Nhà khoa học “tiếp sức” chống bệnh ung thư

“Tiếp sức” cho bệnh nhân ung thư

Chúng tôi bị cuốn hút khi nghe TS Hà Phương Thư, Trưởng phòng Vật liệu nano y sinh, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam giới thiệu nghiên cứu mới nhất về ứng dụng công nghệ nano để nano hóa các tinh chất của cây an xoa tím. Chất này kết hợp với Curcumin hỗ trợ việc điều trị cho bệnh nhân xơ gan, men gan cao, ung thư gan. Đây là ý tưởng mà chị và người bạn Nguyễn Thị Ngọc Anh, giáo viên môn Hóa học Trường THPT An Lương Đông (TP Huế) “thai nghén” từ lâu. Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang bởi tiếng gõ cửa…

Trước mặt chúng tôi là người đàn ông trung niên dáng đậm với đôi mắt lộ rõ niềm vui. Anh là Thiếu tá Nguyễn Trịnh Dũng, cán bộ Tổng công ty Mạng lưới của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Anh đến để thông báo tin mừng, sau khi vợ anh là chị Vũ Thị Ngọc sử dụng sản phẩm phức hệ nano FGC lần thứ hai, nay đã có thể đi chợ, nấu ăn và đưa đón con đến trường. Theo anh Dũng, tháng 3-2017, vợ anh phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn 4 và di căn lên não. Sau khi xạ trị theo chỉ định của bác sĩ, sức khỏe của chị yếu hẳn, thị lực giảm, nhìn không rõ, giọng nói thều thào, yếu ớt… Nói đến đây, giọng anh Dũng nghẹn lại: “Lúc ấy, vợ tôi như “ngọn nến trước gió”, không còn sức sống…”. Thế rồi, nhờ người bạn giới thiệu với TS Hà Phương Thư, chị Ngọc đã được dùng sản phẩm CumarGold Kare và sức khỏe hồi phục tốt.

TS Hà Phương Thư (đứng giữa) và các đồng nghiệp.

TS Hà Phương Thư kể: “Năm 2014, tôi có người bạn tên Cẩm Bào, phóng viên Báo Công Thương, bị ung thư vú đã di căn. Chứng kiến những cơn đau và sự thất vọng của bạn, tôi vô cùng thương xót. Đó là một trong những lý do khiến tôi quyết tâm tìm ra cách ứng dụng công nghệ nano, làm cho Curcumin vốn khó tan trở nên phân tán tốt hơn, tăng sinh khả dụng, giúp bệnh nhân nâng cao khả năng chống chọi lại bệnh ung thư. Và Cẩm Bào là người đầu tiên tình nguyện dùng thử sản phẩm Curcumin từ nghệ…”.

Có lẽ, chính nghị lực và khát khao được sống của những người như chị Cẩm Bào đã giúp TS Hà Phương Thư có động lực nghiên cứu và thành công nhiều hơn. Hiện nay, bình quân mỗi tháng, TS Hà Phương Thư hỗ trợ từ 10 đến 15 người sử dụng sản phẩm do mình chế tạo để chống chọi với căn bệnh ung thư.

Đi vào lĩnh vực khó

Nghiên cứu khoa học là công việc vất vả, nhất là đối với phụ nữ. Bởi với vai trò “giữ lửa” trong gia đình, phải đảm nhận thiên chức làm vợ, làm mẹ, để có được thành công trong nghiên cứu, những người như TS Hà Phương Thư phải hy sinh, nỗ lực rất lớn.

Hà Phương Thư sinh năm 1974 tại Huế. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị thi đỗ vào Khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Huế với ước mong nối nghiệp cha mẹ. Năm 1996, tốt nghiệp, chị về giảng dạy môn Hóa học tại Trường THPT An Lương Đông. Sau 3 năm theo nghề, khi ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên-Huế có chủ trương đưa giáo viên đi đào tạo, nâng cao trình độ, Hà Phương Thư đăng ký làm nghiên cứu sinh tại Viện Hóa học, Viện Hàm lâm KH&CN Việt Nam. Năm 2003, chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Tháng 1-2004, chị nhận được học bổng một khóa đào tạo tại Trung tâm Năng lượng nguyên tử của Pháp. Từ đây, con đường nghiên cứu khoa học cuốn hút chị như duyên trời định. 

Theo TS Hà Phương Thư, thì công nghệ nano đã được các nhà khoa học ở nhiều nước phát triển ứng dụng từ lâu. Tuy nhiên ở Việt Nam, đây là lĩnh vực rất mới. Cái khó khăn nhất của người làm khoa học là phải tìm ra được hướng đi mới trên nền tri thức nhân loại, hướng tới việc mang lại hiệu quả thực sự phục vụ cộng đồng.

Kết thúc khóa học tại Pháp, trở về nước công tác vào năm 2005, thấy căn bệnh ung thư gây đau đớn, thiệt hại kinh tế, suy giảm nguồn lực cho nhiều gia đình, xã hội, nên TS Hà Phương Thư rất trăn trở. Chị đã từng nghĩ đến hướng nghiên cứu thuốc trị ung thư nhưng không khả thi vì phải qua các khâu thử nghiệm, kiểm duyệt, cấp phép của nhiều bộ, ngành, cũng như phải có sự phối hợp nghiên cứu của nhiều lĩnh vực. Thực tế, thuốc chữa trị ung thư có tác dụng, nhưng thường để lại phản ứng phụ, khiến người bệnh suy giảm hệ miễn dịch, cơ thể suy yếu. Vì vậy, cần phải có thêm các sản phẩm từ dược liệu sẵn có trong nước để hỗ trợ thêm cho bệnh nhân ung thư sau hóa-xạ trị. Bởi vậy, chị tập trung nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu quy trình chế tạo và đánh giá hiệu quả của hệ dẫn thuốc hướng đích cấu trúc nano lên tế bào ung thư”. Kết quả, sau 4 năm nghiên cứu, thử nghiệm, ngày 11-10-2016, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức công bố kết quả chế tạo sản phẩm CumarGold Kare của TS Hà Phương Thư. Ở đề tài “Nghiên cứu quy trình bào chế hệ dẫn thuốc kích thước nano: Nano (Fucoidan-Ginseng-Curcumin) dùng trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung bướu”, TS Hà Phương Thư đã sử dụng các vật liệu kích thước nano làm phương tiện mang, tạo thành phức hệ nano đa chức năng, kết hợp nhiều hoạt chất nhằm hiệp đồng tác dụng, tăng hiệu quả tác động đối với tế bào ung thư, tập trung vào vị trí khối u, tránh tác động đến tế bào lành. Các vật liệu kích thước nano được sản xuất từ tam thất, nghệ vàng và rong biển, giúp cải thiện độ tan, bảo vệ hoạt chất khỏi những rào cản sinh học, tăng sinh khả dụng, tập trung hoạt chất tại vùng khối u thông qua hai cơ chế hướng đích thụ động và chủ động.

Theo TS Hà Phương Thư, việc dùng trực tiếp củ nghệ và tam thất thường không mang lại hiệu quả cao vì Curcumin khó tan, hấp thu kém và hàm lượng Notoginseng trong tam thất thấp. Do đó, việc sử dụng phức hệ nano FGC sẽ mang lại hiệu quả vượt trội so với việc sử dụng riêng lẻ Curcumin, Fucoidan và tam thất thường. Đặc điểm nổi trội trong đề tài nghiên cứu của TS Hà Phương Thư là hệ dẫn nano gồm Fucoidan và Saponin tam thất giúp tăng độ tan của hoạt chất Curcumin lên 4.000 lần và bảo vệ hoạt chất khỏi những rào cản sinh học trong quá trình hấp thu. Bên cạnh đó, phức hệ nano FGC có cơ chế hướng đích giúp mang hoạt chất trực tiếp đến tế bào ung thư, từ đó phát huy tối đa công dụng của cả ba thành phần thảo dược Curcumin, Saponin tam thất và Fucoidan trong dự phòng, hỗ trợ nâng cao thể trạng cho bệnh nhân ung bướu.

Để đánh giá chất lượng sản phẩm CumarGold Kare (chứa phức hệ nano FGC), các thầy thuốc của Học viện Quân y đã tiến hành một số thử nghiệm tiền lâm sàng trên các dòng tế bào ung thư người được cấy lên chuột Nude và thu được kết quả đáng mừng: Phức hệ nano FGC có khả năng làm giảm sự phát triển của tế bào ung thư, tăng đáp ứng miễn dịch ở nhóm chuột thí nghiệm.

Trò chuyện với TS Hà Phương Thư, chúng tôi cảm nhận được niềm vui về kết quả sau bao năm miệt mài phấn đấu ở lĩnh vực chị đam mê. Đầu năm 2017, chị được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Tìm hiểu thêm về chị, chúng tôi nhận được nhiều thông tin giá trị. Cho đến nay, ngoài nhiều đề tài nghiên cứu thành công, TS Hà Phương Thư đã có 30 bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế và ISI. Tuy nhiên, chị vẫn chưa thật hài lòng với kết quả ấy, bởi ước mong nâng tầm giá trị dược liệu Việt để phục vụ đại bộ phận người Việt Nam qua ứng dụng công nghệ nano mới là đích cao nhất mà chị và đồng nghiệp đang hướng tới. Điển hình là, sau khi nghiên cứu, chiết xuất tinh chất của cây an xoa tím kết hợp với Curcumin từ củ nghệ và nano hóa, chị và cộng sự đang hoàn thiện những bước thử nghiệm tiếp theo để cho ra đời sản phẩm mới có thể giúp nhiều người ở Việt Nam chữa được các bệnh về gan vốn khá phổ biến trong cộng đồng. Chị tiết lộ, chắc chắn với việc ứng dụng công nghệ nano, sản phẩm này sẽ có hiệu ứng tốt, hứa hẹn rất nhiều tiềm năng.

Những thành công mà TS Hà Phương Thư và đồng nghiệp đạt được không chỉ giúp nền khoa học công nghệ nước nhà về lĩnh vực nano hóa phát triển, tiệm cận nhanh hơn với khoa học công nghệ nano trên thế giới, mà còn hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội trong phát triển sản xuất, chế biến và nâng cao giá trị nguồn dược liệu trong nước…

 

Bài và ảnh: NGUYỄN MẠNH THẮNG

Nguồn: www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-9-2017-2018/nha-khoa-hoc-tiep-suc-chong-benh-ung-thu-514823