Nhà nghiên cứu, dịch giả cần mẫn, nhà giáo tận tụy

Vào ngày khai trường tháng 9 năm 1963, cách đây hơn 50 năm, khi chúng tôi những cô cậu sinh viên tuổi mười tám đôi mươi bước vào học lớp Văn khóa VIII Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội do Thầy Hà Minh Đức được phân công làm Chủ nhiệm lớp, thì Thầy Hoàng Xuân Nhị đã là một học giả có tên tuổi với học hàm Giáo sư do Nhà nước phong từ năm 1958, đương nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn đã vào năm thứ 7. Lúc này ở tuổi 50 cận kề, Thầy dáng người cao to, da dẻ đỏ au vẫn thường cưỡi chiếc xe máy Sim Sơn từ căn hộ riêng tại Khu tập thể Kim Liên để vào Ký túc xá Láng – nơi tọa lạc trụ sở Văn phòng Khoa. Ký túc xá này là nơi học, nơi ăn nghỉ của sinh viên nội trú chuyên ngành Ngữ văn và Lịch sử, trong đó các phòng học, phòng ở tập thể của sinh viên thuộc những ngôi nhà gạch giản dị một tầng, mái ngói không trần, nền trát xi măng láng bóng, cửa sổ gỗ thấp không có chấn song, cửa ra vào có then gỗ to không cần khóa trái. Đây là loại nhà đơn giản, cấp 4, mỗi khi ngước mắt nhìn lên thấy rõ các vì kèo gỗ và mặt dưới của những viên ngói lợp mái được ken vào nhau, mỗi viên đều có dây thép xâu lỗ buộc chắc vào các hàng rui mè đỡ ngói cho khỏi xô lệch.

Chúng tôi nhớ rõ Văn phòng Khoa chỉ có Bí thư Khoa (nay gọi là Chánh Văn phòng) là Thầy Nguyễn Ngọc Sơn trực cùng với một số nhân viên. Thầy Chủ nhiệm Khoa Hoàng Xuân Nhị đã ủy quyền cho Bí thư Khoa giải quyết các vấn đề về hành chính, sự vụ, để Thầy tập trung vào các công việc quản lý chung và chuyên môn. Các buổi có việc phải vào Khoa chỉ đạo, trực tiếp giải quyết, điều hành, Thầy đều đến rất đúng giờ, theo nền nếp như kiểu người châu Âu, nơi thời trai trẻ Thầy đã du học đoạt những tấm bằng cử nhân, cao học xuất sắc về triết học, văn chương. Bởi vậy, cứ nghe thấy tiếng xe máy “phành phạch” quen thuộc của Thầy là chúng tôi lại đưa mắt, bấm nhau, quàng chân lên mau mau theo gương đúng giờ của Thầy mà lên lớp dự học hoặc tự học đảm bảo nghiêm túc, không được chậm trễ, nếu không sẽ bị đội Cờ đỏ của Lớp và Khoa ghi tên để cuối tuần nhắc nhở (!).

Là Chủ nhiệm Khoa, nhưng về chuyên môn Thầy lúc đó đã là một cây bút danh tiếng. Thầy nguyên là Ủy viên thường trực của Ban biên tập Tập san Đại học Sư phạm (từ năm 1955), sau đổi tên là Tập san Đại học/ Văn khoa (từ năm 1956) của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội rồi Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; cũng là tác giả các bài báo thường xuyên có mặt trên các tập san này. Trước khi được vào học Lớp Văn khóa VIII Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong lớp chúng tôi có những bạn học sinh giỏi văn, gia đình khá giả, có điều kiện tiếp xúc với sách vở đã từng được đọc các công trình nghiên cứu về văn học Nga Xô viết của Thầy như bộ sách Lịch sử văn học Nga từ nguồn gốc đến đầu thế kỷ XX, gồm 5 tập, hàng nghìn trang, xuất bản từ 1957-1962; Măc xim Gôrơki – sự nghiệp sáng tác văn học, 2 tập, 1958-1959; V.V. Maiakopxki – đời sống và sự nghiệp sáng tác, 1961.

Về dịch thuật từ nguyên bản tiếng Nga, hoặc từ tiếng Việt sang tiếng Pháp, Thầy là một tên tuổi nổi tiếng với các bản dịch Dưới đáy (kịch của M. Gôrơki, 1960); Volađimirơ Ilitsơ Lenin (trường ca của V. Maiakopxki, 1961); Nguyên lý mỹ học Mác – Lênin (của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, nhà xuất bản Sự Thật in thành 4 tập, từ năm 1961-1963, hàng ngàn trang).

Trước đó, thời du học và tu nghiệp ở Pháp, tại thủ đô Paris từ năm 1938 đến 1942, Thầy đã cho in bản dịch Chinh phụ ngâmvà tiểu thuyết của Huệ Tâm ra tiếng Pháp, phóng tác Truyện Kiều của Nguyễn Du thành kịch nói 5 hồi với kịch bản bằng tiếng Pháp, được dư luận Pháp chú ý xem Thầy là một trong số ít người nước ngoài xuất sắc trong viết văn bằng tiếng Pháp.

GS. Hoàng Xuân Nhị (ảnh Internet)

Với sự thông tuệ, cần mẫn trong nghiên cứu, dịch thuật và một sự nghiệp đáng kể như vậy, Thầy Chủ nhiệm Khoa Hoàng Xuân Nhị đối với chúng tôi là một tấm gương sáng về chuyên cần học tập, chuyên tâm và khổ công tự học, nghiên cứu khoa học, dịch thuật và chuyển ngữ.

Lúc này, khi bước sang tuổi ngũ tuần, Thầy đã quan tâm đào tạo rồi chuyển giao nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy văn học Nga – Xô viết cho lớp cán bộ trẻ kế cận, vốn là môn đệ của Thầy như: Nguyễn Kim Đính, Đỗ Hồng Chung, Nguyễn Trường Lịch… Thầy vững lòng chuyển sang nghiên cứu trên lĩnh vực mới là lý luận văn học hiện đại (trong và ngoài nước), thơ ca cách mạng hiện đại qua sáng tác của Hồ Chí Minh, Tố Hữu.

Mùa thu năm 1965, khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, thực hiện chủ trương của Nhà nước và được Nhà trường chỉ đạo, Thầy Hoàng Xuân Nhị lãnh đạo toàn Khoa gồm các thầy cô, cán bộ nhân viên cùng sinh viên các khóa 7, 8, 9 rời Ký túc xá Mễ Trì ở Thủ đô Hà Nội đi sơ tán lên vùng miền núi thuộc xã Vạn Thọ huyện Đại Từ tỉnh Bắc Thái để tiếp tục học tập không bị gián đoạn hoặc bắt đầu học tập (như với khóa 10, khai giảng 9/1965 – và các khóa sau đó).

Cùng với việc lên rừng chặt cây lấy gỗ nứa về làm các lớp học kiểu phòng không nửa chìm nửa nổi, đắp ụ đất bao quanh, mái nứa, vách trát rơm nhào nhuyễn với đất, bàn ghế gỗ tre tuyềnh toàng, chúng tôi đã cùng với thợ mộc lành nghề trong xã dựng một số căn nhà dân dã cho gia đình các Thầy cao tuổi. Nhà của Thầy Nhị tọa lạc bên bờ suối Đôi bên kia là đường lên huyện Đại Từ, một căn nhà vách đất, mái nứa giúp Thầy có nơi yên tĩnh làm việc và trú ngụ cùng vợ và hai con trai nhỏ đang theo học phổ thông.

Ở nơi sơ tán miền núi rừng xa xôi, không có đèn điện, nước máy như ở Thủ đô, chỉ có đèn dầu tù mù, nước giếng đục hoặc nước ao hồ, sông suối làm nước sinh hoạt, bao nhiêu là khó khăn, trở ngại! Từ căn nhà dân mà từng nhóm sinh viên của Lớp ở nhờ đến lớp học dưới chân núi để tiện tránh máy bay địch oanh tạc, chúng tôi phải đi bộ dò dẫm trên những đoạn đường trong thôn xóm mấp mô, chật hẹp, thậm chí phải quành trên những bờ ruộng quanh co, ngập cỏ; những đoạn suối khe với nước buốt giá khi mùa đông, vào mùa hè nước cuộn xiết, đáy là những viên đá lổn nhổn phủ bám rêu trơn, phải chống gậy cho khỏi té ngã. Tuy vậy, là những chàng trai, cô gái – những “người văn” sống có lý tưởng, hoài bão noi gương Paven Coócxaghin, Đội thanh niên cận vệ, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân – chúng tôi vẫn trụ vững kiên cường quyết học hành trọn vẹn nơi sơ tán, rèn sức, luyện tài để cánh chim bằng sẽ có ngày vút cao. Chúng tôi còn nhìn vào các Thầy cô như Hoàng Xuân Nhị, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nguyễn Tài Cẩn, Hoàng Thị Châu, Nona Xtankevich… làm tấm gương để sôi kinh nấu sử, luyện rèn bút lực, bền gan tráng khí.

Chúng tôi khâm phục các Thầy cô trong hoàn cảnh sơ tán vẫn triển khai thực hiện các đề tài hằng ấp ủ, theo đuổi, cặm cụi viết góp nhặt trên từng trang sách, trăn trở hoàn thiện, để mấy năm sau, khi hòa bình, xuất bản thành sách.

Thầy Hoàng Xuân Nhị lúc này ở tuổi ngoài 50 đã lặng lẽ là người như thế! Mắt Thầy đã kém đi, đèn dầu không đủ sáng. Đêm mùa đông có khi rét căm căm, nước như giá, tay chân muốn cóng. Nhưng tâm hồn Thầy thanh thản, phấn chấn. Thầy tâm sự: “Trí tuệ mình đã được Đảng, cách mạng bồi đắp, nâng lên, và mang ơn sâu của Đảng, của Bác… Mục tiêu phấn đấu là tích cực tìm hiểu, học tập theo Bác, đồng thời dựa vững vào thơ của Người, cố gắng nâng chuyên luận của mình lên để góp phần vào lý luận cơ bản của thơ ca, văn nghệ cách mạng, hiện đại…”(1).

Chuyên luận Thầy nói tới ở đây là công trình Thầy ấp ủ từ lâu, nay mới đủ điều kiện chín muồi để viết. Thầy đã viết đi viết lại, bổ sung và hoàn thiện và đã được xuất bản đúng vào dịp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Công trình Tìm hiểu thơ Hồ Chủ tịch này đã trở thành chuyên đề Thầy giảng nhiều năm cho sinh viên và nghiên cứu sinh, có sức thu hút mạnh mẽ người học và giới nghiên cứu. Nó mở đầu cho loạt chuyên luận về sau viết về thơ Bác của các nhà nghiên cứu khác.

Với tôi, chuyên luận này của Thầy Hoàng Xuân Nhị gắn với nhiều kỷ niệm sâu sắc.

Tôi còn nhớ hè năm 1981 tôi được Viện Văn học nơi tôi công tác đã 15 năm, cử đi dự thi nghiên cứu sinh chuyên ngành lý luận văn học để sau đó ra nước ngoài thuộc khối xã hội chủ nghĩa tu nghiệp. Trong chương trình ôn luyện thi có môn Văn học hiện đại với chuyên đề nói trên của Thầy Hoàng Xuân Nhị và một chuyên đề của Thầy Phan Cự Đệ. Về chuyên đề của Thầy Nhị, chúng tôi được nghe thầy giảng trực tiếp trên lớp 2 buổi sáng, thời gian còn lại Thầy yêu cầu các nghiên cứu sinh đọc bổ sung cuốn sách đã in của Thầy. Tôi tìm đọc, hào hứng nghiên cứu kỹ lưỡng cuốn sách của Thầy, ghi chép các luận điểm khoa học mà Thầy tâm đắc triển khai trong sách cũng được nhấn mạnh ở trên Lớp. Song tôi không tránh được những chỗ còn băn khoăn, chưa hiểu hết những điều Thầy đề cập trong sách, nên tôi mạnh dạn xin phép được gặp Thầy. Buổi chiều hôm đó Thầy hẹn tôi đến nhà là một căn hộ trên tầng ba của Khu tập thể cán bộ trung cao cấp thuộc vùng Kim Liên, Hà Nội.

Căn phòng làm việc của Thầy hơi tối, có lẽ bởi bao quanh sát tường là những giá sách xếp đầy hàng trăm cuốn sách dày mỏng bằng tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga và tiếng Việt mà Thầy đã chịu khó tích lũy, lưu giữ trong hơn 40 năm gắn bó với nghiệp nghiên cứu. Thầy vui vẻ tiếp tôi, bảo tôi ngồi đối diện với Thầy bên bàn làm việc dưới ngọn đèn bàn tỏa sáng. Thầy ôn tồn giảng giải cặn kẽ các thuật ngữ trong sách, các luận cứ và luận điểm được trình bày theo logic của tư duy và phương pháp nghiên cứu được Thầy chọn và vận dụng. Thỉnh thoảng Thầy rời ghế đứng lên, lấy trên giá sách những cuốn sách mà Thầy đã thuộc vị trí của nó, mang xuống đặt bày lên bàn để tôi được “thực mục sở thị” những dòng chữ trong nguyên gốc mà so sánh thực chứng. Lần đó, từ nếp làm việc này của Thầy, tôi được thấm thía bài học sâu sắc về sự cẩn trọng, công phu tham khảo, tra cứu, đối chiếu rồi động não, suy nghĩ, phản biện… để nắm được thần thái của ý kiến người khác, ngọn ngành và cái “tạng” của tư duy lý luận, phong thái và bút pháp, bút lực của từng người; giữ được một thái độ ứng xử điềm đạm, văn hóa, biết chờ đợi cần thiết trước những vấn đề chưa đồng thuận, chưa thể hội tụ ngay…

Kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh năm đó, do may mắn được các Thầy ít nhiều ưu ái, và có phần do chịu khó ôn luyện để tỉ thí, các bài thi về ngoại ngữ tự chọn (tôi chọn tiếng Đức), về lý luận văn học (môn chuyên ngành) và về văn học Việt Nam (môn cơ sở) tôi đều đạt điểm cao, được trúng tuyển xếp đầu bảng. Mãi mấy năm sau đó, khi tôi tốt nghiệp Tiến sĩ ở CHDC Đức trở về cơ quan cũ là Viện Văn học làm việc, tôi được nghe kể lại là hôm chấm bài thi viết của chuyên đề này, Thầy Nhị là tổ trưởng chấm thi bộ môn đã phân công hai thầy trong tổ lần lượt đọc để cả tổ cùng nghe 3 bài thi của thí sinh nghiên cứu sinh. Làm vậy đảm bảo chấm công khai, tiện so sánh giữa các bài. Các thầy đều nhất trí cho tôi điểm tối đa. Tôi tự hào về kết quả thi nghiên cứu sinh của mình và vô cùng biết ơn các thầy đã chỉ bảo tôi cặn kẽ, hết lòng, để trên cơ sở kế thừa, tiếp thu kết quả nghiên cứu của những đấng bậc đi trước như Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Trinh, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Lê Bá Hán, Đỗ Ngoạn… mà mạnh dạn phát huy độc lập suy nghĩ để mở rộng ý tứ, đào sâu và phát triển, đối thoại trong bài làm.

Những năm 70 thế kỷ trước cho đến ngày cuối đời, Thầy Hoàng Xuân Nhị tuy tuổi đã cao vào hàng “xưa nay hiếm”, nhưng Thầy vẫn bền bỉ biên soạn, trước thuật những công trình tâm huyết, kết quả của quá trình tích lũy đi đến hồi kết. Các công trình Những phạm trù mỹ học cơ bản (của I. Bôrép, dịch, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội xuất bản, 1974); Tìm hiểu đường lối văn nghệ của Đảng và sự phát triển của văn học cách mạng Việt Nam hiện đại (nghiên cứu, Nxb. Văn học, 1975); Chủ nghĩa xét lại hiện đại trong văn học nghệ thuật ở một số nước (1976) đã cho thấy sự nhất quán trong tư tưởng học thuật và những nỗ lực bứt phá mới trong bút pháp lý luận của Thầy Hoàng Xuân Nhị.

Nhân đây để kết thúc bài viết này về Thầy Hoàng Xuân Nhị tôi xin thú thật rằng: Phải đến những năm 1983-1987, khi học nghiên cứu sinh và làm Luận án Tiến sĩ về lý luận văn học ở CHDC Đức, một quốc gia có nền văn hóa văn minh ở trình độ cao, đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu và phát minh khoa học với nền nếp tư duy thực chứng, trọng lý tính, logic và tư biện chặt chẽ, thấu đáo qua những nhà văn hóa, học giả kiệt xuất, tôi càng nhớ về Thầy Hoàng Xuân Nhị và không thôi biết ơn ông. Ông thuộc thế hệ đi trước từng có những năm tháng học tập và làm việc ở xứ trời Âu (Pháp, Đức) rồi về nước gắn bó, cống hiến hết mình cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục trong kháng chiến và dựng xây đất nước, qua ông, chúng tôi, những người học trò thế hệ sau nhận chân được những bài học quý về việc nỗ lực học kiến thức cơ bản đến nơi đến chốn, kiên trì tự học bổ sung những gì mình còn khuyết thiếu, sự gắn bó giữa nghiên cứu, lý luận với đời sống xã hội, với thực tiễn sáng tác – cái “cây đời xanh tươi” ấy; về việc biết nhằm vào làm những công việc chính, thiết yếu mà mình tâm huyết, có sở trường, phù hợp với “tạng” của mình, như vậy chúng sẽ luôn có ý nghĩa, niềm vui, hứa hẹn những hiệu quả mong muốn và những cống hiến để đời.

Cảm kích trước tài năng, đức độ và tấm lòng của vị Chủ nhiệm Khoa luôn tận tụy dành cho các thế hệ học trò cùng là thành quả nghiên cứu, dịch thuật cần mẫn, đáng ghi nhận của người Thầy kính mến, trong 2 cuốn sách làm trong mười năm gần đây nhân kỷ niệm 40 năm(2) rồi 50 năm(3) tựu trường của Lớp Văn khóa VIII, chúng tôi đã trân trọng rước Thầy Hoàng Xuân Nhị lên vị trí mở đầu sách. Ảnh, tiểu sử, danh mục tác phẩm, trích tác phẩm của Thầy cùng các bài viết về Thầy của nhà giáo các thế hệ trong Khoa… đã được trình bày làm rõ nét những khía cạnh thuộc chân dung, nhân cách và đóng góp bền bỉ của Thầy cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục, nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Trong hai cuốn sách đó còn có những bài hồi ký ôn lại những kỷ niệm mà các học trò đã có với Thầy Chủ nhiệm Hoàng Xuân Nhị ở nơi sơ tán, đặc biệt là Lớp đã kỳ công dàn dựng vở kịch nói Thúy Kiều do Thầy chuyển thể từ tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, để trình diễn nhiều lần cho bà con vùng Vạn Thọ, Đại Từ được xem mãn nhãn và thích thú tán thưởng như thế nào!

Thầy Hoàng Xuân Nhị đã đi xa cách nay hơn 20 năm, song vị trí và văn nghiệp của Thầy đã được khẳng định, ghi nhận trong các cuốn Từ điển về tác giả văn học, trong Kỷ yếu khoa học của Khoa Ngữ văn và Nhà trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; Kỷ yếu của Hội Nhà văn Việt Nam, trong bộ tùng thư Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Quyển Năm, Lý luận – Phê bình 1945-1975,tập VIII của nhà xuất bản Văn học(4).

Gần đây tên Thầy đã được đặt cho một đường phố ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho một trường học ở Cà Mau, Nam bộ. Thật là hạnh phúc và vui mừng biết bao vì tên tuổi và sự nghiệp của Thầy sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm tưởng các thế hệ người Việt Nam./.

Hà Nội, tháng Tư năm 2014

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện

Nguồn:vanhocquenha.vn/vi-vn/113/51/nha-nghien-cuu-dich-gia-can-man-nha-giao-tan-tuy/123610.html

————————————-

(1) Hoàng Xuân Nhị – “Lời nói đầu”, Tìm hiểu thơ Hồ Chủ tịch, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H.,1975, tr.12

(2) Sách Từ mái trường này, Nxb. Khoa học xã hội, H.,2003

(3) Sách Người văn – Nghĩ và sống, Nxb. Hội Nhà văn, H.,2013

(4) Của nhiều tác giả, Nguyễn Ngọc Thiện chủ biên, Nxb. Văn học, H.,2008, tr.1123 – tr.1163