Nhìn lại để tiếp tục vững bước





Tham dự buổi họp có sự tham gia của 15 thành viên trong Hội đồng cố vấn là các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau: GS.TSKH Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Chủ tịch hội đồng cố vấn Trung tâm; PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn, kiêm Giám đốc chuyên môn Trung tâm và GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn; các ủy viên: GS.TSKH Đỗ Trần Cát, PGS.TS Chương Thâu, GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, GS.TSKH Nguyễn Văn Thâm, TS Vũ Minh Hương, TS Lưu Hùng,…, cùng đại diện Hội đồng thành viên, Ban Giám đốc và các thầy cô cộng tác viên, cán bộ nhân viên Trung tâm.

Toàn cảnh cuộc họp. Dù kết thúc lúc hơn 12 giờ trưa, nhưng cả hội trường đều nghiêm túc và lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng cố vấn cùng nhìn lại một thập kỷ của HERITIST qua phóng sự ngắn “HERITIST – Nhìn lại một chặt đường” và báo cáo hoạt động do ThS Trần Bích Hạnh – Giám đốc điều hành của Trung tâm trình bày. Qua báo cáo, Hội đồng thấy rõ hơn những công việc HERITIST triển khai trong những năm qua, đồng thời nêu ra những khó khăn, thách thức cần khắc phục.

Trong phần thảo luận, các thành viên trong Hội đồng đều khẳng định vai trò, vị trí của HERITIST có ý nghĩa quan trọng đối với xã hội, là hoạt động có giá trị nhân văn cao cả đối với các nhà khoa học, với đất nước. Đồng thời các nhà khoa học cũng nêu ra nhiều ý kiến giá trị để góp phần vào việc tổ chức các hoạt động của HERITIST phát triển đáp ứng với sự phát triển của xã hội. Các vấn đề đặt ra như: Cần chú trọng đến công tác nghiên cứu, sưu tầm, khai thác sâu thông tin để kể chuyện về lịch sử cuộc đời của nhà khoa học; HERITIST sẽ phát triển trong thời đại công nghệ 4.0 như thế nào? Quảng bá mạnh mẽ các hoạt động của HERITIST thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; Bảo quản và lưu trữ những tài liệu tại HERITIST là tài sản quý của quốc gia ra sao; xây dựng cảnh quan Công viên, khu vui chơi giải trí đậm chất khoa học… Những ý kiến quý báu này giúp HERITIST tiếp tục phát triển và mở ra những hướng nghiên cứu mới về lĩnh vực sưu tầm, lưu trữ và phát huy giá trị di sản của các khoa học.

Cũng nhân buổi họp này, HERITIST kiện toàn tổ chức Hội đồng cố vấn nhiệm kì 2018-2019, do GS.TSKH Phạm Minh Hạc tiếp tục làm Chủ tịch Hội đồng, cùng 23 nhà khoa học khác là thành viên. Trong đó, tổ chức mở rộng các thành viên Hội đồng cố vấn tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là sự kiện quan trọng của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam trong 10 năm vừa qua, là dịp để các thành viên trong Hội đồng cố vấn, Ban Giám đốc, cán bộ nhân viên HERITIST nhìn lại sự hình thành và phát triển, những tồn tại, thách thức để chuẩn bị hành trang cả về cơ sở vật chất, nhân sự và chuyên môn cho những dự định phát triển sắp tới.

ThS Trần Bích Hạnh, Giám đốc điều hành Trung tâm trình bày báo cáo 2015-2017
và phương hướng, kế hoạch 2018-2020.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy (Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn kiêm Giám đốc chuyên môn) nêu ra bốn thách thức lớn của HERITIST: cần giải quyết mâu thuẫn giữa số lượng và chất lượng; mâu thuẫn giữa đi theo lối mòn và tính sáng tạo; mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản các nhà khoa học; mối quan hệ giữa vừa làm, vừa học của đội ngũ cán bộ nhân viên

"Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam không những lưu trữ, xây dựng truyền thống khoa học của đất nước mà còn phát huy giá trị đó cho hiện tại" – GS.TSKH Phạm Minh Hạc nhận định

GS Trần Duy Quý (áo trắng): "Tôi đánh giá cao hoạt động của Trung tâm, từ con số không đến nay Trung tâm đã làm được nhiều việc, có uy tín trong cộng đồng và nhiều nhà khoa học".

"HERITIST cần phát huy lợi thế là Chi hội của Hội Di sản văn hóa Việt Nam hơn nữa" – PGS.TS Đỗ Văn Trụ (Phó Chủ tịch thường trực Hội Di sản văn hóa Việt Nam) tư vấn

"Cảm ơn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam vì tôi đã tìm đúng địa chỉ để trao gửi tâm huyết" – GS Phong Lê (nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam)

"Một nhà lịch sử Pháp đã nói: Trung thành với truyền thống không có nghĩa là quay lại với năm tháng quá khứ mà để hướng về tương lai. Như dòng sông, phải hướng ra biển cả. Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã làm sống lại quá khứ và hướng về tương lai" – GS.TSKH Nguyễn Hoa Thịnh (nguyên Giám đốc Viện Khoa học và công nghệ quân sự).

TS Vũ Minh Hương (nguyên Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ nhà nước, Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương) có nhiều góp ý về chuyên môn và đào tạo đội ngũ cho HERITIST. Đồng thời bà sẵn lòng giúp đỡ để UNESCO công nhận những văn bản giá trị của nhà khoa học tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

"Khi mới thành lập, có nhiều ý kiến khác nhau về HERITIST. Nhưng qua 10 năm đã cho thấy hoạt động của HERITIST rất cần thiết cho hôm nay và mai sau" – GS.TS Nguyễn Phùng Hồng (nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học công nghệ, Bộ Công an)

Các thành viên trong Hội đồng cố vấn chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ HERITIST

Nguyễn Thị Thành