Nhớ Giáo sư Văn Tân

Giáo sư Văn Tân (tức GS Trần Đức Sắc) sinh năm 1913 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn Kim Hoàng, Thọ Nam (Vân Canh), Hoài Đức, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông tham gia cách mạng ngay từ những năm 1929-1930, hoạt động tích cực trong cơ quan báo chí như Tin tức, Thời báo, Tiếng suối reo. Kinh qua nhiều vị trí, nhiệm vụ khác nhau nhưng ông gắn mình với Sử học nhiều hơn cả, cho đến cuối đời. GS Trần Đức Sắc mất ngày 30-9-1988.

Hơn 30 năm kể từ khi bước chân vào làng Văn – Sử, GS Văn Tân dành tâm sức nghiên cứu về lịch sử cổ trung đại, lịch sử Văn học Việt Nam và truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò. Ông là tác giả và đồng tác giả của hàng chục đầu sách, hàng trăm bài nghiên cứu, phê bình, dịch thuật, đáng chú ý là các tác phẩm: Tiếng cười Việt Nam (1957); Văn học trào phúng Việt Nam (1958); Thời đại Hùng Vương (1973); Ngô Thì Nhậm – Con người và sự nghiệp (1974)….Trong đó, cụm công trình Cách mạng Tây Sơn (1958); Nguyễn Huệ – Con người và sự nghiệp (1967) đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2000.

Trong buổi làm việc với các nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ngày 25-5-2013, bà Trần Thị Minh Sơn, con gái Giáo sư Văn Tân cho biết: Cha tôi còn là một nhà biên soạn từ điển, ngay từ năm 1956 ông đã xuất bản cuốn "Từ điển Trung – Việt". Vì ông bị thương khi tham gia cách mạng, chân đau không đi lại được nên các GS Hoàng Phê, GS Lê Khả Kế vẫn thường họp mặt tại căn nhà cha tôi sinh sống, số 21 Hòa Mã cùng bàn luận việc biên soạn từ điển". Bản thảo "Từ điển tiếng Việt" đã được nhóm các nhà khoa học – tác giả cho ra đời sau nhiều năm kiên trì làm việc và được xuất bản năm 1967, tái bản nhiều lần.

Bà Trần Thị Minh Sơn kể về cuộc đời

 và hoạt động của người cha thân yêu – Giáo sư Văn Tân 

Bà Minh Sơn còn nhớ in những câu chuyện về người cha giản dị, luôn ân cần nhưng cũng rất nghiêm khắc với con cái. Những kỷ vật còn lại, trang thư, những mẩu tin nhắn ngắn gọn nhưng chan chứa tình yêu thương của người cha luôn được bà gìn giữ cẩn thận suốt mấy chục năm qua.

Gặp gỡ, trò chuyện cùng bà Minh Sơn, chúng tôi được hiểu thêm về một nhà khoa học đã hết mình với Sử học, Văn học. Ông xuất hiện trên diễn đàn Sử học, Văn học với nhiều bút danh khác nhau, nhưng có lẽ Văn Tân là bút danh được bạn bè, đồng nghiệp nhớ đến nhiều nhất. Những công trình, những đóng góp của ông cho các lĩnh vực Sử học, Ngôn ngữ học, Lịch sử văn học sau cách mạng là những vấn đề mà Trung tâm sẽ tiếp tục tìm hiểu trong quá trình nghiên cứu lịch sử cuộc đời nhà khoa học đa tài này.

 

Nguyễn Thị Hiên

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam