Nhà khoa học về Biển

 Say mê ngành Động vật học từ những ngày đầu công tác ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1963, Đặng Ngọc Thanh được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Năm 1967, mới 33 tuổi, ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ với đề tài “Khu hệ động vật không xương sống nước ngọt Miền Bắc Việt Nam”. Ngay sau đó, ông được phép phát triển đề tài này để bảo vệ luận án Tiến sĩ. Và chỉ trong vòng hai tuần lễ, luận án Tiến sĩ đã được bảo vệ với sự ủng hộ của đa số thành viên trong Hội đồng. Đây là chuyên ngành, mà vào thời điểm đó, ông là người Việt Nam đạt được học vị Tiến sĩ khi tuổi còn trẻ như vậy. Buổi bảo vệ đã thu hút rất đông sinh viên, lưu học sinh các nước đến dự và một nhận xét của họ làm ông rất xúc động và nhớ mãi “Người Việt Nam nhỏ bé thế mà đánh giặc cũng giỏi và học cũng giỏi”. Với thành tích này, TSKH Đặng Ngọc Thanh đã được Đại sứ quán ta tuyên dương trong khối các lưu học sinh Việt Nam đang học tập trên toàn Liên bang Xô viết thời kỳ đó.

Trong những năm tháng học tập trên đất nước bạn, ông thường xuyên tới các thư viện ở Mátxcơva để mượn chụp lại các bộ sách quý. Hơn 300 cuộn micro phim ông còn lưu giữ được là những tài liệu quý về sinh vật học phục vụ rất tốt cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học của ông sau này.

GS.TSKH Đặng Ngọc Thanh

Năm 1967, TSKH Đặng Ngọc Thanh trở về nước và công tác tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đến năm 1977, ông được đề bạt làm Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Khoa học và Công nghệ). Ông đảm nhiệm cương vị này đến 1993. Dấu mốc nổi bật trong sự nghiệp khoa học của GS Đặng Ngọc Thanh giai đoạn 1977 – 2000 là ông đã 5 lần giữ vai trò Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu Biển cấp Nhà nước. Ông còn là Chủ nhiệm nhiều Đề tài quan trọng như Điều tra tổng hợp điều kiện tự nhiên và tài nguyên vùng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, Xây dựng Ngân hàng dữ liệu biển Quốc gia …

Vừa hoàn thành tốt vai trò nhà quản lý, ông còn đam mê nghiên cứu khoa học, tìm tòi và phát hiện ra hàng chục giống, loài sinh vật mới. GS Đặng Ngọc Thanh đã cùng với các đồng nghiệp nghiên cứu, biên soạn và xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị như: bộ chuyên khảo về Biển Đông gồm 4 tập đã được xuất bản năm 2000 và tái bản năm 2009, Bộ Atlas Biển Đông với 60 bản đồ; Bộ sách "Động vật chí"; Sách đỏ về động, thực vật ở Việt Nam do ông chủ trì thực hiện được coi là căn cứ khoa học quan trọng để Nhà nước ban hành những Nghị định, Chỉ thị về việc quản lý và bảo vệ động, thực vật quý hiếm ở Việt Nam.

 Giai đoạn 1985 – 2008, ông vinh dự là đại diện cho Việt Nam tham gia Ủy ban Liên chính phủ về Hải dương học (IOC) – tổ chức quốc tế duy nhất và uy tín về Biển của Liên hợp quốc với sự tham gia của 135 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, ông được cử làm Phó Chủ tịch thứ nhất Phân ban Tây Thái Bình Dương (WESTPAC) của Tổ chức IOC liên tục trong hai nhiệm kỳ: 2004 –2006 và 2006- 2008. 

Đã bước vào tuổi 80, GS. TSKH Đặng Ngọc Thanh vẫn chưa nguôi trăn trở về thực trạng nghiên cứu biển ở nước ta. Tình yêu cho biển của một nhà khoa học chưa bao giờ vơi cạn trong ông. Đó chính là động lực để ông tiếp tục các hoạt động khoa học như thẩm định, tuyển chọn, đánh giá các đề tài nghiên cứu biển.

Bích Phương