Nhà y học với niềm đam mê văn thơ, kinh dịch

PGS.TSKH Hoàng Tuấn sinh năm 1928, tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, trong một gia đình có truyền thống làm nghề thuốc Đông y. Ngay từ hồi 7, 8 tuổi, ông đã được cha là Hoàng Ngọc Chấn truyền nghề thuốc cứu người. Tốt nghiệp trung học trong khí thế của Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông tham gia phong trào Việt Minh ở huyện Nga Sơn. Với nhiệt tình, sôi nổi của tuổi trẻ, lại có học vấn, thông thạo Đông y, ông được điều về làm cán bộ tuyên huấn Thanh Hóa, rồi được cử đi học trung cấp Y sĩ ngay tại tỉnh nhà. Từ đó, Hoàng Tuấn bắt đầu tiếp cận, đi sâu vào Y học hiện đại với hai hướng nghiên cứu chính: Nội khoa và Thận học.

 

PGS.TSKH Hoàng Tuấn (trái) giới thiệu một số cuốn sách về kinh dịch với cán bộ Trung tâm

Trong suốt quá trình công tác, dù đảm nhận nhiều chức vụ như Chủ nhiệm Khoa Nội, Bệnh viện Việt – Xô (1970-1976); Giám đốc Bệnh viện 198 Bộ Công an (1976-1995), nhưng ông vẫn dành thời gian nghiên cứu về Đông y, và các bài thuốc chữa bệnh dân gian, tiếp tục phát huy nghề thuốc truyền thống của gia đình.

Với suy nghĩ tìm tòi, học hỏi nhằm phát huy giá trị truyền thống trong lĩnh vực y học cổ truyền, PGS.TSKH Hoàng Tuấn đã dành thời gian nghiên cứu về văn hóa, kinh dịch và bắt tay vào viết sách. Đến nay, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm như: Kinh dịch và hệ nhị phân; Lý thuyết âm dương và phương dược cổ truyền; Cát bụi (Tập thơ); Đoạn kết một chuyện tình và Miền giông bão (Tiểu thuyết) …

Bước sang tuổi 87, PGS.TSKH Hoàng Tuấn vẫn miệt mài, cần mẫn và như ông tâm sự: "Tôi vẫn sẽ tiếp tục làm việc, tiếp tục viết sách đến khi không cầm bút được nữa mới thôi!".

Phạm Ngọc Hải