng thời triển khai phát triển khoa học và liên kết  khoa học với sản xuất.

Cái gốc của cuộc đời ông – một nhà giáo chân chính

Lý giải cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học về ngành Tổ chức học Thú y, có thể nói rằng, tất cả bắt đầu từ công việc dạy học. Yêu cầu của một thầy giáo dạy đại học buộc phải làm công việc nghiên cứu. Có nghiên cứu mới có thể giảng dạy bài bản được. Không chỉ truyền thụ cho sinh viên tri thức, ông còn trao cho sinh viên các phương pháp và kỹ năng nghiên cứu, đó chính là những phẩm chất cần thiết ở một giảng viên đại học.

Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, ông tiếp tục giữ vai trò một người lái đò thầm lặng. Ngoài những giờ lên lớp cùng sinh viên, giờ đây khoảng thời gian trống ông càng miệt mài nghiên cứu khoa học. Chia sẻ với chúng tôi, ông tâm sự: “Động lực của người làm khoa học chủ yếu là lòng đam mê trong nghiên cứu, có say mê nghiên cứu thì mới xứng đáng đứng trên bục giảng đại học. Bên cạnh đó người làm khoa học phải là người có tư duy đổi mới và tư duy sáng tạo. Sự kết hợp hai điều này sẽ giúp những ai mong muốn làm nghiên cứu khoa học thành công và cho ra nhiều sản phẩm có giá trị”.

Từ một nhà giáo, ông Phạm Đức Lộ đã tự khẳng định mình bằng học vị Tiến sĩ, chức danh Phó Giáo sư, Giáo sư và nhận Bằng khen của Thủ tướng chính phủ. Điều đó thể hiện ý chí tự trau dồi và học vấn đáng kính nể ở ông. Nhìn vào danh mục tài liệu tham khảo, thấy gần 30 công trình khoa học đứng tên riêng, không ít những công trình đứng tên chung hoặc chủ biên, và ngoài ra ông còn là đồng tác giả của nhiều bài báo được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước.

Với niềm đam mê và nhiệt huyết không ngừng, ông đã trực tiếp tham gia giảng dạy và phục vụ đào tạo trên 50 năm. Học trò ông có mặt khắp các miền của đất nước. Có lẽ, đó là món quà quý giá nhất mà cuộc đời này ban tặng cho người thầy dành trọn đời chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo những người chủ tương lai của đất nước “vừa hồng, vừa chuyên”. Nhiều người rất tự hào và hạnh phúc được là học trò của ông, không ít người đã thành đạt và đang giữ những vị trí công tác quan trọng trong xã hội. Họ đã trở thành Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường đại học, hay những người đang làm công tác quản lý nhưng vẫn nhớ gửi lời cảm ơn đến ông. Như cô Thoa (Bộ môn Giải phẫu Tổ chức) đã nói: “Thật sự cô cảm thấy rất hạnh phúc và may mắn khi được làm một học trò của thầy, thầy là một con người không chỉ có chuyên môn giỏi mà còn rất chăm lo đời sống cho đồng nghiệp, luôn tận tình dìu dắt các thế hệ học trò như cô. Thầy không chỉ dạy các cô về kiến thức mà thầy còn dạy cả đạo đức làm người. Cũng qua cách chỉ bảo giảng dạy của thầy, cô đã học được đức tính điềm đạm, cẩn thận để áp dụng vào cuộc sống của cô”.

Nhận được những lời cảm ơn chân thành của học trò mỗi ngày là một niềm vui lớn của nghề thầy giáo. Ông đã phát huy hết khả năng nhà giáo để tham gia ban Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, soạn thảo nhiều văn bản giá trị, đem lại vinh quang cho các nhà giáo dạy đại học.

Điều đặc biệt khiến GS.TS.Phạm Đức Lộ cảm thấy mãn nguyện hơn ngoài những thành công trong công tác, ông có một gia đình hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn trưởng thành. Vợ ông, bà Lê Minh Nguyệt từng là Phó Giám đốc công ty Giống cây trồng Hà Nội. Chị Phạm Nguyệt Linh con gái đầu của ông bà đang công tác tại cơ quan Liên Hiệp Quốc về Bình đẳng giới và Tăng quyền cho Phụ nữ (UN Women). Chồng chị, PGS.TS.Trần Văn Tớp hiện là Hiệu phó trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Anh chị có hai cháu: Trần Thiện Hoàng đã tốt nghiệp 3 bằng đại học tại Mỹ, hiện đang học sau đại học tại Canada; Trần Thiện Phong đang học đại học tại Pháp. Chị Phạm Phương Lan, con gái thứ hai của ông bà, Tiến sĩ Ngôn ngữ, làm giáo viên tại Toronto. Chồng chị, Tiến sĩ Phạm Ngọc Cương cùng 3 cháu đang làm việc, học tập và định cư tại Canada. Cả nhà thường xuyên về thăm ông bà.

Trải qua quá trình vừa miệt mài giảng dạy, nghiên cứu khoa học, vừa tìm hướng phát triển cho lĩnh vực Tổ chức học, đến nay ông đã đóng góp rất nhiều cho ngành Thú y ngày một phát triển và đi lên. Hai mươi năm làm việc trong ban Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, ông là người chấp bút tài năng, biên soạn hai dự thảo Nghị định, viết “Hướng dẫn thực hiện Nghị định” và “Văn bản pháp quy” rất có giá trị. GS.TS.Phạm Đức Lộ xứng đáng là một tấm gương sáng để thế hệ tiếp bước noi theo và học tập.


Lê Giang

Nguồn: http://vietnamhoinhap.vn/n5768