Nhà nông học Vũ Tuyên Hoàng qua những dòng ký ức

Trải qua hơn 40 năm nghiên cứu, ứng dụng, tên tuổi GS Vũ Tuyên Hoàng gắn liền với sự ra đời hơn 20 giống lúa được công nhận cấp quốc gia. Đặc biệt, chúng được triển khai sản xuất đại trà, góp phần đưa Việt Nam từ thiếu lương thực triền miên trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới

Theo ký ức của GS Vũ Triệu Mân[1], em trai của GS Vũ Tuyên Hoàng, hồi cuối năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình ông sơ tán về làng Quần Tín, xã Thọ Ngọc, huyện Thọ Xuân (nay thuộc xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn), tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây sau trở thành địa điểm quần tụ của nhiều gia đình văn nghệ sĩ. Thuở đó, hiểu được cuộc sống vất vả của những gia đình tản cư, Đoàn Văn hóa kháng chiến Liên khu IV đề nghị với chính quyền làng Quần Tín cấp cho mỗi gia đình văn nghệ sĩ một phần ruộng để tăng gia sản xuất. Gia đình tôi có 13 người, được cấp 1 mẫu ruộng và sử dụng chung trâu với một gia đình khác[2], GS Vũ Triệu Mân  chia sẻ. Từ đó, các anh chị em của Vũ Tuyên Hoàng thường xuyên phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng. Ông Mân nhớ lại: Anh Hoàng rất thích trồng trọt. Một lần được tham dự buổi triển lãm nông nghiệp do Liên khu IV tổ chức, anh biết đến chiếc cào cỏ của Nghệ An. Ngay sau đó, anh Hoàng mày mò chế tạo một chiếc cào để tự làm cỏ lúa. Nhờ vậy, năng suất làm cỏ của 2 người có thể bằng 4 đến 5 người[3].

Sau khi tốt nghiệp Trường cấp 3 Lam Sơn, Thanh Hóa (1954), với thành tích tốt, Vũ Tuyên Hoàng được cử sang Trung Quốc học tập. Trong một cuộc kiểm tra năng lực của từng học sinh trong đoàn, ông đạt điểm cao nên được tự lựa chọn ngành học. Ban đầu, ông được gợi ý học tiếng Trung để sau làm phiên dịch nhưng tình yêu với ruộng đồng đã thôi thúc ông quyết định xin học ngành nông nghiệp tại Học viện Nông nghiệp Hoa Nam và được chấp thuận.

Tốt nghiệp về nước (năm 1960), ông Vũ Tuyên Hoàng được phân công làm trợ giảng rồi giảng viên chính của bộ môn Di truyền – Chọn giống cây trồng, khoa Trồng trọt, Học viện Nông lâm[4]. Ông Hoàng từng tâm sự: Học ở Trung Quốc, tôi không hiểu thế nào là lúa mùa, lúa chiêm. Về nước, được bác Nguyễn Khắc Chiêu – kỹ thuật viên về cây lúa giúp đỡ, cùng theo dõi, ghi chép đặc điểm của hơn 2000 giống lúa chiêm, mùa trong mấy năm liên tiếp, tôi đặt ra nhiều thử nghiệm về giống, sớm chọn ra một số giống lúa mới vụ Đông xuân[5]. Đó là tiền đề để ông triển khai công trình khoa học đầu tiên là “Nghiên cứu chuyển vụ các giống lúa mùa trồng vụ chiêm”. Ông đề xuất một ý tưởng táo bạo đưa lúa mùa trồng vào vụ chiêm để nâng cao năng suất thay vì nhập giống lúa từ nước ngoài về Việt Nam. Có thời điểm, trong một tháng ông lội ruộng tới 29 ngày, khiến nhiều người tưởng ông là nông dân thực thụ. Với những cứ liệu từ thực tế, ông lần lượt cho ra đời các giống lúa Đông xuân 1, 2 và 3 góp phần giải bài toán lương thực trong những năm 60 ở nước ta. Với những kết quả nghiên cứu này, năm 1968, ông được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Nông nghiệp Krasnodar. Rồi ngay khi về Việt Nam được hai năm, năm 1975 PTS Vũ Tuyên Hoàng quay lại  Krassnodar để bảo vệ luận án tiến sĩ (nay là tiến sĩ khoa học) vào năm 1977. Bảo vệ luận án thành công, anh Hoàng là người đầu tiên trên thế giới đưa ra giả thuyết hai hệ thống gene. Trong đó, một hệ thống gene kiểm soát cơ quan sinh thực (hoa) và một hệ thống kiểm soát cơ quan sinh dưỡng (lá, thân, rễ) của cây. Điều phối hai hệ thống gene này có thể tăng năng suất hoặc chất lượng cây lúa, tạo cơ sở khoa học cho việc chọn tạo nhiều giống lúa của anh Hoàng[6], GS.VS Trần Đình Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nhận xét.

GS Vũ Tuyên Hoàng cùng người bạn đời, khoảng cuối những năm 80

Năm 1977, TS Vũ Tuyên Hoàng về nước, được phân công về Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm làm việc. Một năm sau, ông được cử làm Viện trưởng. Tại đây, ông cùng các cộng sự đã áp dụng giả thuyết hai hệ thống gen và nhiều kiến thức di truyền chọn giống khác để chọn tạo nhiều giống lúa mới có khả năng chống chịu úng, hạn, hàm lượng Protein cao mà vẫn đảm bảo năng suất.

Qua thực tiễn, GS Vũ Tuyên Hoàng nhận thấy rằng các vùng đồng bằng trồng lúa của Việt Nam thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng, gây nguy hại cho việc sản xuất lúa, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, ông xác định Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm phải là nơi nghiên cứu – tạo ra những giống lúa chịu được ngập úng. Một nhóm nghiên cứu viên của Viện tập trung thực hiện mục tiêu tạo ra những giống lúa cao cây, cứng cây có thể sinh trưởng tốt trong điều kiện nước ngập sâu. Một thành viên của nhóm, cũng là học trò, cộng sự thân thiết của GS Vũ Tuyên Hoàng – TS Nguyễn Trọng Khanh[7] chia sẻ: Thầy là tổng công trình sư của mọi công trình thầy tham gia. Thầy không chỉ đưa ra định hướng, phương pháp nghiên cứu mà thầy còn trực tiếp xuống phòng thí nghiệm kiểm tra, giúp đỡ chúng tôi[8]. Với phương pháp tạo đột biến gen, lai tạo giống lúa nội địa với lúa ngoại, nhóm nghiên cứu lần lượt cho ra đời nhiều giống lúa chịu úng: U14, U17, U20, U21… Trong đó, U17 có ưu điểm nổi trội hơn cả về năng suất và khả năng chịu úng. Trong khi, nhiều giống lúa chỉ sau 5-7 năm là bị thay thế bằng những giống ưu việt hơn mà đến nay (2021), giống lúa U17 gần 30 tuổi vẫn được nông dân ở Thái Nguyên, Bắc Giang cấy trên hàng vạn ha. Qua đó, có thể thấy kết quả nghiên cứu của thầy không chỉ có ý nghĩa về lý thuyết, học thuật mà còn có giá trị ứng dụng trong thực tiễn[9], TS Nguyễn Trọng Khanh cho biết.

Bước sang đầu những năm 90, GS Vũ Tuyên Hoàng dự đoán rằng thế kỷ XXI sẽ có sự biến đổi mạnh mẽ về khí hậu, ảnh hưởng đến sự phát triển nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt. Vì vậy, ông tập trung hơn cho việc chọn tạo những giống lúa có khả năng chịu úng, chịu hạn. Theo TS Nguyễn Trọng Khanh: Thầy từng bảo tôi: Ngàn đời nay, lúa trồng ở nương rẫy chịu hạn tuyệt vời nhưng năng suất thấp. Phải dùng phương pháp xử lý đột biến với hóa chất, tia phóng xạ để cải tạo giống, nâng cao năng suất[10]. Với định hướng đó, do chưa tìm được nguồn phóng xạ nên nhóm sử dụng các hóa chất để làm đột biến gen, cải tạo những giống lúa truyền thống của người dân tộc thiểu số trên vùng cao. Đến đầu những năm 2000, nhóm nghiên cứu bắt đầu sử dụng tia phóng xạ để gây đột biến. Trong hơn chục năm, GS Vũ Tuyên Hoàng và các cộng sự ở Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cho ra đời hàng loạt các giống lúa mang tên CH (viết tắt của “chịu hạn”) như: CH2, CH3, CH4, CH5, CH7, CH8… Trong đó, hai giống lúa CH7, CH8 đến nay đã hơn 20 tuổi nhưng vẫn được nông dân ở một số vùng miền ưa chuộng.

GS Vũ Tuyên Hoàng (thứ hai từ trái) hướng dẫn đồng nghiệp trên ruộng lúaTuyên Quang, 30-4-1983

Một thành tựu nổi bật trong sự nghiệp khoa học nông nghiệp của GS Vũ Tuyên Hoàng là tạo ra những giống lúa có hàm lượng Protein cao. Protein là cơ sở của sự sống, có nguồn gốc từ động vật và thực vật. Còn nhớ, đời sống dân sinh ở nước ta vào những năm 80 còn rất kham khổ, nguồn thức ăn đảm bảo Protein vô cùng khan hiếm. Vì vậy, ông đặt ra vấn đề cần chọn tạonhững giống lúa có hàm lượng Protein cao hơn, đáp ứng nguồn dinh dưỡng cho người dân. GS Vũ Tuyên Hoàng trao đổi với học trò – đồng nghiệp Nguyễn Trọng Khanh: Tớ thấy nhiều giống lúa trên thế giới có hàm lượng Protein lên tới 14-16% nhưng năng suất thấp, chỉ đạt 1-2 tấn/ha. Như vậy, hàm lượng Protein trong gạo hoàn toàn có thể nâng lên[11]. Ngay sau đó, GS Hoàng giao cho ông Khanh phụ trách làm thí nghiệm với phương pháp xử lý đột biến, lai tạo nhằm tạo ra những giống lúa có hàm lượng Protein cao. Từ năm 1989, GS Vũ Tuyên Hoàng được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và vẫn kiêm nhiệm Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp. Dù bận rộn với công tác quản lý, nhưng ông vẫn thường xuyên tham gia quá trình chọn tạo giống lúa cùng nhóm nghiên cứu. Có hôm, sáng thầy gọi điện cho tôi bảo chiều về Viện. Đến 4h chiều thầy mới về. Thế là hai thầy trò ra ruộng thí nghiệm của Viện kiểm tra tiến độ công việc đến hơn 6h chiều mới nghỉ[12] TS Khanh chia sẻ. Nhớ lại dịp Thứ trưởng Vũ Tuyên Hoàng sắp xếp cùng học trò đi thực tế vùng đồng bằng sông Cửu Long, TS Nguyễn Trọng Khanh kể: Hai thầy trò đi máy bay vào TP Hồ Chí Minh. Xuống sân bay, mỗi người thuê một chiếc xe ôm về địa phương rồi ra cánh đồng khảo sát, làm việc với dân ngay, tư vấn cho họ kỹ thuật trồng các giống lúa mới. Đến trưa hai thầy trò lại ra chợ gần đó ăn cơm. Thầy vẫn luôn dân dã như vậy, chẳng cần mâm cao cỗ đầy, chẳng cần người đưa người đón. Nhìn “bác nông dân” ấy không ai nghĩ đó là một Ủy viên Trung ương Đảng[13].

Năm 1997, sau hơn 10 năm thực hiện đề tài “Nghiên cứu, chọn tạo các giống lúa có phẩm chất cao”, nhóm nghiên cứu chọn tạo được các giống lúa P4, P6 có hàm lượng Protein lên tới 11% nghĩa là gần gấp đôi các giống lúa hiện có… Cùng một diện tích, một sản lượng, giống lúa này có chất lượng dinh dưỡng cao gấp ba lần và có thể tiết kiệm được ba lần diện tích kho bãi, chi phí vận chuyển. Đó là một thành tựu xuất sắc. Nhờ vậy, trong năm đó nhóm được nhận Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) và một năm sau ông Hoàng là một trong ba nhà khoa học trên thế giới được được Hiệp hội Lúa gạo quốc tế Fukui (Nhật Bản) trao Giải thưởng Lúa Koshihikari.

Hơn thế nữa, giống lúa P6 mang lại hiệu quả cao khiến một số đơn vị đề nghị mua lại bản quyền giống lúa của nhóm, do GS Vũ Tuyên Hoàng chỉ đạo, nhưng ông từ chối. Thầy là người rất liêm khiết, lương chỉ được 6-7 triệu/tháng. Nếu bán bản quyền sẽ được mấy trăm triệu nhưng thầy từ chối và gọi tôi đến dặn dò: Mình và cậu là đồng tác giả của giống lúa này. Mình thì không cần tiền, chắc cậu cũng vậy. Vì vậy, cậu không được bán độc quyền cho công ty nào cả để dân được tự do gieo trồng[14]TS Nguyễn Trọng Khanh khâm phục kể lại. Nhờ quyết định này của GS Vũ Tuyên Hoàng mà người dân được mua thóc giống với giá rẻ hơn. Hiện nay, nhiều địa phương đã xây dựng thương hiệu về giống lúa P6 chất lượng cao như huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) và nhiều huyện ở tỉnh Quảng Bình.

Mặc dù đã “về với thế giới người hiền, về với đất” gần tròn 15 năm, nhưng những đóng góp của nhà nông học Vũ Tuyên Hoàng vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta, đặc biệt với nền Nông nghiệp, với những người nông dân Việt Nam. Đúng như sự trân trọng, đánh giá cao của Đảng và Nhà nước thể hiện trong điếu văn đưa tiễn vị Giáo sư nông học do Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Đảng Tô Huy Rứa đọc tại Lễ truy điệu: …Đồng chí là một trong những nhà khoa học có đóng góp lớn vào việc đưa đất nước ta từ một nước thiếu lương thực trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới[15].

Lê Lợi

____________________________

* GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, chuyên ngành Nông nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

1 GS.TS Vũ Triệu Mân, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh cây nhiệt đới, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

[2] Tài liệu ghi âm GS.TS Vũ Triệu Mân, 19-1-2022, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3]Tài liệu ghi âm GS.TS Vũ Triệu Mân, 19-1-2022, đã dẫn.

[4] Tên gọi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 1958-1963.

[5] GS Vũ Tuyên Hoàng, bản thảo bài viết “Con đường của tôi” , lưu tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tr3.

[6] Tài liệu ghi âm GS.VS Trần Đình Long, 2-11-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[7] TS Nguyễn Trọng Khanh hiện đang là Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.

[8] Tài liệu ghi âm TS Nguyễn Trọng Khanh, 26-4-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[9] Tài liệu ghi âm TS Nguyễn Trọng Khanh, 26-4-2021, đã dẫn.

[10] Tài liệu ghi âm TS Nguyễn Trọng Khanh, 26-4-2021, đã dẫn.

[11] Tài liệu ghi âm TS Nguyễn Trọng Khanh, 26-4-2021, đã dẫn.

[12] Tài liệu ghi âm TS Nguyễn Trọng Khanh, 26-4-2021, đã dẫn.

[13] Tài liệu ghi âm TS Nguyễn Trọng Khanh, 26-4-2021, đã dẫn.

[14] Tài liệu ghi âm TS Nguyễn Trọng Khanh, 26-4-2021, đã dẫn.

[15] Điếu văn  tiễn đưa GS Vũ Tuyên Hoàng do ông Tô Huy Rứa đọc, In trong bản tin của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: Khoa học – Công nghệ – Phát triển, 3-2008, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.