Nhà khoa học trưởng thành từ môi trường cách mạng

Đó là vào năm 1944, khi những hoạt động của Việt Minh trên chiến khu Việt Bắc đã lan truyền về Hà Nội, Nguyễn Phúc Trí quyết định ngừng việc học ở trường Tiểu học Louis Pasteur (Hàng Chuối, Hà Nội) để cùng bạn bè đi dán áp phích, rải truyền đơn, bán tín phiếu để quyên tiền mua súng ủng hộ Việt Minh… Đầu năm 1945, ông được giới thiệu sang hoạt động trong Đoàn Thanh niên Tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu (Đoàn TNTTXP), từng tham gia bảo vệ cuộc mít tinh của phụ nữ tại Mễ Trì, tham gia cướp kho thóc ở làng Mọc Quan Nhân… Ngoài ra, ông trực tiếp tham gia buổi diễn thuyết và treo cờ trên tàu điện tuyến Vọng – Bờ Hồ, chuẩn bị cho đợt huấn luyện quân sự tại Quế Võ – Bắc Ninh, diễn thuyết tại rạp hát Tố Như trên phố Hàng Bạc… Những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nguyễn Phúc Trí hăng hái kêu gọi đồng bào tham gia buổi lễ mít tinh do Mặt trận Việt Minh tổ chức ngày 19-8-1945. Ngày hôm đó, ông cùng Đoàn TNTTXP tham gia cướp kho vũ khí của quân Nhật tại Trại Bảo an binh.

GS.TS Nguyễn Phúc Trí: “Những kỷ niệm đã qua 7 thập kỷ, nay vẫn còn da diết trong tôi”

Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Phúc Trí đứng trong hàng ngũ của lực lượng quân sự thủ đô có nhiệm vụ bảo vệ thành phố. Cuối năm 1945, ông gia nhập Đội quân “Tây tiến”, đóng ở Mừng Bú rồi qua Tạ Bú. Tháng 4-1946, Nguyễn Phúc Trí ngã ốm vì căn bệnh sốt rét ác tính. Từ Hát Lót, ông được đưa về Hà Nội chữa bệnh và sau đó hoạt động đoàn thể tại đây.

Trong buổi trò chuyện, GS.TS Nguyễn Phúc Trí chia sẻ: “Nhớ về những ngày sôi nổi của tuổi học sinh đầy hoài bão và tuyệt đối vô tư, đầy quả cảm nhưng cũng không ít những điều ấu trĩ tuổi thiếu thời, đầu tiên là tôi nhớ tới những người đã có ảnh hưởng tốt tới tôi, những người đã đùm bọc che chở cho tôi hoạt động, bắt đầu từ những bạn bè thời ấu thơ cho đến những người thân trong gia đình”.

Trưởng thành từ môi trường cách mạng, sau này người thanh niên ấy đã trở thành GS.TS, Viện trưởng Viện thiết kế giao thông vận tải.

Đỗ Minh Khôi