Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, trường Y khoa Đại học chúng tôi rời đất Chiêm Hoá, Tuyên Quang về Thủ đô, trở lại trụ sở cũ ở phố Lê Thánh Tông, nơi trường đã được thành lập và tồn tại cùng trường Dược khoa Đại học từ mấy chục năm trước trong thời kỳ Pháp thuộc.
Còn ghi nhớ mãi trong tôi một buổi sáng đầu đông năm 1956, tại trường Y khoa Đại học Hà Nội, buổi sáng hôm đó, tôi trình bày Luận án tốt nghiệp. Hội đồng giám khảo gồm năm thầy là các Giáo sư Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Đỗ Xuân Hợp, Đinh Văn Thắng. Bản luận án của tôi được Hội đồng nhất trí đánh giá: tốt ưu!
Với nét mặt rạng rỡ và với một nụ cười vừa tươi vui vừa hóm hỉnh, nhân danh Chủ tịch Hội đồng giám khảo, thầy Hồ Đắc Di đứng dậy, giơ tay ra bắt tay tôi và nói bằng tiếng Pháp (như thỉnh thoảng thầy vẫn nói, theo tính quen cũ):
“Xin chào bạn đồng nghiệp với tất cả những lời chúc mừng tốt đẹp nhất của chúng tôi!” (dịch).
Thật là quá bất ngờ đối với tôi! Trái tim tôi đập rộn ràng. Ôi! Sao tôi cảm thấy vừa sung sướng vừa ngỡ ngàng đến thế!
Sau giây phút bàng hoàng về cử chỉ và lời nói của thầy, thoáng nhanh tôi lại cảm thấy mình nhỏ bé trước uy tín của người thầy đã cao tuổi.
Về tay nghề ư? Rất rõ ràng chúng tôi chỉ là những con chim non mới ra giàng. Cao quý hơn, cơ bản hơn là tư cách, tác phong, nhân phẩm, đạo đức người thầy thuốc. Về mặt này, những người bác sỹ trẻ chúng tôi còn phải dầy công tự rèn luyện suốt trong những năm tháng bên giường bệnh, trước những người bệnh, nhất là trước những người bệnh vừa đau khổ vì bệnh tật, vừa nghèo khó, vừa tăm tối. Được ngồi trên ghế trường Đại học, có bao giờ bạn tự hỏi với mình: cái nghèo, cái khổ suy cho cùng chưa phải đáng sợ nhất; cái đáng sợ nhất có lẽ là sự tăm tối; nó mới chính là cái nghèo nhất trong mọi cái nghèo.
Và một buổi học tập đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc không thể nào quên. Đó là một buổi thực tập giải phẫu trong nhà xác Bệnh viện Bạch Mai. Chúng tôi chỉ có hai sinh viên đi theo thầy. Cửa mở: một luồng gió nhẹ, lành lạnh, hôi hôi, phả vào mặt chúng tôi. Lặng ngắt không có ai, chỉ có mấy xác chết lạnh nằm trên các bàn sắt, da xanh xám, mắt hơi mở, hai chân hai tay ruỗi xuôi. Đều là những xác không có thân nhân.
Bình thản, chúng tôi đi theo thầy, chờ thầy chọn một xác. Rồi theo sự hướng dẫn của thầy, chúng tôi sẽ cưa cắt, bóc tách, đục đẽo,…như thường vẫn tiến hành trong các buổi thực tập giải phẫu trước.
Đảo nhanh qua một lượt các xác chết, thầy vẫn lặng lẽ. Chúng tôi vẫn đi theo. Qua nét mặt, chúng tôi cảm thấy thầy như đang suy tư một điều gì hệ trọng. Như vụt có một quyết định khác thường, tiến về phía cửa, thầy bước nhanh ra khỏi nhà xác. Đi được một quãng vài ba chục thước, đột nhiên thầy dừng lại, quay về phía chúng tôi. Và cũng đột nhiên, nét mặt thầy linh hoạt, phấn chấn hẳn lên, như vừa tìm thấy một điều gì rất tâm đắc.Vừa niềm nở cởi mở, thân mật lại vừa nghiêm trang, vỗ vai và nhìn thẳng vào chúng tôi, thầy hỏi: “Các anh có thấy gì không?”.
Chao ôi! Chúng tôi thật quá ngỡ ngàng và lúng túng! Thầy hỏi điều gì đây? Nhất định phải là một vấn đề gì về chuyên môn. Nhưng là về vấn đề gì? Khó quá! Chúng tôi chỉ biết mỉm cười ngượng ngịu và chờ đợi lời truyền thụ của thầy. Một, hai phút lặng lẽ trôi qua. Thoáng cảm thông, vừa khoan dung vừa trân trọng, thầy nói chậm rãi nhưng giọng nói chắc chắn, cả quyết: “Đấy, các anh có thấy không? Tất cả mọi người rồi cũng nằm xuôi tay như thế mà thôi!”.
GS Hồ Đắc Di và Bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ trong chuyến công tác Ngoại giao tại Pháp, năm 1956
Chúng tôi như bừng tỉnh. Với một câu thôi, vừa như một lời mở đầu, vừa như một lời kết luận, thầy đã truyền đạt cho chúng tôi một bài học quý giá, thấm thía và sâu sắc: Cách cư xử giữa con người và con người trong xã hội, hiểu bao quát hơn, cao rộng hơn là đạo đức con người. Đối với chúng tôi là đạo đức người thầy thuốc.
Muốn tích luỹ kiến thức, đúc kết kinh nghiệm, rèn luyện tay nghề, trở thành một người thầy thuốc giỏi, không phải dễ, phải trải qua cả một quá trình làm việc nỗ lực và nghiêm túc lâu dài. Muốn trở thành “như người mẹ hiền” còn khó hơn nhiều, rất nhiều. Đó là công việc tu thân của cả một đời người thầy thuốc với tinh thần dũng cảm thường trực để đẩy lùi những cám dỗ vật chất của đời sống càng ngày càng hiện đại, đồng thời càng ngày càng băng hoại phẩm chất con người.
Đã từ lâu, những dòng chữ: “Tiên học lễ, hậu học văn” đỏ chói trên những mái trường. Thử hỏi:
– Không có Nhân thì lấy cái Lễ ấy có phải là cái Lễ đích thực với chân giá trị của nó không? Hay chỉ là giả tạo và giả dối? Giả tạo chỉ cách giả dối có một phân.
Lại thử hỏi thêm:
– Thế không có Nhân thì cái Lễ mà làm gì? Hay chỉ là vỏ bọc để mua danh và kiếm lợi.
Thế mới biết: Nhân vẫn là gốc, Lễ là ngọn.
Tôi cứ nhớ mãi lời nói và hình ảnh người thầy cao tuổi buổi sáng tôi trình bầy luận án tốt nghiệp tại trường Y khoa Đại học phố Lê Thánh Tông.
Tôi cứ nhớ mãi lời nói của thầy trong buổi thực tập giải phẫu tại nhà xác Bệnh viện Bạch Mai năm nào.
Tất cả những lời nói đó tôi nhớ hơn cả những lời giảng về chuyên môn ít nhiều cứ quên lãng dần, như lá vàng cứ bay rơi mỗi mùa thu qua, đón chờ những lá tươi non đầu xuân tới.
Đan Đình Tước*
Lớp Y50
Giáo sư Hồ Đắc Di, sinh nǎm 1900, đại biểu Quốc hội từ khóa 2 đến khóa 5, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội các khoá 2,3,4, Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, Tổng giám đốc Đại học vụ Việt Nam, Giám đốc Vụ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Uỷ viên Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Chủ tịch Hội Hữu Nghị Việt-Pháp, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất và hai hạng ba, Huân chương Lao Động hạng nhất và hạng hai, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc nǎm 1952 và 1956. Giáo sư Hồ Đắc Di đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. GS. từ trần ngày 25-6-1984.
*Nguyên Chủ nhiệm Khoa Tai-Mũi-Họng, Bệnh viện 103.