Nhà khoa học trẻ Hải Dương ở Ba Lan Luôn hướng về quê hương

Nơi ươm mầm đam mê

Tuy đã cách xa hơn 20 năm nhưng trong tâm trí của Nguyễn Anh Linh vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh nơi mình đã sinh ra, gắn bó những năm tháng đầu tiên của cuộc đời. Những năm 80, gia đình anh sống trong gian tập thể cũ ở phố Tuy Hòa. Bố là giáo viên, mẹ làm ở xưởng sản xuất mũ cối, cuộc sống gia đình anh giản dị và nhiều khó khăn như đa số những người dân thị xã lúc bấy giờ. Nhưng ký ức của anh về tuổi thơ ở thị xã Hải Dương rất êm đềm với những con người đã góp phần tạo nên tính cách và cả những thành công của anh sau này. “Bố mẹ, thầy cô là những người có ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ và lối sống của tôi. Mẹ tôi là người làm việc vất vả, chăm lo đời sống kinh tế gia đình, bố tôi là người điềm đạm, luôn động viên chỉ bảo các chị em tôi. Thầy Dũng chủ nhiệm lớp chuyên toán cấp I thị xã Hải Dương khóa 1982-1984 và cô Ngọc chủ nhiệm, dạy chuyên toán cấp II Trường Năng khiếu Hải Hưng khóa 1984-1987 là những người tôi luôn nhớ về. Tất nhiên, tất cả các thầy cô giáo khác đã dạy tôi đều là những thầy cô kính mến, tận tình dìu dắt thế hệ trẻ”, qua email anh Linh tâm sự.

PGS, TS khoa học Nguyễn Anh Linh trình bày nghiên cứu tại một hội thảo khoa học quốc tế

Từ khi học cấp I, Nguyễn Anh Linh luôn là một trong những học sinh giỏi toán nhất lớp, có thể ngồi cả ngày chỉ để giải toán. Sự tự giác học hành, tự thân vận động được anh học tập từ bố mẹ, những người làm việc rất chăm chỉ và luôn lo lắng cho các con. Bố mẹ anh thường xuyên bảo ban, nhưng không kèm các con học mà để chị em anh tự giác. Trong những năm tháng sau này, một mình bươn chải học hành trên nước bạn, anh thực sự thấm thía tầm quan trọng của những đức tính ấy. Anh vẫn nhớ hiệu sách hiếm hoi của thị xã khi đó ở đường Trần Hưng Đạo, nơi anh đã mua quyển sách khơi dậy niềm đam mê đầu đời. Quyển sách về điều khiển học khiến cậu học sinh chuyên toán Nguyễn Anh Linh đọc say mê vì những kiến thức mới mẻ và thú vị. Lên cấp III, khi học lớp chuyên toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được tiếp xúc với tin học, anh Linh đã biết đó là ngành mở, của tương lai, gần gũi với toán và điều khiển học nên đã định hướng cho mình đi theo ngành đó. Và theo đuổi nó đến tận bây giờ. Gia đình, ngôi trường cấp 1, cấp 2 là những mảnh đất màu mỡ đầu tiên đã ươm mầm cho lòng say mê học hỏi, tình yêu với sự nghiệp nghiên cứu khoa học của anh.

Miệt mài nghiên cứu khoa học

Con đường học tập của Nguyễn Anh Linh gắn liền với môn toán-tin và những giải thưởng. Khi còn là học sinh phổ thông, anh đã đoạt giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn toán lớp 5 (năm 1984), giải ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn toán lớp 8 (năm 1987). Hai lần liên tiếp, anh là người đứng đầu kỳ thi chọn đội tuyển học sinh Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic Tin học quốc tế các năm 1989-1990 và đều đoạt giải ba. Đó là những bước đệm đầu tiên đưa anh đến với sự nghiệp nghiên cứu khoa học.

Về mặt kiến thức và cơ hội thì Nguyễn Anh Linh có nhiều thuận lợi vì khi đang là sinh viên năm thứ 1 của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh đã được nhận học bổng du học tại Ba Lan. Song để bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trước thời hạn chuyên ngành modal logic (logic học nghiên cứu về mối quan hệ giữa các định đề phương thức) tại Đại học Tổng hợp Vác-xa-va, anh đã phải nỗ lực rất nhiều. Tuy nhận được học bổng toàn phần của chính phủ Ba Lan, đủ cho cuộc sống của sinh viên nội trú, nhưng từ năm học tiếng đến năm thứ 3 đại học, anh vẫn đi bán hàng 2 tháng dịp nghỉ hè, 1 tuần dịp nghỉ lễ Giáng sinh. Bán hàng lẻ ở Ba Lan hồi đó là theo kiểu mua buôn quần áo của người Việt ở Vác-xa-va, đi tàu đến các chợ lẻ ở các tỉnh xa để bán. Đến mùa hè năm thứ 4 đại học, anh không phải làm công việc đó nữa mà đã đủ kiến thức, kinh nghiệm để đi lập trình cho 1 công ty tin học. Trở thành tiến sĩ ở tuổi 27, Nguyễn Anh Linh được Trường Đại học Tổng hợp Vác-xa-va giữ lại làm giảng viên. Năm 2009, anh tiếp tục bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học về lập trình trong modal logic. Năm 2012, anh được bổ nhiệm làm Phó Giáo sư.

Với một người làm tin học lý thuyết, một loại khoa học cơ bản như Nguyễn Anh Linh, công việc nghiên cứu hết sức thầm lặng vì các kết quả nghiên cứu nhiều khi chưa được triển khai ngay và cũng không có nhiều người hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực anh nghiên cứu. Phải có niềm say mê, sự kiên trì thì mới đeo đuổi được con đường này. Với Nguyễn Anh Linh, hạnh phúc nằm ngay trên con đường mình đi chứ không phải cái đích khi sẽ tới và động lực thôi thúc anh miệt mài đi trên con đường ấy chính là những công trình sắp được nghiên cứu. Anh tâm sự: “Tôi rất tâm đắc với câu phát biểu sau của Giáo sư Nguyễn Hữu Việt Hưng (một nhà khoa học giành giải thưởng Tạ Quang Bửu): “Riêng với cá nhân tôi, mọi kết quả của tôi đã được công bố đều không còn thú vị nữa. Cái thú vị nằm ở những công trình sắp được nghiên cứu”. Câu này cũng đúng với tôi cũng như nhiều nhà khoa học khác. Mỗi bài báo khoa học có chất lượng là thành quả nghiên cứu và tâm huyết của người viết trong một khoảng thời gian nhất định”.

Với tâm thế ấy, trong 15 năm (tính từ năm 1999 đến nay), Nguyễn Anh Linh đã có 78 bài báo khoa học, trong đó có 25 bài được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín, các bài còn lại được đăng trong kỷ yếu của các hội thảo khoa học quốc tế. Anh cũng đã tham gia tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế, trong đó có Description Logics Workshop, một hội thảo quốc tế đã có truyền thống 27 năm. Không bó buộc mình theo một hướng đi, những năm gần đây, anh nghiên cứu cả các vấn đề có tính ứng dụng cao hơn với niềm hy vọng công trình của mình sẽ sớm phục vụ được cho thực tiễn.

Hướng về quê hương

Từ nhiều năm qua, Nguyễn Anh Linh định cư tại Ba Lan. Công việc và gia đình nhỏ của anh gắn bó với quê hương thứ hai ấy. Nhưng tấm lòng của người con xa xứ, lúc nào anh cũng đau đáu hướng về Việt Nam với suy nghĩ “Tôi nghĩ tình cảm ấm áp của gia đình, quê hương sẽ là điểm tựa tinh thần cho các con tôi vượt qua những trở ngại trong cuộc sống để thành công”. Đó cũng chính là bài học kinh nghiệm của anh trong cuộc sống. Mỗi khi gặp khó khăn, anh nghĩ đến bố mẹ, thầy cô, những người đã hết lòng chăm lo và hy vọng ở anh, để đứng lên, cố gắng và vượt qua. Anh thường xuyên gọi điện về thăm hỏi bố mẹ, tranh thủ mỗi dịp hè đưa vợ con về thăm quê hương.

Gia đình nhỏ của Phó giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Anh Linh

Không chỉ hướng về quê hương bằng tình cảm đơn thuần, anh Linh thường tận dụng mọi cơ hội để được đóng góp bằng những hành động thiết thực gắn bó công việc nghiên cứu khoa học của mình. Anh đã làm đồng Trưởng Ban chương trình hội thảo khoa học SoICT (International Symposium on Information and Communication Technology) các năm 2010-2011 do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì. Sau đó, anh tiếp tục tham gia làm thành viên Ban chương trình của hội thảo này vào các năm tiếp theo. Vào các năm 2012 đến 2014, anh cộng tác khoa học với Trường Đại học Công nghệ Hà Nội và hiện vẫn đang tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh cho trường này. Từ năm 2014, anh làm viên chức nghiên cứu (kiêm nhiệm) cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, anh còn hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho các nghiên cứu sinh người Việt tại Ba Lan, tạo điều kiện cho nghiên cứu sinh từ Việt Nam sang Ba Lan thực tập. Anh muốn truyền ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho các bạn trẻ trong nước và giúp họ có điều kiện mở mang kiến thức ở những chân trời mới. Con đường đi của Nguyễn Anh Linh còn rất dài với nhiều gian nan, thử thách, nhưng với những việc đã và đang làm, anh sẽ không đơn độc trên con đường ấy.


Lam Anh
(Báo Hải Dương)
Nguồn: www.haiduongtv.com.vn/