Nhớ Giáo sư Hồ Đắc Di

Giáo sư Hồ Đắc Di đã du học từ năm 1918 tại khoa Y Đại học Tổng hợp Paris. Ông người là Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp bác sĩ phẫu thuật, người Việt Nam đầu tiên được phép cầm dao mổ. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất được phong học hàm Giáo sư đại học từ thời thuộc Pháp…

Giáo sư Hồ Đắc Di là một trong những người đầu tiên góp sức xây dựng ngành Y  của nước Việt Nam mới từ những ngày đầu sau khi cách mạng thành công: là Tổng thanh tra Y tế, Giám đốc bệnh viện Đồn Thủy, Hiệu trưởng trường Đại học Y suốt 33 năm (1945 – 1978), Chủ  tịch Tổng hội Y học Việt Nam…

Những lý tưởng nhân đạo, nhân văn đã hấp dẫn anh thanh niên Hồ Đắc Di chọn học ngành Y – một nghề cao thượng mang/giành lại sự sống cho con người. Từ trong những năm kháng chiến gian khổ, và cho đến cuối cuộc đời, Giáo sư Hồ Đắc Di luôn phấn đấu cho lý tưởng đó. Ông luôn dốc tâm sức truyền cho những thế hệ thày thuốc trẻ cả kho kiến thức, kinh nghiệm, cả tình yêu cuộc sống và tấm gương y đức mẫu mực của mình.

Giáo sư Hồ Đắc Di luôn nhắc nhở các đồng nghiệp phải trau dồi vốn văn hóa vì ông coi văn hóa là gốc rễ, kỹ thuật là ngọn cành. Kỹ thuật dù thành thạo những nghèo nàn về văn hóa thì chưa thể gọi là trí thức theo đúng nghĩa của từ đó.

Hơn ai hết, những người thày thuốc mang lại những niềm hy vọng, nghị lực và cả sức mạnh cho người bệnh trong cuộc chiến đấu chống lại bệnh tật. Sự có mặt của thày thuốc đã giành giật lại những gì mà sự im lìm khủng khiếp sắp sửa cuốn đi.

Nghề thày thuốc đòi hỏi người thày thuốc phải nắm được nhiều kiến thức khoa học: giải phẫu, sinh lý, sinh hóa, hóa học, vật lý học… Nghề thày thuốc cũng đòi hỏi người thày thuốc phải có một lương tâm trong sạch, không dung thứ những gì trái với đạo đức vì nó liên quan trực tiếp đến sự sống, cái chết của con người. Nghề thày thuốc cũng đòi hỏi người thày thuốc phấn đấu trở thành những người có văn hóa theo nghĩa rộng của từ này, những người mang đến cho bệnh nhân hơi ấm của tình nhân ái cùng với sức mạnh của khoa học để chống lại bệnh tật 

  Từ những năm kháng chiến gian khổ, vừa giảng dạy vừa cứu chữa bệnh nhân trong bệnh viện thực hành của trường Đại học Y giữa rừng Việt bắc, ông đã viết những dòng đầy tâm huyết về ý nghĩa của văn hóa trong nghề y: “… Nếu có lúc nào đó trình độ nghề nghiệp hạn chế khiến ta xa cách, không sao hiểu hết nguyên nhân sâu xa của nỗi đau ghê gớm đang dày vò người bệnh, thì văn hóa làm cho ta gần gũi họ, thông cảm với họ bởi vì nền tảng của văn hóa là chủ nghiã nhân văn và đó cũng chính là mục đích của nền y học chân chính.”…  

  Với Giáo sư Hồ Đắc Di, khi khoa học kết hợp nhuần nhuyễn với đạo đức sẽ trở thành thẩm mỹ của trí tuệ. Trong y học, cái trình độ tinh vi, tế nhị – đến mức trở thành nghệ thuật – thường được gọi là “giác quan lâm sàng”.               

  “Giác quan này giúp chúng ta, trước rất nhiều triệu chứng, biết nhận ra ngay cái nào là chính, cái nào là phụ, biết đánh giá không phải dựa trên một vài đặc điểm mà là trên tòan bộ, biết cách điều trị thế nào cho thích hợp với từng con người, từng hòan cảnh cụ thể, từng cảnh ngộ riêng tư… Để đạt đến trình độ đó, người thày thuốc phải phát huy hết tất cả các mặt: năng khiếu, trí tuệ và tâm hồn, khoa học và thẩm mỹ… Tài nghệ của người thày thuốc chân chính – cũng như của họa sĩ, nhạc sĩ – lệ thuộc một phần không nhỏ vào sự nhạy cảm. Chính nhờ có sự kết hợp giữa khoa học và văn hóa mà người thày thuốc trở nên xứng đáng với thiên chức cao quý của mình”. 

  Thời gian không phủ bụi trên những dòng viết của Giáo sư Hồ Đắc Di cách đây hơn nửa thế kỷ. Người thày thuốc tài danh bao giờ cũng là một người có văn hóa…    

Phương Hạnh