Dòng dõi danh gia và một thời gian khó
Hoàng Trọng Yêm sinh năm 1934 tại Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Quê gốc của ông là làng Văn La, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Làng Văn La là một ngôi làng nghèo, phía trước là sông Nhật Lệ thơ mộng, kế tiếp đó là một bãi nổi rộng chừng 1km, phía sau là đồng ruộng và đồi núi. Làng này có một cái bầu, dân thường gọi là bầu Rồng (long đáo địa), được quan niệm là vùng đất tốt, có nhiều người tài. Từ xưa nơi đây đã truyền miệng câu: Văn, Võ, Cổ, Kim, Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, nhắc tới 8 làng khoa cử nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình: Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nãi, Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọa.
Dòng họ Hoàng ở Văn La là một dòng họ lớn, có truyền thống học hành và nhiều đời làm quan trong triều đình nhà Nguyễn. Cụ 5 đời của Hoàng Trọng Yêm là cụ Hoàng Kim Xán, quan Bố chánh tỉnh Khánh Hòa. Cụ 4 đời là cụ Hoàng Kế Viêm – phò mã, lấy con gái vua Minh Mạng. Cụ Viêm là một danh tướng dưới triều Nguyễn, giữ chức Khâm sai đại thần kinh lược sứ Bắc kỳ, dưới thời vua Tự Đức từng được cử ra Bắc dẹp loạn quân Cờ trắng và Cờ vàng, cũng là người đã tham gia trận đánh tiêu diệt hai viên quan lớn của Pháp ở trận Cầu Giấy năm 1883. Ông nội là cụ Hoàng Vỹ – quan Thượng thư triều Nguyễn.
Thân sinh Hoàng Trọng Yêm là cụ Hoàng Trọng Trì, lớn lên vào lúc triều đình nhà Nguyễn đã bước vào thời kỳ mạt vận, suy vong, nên chỉ học hết bậc tú tài Nho học và được chính quyền Pháp bổ nhiệm giữ chức thư ký hành chính ở Tuy Hòa, Phú Yên. Cụ Hoàng Trọng Trì được học chữ Nho từ nhỏ nên rất coi trọng nền giáo dục của đạo Khổng, coi chữ Nho là chữ thánh hiền. Cụ cũng là người hiền lành, yêu nước, căm ghét giặc Pháp. Cụ thường dạy các con những lễ giáo của đạo Khổng, nhấn mạnh làm việc gì cũng phải luôn tận tụy, luôn thương yêu người khác, nhất là những người nghèo. Nạn đói năm 1945 xảy ra, gia đình cụ đã gửi về Văn La mấy tạ gạo để hỗ trợ cho dân làng, vì thế gia đình cụ được người làng rất quý mến. Cụ mất sớm, năm 1947, để lại gia đình cho người vợ gánh vác. Và cũng từ đó trở đi, Hoàng Trọng Yêm đã phải bươn chải với cuộc sống khó khăn để vươn lên lập nghiệp.
Mẹ của Hoàng Trọng Yêm là bà Tôn Nữ Lệ Qua, con của một vị quan Thượng thư triều Nguyễn, nhưng từ khi lấy chồng cũng sống cuộc đời bình dân, quanh năm lam lũ với 6-7 sào ruộng và chăm lo cho các con của mình. Lúc ông Yêm còn nhỏ, bà Qua thường động viên con trai cố gắng học tập để sau này có thể tự lập . Chính truyền thống gia đình là yếu tố có tác động mạnh mẽ tới ý chí tự lập, vươn lên phấn đấu thành tài của Hoàng Trọng Yêm về sau.
Hoàng Trọng Yêm sinh ra ở Tuy Hòa, Phú Yên và sống ở đó cho đến năm 1939. Từ năm 1939 đến năm 1945 gia đình ông chuyển từ Tuy Hòa ra Vĩnh Điện, Quảng Nam. Cũng tại đây, Hoàng Trọng Yêm được bố xin cho vào học ở trường tiểu học Vĩnh Điện. Hồi đó học tiểu học theo chương trình của Pháp, kéo dài trong 6 năm. Trường Tiểu học Vĩnh Điện cũng là nơi thu hút rất đông học sinh của Quảng Nam đến học tập. Kỷ niệm sâu sắc nhất là năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông tham dự kỳ thi tốt nghiệp tiểu học diễn ra ở Hội An, phải một mình đi bộ tới Hội An để thi, rồi lại đi bộ trở về Vĩnh Điện.
Cách mạng tháng Tám nổ ra, cụ Hoàng Trọng Trì xin nghỉ hưu, chuyển gia đình về quê sinh sống tại làng Văn La. Hoàng Trọng Yêm vào học tại trường trung học ở Đồng Hới từ năm 1945-1947. Trường cách nhà khoảng 7 cây số, hàng ngày cứ sáng đi, chiều lại cuốc bộ về nhà. Đến năm 1947, khi quân Pháp mở rộng chiến sự ở Quảng Bình, Đồng Hới bị tạm chiếm, không thể tiếp tục học tập được nữa, Hoàng Trọng Yêm trở về làng làm ruộng, mò cua, bắt ốc… để phụ giúp gia đình. Lúc đó ông nghĩ rằng mình sẽ phải tiếp tục học tập, nhưng đành phải chờ thời cơ vì cũng chưa biết học ở đâu.
Mặc dù dòng dõi gia đình có nhiều người từng làm quan trong triều nhưng trước cảnh thống trị của thực dân Pháp, nhiều người đã sớm giác ngội cách mạng. Từ năm 1946, anh trai thứ 2 của Hoàng Trọng Yêm là ông Hoàng Trọng Bá giữ chức Bí thư huyện ủy huyện Quảng Ninh, các anh trai khác cũng tích cực tham gia hoạt động cách mạng ở vùng chiến khu Tuyên Hóa, Quảng Bình. Chính vì vậy nên năm 1950 ông Yêm được các anh thu xếp cho ra ở chiến khu phía bắc Quảng Bình. Tại đây, ông xin đi học trường trung học Phan Bội Châu (1950-1952). Sau khi tốt nghiệp trường Phan Bội Châu (tương đương tốt nghiệp cấp 2 bây giờ), ông thi vào trường Sư phạm Trung cấp Liên khu 4.
Thi vào trường Sư phạm Trung cấp Liên khu 4 rất khó, bởi có rất đông thí sinh mà số lượng tuyển chỉ có hạn, hơn nữa, còn “khó vì dân Nghệ Tĩnh học rất giỏi”, họ học giỏi nên tỉ lệ chọi sẽ cao. Học trường Sư phạm Trung cấp Liên khu 4 được một năm thì Hoàng Trọng Yêm phải nghỉ vì bệnh phổi. Ông được trường ưu ái cho đi chữa trị 3 tháng ở một bệnh viện tại Nghệ An. Sau khi bình phục, ông xin vào học lớp 9 của trường cấp 3 Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh. Trong thời kỳ học trường này, Hoàng Trọng Yêm ở trọ nhà dân và hàng ngày đi bộ vài cây số làm gia sư để kiếm tiền ăn học. Tháng 8-1954, ở Hà Tĩnh diễn ra một trận lụt lớn, Hoàng Trọng Yêm và một người bạn phải trú ngụ ngay tại lớp học của trường. Ban Giám hiệu trường Phan Đình Phùng thấy hoàn cảnh khó khăn nên đã cấp cho trò Yêm 12 cân thóc. Ông cùng bạn của mình xay ra được 7 cân gạo để ăn qua ngày. Ông cho biết, người bạn đó là con của một gia đình địa chủ, trong cải cách ruộng đất, gia đình anh bị đấu tố. Trước tình cảnh rất khó khăn như vậy, ông đã rủ anh bạn này ở cùng tại trường, gạo đã được nhà trường cho, hai anh em tự kiếm rau làm thức ăn.
Tháng 11-1954, Hoàng Trọng Yêm tốt nghiệp trường cấp 3 Phan Đình Phùng và trở về quê. Ước muốn học tập để lập nghiệp luôn thường trực trong ông nên về quê được ít ngày, ông lên đường ra Hà Nội để thi vào đại học. Sau 5 ngày, khi thì đi bộ, lúc thì đi nhờ xe, ông Yêm đã đặt chân đến Thủ đô Hà Nội.
Những người bạn cùng ra Hà Nội thi đại học với ông lần ấy gồm có Phan Đình Diệu (sau là GS, Viện trưởng Viện Khoa học tính toán và Điều khiển), Lê Tùng Châu (sau này là PGS.TS, Viện phó Viện Dược liệu), Lê Ngọc Tú. Khi đó đang là mùa đông giá rét. Nhóm học sinh miền Trung được một người bán cà phê tốt bụng ở phố Tràng Tiền cho trọ nhờ trên căn gác xép nhỏ, đồng thời cho mượn xoong, nồi để tự nấu ăn và một cái chăn để đắp. Các ông còn ra Chợ Hôm mua rơm về trải để nằm cho ấm. Mấy anh em góp tiền mua được 4kg gạo. Những ngày sau đó, mấy thanh niên này đến NXB Sự thật nhận sách đem đi bán rong lấy tiền sinh sống; cứ một ngày đi bán sách lại nghỉ 3 ngày để ôn thi.
Đầu năm 1955, Hoàng Trọng Yêm thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm khoa học (sau nhập vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Tháng 6-1957, ông tốt nghiệp đại học và được cử về làm cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông chính là Chủ nhiệm đầu tiên của Bộ môn Hóa hữu cơ, trường Đại học Bách khoa.
Thời kỳ học đại học, sinh viên Hoàng Trọng Yêm đi dạy thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ngoài làm gia sư cho học sinh, ông còn tiết kiệm để mua một chiếc xe đạp, đồng thời mỗi tuần dành ra 3 buổi để dạy bổ túc cho các cán bộ thuộc Liên hiệp công đoàn Hà Nội. Trong suy nghĩ của ông thời sinh viên, học đại học cũng chỉ mong sau này ra trường được nhà nước phân công làm việc để “kiếm cơm” mà thôi, chưa nghĩ gì đến những việc to tát..
Trở thành nhà khoa học, nhà quản lý
Tháng 6-1957, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội (hệ 3 năm), Hoàng Trọng Yêm được lựa chọn làm giáo viên giảng dạy của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Hồi đó sau khi tốt nghiệp, tính theo thang điểm từ trên xuống, một số người điểm cao được làm giảng viên đại học, mức thấp hơn thì dạy trung cấp, thấp nữa đi dạy phổ thông. Ông vui sướng khi được nhận về làm giảng viên Bộ môn Hóa ?, Đại học Bách khoa Hà Nội. Thời gian đầu công tác ở trường Bách khoa, ông được phân công đọc tài liệu tiếng Nga và chuẩn bị các bài thí nghiệm, khoảng 3 tháng sau ông được hướng dẫn thí nghiệm và bắt đầu soạn bài để giảng dạy. Đến năm 1958, khi thành lập các bộ môn thuộc khoa Hóa thực phẩm, ông Hoàng Trọng Yêm được cử làm Chủ nhiệm bộ môn Hóa hữu cơ. Có lẽ trường cử ông làm Chủ nhiệm bộ môn vì ông có chuyên môn tương đối khá, nhanh nhẹn và có khả năng tập hợp anh em cán bộ, các bộ môn lại mới thành lập còn thiếu cán bộ.
Với vai trò Chủ nhiệm bộ môn, ông Hoàng Trọng Yêm đã tổ chức xây dựng chương trình giảng dạy, xây dựng phòng thí nghiệm cho sinh viên học tập. Khi ấy, các tài liệu để giảng dạy chủ yếu dựa theo các tài liệu của Pháp và Liên Xô. Việc xây dựng phòng thí nghiệm ban đầu còn gặp khó khăn vì đội ngũ cán bộ chưa có kinh nghiệm, nhưng thông qua tài liệu hướng dẫn của Liên Xô, các cán bộ trẻ[1] cũng đã xây dựng được phòng thí nghiệm rộng chừng 120 mét vuông; các thiết bị được trường bổ sung dần bằng cách xin viện trợ từ phía Liên Xô.
Năm 1961, theo chủ trương bồi dưỡng cán bộ của trường Đại học Bách khoa và của Bộ Giáo dục, Hoàng Trọng Yêm được cử sang Liên Xô làm thực tập sinh trong thời gian 2 năm, nhằm nâng cao trình độ để trở về xây dựng, phát triển bộ môn. Thời gian học tập ở Bộ môn Xúc tác hóa hữu cơ, khoa Hóa, trường Đại học Lômônôxốp, Hoàng Trọng Yêm tập trung vào hướng nghiên cứu xúc tác hóa hữu cơ, cụ thể là từ axit, sử dụng chất xúc tác để chuyển hóa thành xeton. Chất xúc tác được ông sử dụng là nguyên tố đất hiếm, một loại đất sét. Trong khoảng một năm rưỡi ở trường Lomonoxop, Hoàng Trọng Yêm và các cộng sự đã đăng được 2 bài báo trên tạp chí khoa học của trường và có một báo cáo khoa học được đăng trong tập báo cáo của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Các bài viết này đều tập trung vào nghiên cứu chuyển hóa axit hữu cơ thành xeton trên xúc tác nguyên tố đất hiếm. Với những kết quả nghiên cứu đó, sau khi Hoàng Trọng Yêm hết hạn thực tập, GS Balandin – Chủ nhiệm bộ môn Xúc tác Hóa hữu cơ đề nghị với trường và Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô cho ông ở lại 8 tháng để viết luận án PTS. Đại sứ quán gửi đề nghị về Bộ Giáo dục Việt Nam nhưng không được chấp nhận. Sau này, ông cho biết rằng chỉ cần cho ông thêm 8 tháng nữa là có khả năng hoàn thành luận án PTS, vì các thí nghiệm đã được thực hiện, chỉ cần dành thời gian để viết và củng cố các lập luận khoa học.
Nhưng đến năm 1970, ông Hoàng Trọng Yêm được cử đi nghiên cứu sinh tại Viện Hóa học hữu cơ Zelinsky, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Tại đây, dưới sự hướng dẫn của GS Âydut, ông được tiếp tục hướng nghiên cứu đã triển khai từ năm 1963 ở Liên Xô, với đề tài Phản ứng Hydropolyme hóa với sự có mặt chất không hợp chứa Co trên xúc tác Co/ chất mang. Luận án đã nêu ra được quy luật cấu trúc của chất mang, của đất sét ảnh hưởng đến hiệu suất, phản ứng chuyển hóa của Carbon thành Hydrocarbon, dùng làm xăng và diezen. Tại buổi bảo vệ luận án, thầy hướng dẫn – GS Âydut đánh giá cao quá trình học tập, nghiên cứu của NCS Hoàng Trọng Yêm: Từ trước tới nay tôi đã từng hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, cả trong và ngoài nước, nhưng chưa có ai có tinh thần tự học tập, tự làm việc như Hoàng Trọng Yêm[2].
Tiếp tục những nghiên cứu đã đề cập trong luận án PTS (1973), đến năm 1979 Hoàng Trọng Yêm được cử sang Liên Xô làm thực tập sinh cao cấp cũng tại Viện Hóa học hữu cơ Zelinsky. Tại đây, ông tập trung tập hợp số liệu để hoàn thành bản luận án tiến sĩ Phản ứng fischer tropsch hydrocarbon từ CO và Hydro trên xúc tác Co-chất mang, đồng thời tham gia làm cộng tác viên của Viện. Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, ông nhấn mạnh ý nghĩa của luận án: “Tôi nghiên cứu thêm chất mang và giải thích vì sao chất mang phản ứng. Nghiên cứu sự hấp thụ CO, dạng hấp thụ CO nào chuyển hóa được thành hydrocarbon, dạng nào ra khí metan. Vấn đề chủ đạo là nghiên cứu chất mang, ảnh hưởng của chất mang đến trung tâm hoạt động của kim loại, hấp thụ CO để chuyển hóa thành hydrocarbon”[3]. Quá trình làm thực tập sinh cao cấp ở Liên Xô (1979-1984) cũng là thời kỳ ông có tới 36 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí ở Liên Xô, mà ông là tác giả hoặc đồng tác giả. Trong đó có khoảng 10 bài báo của ông được dịch sang tiếng Anh nhằm cho nhiều độc giả có thể tham khảo.
Sau này, trên cương vị quản lý một trường Đại học lớn tầm quốc gia, GS Hoàng Trọng Yêm đã cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ, đồng thời cũng luôn ưu tiên và tập trung vào việc nghiên cứu. Khi được hỏi về đề tài, chương trình nghiên cứu nào mà ông tâm đắc nhất, ông đã nhắc đi nhắc lại tới chương trình mang mã số KC06 : Hóa dầu – Vật liệu hóa. Đây là một Chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước, thực hiện trong thời gian từ năm 1991-1995. Giai đoạn 1991-1993, GS.TS Hồ Sỹ Thoảng làm Chủ nhiệm chương trình, GS Yêm là Phó Chủ nhiệm chương trình. Từ năm 1993 do GS Thoảng chuyển công tác vào thành phố Hồ Chí Minh nên GS Hoàng Trọng Yêm làm Chủ nhiệm chương trình. Mục tiêu của chương trình là trên cơ sở tài nguyên thiên nhiên trong nước, nghiên cứu xây dựng cơ sở nguyên liệu và các quy trình công nghệ thích hợp tạo ra các sản phẩm hữu ích, có hiệu quả kinh tế cao, phục vụ phát triển công nghiệp, nông nghiệp và các ngành kinh tế quốc dân khác, đáp ứng tiêu dùng và sản xuất. Chương trình tập trung vào nghiên cứu tính chất hóa học, hóa lý, vật lý của một số nguồn nguyên liệu ở Việt Nam, trên cơ sở đó xây dựng các quy trình công nghệ tối ưu thích hợp với trình độ kỹ thuật của Việt Nam, nhằm giải quyết các vấn đề: Hóa học phục vụ nông nghiệp; Hóa học phục vụ công nghiệp khai thác, lọc và chế biến dầu khí; Hóa học phục vụ các ngành kinh tế quốc dân khác.
GS.TSKH Hoàng Trọng Yêm phát biểu trong buổi lễ ký kết hợp tác giữa trường Đại học Dankook, Hàn Quốc
và trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Hàn Quốc tháng 11-1991
Dưới sự chỉ đạo của GS.TSKH Hoàng Trọng Yêm, với vai trò Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm, sau 5 năm nỗ lực hoạt động, chương trình đã thực hiện một khối lượng lớn nội dung khoa học công nghệ, đóng góp đáng kể vào nhiệm vụ phát triển khoa học hóa học nói chung và hóa học công nghệ nói riêng. Cụ thể, nó đã thực hiện được mục tiêu nghiên cứu xây dựng các quy trình công nghệ thích hợp với điều kiện Việt Nam để tạo ra các sản phẩm có ích, có hiệu quả kinh tế cao trên cơ sở tài nguyên thiên nhiên. Những công nghệ nghiên cứu đều hướng vào việc phục vụ phát triển nông nghiệp, công nghiệp lọc và chế biến dầu khí, công nghiệp hóa chất và các ngành kinh tế khác. Chương trình cũng đã xây dựng được 63 quy trình công nghệ, trong đó có 31 quy trình công nghệ đã thực hiện ở quy mô sản xuất nhỏ, có đủ thông số kỹ thuật để có thể triển khai sản xuất thử. Đặc biệt, chương trình đã tập hợp được sự tham gia đông đảo đội ngũ cán bộ khoa học ở 31 đơn vị gồm các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, đồng thời đào tạo được 1 tiến sĩ, 9 phó tiến sĩ, 6 thạc sĩ và 72 cử nhân, kỹ sư.
Nhắc tới GS.TSKH Hoàng Trọng Yêm, những bạn đồng nghiệp và thầy trò trường Đại học Bách khoa cũng không thể không nhớ tới thời kỳ ông làm Hiệu trưởng. Trong nhiệm kỳ của GS Hoàng Trọng Yêm (1989-1994), đời sống kinh tế khó khăn, cán bộ giảng dạy của trường Đại học Bách khoa thiếu thốn đủ đường. Hơn thế nữa, khi ấy đội ngũ cán bộ của trường có khoảng hơn một ngàn người mà số giờ giảng thì ít, dẫn đến thu nhập thấp, nhiều cán bộ phải tranh thủ làm thêm bằng các nghề khác. Với suy nghĩ làm thế nào để giúp đời sống cán bộ đỡ khó khăn hơn, GS Hoàng Trọng Yêm đã xin Bộ Giáo dục cho mở hệ cao đẳng của trường Đại học Bách khoa, vừa đáp ứng nhu cầu học tập của đông đảo học viên, vừa đảm bảo giờ giảng, tăng thu nhập cho cán bộ của trường. Hệ cao đẳng của trường Bách khoa được mở vào năm 1991, là một trong những hệ cao đẳng đầu tiên trong một trường đại học ở nước ta. Sau đó , nhiều trường đại học khác học tập theo mô hình này của trường Bách khoa. Tiếp đến năm 1992, GS Hoàng Trọng Yêm đã mạnh dạn cho mở hệ văn bằng 2 của trường. Việc này cũng đáp ứng được nhu cầu học tập để có thêm một chuyên ngành phục vụ tốt hơn trong công việc hoặc cơ hội tìm việc làm. Một việc ghi dấu ấn trong thời ông làm Hiệu trưởng, là việc ông chăm lo đời sống sinh hoạt cho cán bộ nhân viên. Ông đã đề nghị và được lãnh đạo thành phố Hà Nội đồng ý cho sử dụng quỹ đất chưa sử dụng thuộc nhà trường để cấp cho các cán bộ, giảng viên của trường xây dựng nhà ở.
Nhắc đến ông, nhiều bạn đồng nghiệp như GS.TSKH Nguyễn Cương (nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội), GS.TSKH Nguyễn Văn Xuyến, GS.TSKH Nguyễn Minh Tuyển (là những cán bộ giảng dạy hóa học ở Đại học Bách khoa) đều bày tỏ lòng yêu mến và kính trọng.
GS.TSKH Hoàng Trọng Yêm ra đi khi nhiều vấn đề còn đang trăn trở. Học trò các thế hệ ở trường Đại học Bách khoa dự định tổ chức sinh nhật khi ông tròn 80 tuổi vào cuối năm 2014, nhưng niềm vui ấy chưa kịp đến thì ông đã vội ra đi. Trải qua nhiều gian khó của thời cuộc, ông đã cố gắng và cống hiến hết mình cho khoa học, cho sự nghiệp đào tạo. Ông sẽ luôn được nhớ đến như một nhà khoa học, một người thầy, một nhà quản lý đáng kính!
Nguyễn Thanh Hóa
_____________________
[1] Những cán bộ đầu tiên của bộ môn Hóa hữu cơ vào thời điểm năm 1958 bao gồm: ông Nguyễn Đăng Quang (sau là PGS.TS, làm Chủ nhiệm Bộ môn Hóa hữu cơ thay ông Yêm); ông Nguyễn Xuân Khoát (sau là Hiệu phó trường Cao đẳng Sư phạm Phú Thọ); ông Diệp Sơn (sau là Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức của Bộ Nội vụ); ông Lê Hoàng Hảo (sau là PGS.TS, Giám đốc Công ty thiết bị giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo); ông Nguyễn Minh Châu (sau là Hiệu trưởng trường Đại học Quy Nhơn); bà Nguyễn Thị Hòe (sau là tiến sĩ, nghiên cứu về sơn Kova).