PGS.TS Lê Tùng Châu, nguyên Phó viện trưởng Viện Dược liệu, sinh năm 1935 tại xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình.
Tháng 10-1954, học xong kỳ 1 của lớp 9 trường Phan Đình Phùng, ông và các bạn đồng học được chỉ thị gấp rút học tập và thi tốt nghiệp trong những tháng cuối năm để kịp ra Hà Nội thi đại học. Tháng 12-1954, sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông về quê thăm gia đình. Lúc đó bố ông đang ốm, phải nằm viện, kinh tế gia đình khó khăn, vì thế việc ông ra Hà Nội học tập có thể phải trì hoãn. Chạy vạy mãi, bố mẹ ông mới vay được 30 đồng, quyết chí cho con ra Hà Nội để tiếp tục thi vào đại học.
PGS.TS Lê Tùng Châu trong buổi làm việc với
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Cuối tháng 12-1954, từ Đồng Hới, Quảng Bình, ông cùng một số bạn ra Hà Nội và làm hồ sơ, nộp vào nhiều trường khác nhau. Vào thời điểm đó, trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ Khu học xá Nam Ninh trở về đã tổ chức thi xong, ở Hà Nội chỉ còn lại một số trường dự bị Đại học và trường Đại học Y-Dược Hà Nội. Sau rồi ông quyết định thi vào trường Đại học Y-Dược Hà Nội vì được biết trường có chính sách học bổng cho sinh viên từ năm đầu tiên. Đó có thể là nguồn kinh phí giúp ông trang trải những khó khăn trong thời gian học tập.
Trở thành sinh viên khóa 9 trường Đại học Y-Dược Hà Nội và là khóa đầu tiên sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc (1955-1960), đã đặt nền tảng đầu tiên để sau này Lê Tùng Châu đi sâu vào chuyên ngành về Dược liệu, với ba mảng nghiên cứu chính là: Tinh dầu chữa bệnh; Thuốc chữa bệnh gan, mật; Thuốc tăng cường tuần hoàn máu.
Trong buổi làm việc ngày 7-10-2014, PGS.TS Lê Tùng Châu cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với hoạt động của Trung tâm và coi đây là việc làm ý nghĩa trong việc bảo tồn và lưu trữ di sản của các nhà khoa học.
Phạm Ngọc Hải
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam