Nhà toán học “vô hạn chiều” Phan Đức Chính

GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, nguyên học sinh chuyên Toán Ao khóa 1, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, đã có bài viết về người thầy của mình. Vietnamnet xin được giới thiệu bài viết này.

Tôi dùng cụm từ “vô hạn chiều” ở đây theo cả hai nghĩa. Nghĩa hẹp ở chỗ thầy Chính nghiên cứu toán học, làm luận án tiến sĩ chủ yếu trên các không gian vô hạn chiều. Và theo nghĩa rộng vì sau đó, thầy dành nhiều thời gian giảng dạy, bồi dưỡng toán học sơ cấp, trong các không gian với số chiều từ 1, 2, 3, …, n, … đến vô cùng, cho các học sinh giỏi toán thi quốc gia, quốc tế, và thầy say mê cả âm nhạc, thơ ca…

PGS.TS, NGND Phan Đức Chính, người thầy của nhiều thế hệ
học sinh sinh viên Việt Nam đã qua đời ở tuổi 82
(Ảnh: GS.TS Nguyễn Duy Tiến)

Thầy Phan Đức Chính được đông đảo bạn bè, đồng nghiệp, học trò trong và ngoài giới toán học, trong và ngoài nước khâm phục và yêu quý. Bởi vì thầy là một nhà toán học tài ba, một nhà sư phạm mẫu mực và một người gốc Hà Thành theo nghĩa văn hoá rộng của từ này.

Nhà nghiên cứu khoa học lớn

Thầy Phan Đức Chính được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh năm 1961 và đỗ tiến sĩ năm 1965 (năm 29 tuổi). Thầy là đồng tác giả của cuốn sách chuyên khảo nổi tiếng “Độ đo, tích phân và đạo hàm trong không gian tuyến tính” (“Measure, Integral, Derivative in Linear Space” ), G. E. Shylov, Phan Đức Chính (Nauka, Moskva 1967, nguyên bản tiếng Nga được dịch ra tiếng Anh, tiếng Tiệp) đã để lại cho thế hệ học trò chúng tôi những ấn tượng rất tốt đẹp. Đây có lẽ là cuốn sách toán học đầu tiên được xuất bản ở Liên Xô có tên tác giả Việt Nam.

“Tôi cho rằng đây là cuốn Giải tích hàm đầu tiên
và hay nhất bằng tiếng Việt” – GS. TSKH. Nguyễn Duy Tiến

Tôi được nghe các thầy cô khoa Toán kể lại rằng, những năm khi thầy Chính mới bảo vệ xong luận án tiến sĩ về nước để giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại khu sơ tán Thái Nguyên, thầy say mê đọc sách, soạn bài và nghiên cứu khoa học suốt ngày đêm, bám chặt chiếc bàn làm việc đến mức mòn thủng cả cái ghế ngồi.

Vừa về nước, thầy được giao dạy cho Lớp Ao khóa 1 của chúng tôi. Thầy đang đầy nhiệt huyết và tài năng, muốn truyền cho lớp trẻ. Chúng tôi thì rất hăm hở học hỏi cái mới, nhưng chưa được chuẩn bị kiến thức gì đáng kể…

Người thầy truyền cảm hứng

Vào một ngày tháng 9/1965, tôi và các bạn mình rất vui khi nhận được giấy triệu tập vào học Lớp chuyên Toán đầu tiên (Khoá I, 1965–1967) của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Giấy triệu tập do Phó Hiệu trưởng GS. TSKH. Lê Văn Thiêm ký. Lúc đó, là một học trò quê, nên tôi chưa hiểu được rằng người ký chính là một nhà Toán học Việt Nam xuất sắc. Sau này tôi được biết GS. Lê Văn Thiêm là người anh cả của nền Toán học Việt Nam hiện đại.

May mắn cho chúng tôi, những học sinh chuyên Toán Khoá I, các giáo sư, các thầy dạy môn chính đều là những nhà toán học tài ba của Khoa và Bộ môn Giải tích như các Giáo sư Hoàng Tụy (dạy logic toán và toán học hữu hạn), Phan Đức Chính (dạy đại số), Hoàng Hữu Đường, Nguyễn Thừa Hợp và Lê Minh Khanh (dạy hình học), Nguyễn Duy Tiến (dạy bài tập hình học), Đặng Hữu Đạo và Nguyễn Viết Phú (dạy bài tập đại số).

Là một học sinh nhà quê mới ra tỉnh, lần đầu tiên khi được nghe những bài giảng toán của các thầy vừa trẻ vừa giỏi vừa tràn đầy nhiệt huyết, tôi có cảm giác như mình đang được bố mẹ cho ra phố xem “ảo thuật” vậy.

Đã 40 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ những kỷ niệm sâu sắc về tâm huyết và tài năng sư phạm của các thầy giáo của mình. Mặc dù rất hiếm khi, nhưng lớp Ao chúng tôi ngày ấy cũng đã được đón GS. Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, GS. Hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum và GS. Phó Hiệu trưởng Lê Văn Thiêm đến thăm, nói chuyện hoặc giảng bài.

Các bài giảng đầu tiên của PGS. TS. Phan Đức Chính về hàm số sơ cấp và đồ thị của nó, về giới hạn của các dãy số vô hạn… trong Đại số lớp 9 và lớp 10 đã dạy chúng tôi làm quen với những khái niệm, tư duy mới khi chuyển từ toán học rời rạc sang toán học liên tục.

Thầy Phan Đức Chính cùng Thầy Lê Hải Châu
với đội tuyển Việt Nam tham dự IMO 1974

Các bài toán và các câu hỏi trong mỗi một bài tập mà thầy Phan Đức Chính ra cho học trò khi làm bài kiểm tra thường được xếp theo thứ tự khó dần, gợi mở dần và ít khi “đánh đố”, nhưng cũng không dễ gì làm được trọn vẹn…

Thầy Chính từng làm phó Đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán học (IMO) trong các năm 1974-1976 (trưởng Đoàn là nhà giáo Lê Hải Châu) và là Trưởng Đoàn các năm 1994, 1996 và 1997. Cho đến nay, đã có 3 bài toán khó và hay do Việt Nam đề nghị được chọn làm một trong các bài toán thi IMO, ở các năm 1977 (bài của PGS. TS. Phan Đức Chính), năm 1982 (của PGS. TS. Văn Như Cương) và năm 1987 (của TS. Nguyễn Minh Đức).

Đến nay, mặc dù những kiến thức cụ thể thu được từ bài giảng của các thầy có thể đã bị quên khá nhiều, nhưng ấn tượng, ký ức về trình độ, tài năng, tâm huyết và lòng yêu nghề của các bậc thầy vẫn còn đọng lại mãi trong suốt cuộc đời chúng tôi như một chất men say. Đúng như William A. Ward đã nói: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh hoạ, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”.

Nhà Toán học đa tài

Trong những ngày sơ tán tại Hà Đông, PGS.TS. Hoàng Quốc Toàn và tôi còn được đọc tập thơ chép tay công phu, dài và rất hay của thầy Phan Đức Chính, trong đó có những bài thơ tiền chiến và những bài thơ tình bất hủ của các nhà thơ nổi tiếng. 

Thầy Phan Đức Chính và trò Trần Văn Nhung
tại TP.HCM năm 2014

Đã có những thời khắc, nhà toán học trẻ Phan Đức Chính có hân hạnh được tiếp trà và đàm đạo với Văn Cao, người nghệ sĩ kiệt xuất, về những bản nhạc tiền chiến của ông. Một lần vừa chơi piano cho nhà toán học trẻ nghe một bản nhạc mới sáng tác của mình, Văn Cao vừa hỏi thử: “Cậu thấy bản nhạc vừa rồi của tớ thế nào?”. Nhà toán học trẻ tự tin đáp: “Thưa anh, em vẫn thích các bản nhạc tiền chiến của anh hơn”. Câu trả lời thẳng thắn và sâu sắc của nhà toán học trẻ đã làm cho Văn Cao ấn tượng và cảm mến. Ai dám nói rằng nhà toán học thì khô, thì chán? Đến một nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ vĩ đại như Văn Cao còn quý mến kia mà!

Sau một số lần được tiếp kiến, nhà toán học Phan Đức Chính ngày càng ảnh hưởng bởi Văn Cao, từ cách dùng trà, hút thuốc đến uống rượu. Nếu ngắm những bức ảnh gần đây của thầy Phan Đức Chính, ta thấy ngay thầy có nhiều nét giống Văn Cao: Gầy, mặt xương xương, râu dài, tóc thưa và bạc. Nếu nói theo ngôn ngữ toán học thì hai người đồng dạng, đồng phôi.

Từ khi nghỉ hưu, dù sức khỏe không tốt, nhưng thầy vẫn tham dự các Lễ kỷ niệm của Khoa, của Khối phổ thông chuyên toán, các cuộc gặp mặt của hội cựu giáo chức và giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp và học trò cũ. Thầy rất thân quý thầy và trò Khối Chuyên Ao, nhất là PGS. TS. Nguyễn Vũ Lương và ThS. Phạm Hùng.

Thỉnh thoảng tôi có dịp được gặp, tâm sự và uống rượu với thầy ở TP.HCM hoặc Hà Nội, trong các hoạt động của Khối chuyên Toán – Tin hoặc Tổ Giải tích của Khoa Toán – Cơ – Tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội.

Khi thầy còn ở Hà Nội, có lần tôi vào thăm thầy ở Bệnh viện Hữu nghị và  dự các lễ mừng thọ của thầy do Khối chuyên Toán – Tin tổ chức, tôi thấy thầy đã yếu đi nhiều, nhưng đôi mắt vẫn còn sáng, trí tuệ minh mẫn và hai thầy trò nắm chặt tay nhau…

NGND. PGS. TS. Phan Đức Chính trút hơi thở cuối cùng lúc 1 giờ ngày 26/8/2017 (tức ngày 5 tháng 7 năm Đinh Dậu), hưởng thọ 82 tuổi. Là người Hà Nội nhưng thầy được sinh ra tại Sài Gòn và cũng mất tại Sài Gòn.

Lễ viếng PGS.TS, NGND Phan Đức Chính bắt đầu từ 9-12h ngày 29/8/2017 tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng, 5 Phạm Ngũ Lão, Phường 3, Q.Gò Vấp, TP. HCM.

Lễ Hỏa táng tại Phúc An Viên, Quận 9, TP.HCM lúc 14h cùng ngày.

Các GS. TSKH. Nguyễn Duy Tiến, nhà báo Hàm Châu, GS. TSKH. Đặng Hùng Thắng, GS. TSKH. Nguyễn Hữu Việt Hưng cũng đã có những bài viết tưởng nhớ người thầy lớn của mình…

GS. Trần Văn Nhung (Hà Nội, ngày 28/8/2017)
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/