Sáu mươi hai bài viết trong cuốn sách là 62 câu chuyện nhỏ về những di sản ấy. Nó kể về chặng đường trở thành bác sĩ của một thế hệ y khoa kháng chiến, về quá trình hoạt động khoa học đầy gian nan nhưng cũng đầy vinh quang của các nhà khoa học và cũng đồng thời là nhà giáo, về những kỷ niệm không thể nào quên gắn với các hiện vật tài liệu được lưu giữ suốt nửa thế kỷ như những dấu ấn của cuộc đời, hay về điều trăn trở của nhà giáo, nhà khoa học…62 câu chuyện được khai thác trong kho tàng hơn 2 vạn tư liệu hiện vật gốc và hàng ngàn giờ ghi âm, phỏng vấn với các nhà khoa học do các nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam thực hiện, được kể lại với nguyên tắc trung thực, khách quan, trân trọng quá khứ đã tạo nên giá trị đặc biệt của cuốn sách. Như GS.TSKH Phạm Minh Hạc – Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam nhận xét: đó là một bức tranh mới chấm phá, nhưng vô cùng phong phú, muôn màu muôn vẻ, từ những ý tưởng hết sức sâu sắc, rồi những ngày đêm miệt mài học tập, nghiên cứu, sáng tạo với tấm lòng mong mỏi đóng góp cho nền khoa học Việt Nam, cho dân tộc và cho đất nước của các nhà khoa học.
Cuốn sách hơn 300 trang khổ giấy 16x24cm, hình thức trang trọng đúng với tinh thần khoa học, với nội dung biên soạn nghiêm túc bởi một Hội đồng biên soạn do PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam làm Chủ tịch. Chúng ta sẽ gặp lại ở đây một thế hệ bác sĩ trưởng thành trong kháng chiến, một nhóm các nhà khoa học bắt đầu con đường tới thành công của mình từ khoá đào tạo đầu tiên ở nước ngoài do Trung ương Đảng cử đi…Chúng ta còn gặp ở đây nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau, từ y học đến nông nghiệp, thể thao, địa chất, cơ học, giao thông vận tải, kiến trúc, khoa học kỹ thuật quân sự, khoa học xã hội nhân văn và cả trong lĩnh vực đào tạo nên nhiều thế hệ khoa học cho đất nước…Mỗi một người trong số họ, kể những câu chuyện của đời mình, từ việc học hành đến quá trình làm khoa học, từ thế giới quan đến nhân sinh quan, thật sinh động và cảm động. Họ truyền cho người đọc ngọn lửa đam mê cống hiến của mình cho khoa học, cho cuộc đời và con người. Đó cũng là những bài học lịch sử rất có giá trị cho mọi thế hệ sau này.
Cuốn sách “Di sản ký ức của nhà khoa học” phát hành đúng vào thời điểm rất có ý nghĩa: Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam và ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, như một lời tri ân gửi đến các nhà giáo-nhà khoa học. Tuy mới chỉ ra tập 1, nhưng hi vọng rằng, cùng với hoạt động nghiên cứu sưu tầm đang được xúc tiến, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam sẽ tiếp tục cho ra đời những tập tiếp theo, cũng với tinh thần khoa học như vậy, đóng góp vào kho tàng di sản khoa học của nước nhà mà bấy lâu nay chưa được quan tâm lưu giữ.
Nguyễn Thị Trâm