Nhật ký của Giáo sư Nguyễn Ngọc Độ

Thiếu tướng – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân – Giáo sư Nguyễn Ngọc Độ (sinh 1934, mất2017) quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông là nhà khoa học chuyên ngành Khoa học Quân sự, nguyên Trưởng khoa Không quân, Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng). Ông được phong học hàm Giáo sư năm 2002.

Năm 1964, ông Nguyễn Ngọc Độ tốt nghiệp khóa huấn luyện đề cao (chiến thuật không quân tiến kích) tại Quân khu Bắc Kinh, Trung Quốc và về nước chuẩn bị tham gia chiến đấu. Giữa năm 1965, Trung đoàn Không quân 921 quyết định cử 10 phi công tập trung học lý thuyết chuyển loại máy bay MIG – 21, trong đó có ông Nguyễn Ngọc Độ. Máy bay MIG – 21 thuộc loại tiêm kích đánh chặn có tính năng ưu việt hơn máy bay MIG – 17 cả về tốc độ, độ cao, trang thiết bị. Tháng 9-1965, Sở chỉ huy Quân chủng ra lệnh cho biên đội MIG – 17F gồm các ông: Phạm Ngọc Lan, Nguyễn Nhật Chiêu, Trần Văn Trì, Nguyễn Ngọc Độ xuất kích đánh địch ở khu vực phía Nam. Số 2- Nguyễn Nhật Chiêu đã bắn rơi một máy bay F4. Biên đội này không nằm trong phi đội, mà thực chất là ghép những cán bộ có kinh nghiệm bay, trình độ kỹ thuật, chiến thuật giỏi, phi công cấp một. Sau trận này, ông Nguyễn Ngọc Độ được chuyển hẳn sang trực ban chiến đấu trên máy bay MIG- 21 PFL. Giữa năm 1966, Trung đoàn tổ chức lại đội bay, ông Độ thuộc đội 1, là Đại đội phó, còn Đại đội trưởng là Nguyễn Nhật Chiêu. Đại đội có nhiệm vụ huấn luyện nâng cao trình độ kỹ chiến thuật, nghiên cứu cách đánh và thực hành thắng lợi các trận chiến đấu, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ được giao. Trong thời gian đầu huấn luyện, đại đội được chuyên gia Liên Xô giúp đỡ về kỹ thuật lái, dẫn đường và bay ứng dụng chiến đấu.

Trong cuốn nhật ký này, ông Nguyễn Ngọc Độ ghi chép chi tiết về công tác huấn luyện và chiến đấu (thực hành bay, bay huấn luyện, phương pháp bay tác chiến, các hội nghị, kết quả trận chiến, tổng kết theo tháng, đợt, năm…) từ năm 1966 đến năm 1971. Đây là một nguồn tư liệu cho nhiều công trình nghiên cứu sau này của ông.

Chẳng hạn, ngày 28-7-1966, ông ghi về hội nghị chuẩn bị trước, trong đó nhiệm vụ được xác định cụ thể như sau: Đoàn quyết định đồng chí Độ sẽ vào trước bay kèm bài 27/1, rút kinh nghiệm cho cán bộ cũ, chưa bay đơn, còn anh em mới đến phải kèm cả. Ưu tiên cho cán bộ bay thêm bài 27. Yêu cầu về người lái phải hiệp đồng tốt động tác bay với giáo viên. Về vấn đề sức khỏe phải tốt. Trong khi bay phải rút kinh nghiệm kịp thời…

Ngày 3-12-1966, ông ghi rõ nhiệm vụ và kết quả thực hiện:

Trực chiến: Độ – Ngân; Đe – Rốc; Xíu – Cường.

Xuất kích: Độ – Ngân: 2 lần

Lần phía Tây sân bay sau lên trên mây đuổi địch cự ly gần nhất 4 – 7m, nhưng địch dưới mây.

Lần 2 cũng ở phía Tây sân bay.

Lần xuất kích ngày 5-5-1967, ông ghi lại chi tiết trận chiến giữa biên đội và địch:

Xuất kích: Ngự: 3 lần

                 Độ: 2 lần

Gặp địch: Độ – Ngự. Lần xuất kích cuối gặp F4, Độ đã phóng một phát tên lửa, sau đó cả hai cùng về hạ cánh ở Kép. Sáng 6-5-1967 cất cánh từ Kép về sân bay thủ đô, Độ đã bắn rơi 1 máy bay địch.

Bước sang tháng 7-1967, đại đội tiếp tục tổ chức học lý thuyết và chuyển loại kiểu máy bay MIG – 21F13. Ngày 20-7-1967, ông ghi rõ:

Trực chiến: Độ – Ngân; Xíu – Cường

Xuất kích: Xíu – Cường 1 lần

Xuất kích gặp địch: Độ – Ngân 1 lần. Gặp 1 F4 Độ phóng một phát tên lửa vào số 3 của địch. Kết quả chiều đó rơi và giặc lái địch cứu được. Độ bắn rơi 1 F4 địch.

Ưu điểm: Quyết tâm BTC, CHS chính xác, nhanh chóng.

                         Dẫn đường tốt, có lợi mặt trời H. V

                Ra đa bật tốt dẫn mặt hiện hình tốt

                Trước khi tiếp địch có cho hướng thoát ly thông báo hướng địch đi rõ ràng.

                         Bất ngờ

Đầu xuân năm 1968, ông ghi lại câu thơ chúc tết mang tính chất lời kêu gọi của Bác Hồ: Tiến lên, toàn thắng ắt về ta. Từ đó đến năm 1971, ông tiếp tục ghi khá tỉ mỉ về việc huấn luyện và chiến đấu. Cuốn nhật kí này kết thúc ở năm 1971.

Sau năm 1971, ông vẫn tiếp tục viết nhật ký về quá trình công tác, tham gia sinh hoạt Đảng các cấp…

Năm 2017, Giáo sư Nguyễn Ngọc Độ qua đời. Toàn bộ tài liệu hiện vật trong quá trình công tác và hoạt động khoa học của ông được gia đình lưu giữ. Ông Trương Xuân Long (con rể Giáo sư Nguyễn Ngọc Độ) chia sẻ, khi còn sống ông là người cẩn thận, ghi chép mọi công việc, kế hoạch tỉ mỉ, trân trọng các tài liệu của mình. Sổ nhật ký nói trên được gia đình cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Độ tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ngày 24-10-2018.