Nhà nghiên cứu khoa học kỹ thuật đam mê Nghệ thuật thư pháp

Bén duyên

Thuở nhỏ, khi đến thăm các di tích, đi chơi hội thì điều hấp dẫn tôi không phải những trò chơi hay đám rước mà chính là vẻ đẹp của các bức thư pháp[1] là lời mở đầu của PGS.TS Phạm Đức Nhuận khi kể về “mối duyên” của ông với nghệ thuật thư pháp. Thời còn học tiểu học, khi đến nơi bố đang làm việc ở Nhà in Lê Văn Tân ở số 136 phố Hàng Bông, Hà Nội Phạm Đức Nhuận đã được tiếp xúc với kỹ thuật in offset[2]. Ông bị hấp dẫn bởi những chữ ngược trên bản kẽm của người thợ in. Dần dần, ông lấy việc viết chữ ngược làm một trò chơi thú vị. Ông viết chữ theo hàng ngang rồi chuyển sang hàng dọc và bất ngờ khi thấy chúng hao hao giống như chữ Hán trong các bức hoành phi, câu đối vậy.

Khi Phạm Đức Nhuận đang học năm cuối ở trường cấp 2 Chu Văn An (năm 1960), đi qua cửa tòa báo Quân đội nhân dân trên phố Phan Đình Phùng ông nhìn thấy một tờ báo được ghim trong tủ kính, trong trang đầu tiên có đăng bức tranh chữ ngược rất đẹp. Ông nghĩ rằng, mình đã tập viết chữ ngược bao lâu nay mà chưa từng thấy nó đẹp đến vậy, nên quyết định về luyện tập thêm. Ông rủ các bạn trong lớp cùng học viết chữ ngược. Ban đầu chỉ là trò chơi đố xem ai viết đẹp hơn, sau coi đó như thư, mật mã gửi cho nhau trong giờ học, mà dù thầy giáo bắt được cũng không biết rõ nội dung. Nhờ quá trình hăng say luyện tập, chữ viết của Phạm Đức Nhuận ngày càng đẹp. Mọi việc viết, vẽ cứ cuốn hút Phạm Đức Nhuận một cách tự nhiên như vậy mà ông chưa hề ý thức rõ ràng thư pháp Việt là gì.

Đam mê là vậy nhưng không tránh khỏi vòng quay của cơm áo gạo tiền, Phạm Đức Nhuận cũng vậy. Khi trở thành sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông phải vừa học vừa làm để phụ giúp bố mẹ. Sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại trường giảng dạy rồi đi nghiên cứu sinh ở Ba Lan. Với tấm bằng Phó tiến sĩ trở về nước, ông chú tâm vào công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học… khiến ông không còn thời gian nghĩ đến niềm đam mê chữ nghĩa ngày nào.

Khoảng những năm 90, ngành cơ khí gặp nhiều khó khăn, ông tham gia vào lĩnh vực xây dựng với tư cách nhà là tư vấn về thiết kế và xây dựng. Công việc này có liên quan tới những kiến trúc sư, đồ họa thiết kế công trình đó. Qua những góp ý, thấy ông có năng khiếu về hội họa, một số người khuyên ông nên học vẽ. Với sự hướng dẫn nhiệt tình của nhiều họa sĩ, đặc biệt là anh Phạm Đắc Hiển, nay là giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, giảng viên ngành cơ khí bắt đầu say mê vẽ. Chính thời gian này, run rủi thế nào ông bắt đầu trở lại luyện viết chữ ngược. Nhưng một điểm khác là ông dùng bút lông, mực tàu để viết. Vì vậy, ông gọi nó là “Đảo thư pháp Việt”. Cách viết này khiến nhiều người thích thú với thư pháp hơn. Dù vậy, ông luôn tự nhận thức rằng nếu muốn đảo thư pháp Việt phát triển bền vững thì sự thích thú đó chưa đủ, cần xây dựng cơ sở lý luận khoa học vững chắc cho nó.

Nghiên cứu lý luận và sáng tác

PGS Phạm Đức Nhuận luôn trăn trở, suy nghĩ về việc xây dựng cơ sở lý luận cho đảo thư pháp Việt. Lần tham dự buổi gặp gỡ kiều bào Việt Nam ở khách sạn Hilton Hanoi Opera khiến ông càng cảm nhận rõ hơn vai trò của việc này. Ông được người quen trong ban tổ chức ở Bộ Ngoại giao mời tham gia. Trước đó, ban tổ chức đã mời một nhà thư pháp khác. Khi đến nơi, ông thấy quầy giới thiệu thư pháp có rất ít người quan tâm. Ông tới quầy của đoàn ca nhạc dân tộc bị bỏ trống do họ đang biểu diễn trên sân khấu, để viết chữ. Ngay lập tức, các bức thư pháp của ông thu hút được sự chú ý của nhiều vị khách Việt kiều. Có người hỏi: Ông viết cái gì? và ông nói: Tôi viết tiếng Việt. Nhưng họ vẫn thắc mắc: Tiếng Việt, tại sao tôi lại không đọc được. Ông liền giải thích: Lật mặt sau ông sẽ đọc được, vì tôi đang viết chữ ngược. Điều này khiến họ thích thú và muốn xin chữ của ông. Thậm chí, người xếp hàng xin chữ đông tới mức gây sự chú ý của phóng viên Đài truyền hình Hà Nội và họ tới phỏng vấn ông về nghệ thuật đảo thư pháp. Đứng viết quá lâu cảm thấy mệt, mà còn nhiều người xếp hàng xin chữ, nên ông đành giấu bớt giấy vẽ mang theo để xin lỗi vì “hết giấy”. Một lần khác, ông đưa các tác phẩm của mình đến giới thiệu tại một cuộc triển lãm về sứ Giang Tây của Trung Quốc tại Hà Nội. Những bức thư pháp của ông khiến họ thích thú, lạ vì nhìn như chữ Hán mà lại không phải chữ Hán.

 Từ đó, ông Phạm Đức Nhuận rất vui mừng. Tuy nhiên, ông vẫn nghĩ rằng cần tìm ra lý do tại sao họ lại thích chữ do ông viết: Do cách ông viết lạ hay do chữ thực sự đẹp? Nếu họ thích chỉ vì cái lạ thì nó sẽ không lâu bền và ông có nên tiếp tục đi theo đảo thư pháp hay không? Thư pháp là nghệ thuật tạo hình bằng chữ viết, nên ông nghĩ chữ viết của mình cần được nâng lên tầm nghệ thuật, tạo được mỹ cảm cho người xem. Do đó, chỉ có Hội Mỹ thuật Việt Nam mới kết luận được rằng chữ viết của ông có xứng đáng là nghệ thuật hay không, nếu nó gây được cảm xúc cho người xem thì mới có cơ hội phát triển được. Ông quyết định viết bài Có một kiểu thư họa Việt Nam, giới thiệu về cách viết chữ ngược của mình và đến gặp Họa sĩ Nguyễn Hùng – Phó Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam để nhờ góp ý. Sau khi đọc bài viết, ông Nguyễn Hùng rất tán thưởng cách viết của ông. Bài viết được đăng trên số Tết của Tạp chí ra tháng 1-2004. Qua đó, ông thấy rằng, giới nghệ thuật đã chấp nhận chữ viết của ông, chứng tỏ nó có hy vọng và nó xứng đáng để ông đi sâu nghiên cứu.

PGS.TS Phạm Đức Nhuận với đam mê thư pháp, 9-2019

Cuối những năm 2000, ở Việt Nam rộ lên phong trào viết thư pháp, đặc biệt là thư pháp chữ Việt. Đã có những người thành công với việc viết các bức thư pháp chữ Việt, làm những quyển lịch có chữ thư pháp. Họ thu hút được khá nhiều người tới xem và bán được nhiều sản phẩm. Điều này cũng tạo ra sự thích thú cho PGS Phạm Đức Nhuận. Cũng vào thời điểm này, có nhiều ý kiến phản bác thư pháp chữ Việt, họ cho rằng bút lông không phù hợp với chữ Việt mà phải dùng bút ngòi cứng hoặc đàn hồi như bút bi, bút lông ngỗng…Chữ Việt theo hệ Latinh không thể gọi là thư pháp. Bài trả lời phỏng vấn của GS Trần Trí Dõi – Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn về vấn đề thư pháp chữ Việt, đã làm ông Phạm Đức Nhuận hoang mang, có phần bức xúc. Bởi, theo ông GS Trần Trí Dõi có thể là một nhà ngôn ngữ uyên thâm, nhưng chưa chắc đã am tường về nghệ thuật thư pháp. Với suy nghĩ đó, PGS Phạm Đức Nhuận quyết định viết một bài phản biện. Ông gửi bài tới Chuyên san Thư họa Việt Nam – website của Câu lạc bộ UNESCO thư pháp Việt Nam. Bài của ông quá dài nên chuyên san đề nghị tách thành 3 bài với ba tiêu đề riêng, trong đó có hai bài là: Người ta nói gì về thư pháp chữ Việt?, Thư pháp chữ Việt hay tranh chữ Việt – nên có hay không?. Trong bài, PGS Phạm Đức Nhuận trình bày quan điểm: Bất kể chữ viết nào trên đời cũng có thể có nghệ thuật thư pháp bởi nghệ thuật thư pháp chính là nghệ thuật tạo hình của chữ viết. Vì vậy, để viết thư pháp thì cần nắm rõ yếu tố tạo hình của chữ Việt, đồng thời phải biết dùng nghệ thuật cách điệu trên nền tảng bố cục hợp lý để tạo hình con chữ. Đặc điểm của hệ chữ Latinh là số lượng các nét sổ chiếm phần lớn và được xếp song song với nhau một cách đều đặn. Tính đều đặn và dàn trải theo chiều ngang là nét đẹp của chữ hệ Latinh nhưng lại là trở ngại khi muốn tạo hình. Theo PGS Nhuận, đảo thư pháp Việt có thể giải quyết vấn đề này. Nếu lật ngược và xoay dọc chữ Việt ta sẽ phát hiện ra khá nhiều yếu tố tạo hình. Điều này giúp chúng ta mất đi cảm giác chữ bị dàn ngang, các nét chữ có vẻ như bị co ngắn lại và các dấu trong chữ trở thành các yếu tố điểm xuyết.

Một bức thư pháp của PGS.TS Phạm Đức Nhuận, 2018[3]

Một thời gian ngắn sau, theo thống kê của chuyên san Thư họa Việt Nam thì những bài viết của ông đã được khoảng 4000 – 5000 người đọc và có nhiều người hưởng ứng, đặc biệt là những người sống trong miền Nam. Qua đó, nhiều người trong giới thư pháp chữ Việt biết tới cái tên Phạm Đức Nhuận. Tính đến năm 2018, ông đã viết 18 bài cho chuyên san Thư họa Việt Nam, nên nhiều người gọi ông là nhà phê bình thư pháp. Tuy nhiên, khi viết bài Thư pháp Việt Nam, những điều chúng ta thiếu, ông khẳng định thư pháp Việt Nam đang còn thiếu mảng phê bình lý luận. Ở Việt Nam, các lĩnh vực như văn học, hội họa, thơ ca… hay cả các vấn đề chính luận đều đã có nhà phê bình. Vì vậy, theo ông, thư pháp muốn phát triển thì phải có nhà phê bình lý luận cho lĩnh vực thư pháp.

Phó giáo sư Phạm Đức Nhuận chia sẻ: Những bài viết của tôi mang tính thời sự. Khi đăng lên thì có nhiều người tán thành, nhưng cũng có nhiều người phản đối. Một số người phản đối ông từng nhắc nhở: Ông đã vào trong Nam chưa, nhất là thành phố Hồ Chí Minh, nơi có bề dày trầm tích của thư pháp chữ Việt. Ông thấy đúng là phần lớn những người theo đuổi thư pháp chữ Việt tập trung ở miền Nam, nơi ít chịu ảnh hưởng bởi thư pháp chữ Hán. Theo ông nghĩ, bề dày trầm tích thì cũng chỉ là thời gian ngắn, thư pháp chữ Việt ra đời mới chỉ hơn 20 năm trở lại đây. Tuy nhiên, ông vẫn quyết tâm khi có dịp sẽ vào miền Nam.

Và rồi cơ hội cùng đến khi ông được tiếp xúc với một số nhà thư pháp ở miền Nam như anh Nguyễn Minh Hoàng, chị Huỳnh Mỹ Lý khi họ mang tác phẩm của mình ra Hà Nội triển lãm nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long vào năm 2010. Những lời nhận xét chân thành của ông về tác phẩm khiến họ rất vui. Ông đề nghị họ tổ chức cuộc hội thảo về thư pháp chữ Việt ở miền Nam nhưng theo họ chỉ nên tổ chức một buổi nói chuyện của ông với các nhà thư pháp ở đó thì tốt hơn.

Buổi nói chuyện do Nhà văn hóa Thanh niên ở TP Hồ Chí Minh tổ chức vào tháng 4- 2011. Ông Hoa Nghiêm[4] là trưởng Ban tổ chức. Theo yêu cầu của ban tổ chức, trước khi vào Nam, ông Phạm Đức Nhuận đã gửi nội dung bài nói chuyện Thực trạng và giải pháp trong thư pháp Việt Nam của mình. Buổi nói chuyện đã tập hợp nhiều nhà hoạt động thư pháp chữ Viêt đến tham dự, theo Ban tổ chức đây là điều chưa từng có. Ông trình bày thực trạng của thư pháp Việt, đưa ra một số giải pháp như nâng cao chất lượng dạy và học viết thư pháp, chú trọng công tác phê bình… Đặc biệt, theo ông, viết thư pháp Việt theo hình thức đảo thì sẽ dễ dàng tạo mỹ cảm hơn. Buổi nói chuyện kết thúc ông tặng cho một số thành viên tham gia những bức đảo thư pháp Việt mà ông đã viết và được họ hưởng ứng nhiệt liệt. Sau chuyến đi này, ông tiếp tục trở lại miền Nam một vài lần nữa để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và trình bày quan điểm của mình về việc phát triển thư pháp Việt.

Trang bìa cuốn sách của PGS.TS Phạm Đức Nhuận, do NXB Mỹ thuật ấn hành năm 2018

Trong quá trình nghiên cứu lý luận, PGS Phạm Đức Nhuận nảy ra ý định viết một cuốn sách về nghệ thuật thư pháp Việt Nam. Năm 2015, ông bắt tay vào thực hiện biên soạn bản thảo sách. Ban đầu, ông tiến hành sưu tập toàn bộ những bài viết trên chuyên san Thư họa Việt Nam thành một cuốn tuyển tập. Tuy nhiên, khi hoàn thành ông lại nhận thấy nếu viết sách theo cách đó thì sẽ có ít người đọc nên ông đổi sang viết theo dạng lý luận về nghệ thuật thư pháp với nhan đề: Con đường đến với nghệ thuật thư pháp của tôi. Ông gửi bản thảo do mình tự đánh máy cho một số người bạn đọc góp ý thì họ nhận xét rằng ông còn thiếu phần tổng quan về nghệ thuật thư pháp và cũng không nên viết khen chê chung chung khiến người đọc khó tiếp nhận. Cuối cùng, PGS Nhuận quyết định viết theo dạng hồi ký với nhan đề: Nghệ thuật thư pháp Việt Nam: Khát vọng trong tôi.

PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo – nhà nghiên cứu mỹ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam là người viết lời giới thiệu cho cuốn sách đã khẳng định: Nội dung cuốn sách không chỉ dừng lại ở việc thuật lại hành trình đến với nghệ thuật thư pháp của tác giả mà còn thể hiện những trăn trở, mơ ước và lớn hơn cả là khát vọng vươn tới một nền Nghệ thuật tpháp Việt Nam như nhiều người hằng mong muốn[5]. Năm 2018, ông hoàn thành bản thảo cuốn sách và gửi cho NXB Mỹ thuật. Tháng 10-2018, cuốn sách được phát hành với 500 bản. Ông coi đó là một công trình khoa học nghiêm túc mà ông đã nghiên cứu trong suốt hàng chục năm về nghệ thuật thư pháp.

Sau khi nghỉ hưu, rời xa giảng đường và công việc nghiên cứu khoa học kỹ thuật, PGS Phạm Đức Nhuận dành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu thư pháp Việt. Với quan điểm: Được theo đuổi đam mê của mình khiến cuộc đời của tôi trở lên vui vẻ hơn, đáng sống hơn!, nay dù đã bước qua ngưỡng tuổi thất thập nhưng PGS Nhuận vẫn hăng hái làm việc. Ông dùng phần lớn số tiền dành dụm sau nhiều năm để đi khắp nơi từ Bắc chí Nam, tiếp xúc với những người làm thư pháp, thăm các triển lãm thư pháp,… để trau dồi kiến thức nhằm góp chút sức mình trên con đường tiến tới xây dựng nền Nghệ thuật thư pháp Việt Nam như ông hằng mong ước.

Lê Thị Lợi

_____________________

* PGS.TS Phạm Đức Nhuận, chuyên ngành Cơ khí, nguyên giảng viên bộ môn Thủy lực, khoa Cơ khí động lực, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

[1] Tài liệu ghi âm PGS.TS Phạm Đức Nhuận ngày 28-12-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.Toàn bộ lời trích của PGS.TS Phạm Đức Nhuận trong bài viết đều lấy từ nguồn này.

[2] Tức là dùng axit ăn mòn để viết chữ ngược lên thạch bản hoặc bản kẽm, rồi lăn mực lên và áp giấy vào để có được bản in.

[3] Nội dung bức đảo thư pháp là 4 câu thơ của nhà sư Thích Thông Bửu: Xuân đi hoa vẫn nở/ Xuân ở hoa vẫn rơi/ Bận lòng chi rơi nở/ Tự tại thả thuyền chơi.

[4] Ông Hoa Nghiêm là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thư pháp của Nhà văn hóa Thanh Niên.

[5] PGS.TS Phạm Đức Nhuận, sách Nghệ thuật thư pháp Việt Nam: Khát vọng trong tôi, NXB Mỹ Thuật, 2018, tr8, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.