Nhà nông học Bùi Chí Bửu

 GS.TS Bùi Chí Bửu là một trong những người đầu tiên đặt nền móng xây dựng nên Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhớ lại những ngày đầu Viện mới thành lập, ông tâm sự: “Thời đó, chiến tranh vừa kết thúc, Viện nghèo lắm, đất rộng hàng trăm ha, nhưng cơ sở chỉ là một dãy nhà cấp bốn (nay vẫn còn giữ lại làm nhà kho – PV). Cán bộ của Viện vừa làm vừa tự mày mò nghiên cứu học hỏi thêm từ thực tế và các nguồn tài liệu của nước ngoài”. 

Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng để đáp ứng yêu cầu cấp bách về nhiệm vụ phát triển nghề lúa ở ĐBSCL, năm 1987 ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Nghiên cứu đặc điểm giống lúa nước sâu ở ĐBSCL, phục vụ cho công tác chọn giống”. Đến năm 1989, ở tuổi 36 TS Bùi Chí Bửu đã được đề bạt giữ chức Viện phó Viện lúa ĐBSCL và đến năm 2011 thì trở thành Viện trưởng. 
Vào cuối những năm 80 của thế kỉ trước, để thực hiện chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao xuất khẩu, TS Bùi Chí Bửu cùng các đồng nghiệp đã mạnh dạn đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chương trình thử nghiệm giống lúa mới của mình. Chương trình được triển khai thử nghiệm ban đầu trên khoảng 2% diện tích trồng lúa ở ĐBSCL nhưng chỉ 5 năm sau đã tăng lên tới hơn 30%. Thành công này đã mở ra một bước đột phá cho ngành sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL. Nhờ đó mà ĐBSCL trở thành vựa lúa lớn nhất của cả nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới. Và từ đó đến nay, ĐBSCL luôn giữ vai trò số 1 trong chiến lược đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.
 


GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam (tháng 10/2011).

GS Bùi Chí Bửu và TS Ngọc Quỳnh tại phòng nuôi cấy mô.

GS Bùi Chí Bửu cùng cộng sự và các học trò tại Viện lúa ĐBSCL.

GS Bùi Chí Bửu giảng bài tại lớp Cao học của Đại học KHTN – ĐHQG TP. HCM.

GS Bùi Chí Bửu giới thiệu giống lúa mới đang được trồng thử nghiệm tại Viện lúa ĐBSCL.

Nhắc đến những đóng góp của GS.TS Bùi Chí Bửu, các chuyên gia nông nghiệp vẫn thường đề cập đến giống lúa cực sớm. Nhờ có giống lúa này, người dân ĐBSCL không những đã chủ động được kế hoạch “né lũ” trong mùa vụ mà còn đưa năng suất từ chỗ chỉ có 2 tấn/hecta lên đến 10 tấn/ha.
Bằng tất cả tâm huyết đối với ngành lúa, suốt gần ba chục năm miệt mài vừa nghiên cứu vừa tổ chức, ông đã xây dựng Viện lúa ĐBSCL trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu lúa hàng đầu của cả nước và khu vực. 
Có dịp cùng ông về thăm lại Viện lúa ĐBSCL, được tận mắt chứng kiến những thành quả của Viện mới thấy hết công sức đóng góp của ông cho ngành lúa Việt Nam suốt mấy chục năm qua.
Được biết, từ cái nôi này, ông và các đồng nghiệp đã nghiên cứu sản xuất thành công nhiều giống lúa chất lượng cao, trong đó có những giống lúa chủ lực của Việt Nam. Điển hình như giống lúa OM4900, cho hạt gạo dài, trắng và thơm, có thể cạnh tranh với giống lúa Pathum Thani nổi tiếng nhất của Thái Lan hiện nay. 
GS.TS Bùi Chí Bửu cho biết thêm, Viện đã xây dựng được một ngân hàng gien, lưu trữ hơn 1000 giống lúa mới và khoảng 3000 giống lúa cổ truyền. Đây là nguồn tài nguyên có giá trị rất lớn đối với ngành khoa học lúa gạo Việt Nam và thế giới.
Với những đóng góp lớn cho ngành lúa nói riêng và khoa học nông nghiệp nói chung, năm 2008, GS.TS Bùi Chí Bửu đã vinh dự được Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) trao giải thưởng Senadhira vì có đóng góp xuất sắc cho việc phát triển đa dạng hóa các giống lúa phổ biến tại Việt Nam. Năm 2000, công trình “Giống lúa và cải tiến kĩ thuật thâm canh lúa ở ĐBSCL” mà ông là đồng tác giả đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ. Sang năm 2010 ông lại vinh dự được Hội Khuyến học Việt Nam và Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam trao Giải Nhất giải thưởng Nhân tài Đất Việt vì có những đóng góc xuất sắc cho ngành khoa học của nước nhà./.

Bài: Thịnh Phát – Ảnh: Lê Minh