GS.TS Nguyễn Mạnh Kiểm
Từ niềm đam mê nghề xây dựng
GS.TS Nguyễn Mạnh Kiểm sinh năm 1938 trên vùng đất tổ Hùng Vương. Thời học sinh, ông học tốt cả các môn tự nhiên và xã hội, đặc biệt là Vật lí, Toán, Văn học. Những mặt trội này đã là mảnh đất tốt để nảy nở tình yêu thơ ca trong ông.
Vào những năm 50, trong điều kiện kháng chiến và tiếp xúc với thông tin không nhiều như bây giờ, Nguyễn Mạnh Kiểm chủ yếu được biết đến trình độ tiến bộ của Liên Xô qua phim, ảnh. Đó là khi ông xem phim Liên Xô thấy cảnh xây dựng đất nước, lần đầu tiên ông được biết đến cơ giới hóa trong nông nghiệp… Những hình ảnh ấy đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí ông.
Rồi những hoạt động xây dựng trường lớp ở khu sơ tán đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc lựa chọn nghề nghiệp của ông. Thời kỳ ông học cấp II, khi cuộc Kháng chiến chống Pháp đang bước sang giai đoạn tổng tiến công, ở hậu phương phong trào xây dựng trường lớp để học tập được dấy lên khắp nơi. Thường vào ngày nghỉ, học sinh của trường chia thành từng nhóm đi kiếm nứa, gỗ, lá… rồi cùng các bác thợ thủ công, công nhân để xây dựng lớp học. Trong khi làm việc, họ thường hát vang bài hát “Đoàn ta xây dựng trường” của nhạc sĩ Phong Nhã khiến không khí và tinh thần lao động sôi nổi, hăng hái hơn. Đến bây giờ, ông vẫn nhớ giai điệu và lời ca của bài hát này:
“Đoàn học sinh ta thi đua ta xây dựng trường
Cùng cười vang xung phong đi làm hăng hái
Đẵn tre đẵn nứa leo đèo trập trùng chúng ta không ngại ngùng
Ngày hôm nay ta xây lớp ta, rồi mai đây ta xây nước ta
Nước Việt Nam mới đầy vinh quang sáng tươi”
Từ những việc cụ thể ấy, ông đã thầm đam mê nghề xây dựng. Đến khi được đăng kí nguyện vọng vào đại học (năm 1956), Nguyễn Mạnh Kiểm nghĩ ngay đến ngành Kiến trúc xây dựng của trường Đại học Bách khoa. Ngày đi xem kết quả, đến giờ ông vẫn nhớ như in trong tâm trí: Nhà trường dán Thông báo kết quả lên bảng lớn, mọi người đứng xem rất đông, ông không chen vào được nên chui dưới chân các bạn để xem. May là tên ông ở vần “K” nên ở phía dưới bảng Thông báo. Thấy tên mình ở chuyên ngành Xây dựng, ông mừng quá, đứng phắt dậy, bất ngờ hất nghiêng ngả mấy người và bị họ mắng um lên. Thế là, Nguyễn Mạnh Kiểm trở thành sinh viên Khóa I của trường Bách khoa – một ngôi trường được Liên Xô viện trợ và trang bị tốt lúc bấy giờ.
Theo chương trình, khóa các ông phải học 5 năm nhưng mới học được ba năm thì nhu cầu cán bộ trở nên cấp thiết, các ông phải về các cơ sở đi thực tập và tự trang bị kiến thức cho mình. Nguyễn Mạnh Kiểm được phân công về Bộ Kiến trúc. Ngay khi về đây, ông được cử sang thực tập một năm tại Viện Khoa học Kiến trúc Bắc Kinh (Trung Quốc) để chuẩn bị cho sự ra đời của Viện Thí nghiệm Vật liệu Xây dựng.
Tại Trung Quốc, ông đã thực hiện nghiên cứu công trình đầu tiên của mình về bê tông cường độ cao đặc biệt. Theo GS.TS Nguyễn Mạnh Kiểm: trong điều kiện miền Nam đang còn chiến tranh, miền Bắc tuy đã sống trong hòa bình, nhưng vẫn là hậu phương cho sự nghiệp thống nhất đất nước, đề phòng nguy cơ chiến tranh, nên đòi hỏi quan trọng nhất ở nước ta là xây dựng công trình quốc phòng chịu được chấn động. Do đó, người xây dựng cần có kiến thức để làm bê tông cường độ cao đặc biệt. Sau hơn ba tháng thực hiện, đề án của ông được điểm 5 (thang điểm 5) và ông được khen thưởng cá nhân xuất sắc trong đoàn thực tập sinh.
Sau công trình nghiên cứu đầu tiên, Nguyễn Mạnh Kiểm về nước và công tác tại Viện Thí nghiệm Vật liệu Xây dựng, rồi trở thành Viện trưởng của Viện. Trong hơn 20 năm công tác tại đây, ông đã nghiên cứu nhiều đề tài khoa học được ứng dụng vào thực tiễn như Bê tông cốt sợi sơ dừa làm tấm lợp; Sử dụng cát mịn làm bê tông và vữa xây dựng… Đáng chú ý là Viện Thí nghiệm Vật liệu Xây dựng được Bộ Chính trị tin tưởng giao cho phục vụ xây dựng Lăng Bác. Nguyễn Mạnh Kiểm (khi đó là Viện Phó) được phân công đặc trách lo việc tổ chức và trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động của Viện liên quan đến công trường quan trọng này. Trong quá trình thi công Công trình này, ông đã áp dụng nhiều nghiên cứu của mình như bê tông mác cao, vữa nở chống thấm và bê tông dãn nở…Hoàn thành công trình, ông vinh dự được Tổng Bí thư Đỗ Mười trao tặng Huy hiệu Hồ Chí Minh.
Năm 1983, ông được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng rồi năm 1997 ông giữ trọng trách là Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Tuy bộn bề công tác quản lí nhưng ông vẫn dành thời gian nhất định làm chuyên môn, tham gia các công trình xây dựng trên khắp cả nước. Ngay cả khi đã nghỉ hưu, ông vẫn say sưa với nghiên cứu giải pháp môi trường, vật liệu, kết cấu và công nghệ xây dựng nhà máy điện nguyên tử ở Việt Nam…
Đến nguồn cảm hứng thơ ca
Đồng hành trong suốt cuộc đời gắn bó với sự nghiệp xây dựng của GS Nguyễn Mạnh Kiểm, là tình yêu thơ ca và các hoạt động văn nghệ. Ông từng làm Bí thư thành đoàn, Phó Chủ tịch Hội bóng chuyền Việt Nam. Đặc biệt, với thơ ca, ông luôn đam mê, khao khát sáng tạo.
Ông cho biết: ông mê làm thơ từ những năm học trung học phổ thông ở quê hương Phú Thọ, rồi trong suốt những năm tháng học đại học. Ông lí giải về cảm hứng của mình: “Thời đi học đã lưu giữ trong tôi rất nhiều sự kiện, dấu ấn qua các công việc, phong trào của Đội thiếu nhi, đoàn thanh niên trong lao động, học tập, tham gia văn nghệ… Trước mỗi sự kiện ấn tượng, tôi có cảm giác thích thú, xúc động nên làm thơ”. Sau mỗi sáng tác, ông cảm thấy tâm hồn sảng khoái, thư thái và mọi căng thẳng của công việc như tan biến.
Có thể nói, trên mỗi bước đường đời, GS Nguyễn Mạnh Kiểm đều gửi gắm suy nghĩ, tình cảm của mình qua những vần thơ. Ông đã sáng tác hơn 200 bài thơ thuộc các chủ đề: thời học sinh, quê hương, gia đình, nghề nghiệp, tình yêu, tình bạn… Tính đến năm 2010, GS Nguyễn Mạnh Kiểm đã xuất bản 4 tập thơ: “Tình nghề nghiệp”, “Nghĩa gia đình”, “50 năm khúc đường nghề”, “Nguồn điện”. Trong đó, xuyên suốt trong ông là hai mạch nguồn: gia đình và nghề nghiệp. Vị trí gia đình trong cuộc đời ông được thể hiện trong những bài viết về người vợ và các con thân yêu, đặc biệt khi chứng kiến những bước trưởng thành của con như bài “Châu biết đi”, “Châu biết lẫy”… [Châu là con trai thứ hai của ông-T/g]. Còn “Tình nghề nghiệp” là những tâm sự nghề nghiệp sau mỗi sự kiện hay công trình ông tham gia như Thủy điện Thác Bà, Thủy điện Ialy, đi tìm đá đỏ để xây Lăng Bác, xử lí hang động Cactơ xi măng Hoàng Thạch, xây dựng mở rộng xi măng Kiến Lương, Hà Tiên,…
Bài “Tâm tình người thợ gạch”, sáng tác năm 2007, là một trong những bài thơ thể hiện tình yêu nghề đến đam mê, niềm tự hào của người làm xây dựng. Những viên gạch, ngói vô tri, qua lời thơ dung dị, đã trở nên sinh động, có hồn, lung linh trong cuộc sống đời người:
“Ai khéo tay gom đất
Nhào nặn ra viên gạch
Đừng lo gạch cô đơn
Dắt nhau đi tìm vữa
Vữa quyện gạch thân thương
Dệt nên tường may áo
Sưởi ấm bao gia đình
Chứng kiến bao buồn vui
Chứng kiến bao nỗi tâm tình
Nhưng có ai hay, đây đó, đó đây, mai nay
Ẩn hình người thợ gạch
Ẩn hình người thợ xây” …
Có lẽ, nhắc đến GS Nguyễn Mạnh Kiểm, người ta nghĩ nhiều đến một vị Bộ trưởng. Nhưng trong ông là sự hòa quyện của một nhà quản lí, một nhà khoa học với tâm hồn thơ ca. Và dường như những bài thơ “đầy vôi vữa” thấm trong chất khoa học ấy đã tạo nên sức mạnh, sự sáng tạo của ông qua mỗi công trình.
Trần Bích Hạnh
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam