Kỹ sư Lê Văn Tiềm bước chân vào sự nghiệp giảng dạy ở Đại học Nông lâm từ năm 1957. Năm 1963, Phó Giám đốc Học viện Nông lâm Lê Duy Thước điều chuyển ông sang công tác tại Viện, với chức vụ Trưởng Bộ môn Phân tích Nông hóa.
Thời điểm những năm 1960, Học viện tiếp nhận các trang thiết bị của phòng đều do Liên Xô viện trợ cùng với sự hướng dẫn tận tình của chuyên gia người Liên Xô. Khả năng nghiên cứu của kỹ sư – giảng viên Lê Văn Tiềm được phát huy tại đây với việc chuyển từ phân tích bằng phương pháp hóa học sang phương pháp công cụ để ra kết quả nhanh, chính xác và giảm chi phí, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của công việc phân tích nông hóa. Đó cũng chính là cơ sở cho những nghiên cứu trực tiếp sau này như: Cân đối lân đạm và bố trí cơ cấu giống lúa vùng chiêm trũng; Biến đổi độ chua đất ngập nước; Tìm vùng pH tối thích của cây lúa; Lúa chết phèn; Vai trò của lưu huỳnh đối với cây trồng…
Dù Bộ môn Phân tích Nông hóa được xếp vào tuyến hai của Viện, nhưng vốn rất yêu thích công việc nghiên cứu, nên kỹ sư Lê Văn Tiềm thấy cần có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp chung một cách cụ thể. Nhận thấy quy trình phân tích photpho tổng số trong cây và trong đất có nhiều bất cập, ông đã xây dựng phương pháp mới với thay đổi về cách công phá mẫu, về chất khử tạo màu, về khắc phục ảnh hưởng của sự hiện diện quá nhiều sắt trong dung dịch phân tích đất. Tuy nhiên, trước một số ý kiến cho rằng phương pháp này coppy phương pháp phân tích photpho của Liên Xô, ông quyết tâm chứng minh điểm mới trong nghiên cứu của mình.
Lê Văn Tiềm nhờ một người bạn dịch hai công trình Phương pháp mới xác định P tổng số trong đất và Phương pháp mới xác định P dễ tiêu của ông sang tiếng Nga. Sau đó, ông gửi sang Tạp chí Nông hóa học của Viện Hàn lâm Nông nghiệp Liên Xô và được Tạp chí này đăng tải vào tháng 5-1967. Tại nơi sơ tán ở vùng rừng núi Tuyên Quang, ông xúc động nhận được một cuốn do tòa soạn từ Moskva, Liên Xô gửi biếu tác giả.
Bước sang năm 1970, công việc của Bộ môn Phân tích Nông hóa, Viện Khoa học Nông nghiệp vẫn là công việc của tuyến hai, là hậu phương cho các đề tài nghiên cứu tuyến một. Tuy nhiên, Lê Văn Tiềm không chịu “cấm cung” ở tuyến hai, quyết cùng các cán bộ trong Bộ môn đi vào nghiên cứu những vấn đề có giá trị thực tiễn, phục vụ trực tiếp cho sản xuất.
Qua xử lý các số liệu phân tích, Trưởng Bộ môn Lê Văn Tiềm nhận thấy chỉ dựa vào quy luật tối thiểu[2] là không đủ để giải thích đối với những ruộng có hiệu lực phân lân cao một cách kỳ lạ, mặc dù hàm lượng lân dễ tiêu trong đất không phải là nghèo. Vấn đề cân đối lân và đạm trong sản xuất lúa được phòng đặc biệt quan tâm khi xem xét nhu cầu bón phân lân, ông thấy có những trường hợp có hàm lượng đạm dễ tiêu trong đất khá cao. Ngoài ra, những trường hợp này thường xảy ra ở những cánh đồng trũng, đất có thành phần sét cao.
Với tiền đề trên, Bộ môn Phân tích nông hóa dưới sự chỉ đạo của Lê Văn Tiềm đã hình thành và bắt tay vào nghiên cứu Sự cân đối lân – đạm trong lúa. Lần đầu tiên đưa đề tài cân đối lân đạm lên “tuyến một”, Lê Văn Tiềm nghe ngóng một số ý kiến đánh giá về đề tài, có một số ý kiến cho rằng không triển vọng, nhưng ông nghĩ: Đó là phán xét chưa qua kiểm định, việc nghiên cứu của mình đã qua thực tế, mình cứ quyết tâm làm.
Trưởng phòng Lê Văn Tiềm (đứng) phổ biến cho cán bộ khuyến nông về kỹ thuật canh tác
cân đối giữa lân và đạm tại huyện Bình Lục, Hà Nam, năm 1973
Trưởng Bộ môn Lê Văn Tiềm tập trung nhân lực toàn phòng tiến hành phân tích hàng nghìn mẫu đất lấy từ nhiều cánh đồng khác nhau để kịp hình thành Bản đồ cơ cấu giống lúa cho 12 xã khu B, thuộc huyện Bình Lục. Lần đầu tiên ngành Nông nghiệp Việt Nam xây dựng được bản đồ Cơ cấu giống lúa theo chất đất, trong đó có cả bảng hướng dẫn liều lượng phân bón. Trong bảng, ông chia tất cả các cánh đồng thành 4 nhóm theo tỷ lệ cân đối lân – đạm để lên kế hoạch bố trí cơ cấu giống lúa và chế độ bón phân hợp lý.
GS.TS Lê Văn Tiềm cho biết thêm: đây là một kiểu “bản đồ canh tác”, chỉ cần nhìn vào bản đồ người dân có thể xác định được giống lúa thích hợp và liều lượng bón đạm – lân cân đối để lúa phát triển một cách tốt nhất. Cứ vậy áp dụng trong sản xuất không chỉ trong năm 1974 mà còn cả những năm về sau ở nhiều địa phương khác [3].
Với việc vận dụng bản đồ Cơ cấu giống lúa theo tỷ lệ cân đối lân – đạm trên, “ngay năm 1974, năng suất bình quân khu B tăng từ 30 tạ/ha/năm lên 61 tạ/ha cả năm, nghĩa là tăng gấp đôi. Sản lượng thóc toàn khu B trước thí điểm chỉ vào khoảng 6.500 tấn/năm, ngay năm đầu thí điểm đã đạt 13.000 tấn/năm. Những năm sau đó, cả huyện Bình Lục áp dụng mô hình khu B, tăng sản lượng thóc lên gấp đôi”[4].
Thắng lợi ngoài sức tưởng tượng khiến kỹ sư Lê Văn Tiềm vô cùng phấn khởi. Nhớ về chuyện “xắn quần lội ruộng” năm xưa, ông bộc bạch: Thật là gặp thời, từ một ý tưởng gặt hái được một thành quả to lớn. Đó là công lao của cả một tập thể, chưa cần báo cáo, tiếng vang đã lên tận Bộ Nông nghiệp vì có cả đoàn kỹ sư cùng tham gia vào chỉ đạo các bước triển khai. Tôi chưa bao giờ có được một thử nghiệm quy mô và kết quả như vậy[5].
Sự kiện này được báo và đài truyền hình đưa tin và tên tuổi của Lê Văn Tiềm được nhiều người biết đến. Đó là chưa kể đến tình cảm chân thành nồng hậu của bà con huyện Bình Lục. Ông còn nhớ khoảnh khắc chào bà con trở về Hà Nội, người dân các xã gánh gồng thịt cá ra làm quà, nhưng biết bà con còn khó khăn, ông và các nhà báo đi cùng chỉ nhận tượng trưng một con cá mang về Hà Nội.
Nếu như ngày xưa, cụ Nguyễn Khuyến nói về quê hương Bình Lục của mình qua hai câu thơ:
Năm nay cày cấy vẫn chân thu
Chiêm mất đằng chiêm mùa mất mùa
thì Bình Lục từ những năm 1974, không còn là vùng chiêm khê mùa thối, lúa xuân thay thế lúa chiêm, xe cải tiến, xe công nông đi trên đường nhiều hơn thuyền thúng. Thay vào đó là những lời ca về sự no ấm, hạnh phúc khi được mùa như tác giả Trần Cung viết:
Con người đã thắng, đất trời thua
Biến cảnh đồng chiêm hóa ruộng mùa
GS.TS Lê Văn Tiềm nói với chúng tôi rằng, niềm vui lớn nhất của ông sau mỗi lần đi thực tế là tích lũy được thêm cho mình một vốn kiến thức mới. Và niềm hạnh phúc của ông, chỉ trọn vẹn khi thấy được nụ cười no ấm trên khuôn mặt của bà con nông dân. Có lẽ, chính niềm vui và niềm hạnh phúc ấy là động lực cho ông nghiên cứu, xông pha.
Nguyễn Thị Loan
__________________
[1] Theo lý giải của GS.TS Lê Văn Tiềm: Tuyến 1 là tuyến trực tiếp thực nghiệm trên đồng ruộng.
[2] Quy luật tối thiểu được J. Liebig, người Đức phát hiện năm 1840. Quy luật chỉ rõ rằng các nguyên tố sinh thái hoàn toàn không thể thay thế. Nguyên tố quyết định tăng năng suất cây trồng phụ thuộc vào nguyên tố tối thiểu.