Rừng, những thảm cây xanh là tài nguyên quý giá, có ý nghĩa to lớn với môi trường, kinh tế xã hội cũng như cuộc sống của con người. Vì vậy, việc trồng rừng và bảo vệ rừng ngày càng trở nên cấp bách và cần thiết đối với chiến lược quốc gia và đối với Dự án Công viên Di sản, kế hoạch trồng cây xanh đã trở thành một hạng mục quan trọng trong định hướng phát triển của Dự án.
Bởi lẽ, trồng cây không những để phủ xanh đất trống đồi trọc, chống xói mòn, sạt lở đất, tạo môi trường xanh- sạch- đẹp, mà trong tương lai Dự án trở thành một công viên có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn và mới lạ, hòa hợp với mục đích chủ đạo của một Công viên mang tính khoa học. Đồng thời cũng là nơi nghỉ ngơi thư giãn, cải thiện tiểu khí hậu, cân bằng sinh thái và hướng tới để có một bộ sưu tập về loài cây quý của cả nước. Tính đến nay, Dự án được đầu tư với tổng mức 3 tỷ đồng cho việc trồng cây xanh.
Đầu năm 2008, trước khi Dự án khởi công, nơi đây là những bãi đất và đồi núi được người dân địa phương sử dụng làm đất canh tác và trồng các loại cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày như: Mía, khoai, sắn… thu hoạch theo thời vụ. Nên Dự án phải xây dựng quy hoạch lại với hệ thống cây xanh sẽ được trồng mới hoàn toàn. Từ năm 2008-2010, Dự án đã tiến hành trồng mới hoàn toàn hệ thống cây xanh theo quy hoạch. Tập trung sưu tầm, tập hợp các loài cây về ươm, trồng chuẩn bị nguồn cây. Dưới sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo Công ty, tính đến nay việc trồng cây đã được triển khai đúng quy hoạch và tiến độ.
Quang cảnh một góc Dự án năm 2008…
Một trong những hoạt động đã trở thành truyền thống của Dự án Công viên Di sản, là ngày hội “Tết trồng cây” được tổ chức thường niên vào dịp Xuân về. Việc làm ý nghĩa này đã hướng cho cán bộ Dự án có ý thức hơn trong việc trồng và chăm sóc cây xanh trong các giai đoạn tiếp theo.
Đến nay, sau gần 6 năm sưu tầm, trồng và chăm sóc các loại cây xanh, dự án có khoảng 50.000 cá thể cây và trên 300 loài như: Sưa, Chò nâu, Chò chỉ, Phượng, Cau vua, Lát, Mộc lan, Nghiến, Dầu nước, Phi lao, Thông, Bách tán, Lộc vừng, Sấu, Bằng lăng, Ban, Muồng Hoàng yến… Trong đó, loài Sưa chiếm tỷ lệ cao nhất với 3450 cây trên 1ha đất. Sưa liên tục có sự phát triển tốt, nhiều cây đã có đường kính khoảng 15cm với chiều cao từ 7-8cm.
… và một màu xanh vào năm 2014
Đứng từ trên cao nhìn xuống, cả vùng Dự án là các vạt cây cối xanh ngát, phủ kín các quả đồi, từng đàn chim kéo nhau về làm tổ tạo nên một không gian bát ngát, thanh bình mang lại cảm giác an lành đến lạ kỳ. Kỹ sư Trịnh Văn Lực- Trưởng Ban Quản lý Dự án, cán bộ chịu trách nhiệm về mảng cây xanh cho biết: “Nhìn cây cối phát triển tốt, nhiều người nghĩ rằng việc chăm sóc cây đơn giản. Tuy vậy, trong quá trình chăm sóc, chúng tôi gặp không ít khó khăn, nhiều lần cây bị chết do thời tiết, khí hậu hoặc do tính chất đất không phù hợp với loài. Dự án phải cố trồng dặm, rồi gồng mình chăm sóc cả năm trời. Vì thực tế, rất nhiều loài cây thuộc các vùng miền khác nhau được đem về trồng ở Dự án cùng với khí hậu và thời tiết không phù hợp nên việc chăm sóc cây không dễ chút nào… Dù cây đã phát triển ổn định nhưng Dự án vẫn phải nỗ lực rất nhiều trong cả chu kỳ dài chăm sóc tiếp theo".
Khó khăn là vậy, nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Lãnh đạo, cán bộ Dự án đã nhiều lần bằng mọi cách đem các giống cây từ mọi miền đất nước và ngoài nước về ươm trồng. Tuy nhiên một số loài cây như: Me, Đào tiên kém phát triển và không tồn tại được do không phù hợp với tính chất đất và khí hậu.
Đồng chí Bùi Đức Hinh (hàng trước bên trái) – Bí thư Huyện ủy Cao Phong về thăm Dự án, ngày 8-5-2014
Bên cạnh những khó khăn vất vả Dự án cũng có những thuận lợi nhất định: Vì Dự án được xây dựng theo tôn chỉ bảo vệ môi trường nên được các Sở, Ban, Ngành tại địa phương rất ủng hộ thường xuyên quan tâm và tạo điều kiện cho Dự án sớm hoàn thành tiến độ. Ngoài ra, thiên nhiên cũng mang lại sự ưu đãi vô giá, đó là con suối chảy qua khu vực Dự án, nó không chỉ tạo nên cảnh quan hữu tình, thơ mộng, mà đó là nguồn nước quanh năm, tạo thuận lợi phục vụ cho việc tưới tiêu và chăm sóc cây.
Có được thành công bước đầu trong kế hoạch trồng cây, tạo nên màu xanh cho Công viên Di sản, toàn bộ cán bộ Dự án đã quyết tâm cùng nhau cố gắng thực hiện ý kiến chỉ đạo Hội đồng thành viên: “ Cần quan tâm đặc biệt đến việc trồng và chăm sóc cây. Dù đi đến nơi đâu, bất kỳ nơi nào cũng sưu tầm các loài cây đặc trưng ở vùng đất đó về trồng tại Dự án, nhằm gây dựng được một ngân hàng các loài cây quý của cả nước. Luôn phải dành tình cảm thực sự cho cây, tìm tòi nghiên cứu sáng tạo để tìm ra các phương pháp chăm sóc cây ngày càng phát triển hơn ”. Vì vậy, trong khoảng gần 6 năm màu xanh thăm thẳm của cây đã phủ xanh miền Dự án. Trong tương lai sẽ hình thành một quần thể cây xanh phát triển ổn định, tạo ra cảnh sắc phong phú, thể hiện được nét đặc trưng cho cảnh quan khu vực Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Bùi Phương Châm
Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam.