Năm 2013, anh Phạm Đức Dương có dự định làm một cuốn “Phạm Đức Dương và bè bạn”. Anh có nói với tôi viết một bài làm kỷ niệm, để con cháu, học trò chiêm nghiệm tình nghĩa với nhau của các bậc cha, ông. Tôi có viết và gửi cho anh. Rất lâu không thấy in. Tôi hỏi, anh trả lời Ông là người gửi bài đầu tiên. Còn chờ đủ rồi hãy tổ chức biên tập. Có khoảng trên chục bài. Rất giá trị và thành tâm. Tôi sung sướng vì được bạn bè, học trò định vị là người chịu khó học, lao động khoa học, người bạn tử tế, bao dung. Có người trong đó có Thầy gọi tôi là Mạnh Thường Quân của các nhà khoa học. Anh Dương luôn gọi tôi là Thầy. Anh lớn tuổi hơn tôi nhưng học sau tôi 3 khóa. Tôi khóa 1, anh khóa 3 khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi có giảng một bài về “Phong cách tiếng Việt” cho lớp anh. Đây là bài giảng tập sự đầu tiên của tôi ở giảng đường trường đại học. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” là nguyên tắc ứng xử của anh Dương trong quan hệ thầy – trò.
GS.TS Hoàng Trọng Phiến tại Lễ tiếp nhận
Anh Dương ra đi để lại nhiều nỗi nhớ trong tôi và đó cũng là những ấn tượng của tôi về Anh. Năm 1967 tôi bận rộn chuẩn bị bảo vệ luận án PTS tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Năm đó, anh Dương sang làm nghiên cứu sinh. Anh cần tôi tư vấn về chọn chuyên ngành và giáo sư hướng dẫn khoa học. Tôi sẵn sàng cùng anh bàn luận. Anh chọn chuyên ngành ngữ âm thực hiện và tôi đề xuất GS Viện sĩ V.M. Solnsev, chuyên gia Đông phương học của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô làm thầy hướng dẫn cho anh. Anh thích thú và bảo phải đi ngay đến nhà giáo sư. Đến nhà, vợ chồng giáo sư đón tiếp chúng tôi niềm nở như người nhà. Anh nói bằng tiếng Pháp lưu loát. Giáo sư ngạc nhiên một, tôi ngạc nhiên mười. Cuộc trao đổi rất thoải mái, thân tình, nói với nhau bằng nhiều thứ tiếng: Nga, Hán, Pháp và vài câu tiếng Anh bồi. Tôi hỏi anh Dương: sao tài năng thế? Anh bảo: tự học cả đấy mà. Anh mang vào phòng khách một không khí cởi mở, hòa đồng. Vài ngày sau đó, gặp tôi tại viện, giáo sư V.M. Solnsev nói: Tôi rất sung sướng sẽ làm việc với một NCS- học giả. Điều dự báo đó trở thành hiện thực. Anh Dương là học giả chính danh về ngôn ngữ – văn hóa Đông phương.
GS.TS Phạm Đức Dương cùng đồng nghiệp tham dự kỷ niệm thành lập Viện Ngôn ngữ học. Từ trái qua: GS Phạm Đức Dương (thứ hai), GS Hoàng Trọng Phiến (thứ năm)
Những năm 1975 – 1980, anh được bạn bè đồng nghiệp đánh giá là người “thẳng thắn, to gan”. Ở các hội nghị cơ quan, anh nói thẳng, nói thực những kém cỏi, xấu xí, dối trá về công tác nghiên cứu, quản lý của lãnh đạo. Anh nói có lý, có tình, có lập luận. Đó là những câu nói “nghịch nhĩ” không ưa đối với người lãnh đạo. Rồi anh tự ứng cử vào Đảng ủy và trúng phiếu tín nhiệm cao. Thời buổi ấy có mấy ai có được phẩm chất đó như anh. Tôi thật sự nể trọng anh. Ở anh, nói và làm luôn luôn đi đôi với thành đạt. Có một việc anh làm mà đến nay, mỗi lần nói đến anh, anh em trong giới học thuật đều ca ngợi. Đó là việc anh đứng ra nhận về cơ quan Viện Đông Nam Á hai nhà ngôn ngữ học, văn hóa học hàng đầu nước ta. Hai người này là bậc thầy của các giáo sư sau này đã mấy chục năm chịu oan sai, không được tham gia đào tạo, “phải bị ngồi” dịch tài liệu. Cách cư xử với trí thức như thế của anh thời buổi ấy thật là “dũng cảm”. Nhờ thế mà chúng ta có được hai nhà khoa học đầu ngành với những công trình khoa học tầm cỡ thế giới và khu vực. Đó là PGS Phan Ngọc và PGS Cao Xuân Hạo. Nhiều thế hệ học trò của hai thầy trong đó có tôi rất hài lòng đến rưng rưng khi chứng kiến cách ứng xử ngoạn mục này của GS.TS Phạm Đức Dương. Tôi không thể nào quên việc anh hướng dẫn một luận án tiến sĩ về ngôn ngữ – văn hóa dân gian xứ Nghệ tại cơ sở đào tạo trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nghiên cứu sinh này đã vượt qua thời hạn 2 năm mà chưa hoàn thành bản thảo. Lý do, “giáo sư hướng dẫn chưa đọc”. Nghiên cứu sinh này thất vọng. Nhà trường muốn cứu vớt nên giới thiệu đến tôi. Nghiên cứu sinh mang đến tôi một tập bản thảo dài hơn 400 trang viết tay trên giấy xấu. Đọc tên GS.TS Phạm Đức Dương hướng dẫn, tôi nể, không nhận. Nhưng rồi qua nhiều lần trao đổi với anh Dương, tôi nhận làm người hỗ trợ. Đọc xong bản thảo tôi đề nghị bỏ hết hai chương chỉ giữ lại chương “Phồn thực trong ca dao, tục ngữ người xứ Nghệ”. Anh Dương đồng ý và phán Chỉ cần khai thác chương ấy thôi cũng đủ nội hàm một luận án tiến sĩ và thể hiện được đặc chất nhận thức về phồn thực của người xứ tôi. Luận án được hội đồng chấm luận án cấp nhà nước khen và thông qua. Hiện nay, mỗi lần đến thăm tôi, nghiên cứu sinh này nhắc đến sự kiện này với một tấm lòng biết ơn, kính trọng, đối với thầy Dương – một người thầy đã chủ ý cho học trò mình biết “tự bơi” thành công.
Tôi và anh Dương, Đỗ Hữu Châu, Hoàng Văn Hành là những người thường đi với nhau giảng bài, chấm luận văn, luận án ở Đại học Vinh. Mỗi lần về Vinh, anh Dương đều dành một thời gian nhất định để về Hà Tĩnh quê cha thắp hương, viếng mộ tổ tiên, cha mẹ, trao quà cho bà con. Anh thường đi vào buổi chiều tà bằng xe đạp, rồi ở lại đêm trong căn nhà đầy ắp kỷ niệm. Có lúc chúng tôi ái ngại cho anh. Anh bảo: Từ Vinh về nhà tôi không xa lắm. Đi vào lúc hoàng hôn buông xuống con người ta dễ suy tưởng. Có gì hạnh phúc bằng mỗi khi trở về nhà để tưởng nhớ kỷ niệm tuổi thơ, làng quê, xứ sở. Mỗi lần về như thế tôi thấy mình “trẻ con” lại, lớn lên một tí, có thêm ý tưởng mới. Sự thật, anh Dương là người luôn có ý tưởng mới, kiến giải mới. Nhờ đó mà anh có được và để lại cho đời những sản phẩm tinh thần vô giá. Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đang lãnh sứ mệnh cao cả trong việc gìn giữ những tài sản đó.
Tôi xin chân thành cảm ơn Heritist cho tôi được có cơ hội nói vài lời về người đồng nghiệp, đồng chí thân kính của mình.
GS.TS.NGND Hoàng Trọng Phiến