Có lẽ với nhiều người, những trang bản thảo, cuốn sách, đồ dùng, thiết bị… từ cách đây mấy chục năm là thứ bán không ai mua, cho không ai lấy; hay những câu chuyện ngày xưa thường được đáp lại rằng "lại chuyện xưa cũ", thì với chúng tôi đó là di sản vật thể và di sản ký ức chứa đựng nhiều thông tin khoa học. Tư liệu ấy góp phần nghiên cứu lịch sử cuộc đời của một nhà khoa học, rộng hơn là lịch sử phát triển của một ngành, một lĩnh vực. Từ hơn chục năm trước, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã được GS Vũ Triệu An trao tặng toàn bộ di sản tư liệu cuộc đời mình. Đồng thời, GS Vũ Triệu An còn dành nhiều buổi kể cho chúng tôi câu chuyện đời, chuyện làm khoa học của ông. Đó là “di sản ký ức” vô cùng quý giá.
Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11), Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) xin giới thiệu khối di sản đặc biệt quý của GS Vũ Triệu An hiện đang được Trung tâm lưu giữ và nghiên cứu.
Khối di sản vật thể mà GS Vũ Triệu An trao tặng Trung tâm rất có giá trị về cả về lịch sử và khoa học. Đó là những trang bản thảo viết tay, đánh máy, có bản được sửa chữa chằng chịt, những cuốn sổ ghi chép với đủ màu mực, những cuốn sách bong gáy, những tấm ảnh ố màu…mà GS Vũ Triệu An. Trong đó ẩn chứa nhiều thông tin về quá trình học tập, làm việc và nỗ lực vươn lên của Vũ Triệu An. Qua các khâu chuyên môn nghiệp vụ, Trung tâm Di sản đã tạo lập lên Danh mục khối tài liệu hiện vật, qua từng giai đoạn, có thể thấy được quá trình trưởng thành và những đóng góp lớn lao của ông cho Y học. Từ khi còn là một chàng sinh viên y khoa học tập và làm việc ở vùng núi Tuyên Quang, Thái Bình,Vô Tranh(Thái Nguyên) trong giai đoạn1945-1954; những tháng ngày ông trở thành người sáng lập "bất đắc dĩ" của bộ môn Sinh lý bệnh, trường Đại học Y Hà Nội (từ năm 1958); quá trình xây dựng bộ môn, những công trình nghiên cứu khoa học, dấu mốc thành lập nhánh Miễn dịch, hợp thành bộ môn Sinh lý bệnh – Miễn dịch (những năm 1960-1980); hay những ngày tháng tham gia đào tạo, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Sinh lý bệnh – Miễn dịch của các trường y trong cả nước… Tất cả các dấu mốc đó đều có thể tìm thấy qua những tài liệu là bản quyết định, văn bản, danh sách cán bộ… từ những ngày đầu thành lập. Đặc biệt, nội dung các tài liệu đó, còn phản ánh rõ nét những khó khăn về đội ngũ cán bộ chuyên môn, cơ sở vật chất mà GS Vũ Triệu An và đồng nghiệp phải đối diện suốt hành trình xây dựng bộ môn. Bên cạnh đó là những bài nghiên cứu đầu tiên, cuốn sách đầu tay của GS Vũ Triệu An, những cuốn giáo trình ông cùng đồng nghiệp viết, như: Thực hành truyền máu (1962), Bài giảng sinh lý bệnh (1963), Miễn dịch học (1977), Đại cương sinh lý bệnh học (1978)… Những trang bản thảo với đủ các màu mực, được viết trên thứ giấy màu nâu, nhiều chỗ bị rách mép và quăn góc… Tất cả đều trở thành những tài liệu lịch sử quý giá thể hiện sự trưởng thành theo thời gian không chỉ của bản thân GS Vũ Triệu An, mà còn ẩn chứa trong đó những dấu mốc, minh chứng cho sự hình thành, phát triển và trưởng thành của bộ môn Sinh lý bệnh – Miễn dịch, trường Đại học Y Hà Nội nói riêng, ngành Sinh lý bệnh – Miễn dịch Việt Nam nói chung.
Dù là khối tư liệu của GS Vũ Triệu An hiện được bảo quản, lưu giữ tại Trung tâm, có thể nói, là khá đầy đủ, toàn diện. Song trong quá trình nghiên cứu, trên cơ sở những tư liệu cá nhân của GS Vũ Triệu An, chúng tôi tiếp tục tìm đến những nguồn tư liệu được lưu trữ ở nhiều nơi như tài liệu dòng họ Vũ, tài liệu của bộ môn Sinh lý bệnh – Miễn dịch do bộ môn lưu trữ, tài liệu về các cơ quan, đơn vị ông từng công tác được lưu trữ ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia III…
Vợ chồng GS Vũ Triệu An bên những kỷ niệm trước khi trao tặng Trung tâm Di sản
Ngoài những ký ức do chính GS Vũ Triệu An chia sẻ, chúng tôi đặc biệt chú trọng và khai thác ký ức của các nhân chứng lịch sử – những người từng đã sống, làm việc cùng GS Vũ Triệu An ở những giai đoạn nhất định trong cuộc đời ông. Hàng trăm phút ghi hình, hàng nghìn phút ghi âm, những câu chuyện có khi ngắt quãng, thậm chí lộn xộn do hầu hết họ tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng đó là những "di sản ký ức" vô giá mà để trôi đi theo thời gian thì không gì có thể đổi lại được.
Để tìm hiểu về nguồn gốc xuất thân, về những năm tháng tuổi thơ của GS Vũ Triệu An, ngoài dựa vào ký ức của ông và gia phả dòng họ Vũ, chúng tôi còn tìm gặp em gái của ông và tìm đọc những cuốn sách viết về giai đoạn lịch sử đầu thế kỷ 20. Để tìm hiểu về những năm tháng ông học phổ thông, chúng tôi may mắn có được những trang hồi ký được ông viết khi còn minh mẫn, đó là bài "Một kỷ niệm khi học thành chung Thái Bình", in trong cuốn Hồi ký về trường Thành chung Lê Quý Đôn do tập thể cựu học sinh ngôi trường này thực hiện năm 1993. Tìm hiểu về thời gian ông học đại học, ngoài những tư liệu đã kể trên, chúng tôi còn tìm đến những tư liệu nói về việc dạy và học của thầy trò trường Y trong kháng chiến; những ký ức của những nhân chứng lịch sử… cùng học tập ở trường Y. Gặp các y tá, y công cùng làm việc với ông ở Phân viện 5 (Vô Tranh, Thái Nguyên) những năm 1950-1954…
Những tư liệu về chuyên môn y học xa lạ với người ngoại đạo như chúng tôi đã được diễn đạt lại một cách dễ hiểu hơn, cụ thể hơn thông qua chia sẻ của các đồng nghiệp, học trò là GS Nguyễn Ngọc Lanh, GS.TSKH Phan Thị Phi Phi, GS.TS Nguyễn Văn Nguyên, PGS.TS Nguyễn Vinh Hà, TS Nguyễn Văn Đô…
Trên hành trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam luôn xác định đó là sự nghiệp cao cả, là trọng trách gìn giữ lịch sử của nền khoa học nước nhà. Qua di sản của các nhà khoa học nói chung, của GS Vũ Triệu An nói riêng, các thế hệ có thể tìm hiểu và nhận thức được vai trò, những cống hiến của họ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, dân tộc Việt Nam.
Trung tâm Di sản trân trọng biết ơn sự ủng hộ, đồng hành của các nhà khoa học Việt Nam.
Lê Hằng