GS.VS Tôn Thất Tùng
Vào năm 1969, tại một Hội nghị khoa học ở Paris, Cộng hòa Pháp, GS Tôn Thất Tùng đã đưa ra quan điểm của mình về tác hại của chất diệt cỏ dioxin mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và ảnh hưởng của nó đối với thiên nhiên và con người Việt Nam. Nhằm tăng cường mạnh mẽ cho cuộc chiến ở đây, Mỹ bắt đầu rải loại chất độc này xuống Việt Nam trong những năm 1966-1967. Tuy nhiên, vào thời điểm đó những luận điểm mà ông đưa ra chưa thuyết phục được giới khoa học và họ cho rằng như vậy là “phản khoa học, tuyên truyền chống Mỹ”. Mặc dù vậy GS Tôn Thất Tùng không bỏ cuộc, ông tiếp tục những nghiên cứu của mình về ảnh hưởng của dioxin trên con người Việt Nam, cụ thể là những phân tích ảnh hưởng của nó trên các bệnh về gan là lĩnh vực chuyên môn sâu của ông. Trong quá trình nghiên cứu, ông đã nhận được sự hỗ trợ không nhỏ từ Giáo sư Bửu Hội – một giáo sư Hóa học, Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại Pháp – để phân tích các công thức hóa học và tác hại của dioxin. Dần dần, những phát hiện này của GS Tôn Thất Tùng bắt đầu được chú ý, và người ta đã quan tâm tìm hiểu về tác hại của dioxin một cách nghiêm túc hơn.
Đến năm 1977, tại Mỹ, những cựu binh sĩ từng tham gia chiến tranh Việt Nam và người dân tại bang Oregon đã đấu tranh đòi hỏi giới khoa học Mỹ phải nhận thức lại hậu quả vô cùng tai hại của chất da cam, đồng thời có những chế độ theo dõi sức khỏe và bồi thường đối với họ. Năm 1979, khi sang Mỹ lần đầu tiên[1], tại những nơi ông đến, GS Tôn Thất Tùng đã không bỏ lỡ cơ hội để “tấn công” trên phương diện khoa học, báo chí về vấn đề dioxin. Nhiều cuộc trò chuyện đã được tổ chức ở các bang, các trường đại học, thậm chí là những cuộc trao đổi mang tính chất cá nhân. Ông nhận được sự quan tâm, ủng hộ và bảo vệ hết sức nhiệt tình của các cựu binh sĩ Mỹ. Họ tán thành những luận điểm của ông về việc chứng minh tác hại của chất diệt cỏ đối với con người Việt Nam và những người đã tham gia cuộc chiến này. Kết quả của những lần trao đổi trực tiếp với sinh viên các trường đại học, với giới truyền thông đã mang đến những tác động gián tiếp và trực tiếp, làm cho nhà chức trách Mỹ phải nhìn nhận vấn đề này một cách thấu đáo và cẩn trọng hơn. Một tháng sau (khoảng tháng 6-1979) khi ông rời nước Mỹ, chính quyền Ca-tơ đã buộc phải chính thức đặt vấn đề nghiên cứu các tác hại của chất diệt cỏ đối với những cựu binh sĩ Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam.
Có thể thấy rằng, GS Tôn Thất Tùng đã coi việc chứng minh, khẳng định các tác hại của dioxin là một “cuộc chiến”, và cơ sở khoa học trở thành một thứ vũ khí lợi hại trong cuộc chiến này. Tại Italia, vào năm 1976 một tai nạn xảy ra tại một nhà máy và cũng là lò phản ứng hạt nhân 2,4,5-trichlorophenol (TCP) gần thị trấn Seveso làm thải ra môi trường chung quanh khoảng 30 kg dioxin. Sau đó tại Seveso đã diễn ra một Hội nghị khoa học, Hội nghị kết luận không thấy tai biến rõ rệt qua các thống kê, tuy có thấy một sự tăng lên hàng năm về các dị dạng tại vùng này. Nhận định về sự kiện và vấn đề này, GS Tôn Thất Tùng cho rằng: “Ý đồ của các hãng sản xuất hóa học là nhằm gây lên một luận điệu nói rằng dioxin thật là rất độc trên thú vật nghiệm, nhưng trên người chưa thấy gì nguy hiểm và nói rằng dioxin không gây gì nguy hiểm cho nhân dân ở đấy, có ý nghĩa là muốn nói rằng ở Việt Nam các chất diệt cỏ cũng không gây tác hại gì cả”[3].
Bác bỏ lại luận điệu này, GS Tôn Thất Tùng đã trình bày trước báo giới và truyền hình, đài phát thanh: “Ở Seveso, chất dioxin chỉ tác động trên người độ 3-4 ngày thôi. Ở Việt Nam, trong 8 năm liền, nhân dân đã bị hàng ngày máy bay đến rải chất da cam trên đầu: vì vậy, đã có một sự nhiễm độc lâu dài, và chất dioxin lại còn là một chất được tồn tại và tích lũy trong cơ thể, ngay trên cựu binh sĩ Mỹ ở Việt Nam, trên 30% người được khám xét dioxin còn tồn tại trong lớp mỡ cơ thể”. Với trách nhiệm và lương tâm của một bác sĩ, một nhà khoa học, ông đưa ra khuyến cáo về ảnh hưởng nguy hại của dioxin, và Chính phủ Italia đã cho chuyển dân khỏi thị trấn Seveso, sau 1-2 năm mới cho về trở lại, khi mà các phương pháp tẩy rửa dioxin đã được thực hiện.
Cuối năm 1980, Đại học Công giáo tại Nai-mi-gơn (Hà Lan) đã mời GS Tôn Thất Tùng cùng Hội Y tế Hà Lan – Việt Nam (Hội này hoạt động từ cuối những năm 1960 và giúp đỡ Việt Nam qua Tổ chức hợp tác khoa học quốc tế giữa các đại học Hà Lan, gọi là NUFFIC) sang tham quan và trao đổi các hoạt động khoa học liên quan đến lĩnh vực y tế. Tại đây trong vòng 17 ngày, ông đã thực hiện nhiều ca biểu diễn mổ gan theo phương pháp của ông trước các Giáo sư Hà Lan và giới truyền thông. Ông cũng đã chuẩn bị sẵn cho mình những trang bị để “bắt đầu một cuộc tấn công mới về khoa học, không phải về mổ xẻ gan mà về một vấn đề hiện nay lớn nhất của thế giới, hiện đang rất sôi nổi ở Mỹ, Anh, Ý và rồi sẽ tràn lan qua Hà Lan”[2].
Cũng trong những ngày ở Hà Lan này, đã diễn ra một cuộc tranh luận trước báo giới và truyền hình giữa GS Tôn Thất Tùng và GS Xtríc – một giáo sư về độc học, vị Giáo sư này là người trong giới khoa học ủng hộ lý giải của các công ty hóa chất, cho rằng các chất diệt cỏ không có ảnh hưởng đến sức khỏe con người, trừ bệnh ngoài da và gan. GS Xtríc đã tìm thấy chất 2,4,5T làm phát sinh trong gan những thương tổn về chuyển hóa chất Phot-phy-rin, ông cũng là chuyên gia được mời đến để quan sát tình hình ô nhiễm vì chất hóa học 2,4,5T bị vùi lấp trong đầm của một ngôi làng tên là Brônk (Hà Lan), trong đó nước và bùn có chứa đến 400 P.t.t dioxin. GS Xtríc đã có tuyên bố rằng ở Brônk không có vấn đề gì nguy hiểm đối với người dân ở đây. Tuy nhiên, theo những khuyến cáo của GS Tôn Thất Tùng cũng như theo gương của các cựu binh sĩ Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam (thành lập tổ chức đấu tranh tại Mỹ), nhân dân ở Brônk đã họp lại và thành lập một tổ chức “Nhân dân chống lại các chất diệt cỏ”. Họ đã cử một bác sĩ trẻ tuổi tên là Kidơ Kladơn đến gặp GS Tôn Thất Tùng để trao đổi, ghi nhận những lời khuyên của ông cho cuộc đấu tranh của mình.
Tại một cuộc trao đổi diễn ra tại trường đại học Naimigơn (Hà Lan), GS Tôn Thất Tùng tiếp tục có một cuộc “khẩu chiến” với GS Xtríc về vấn đề chất diệt cỏ dioxin ở làng Brônk. Ông đã khuyến cáo các tổ chức, các nhà khoa học phải “để ý” đến vụ ô nhiễm chất dioxin ở ngôi làng trên. Ngay sau đó, một nhà báo đã đến ngôi làng này và đưa tin về việc một khối lượng lớn dioxin bị phát tán rất nguy hiểm, tương tự như ở Seveso. Không bao lâu sau, Chính phủ Hà Lan đã đặc biệt quan tâm vấn đề này, và các bạn của GS Tôn Thất Tùng cho biết số tiền cần thiết để giải quyết ước tính lên đến 20 tỉ flo-rin.
Cũng nhân việc ô nhiễm dioxin ở làng Brônk và những cuộc tranh luận của GS Tôn Thất Tùng tại đây, báo chí Hà Lan đã có rất nhiều bài nêu lại sự hủy hoại và ảnh hưởng của chất diệt cỏ mà Mỹ đã rải trong chiến tranh Việt Nam. Họ cũng chiếu lại những hình ảnh về cuộc chiến tại Việt Nam, điều đã gây nên những tác động mạnh mẽ trong quần chúng ở Hà Lan lúc bấy giờ.
Không chỉ là chiến sĩ áo trắng trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, là người thầy của nhiều thế hệ y, bác sĩ tài năng, GS Tôn Thất Tùng còn là người chiến sĩ trên mặt trận chống lại thảm họa “dioxin” tại các diễn đàn quốc tế. Những hoạt động, tiếng nói thuyết phục, bản lĩnh của ông ở nhiều nước về vấn đề dioxin đã buộc các chính phủ và các tổ chức quốc tế phải đặc biệt lưu tâm, khiến họ nhận thức lại mức độ nguy hại của chất độc này, đồng thời có những biện pháp ngăn chặn và giải quyết. Có thể thấy rõ, ở GS Tôn Thất Tùng tinh thần trách nhiệm, tài năng, lòng nhân ái luôn hòa quyện trong suốt cuộc đời cống hiến của ông vì con người.
Nguyễn Thanh Hóa
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Nguồn tham khảo:
1.http://vietsciences.free.fr/timhieu/khoahoc/chatdocdacam/dioxinvakinhnghiemseveso.htm
2. Đường vào khoa học của tôi. H- Kim đồng, 2003.
3. Ghi chép của GS Tôn Thất Tùng sau chuyến đi Tây Âu, 1980.
4. Nhật ký đi Mỹ của GS Tôn Thất Tùng, 1979.