Nhà sử học của làng quê

Bao năm trời xa ngôi làng nhỏ An Lãng (xã Văn Tự, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) nhưng ông vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm hướng về quê cha đất tổ. Bằng tấm lòng của một người thầy, ông đã dành trọn tâm sức của mình làm nhiều việc có ích để trả nghĩa quê hương sâu nặng ân tình.

“Pho sử” quý của làng quê

Mười tuổi xa quê, đó là thời điểm năm 1942, Phạm Việt Trung lên học tại Trường Tiểu học Pháp-Việt Thường Tín. Nhưng do chiến tranh loạn lạc, cậu học trò nhỏ phố huyện đã phải bỏ học giữa chừng. Rồi toàn quốc kháng chiến nổ ra, Phạm Việt Trung tình nguyện tham gia LLVT bảo vệ địa phương. Sau 10 năm trong quân ngũ, mùa thu năm 1957, Phạm Việt Trung ôn luyện và thi đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ba năm đèn sách dưới mái trường ấy, chàng sinh viên Khoa Sử được sự dìu dắt, truyền dạy trực tiếp từ các thầy: Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Phạm Huy Thông… Cũng nhờ vậy, tình yêu đối với khoa học lịch sử trong Phạm Việt Trung càng được bồi đắp thêm. Nhờ sự nỗ lực học tập, kết thúc khóa học, Phạm Việt Trung được giữ lại làm giảng viên của nhà trường.

PGS,TS Phạm Việt Trung miệt mài nghiên cứu biên soạn các tài liệu lịch sử cho địa phương

PGS,TS Phạm Việt Trung miệt mài nghiên cứu biên soạn các tài liệu lịch sử cho địa phương

Gắn bó với khoa học lịch sử, thầy Trung say mê nghiên cứu lịch sử trong nước và thế giới. Được phân công đảm nhiệm giảng dạy về lịch sử thế giới hiện đại, thầy đã tập trung nghiên cứu phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Thầy vừa tham gia giảng dạy, vừa biên soạn những tập giáo trình lịch sử có giá trị, như: “Giáo trình lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế (1917-1945)”, “Giáo trình lịch sử thế giới hiện đại”, “Lịch sử thế giới hiện đại (1917-1980)”. Đây là những tài liệu quan trọng để đồng nghiệp, sinh viên tham khảo nghiên cứu trong quá trình giảng dạy, học tập.

Không chỉ có vậy, thầy còn viết nhiều sách lịch sử. Đặc biệt, thầy Trung đã hoàn thành các cuốn sách: “Đất nước Campuchia”, “Lịch sử Campuchia”, “Đất nước Campuchia-Lịch sử và văn minh”… Nhờ hiểu biết sâu sắc về Campuchia, thầy Trung được cử làm chuyên gia giáo dục giúp nước bạn. Những tài liệu của thầy cũng được chuyển sang để đồng nghiệp Campuchia nghiên cứu. Trong quá trình công tác, thầy có 26 công trình khoa học được công bố, trong đó, 13 công trình phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, 13 công trình phục vụ giáo dục truyền thống văn hóa-lịch sử; hoàn thành 19 báo cáo khoa học được trình bày ở các hội nghị khoa học của nhà trường. Với những đóng góp của mình trong công tác giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ, năm 1991, thầy bảo vệ đặc cách học vị tiến sĩ, được Nhà nước phong học hàm phó giáo sư năm 1992.

Không chỉ có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu lịch sử, PGS, TS Phạm Việt Trung còn am hiểu sâu sắc lịch sử quê hương. Những năm tháng khó khăn, phương tiện đi lại thiếu thốn, ông một mình đạp xe từ trung tâm Hà Nội về Thường Tín rong ruổi khắp các xã trong huyện gặp gỡ nhân chứng, khảo sát thực tế, thu thập tài liệu để viết sử. Càng tìm hiểu, ông càng tự hào về mảnh đất Thường Tín được mệnh danh là “đất danh hương” với truyền thống khoa bảng có 63 tiến sĩ đứng đầu vùng đất Thăng Long; là “đất trăm nghề” lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo. Quê ông còn có truyền thống đấu tranh cách mạng bất khuất, kiên trung. Bằng sự tận tâm của người con đối với quê hương, ông miệt mài, không quản gian khó thu thập hàng trăm tư liệu lịch sử có giá trị về địa phương.

Biết ông là nhà giáo có kiến thức chuyên sâu về lịch sử, Huyện ủy Thường Tín đề nghị ông giúp đỡ biên soạn lịch sử của huyện. Với những tư liệu thu thập được, ông miệt mài biên soạn, liên hệ đồng nghiệp nhờ đối chiếu thẩm định tư liệu. Bằng sự nỗ lực cố gắng của ông, cuốn “Lịch sử cách mạng huyện Thường Tín giai đoạn 1930-2010” được xuất bản, trở thành tài liệu giáo dục truyền thống cho cán bộ, nhân dân trong toàn huyện. Từ năm 2000 đến 2015, ông đã chủ biên và đồng chủ biên 12 cuốn sách lịch sử của các xã trong huyện Thường Tín và một số huyện khác ở tỉnh Hà Tây (trước đây).

Ông Phùng Văn Quốc, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Thường Tín, cho biết: “PGS, TS Phạm Việt Trung là một trí thức tiêu biểu của huyện trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Với những hiểu biết sâu sắc của mình, ông đã giúp đỡ địa phương biên soạn nhiều tài liệu lịch sử, góp phần quan trọng vào công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho quê hương. Hiện nay, mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn dành tình yêu với khoa học lịch sử, miệt mài tìm hiểu về lịch sử của huyện nhà. Chính vì vậy, cán bộ và nhân dân trong huyện vẫn thường gọi ông bằng cái tên trìu mến: Nhà sử học của làng quê.

Đem tâm sức trả nghĩa quê hương

Về quê khi tuổi đã xế chiều nhưng ông Phạm Việt Trung luôn tâm niệm rằng: “Về quê không phải là ở ẩn, vui thú điền viên, mà phải là một người công dân sống có trách nhiệm. Đó là trách nhiệm với mình, với gia đình, dòng họ, làng xã. Muốn vậy, mình phải làm thật nhiều việc có ích”. Trong một lần ra thăm đền làng, ông được cụ từ cho xem những sắc phong nằm trong chiếc tráp nhỏ. Ông cẩn thận xin đem những tờ sắc phong đó đến Viện Nghiên cứu Hán Nôm để dịch. Quá trình giải mã tư liệu, ông Trung phát hiện ra thông tin quý là đền làng An Lãng thờ Liên Hoa công chúa, con gái Hùng Định Vương (đời Vua Hùng thứ 9). Các triều đại phong kiến đều sắc phong cho dân làng thờ tự. Qua các bản sắc phong, ông đã chứng minh rằng lịch sử Việt Nam bắt đầu từ thời Hùng Vương dựng nước, bằng chứng là ngay tại ngôi đền làng đã thờ con gái Vua Hùng.

Tiếp đó, ông lại nghiên cứu thần phả trong đình làng An Lãng. Đình thờ các vị vua triều Tiền Lê làm thành hoàng. Nhờ những nỗ lực cố gắng của bản thân ông trong việc lập hồ sơ, trình các cấp phê duyệt, đình và đền làng An Lãng đã được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia năm 1996.

Đã hoàn thành một việc lớn, nhưng ông vẫn luôn trăn trở rằng: Là người làm lịch sử, đã viết sử cho nhiều địa phương nhưng quê mình chưa có sách lịch sử. Vậy là ông quyết định viết lịch sử làng An Lãng. Viết sử cho làng khó khăn hơn vì tư liệu lưu trữ không có nhiều, ông phải bắt đầu từ con số không. Hằng ngày, không quản nắng mưa, ông đến gặp từng cụ cao niên trong làng để thu thập tài liệu. Gặp lại bạn từ thuở thiếu thời, bạn chiến đấu cũ, ông xúc động lắm. Cần mẫn cóp nhặt thông tin ở làng trên xã dưới, ông lại cặm cụi viết. Sau bao ngày vất vả, ông đã hoàn thành cuốn sử làng An Lãng mang cái tên bình dị “Làng tôi”. Cuốn sách dày gần 300 trang, ghi lại lịch sử từ ngày mở đất lập làng cho đến nay; lịch sử các dòng họ có cả gia phả đầy đủ. Đón nhận cuốn sách quý, người dân làng An Lãng vô cùng phấn khởi và tự hào.

Sau lịch sử làng đến lịch sử xã Văn Tự, ông cũng tự nguyện làm mà không hề đòi hỏi gì. Ông coi việc làm ấy là để trả nghĩa quê hương. Sau bao vất vả, năm 2011, Cuốn “Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Văn Tự (1945-2010)” đã được xuất bản. Không chỉ có vậy, ông còn viết về các nữ đảng viên chiến đấu tại quê hương, sưu tầm di ảnh của 27 liệt sĩ làng An Lãng, giúp các trường học có tài liệu tuyên truyền cho học sinh về lịch sử truyền thống địa phương.

Có một người học trò nhỏ ông dành sự quan tâm đặc biệt. Đó là Tiểu Hằng tu tại chùa làng. Tiểu Hằng có hoàn cảnh vô cùng đáng thương khi mới hai tháng tuổi bố mẹ đã bỏ nhau. Bà ngoại già yếu nên cho Hằng đi làm con nuôi. Sau một tai nạn, bố mẹ nuôi mất, Hằng lại đi ở. Rồi gia đình nhà chủ lợi dụng định bán Hằng ra nước ngoài. Biết tin ấy, Hằng bỏ quê từ Hưng Yên trốn sang Thường Tín. Sống trong cảnh bơ vơ, Hằng xin vào tu ở chùa làng An Lãng. Một hôm đi lễ chùa, thấy cháu gái nhỏ đáng thương thất học, thầy Trung đã nhận dạy chữ. Quá trình học, Tiểu Hằng gặp rất nhiều khó khăn do mắc phải chứng động kinh. Chính vì vậy, ông giáo già lại một mình đưa Tiểu Hằng lên Bệnh viện Tâm thần Trung ương để chữa trị cho đến khi sức khỏe ổn định mới học tiếp. Tiểu Hằng về ở chùa nhưng không có giấy tờ tùy thân. Thầy Trung lại lặn lội làm đơn từ, thủ tục giúp Tiểu Hằng có chứng minh thư nhân dân, nhập hộ khẩu vào làng. Nhờ công sức thầy rèn cặp, Tiểu Hằng đã biết chữ, tiếp tục học lên cao.

Ông Trịnh Văn Quát, Trưởng thôn An Lãng, khẳng định: “Là một thầy giáo già trở về làng quê, ông Phạm Việt Trung luôn giữ gìn nếp sống thanh đạm, gắn bó chan hòa với bà con làng xóm. Hằng ngày, trong căn nhà nhỏ, ông vẫn chơi nhạc, sáng tác thơ với mong muốn giản dị: Ở quê tôi sống như tôi/ Sống vui tình người quyện với tình quê. Trong các dịp hội hè, địa phương vẫn mời ông ra giúp đỡ việc lễ lạt, tổ chức theo đúng nghi thức truyền thống. Ông cũng là người biên soạn văn tế hoàn chỉnh phục vụ hoạt động tín ngưỡng tâm linh của dân làng. Với tinh thần sống vui, khỏe, có ích, ông Phạm Việt Trung vẫn đang góp sức mình xây dựng quê hương thêm văn minh, giàu đẹp”.           

Bài và ảnh: Vũ Duy

Nguồn: http://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/