Hơn 10 năm trước, khi là sinh viên, đứng trên ban công Thư viện, tôi thường thấy hình ảnh ông lão có mái đầu bạc trắng, chiếc cặp trên tay, đứng trò chuyện với cán bộ khoa. Đôi lần, trên sân trường, tôi cũng bắt gặp hình ảnh ấy. Qua các thầy cô, tôi được biết, đó là PGS Lê Mậu Hãn, một chuyên gia về khoa học lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh[1]. Nhiều năm sau này, 2017, tôi vinh dự được đến nhà thầy, ngoài việc tìm hiểu về lịch sử cuộc đời thầy, cũng là để nhận ủy thác của thầy và gia đình, đón nhận di sản khoa học của thầy về lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Tôi vẫn nhớ, ngày hôm ấy, ông lật giở từng trang cuốn Biên niên Lịch sử Chính phủ Việt Nam 1945 – 2005, khóe mắt đỏ hoe…
Thầy Hãn, theo tuổi ta Nhâm Thân, rời cõi tạm khi vừa tròn 90 tuổi. Thầy sinh năm 1932 tại Quảng Trị. Mảnh đất Triệu Phong, bên dòng sông Thạch Hãn anh hùng nhưng nhiều đau thương là nơi nuôi dưỡng tâm hồn Lê Mậu Hãn thuở thiếu niên. Khi học hết lớp 7 trường phổ thông cấp II Triệu Phong (Quảng Trị) anh ra Bắc năm 1953, tới vùng tự do Nghệ An để học tiếp chương trình phổ thông. Các thầy cô giáo trường phổ thông cấp III Nghi Lộc (lớp 8) và trường Phổ thông cấp III Huỳnh Thúc Kháng (lớp 9) nhận xét về trò Lê Mậu Hãn: “Học tập chăm chỉ, tích cực trong công tác. Có thái độ đúng đắn đối với thầy và bạn. Có thể trở thành một người cán bộ tốt”[2]. Anh còn có nhiều thành tích trong công tác xây dựng Đoàn thanh niên, được Tỉnh Đoàn Nghệ An biểu dương, ngày 1-1-1955.
Những tưởng rằng khi học xong phổ thông, Lê Mậu Hãn được trở về với gia đình sau tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Vậy mà, đất nước chia cắt hai miền, từ Nghệ An, anh ra Hà Nội, vào học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vừa mới thành lập (1956). Lê Mậu Hãn là một sinh viên gương mẫu, có thành tích cao trong học tập và tích cực đóng góp ý kiến cho phân hội, gương mẫu trong lao động[3]. Ba năm học đại học, với kiến thức được các bậc tiền bối như Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Cao Xuân Hạo… truyền đạt, sau khi tốt nghiệp (1959), cùng với 16 sinh viên khác, Lê Mậu Hãn được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy, để rồi cả cuộc đời gắn bó với khoa Lịch sử anh hùng[4]..
PGS Lê Mậu Hãn và phu nhân Phạm Thị Đa, 2018 |
Những năm 60 – 70, môn học lịch sử Đảng được coi là một môn học chính trị. Cùng với các đồng nghiệp của mình, thầy giáo Lê Mậu Hãn đã dành trọn tâm huyết cho khoa học lịch sử Đảng, cùng với GS Kiều Xuân Bá[5] xây dựng bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ ngày đầu được giữ lại là
Những năm 60 – 70, môn học lịch sử Đảng được coi là một môn học chính trị. Cùng với các đồng nghiệp của mình, thầy giáo Lê Mậu Hãn đã dành trọn tâm huyết cho khoa học lịch sử Đảng, cùng với GS Kiều Xuân Bá[5] xây dựng bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ ngày đầu được giữ lại làm cán bộ giảng dạy, đưa môn học này trở thành một chuyên ngành khoa học. Trong vai trò Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm khoa Lịch sử trong nhiều năm (1975-1990), đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, trước yêu cầu đổi mới công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học lịch sử, ông đã dám nghĩ, dám làm và thực sự dũng cảm. “PGS Lê Mậu Hãn là người theo kịp với cuộc đổi mới chính trên lĩnh vực chuyên môn của mình”[6]. Nhiều đề tài nghiên cứu của ông đã đề cập đến nhận thức mới khoa học, làm sáng tỏ những vấn đề có tính chiến lược trong Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh. “Hồ Chí Minh với ngọn cờ độc lập dân tộc trong cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng”, đã đề cập tới vấn đề vai trò của các nhà sử học, phải làm sáng tỏ quan điểm của Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, lợi ích giai cấp “đã đến lúc các nhà sử học phải hiệu chỉnh lại những đánh giá sai lầm về Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt[7] và dự án Luận cương chánh trị[8]. Trong các bài viết của mình, PGS Lê Mậu Hãn đã đề cập tới nhiều vấn đề mà lịch sử cần nghiên cứu, điều chỉnh, định vị lại. Thầy luận giải những tư tưởng chính trị của Hội nghị hợp nhất và thực tiễn của cao trào cách mạng 1930-1931 đã chứng minh đường lối chính trị của Đảng được nêu trong Cương lĩnh đầu tiên do Hồ Chí Minh soạn thảo phù hợp với yêu cầu khách quan của quần chúng, phù hợp với xu thế của thời đại.
Những ai đã từng làm việc, tiếp xúc với thầy giáo Lê Mậu Hãn, dù là học trò “ngoại đạo” (không cần), ở khía cạnh nào đó đều được thụ hưởng những bài học từ thầy. Ông là một nhà giáo theo đúng nghĩa của từ này. GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung[9] còn nhớ bài học được thầy Hãn khai tâm, rằng muốn làm khảo cổ học, không được thờ ơ với những lĩnh vực sử học, văn hóa học và khoa học khác… Khoa học lịch sử là một trong những công cụ nâng cao nhận thức từ quá khứ để góp phần nhận thức hiện tại và định hướng tương lai. PGS Lê Mậu Hãn quan niệm rằng: “muốn đi đến một kết luận khoa học có tính tổng quát hay một vấn đề lịch sử cụ thể, nhà sử học phải có một tư duy khoa học biện chứng, phải nắm vững và sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp sử học, đặc biệt phải dày công sưu tầm, đánh giá tính chân thật của tư liệu lịch sử”[10]. “Ông không nặng nề về cung cấp kiến thức một cách tròn trĩnh, mà thường nêu vấn đề, giải thích những khái niệm cơ bản, trình bày những quan điểm khác nhau… Ông gợi ý các nguồn tài liệu cho chúng tôi đọc, đặt câu hỏi để chuẩn bị và thảo luận”[11]. Do vậy, ông thường động viên học trò phải tìm cách tiếp cận với tài liệu gốc, nhất là tài liệu ở các Trung tâm lưu trữ. Điều này được minh chứng rất rõ trong khối tài liệu ông tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam năm 2017, trong hồ sơ sưu tập các nghiên cứu có khá nhiều tài liệu được sao chụp từ Trung tâm lưu trữ quốc gia.
Nghỉ hưu năm 2000, nhưng những công trình sử học của PGS Lê Mậu Hãn cứ dày lên theo năm tháng. Ông trăn trở với từng sự kiện lịch sử, cho dù là một chi tiết nhỏ, ông vẫn tìm tòi, tra cứu, khảo cứu để làm rõ những giá trị đích thực của lịch sử. Nhiều trận ốm thập tử nhất sinh, bỏ qua lời can ngăn của đồng nghiệp, gia đình, ông vẫn miệt mài với đam mê của mình trong việc tìm hiểu lịch sử.
Di sản của PGS Lê Mậu Hãn là căn nhà nằm ở tầng 2 khu tập thể Vĩnh Hồ, Hà Nội, cùng một gia đình ấm êm, nhưng hơn cả là hàng trăm bài khảo luận – nghiên cứu về Lịch sử Đảng, Lịch sử Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Chính phủ, Lịch sử Quốc hội. Ông đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp Bộ như: “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam – Một số vấn đề lịch sử của thời kỳ vận động thành lập Đảng đến Cách mạng tháng Tám năm 1945” (1993); “Chiến lược đại đoàn kết của Hồ Chí Minh trong cách mạng dân tộc dân chủ (đề tài nhánh) thuộc đề tài cấp nhà nước Chiến lược đại đoàn kết của Hồ Chí Minh…”(cần viết đầy đủ – tránh trùng lặp nguyên xi); ông là tác giả, chủ biên hàng chục cuốn sách như: Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb Chính trị Quốc gia, 1994; Góp phần tìm hiểm tư tưởng độc lập tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, 1994; Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội 1954-1975, Hà Nội, 1995; Đảng Cộng sản Việt Nam – các đại hội và hội nghị Trung ương, Nxb Chính trị Quốc gia, 1995; Đại cương Lịch sử Việt Nam (Đồng tác giả), 1998; Sức mạnh dân tộc của cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh (Chủ biên), Nxb Chính trị Quốc gia, 2003; Các cương lĩnh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, 2008….
“Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” là phương châm, kim chỉ nam mà PGS Lê Mậu Hãn vận dụng để nghiên cứu và giảng dạy lịch sử. Có thể nói rằng, thành công trong sự nghiệp nghiên cứu sử học của PGS Lê Mậu Hãn, ngoài kiến thức vững vàng, quan điểm đi tới tận cùng của vấn đề còn là sự say mê, tận tụy. Tất cả đã tạo nên một nhà sử học Lê Mậu Hãn khác biệt, riêng có trong lòng học trò, đồng nghiệp.
Nguyễn Thị Hiên
___________________________
[1] PGS Lê Mậu Hãn (1932-2021, quê Quảng Trị), nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
[2] Học bạ cấp III của học sinh lớp 8 Lê Mậu Hãn tại trường Phổ thông cấp III Nghi Lộc (lớp 8), ngày 15-1-1955 và lớp 9 trường Huỳnh Thúc Kháng (lớp 9) (tỉnh Nghệ An), ngày 6-6-1956, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3] Giấy khen của Giám đốc trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khen ngợi sinh viên Lê Mậu Hãn (năm thứ 3), Hà Nội, 15-7-1959.
[4] Khoa Lịch sử được phong danh hiệu Anh hùng Lao đông năm 2000.
[5] Nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
[6] Dương Trung Quốc, “Thầy Hãn”. In trong sách “Hành trình đến chân lý lịch sử”, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2005.
[7] Do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được thông qua tại Hội nghị đại biểu Đông Dương cộng sản Đảng, 2-1930.
[8] Do Tổng Bí thư Trần Phú soạn thảo, được thông qua tháng 10-1930.
[9] Nguyên Giám đốc Bảo tàng Nhân học, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[10] Lê Mậu Hãn, “Nguồn tài liệu gốc ở các Trung tâm lưu trữ với giá trị khoa học của các công trình lịch sử”. Tạp chí Văn thư lưu trữ, mục Nghiên cứu – Trao đổi (số 8/2007), 33-36.
[11] Vũ Quang Hiển, “Người thầy có ảnh hưởng nhiều nhất với tôi”, in trong sách “Hành trình đến chân lý lịch sử”, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2005.