Giáo sư Phạm Gia Văn
Tháng 12 năm 1946, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông tham gia thanh niên tự vệ, hoạt động ở nội thành; tháng 3/1949, ông tình nguyên nhập ngũ, lên chiến khu, rồi học ở Trường Quân y sĩ Việt Bắc; từ tháng 3/1951 – 7/1956, ông công tác tại Ban Quân y Trung đoàn 151 và Trung đoàn 45, Sư đoàn 351. Tháng 7/1956 – 9/1957, ông được cử đi học Y cao và tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại Trường Đại học Y Dược Hà Nội.
Ngay từ năm 1958, BS. Phạm Gia Văn được phân công về làm trợ lý Bộ môn Giải phẫu Trường Sĩ quan Quân y (nay là Học viện Quân y). Năm 1962, ông được giao nhiệm vụ giảng viên và quản lý bộ môn thay cho GS. Đỗ Xuân Hợp bận công tác Hiệu trưởng Nhà trường. Từ năm 1965 – 1975, ở các nơi sơ tán hoặc khi trở về địa điểm cũ, ông luôn trực tiếp soạn giáo án, giáo trình, giảng lý thuyết, hướng dẫn thực tập, phụ đạo có khi tới 52 tiết/tuần. Ông đã tranh thủ làm việc cả những ngày chủ nhật, ngày lễ, buổi tối và thậm chí cả đêm khi cần thiết với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Suốt 32 năm công tác (1958 – 1990), ông đã trực tiếp giảng lý thuyết và hướng dẫn thực tập giải phẫu cho các lớp YA, YB, YC, YD; các lớp đào tạo bác sĩ quân y chính quy (6 năm); các lớp đào tạo bác sĩ hệ cao đẳng ở Cơ sở 2 (Tp. Hồ Chí Minh); các lớp đào tạo bác sĩ chuyên tu đa khoa, chuyên khoa Giải phẫu, Ngoại chung, Nội Thần kinh, Ngoại Thần kinh, Răng – Hàm – Mặt, Tai – Mũi – Họng; các lớp đào tạo bác sĩ cho Lào, Campuchia và các lớp đào tạo dược sĩ quân y, nhiều học trò của ông đã trưởng thành từ mái trường quân y trong chiến tranh và sau này trong hòa bình, nay đã trở thành những giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, những nhà y học xuất sắc của đất nước, đã và đang nắm những trọng trách của ngành Y tế và ngành Quân y Việt Nam.
Trong quá trình giảng dạy, dựa vào những cuốn sách giáo khoa Giải phẫu học của GS. Đỗ Xuân Hợp, tham khảo các bộ sách Giải phẫu người của các tác giả nước ngoài (H. Rouvière, A. Testut, A. Delmas, C. Truex, N.B. Everest, Gray…), BS. Phạm Gia Văn đã biên soạn nhiều giáo trình Giải phẫu học để phục vụ giảng dạy: Giáo trình đào tạo bác sĩ chính quy (1963), bác sĩ chuyên tu (1964), bác sĩ chuyên khoa Thần kinh (1965), bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng (1966), bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt (1967), Giáo trình đào tạo bác sĩ Lào, Camphuchia (1969)… Để khắc phục tình trạng thiếu mô hình, học cụ giảng dạy – học tập, ông đã cùng đồng nghiệp ở bộ môn sáng chế mô hình phúc mạc, mô hình ống bẹn, mô hình não trung gian bằng bông, vải (1958 -1960) và mô hình đường dẫn truyền thần kinh bằng gỗ, thạch cao, dây thép, ống nhựa có lắp đèn màu (1980 – 1982), giúp cho sinh viên dễ hình dung các cấu trúc phức tạp của cơ thể con người. Những sáng kiến cải tiến của BS. Phạm Gia Văn và tập thể bộ môn Giải phẫu đã được Nhà trường tặng bằng khen và giấy khen.
Từ năm 1975 – 1995, nhất là từ sau khi được phong chức danh Phó Giáo sư (năm 1980), ông thường được mời vào Hội đồng chuyên ngành Giải phẫu bồi dưỡng kiến thức và tuyển chọn nghiên cứu sinh nước ngoài và Hội đồng chấm luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh trong nước cho các chuyên khoa Giải phẫu, Ngoại, Thần kinh, Tai – Mũi – Họng, Răng – Hàm – Mặt. Đặc biệt, trong khoảng 10 năm (1976 – 1986), GS. Phạm Gia Văn đã có công lớn trong việc đào tạo, bồi dưỡng và tuyển chọn các nhà giải phẫu Việt Nam đi làm luận án tiến sĩ ở nước ngoài: Hoàng Văn Cúc (Hungary), Lê Văn Minh (Liên Xô), Vũ Đức Mối (Hungary), Nguyễn Trọng Toàn (CHDC Đức), Lê Gia Vinh (Tiệp Khắc), Đỗ Kim Loan (NCS trong nước, thực tập tại Liên Xô).
Còn nhớ vào mùa đông năm 1984, khi GS. Đỗ Xuân Hợp tuổi cao mệt nặng, hầu như không tham gia các hoạt động chuyên môn, thầy Phạm Gia Văn đã thay mặt GS. Hợp, nhiệt tình giới thiệu tôi với GS. Nguyễn Thúc Mậu, Giám đốc Học viện để sau đó, tôi được tổ chức chọn đi thi tuyển nghiên cứu sinh ở nước ngoài.
Cuối năm 1990, sau hơn 4 năm du học trên nước bạn Tiệp Khắc (cũ), tôi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y học và trở về nước để tiếp tục công tác. Khi vừa bước ra khỏi sân bay, tôi đã vô cùng ngạc nhiên, xúc động và sung sướng khi nhận thấy trong những người ra đón, ngoài vợ con và gia đình là thầy Phạm Gia Văn yêu kính của chúng tôi. Mái tóc bạc phơ, thầy chậm rãi đến ôm chầm lấy tôi và tặng tôi một bó hoa tươi thắm. Tôi gục đầu vào vai thầy, không cầm được nước mắt, có thể nói, trên con đường khoa học của tôi, mỗi bước đi lên, mỗi thành công và tiến bộ đều in đậm dấu ấn của thầy, đều có bàn tay của thầy nâng đỡ. Cũng trong năm 1990, khi đang nghỉ chờ hưu, GS. Phạm Gia Văn đã được phong tặng Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú – một phần thưởng cao quý, xứng đáng dành cho người thầy đã tận tâm, tận lực cho sự nghiệp đào tạo cán bộ y tế và quân y. Trong Đại hội lần thứ VI Hội Hình thái học Việt Nam tổ chức tại Viện Giải phẫu Hà Nội cuối tháng 12/1990, với tư cách, đạo đức và uy tín lớn của mình, GS. Phạm Gia Văn đã được Đại hội nhất trí bầu làm Phó Chủ tịch Hội.
Bước sang những năm cuối của thế kỷ XX (1991 – 1999), GS. Phạm Gia Văn nghỉ hưu, sống thanh thản bên người vợ hiền và đàn cháu con hiếu thảo. Nhưng mặc dù tuổi cao, ngọn lửa nhiệt tình vẫn rực cháy trong lòng ông. Hàng ngày, ông vẫn tập khí công dưỡng sinh đều đặn để giữ gìn sức khỏe. Ông tham gia tích cực Câu lạc bộ Thăng Long, đi giảng bài và nói chuyện khoa học về các biện pháp rèn luyện để nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ cho những người cao tuổi. Đặc biệt, với tư cách Phó Chủ tịch Hội Hình thái học Việt Nam, ông vẫn trực tiếp chỉ đạo và tham gia các công tác của Hội. Ông cũng tham gia tích cực các hoạt động của Hội Cựu Chiến binh ở nơi cư trú và đã vinh dự được nhận Kỷ niệm chương của Hội Cựu Chiến binh Việt Nam.
Năm 2002, khi đã bước sang tuổi 80, GS. Phạm Gia Văn vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Ông vẫn thường xuyên tập khí công dưỡng sinh và tham gia các hoạt động chuyên môn, khoa học. Mỗi khi Học viện Quân y mời ông nhân dịp lễ kỷ niệm hoặc hội nghị khoa học, ông thường chủ động đạp xe hoặc đi xe buýt vào Hà Đông mà không lệ thuộc vào xe đưa đón của Học viện. Năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đặc cách cho các thầy giáo lão thành có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của dân tộc; khi đã sắp bước sang tuổi 90, GS. Phạm Gia Văn lại một lần nữa đón nhận vinh quang của cuộc đời mình, ông được phong tặng Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, phần thưởng cao quý nhất dành cho những người thầy giáo Việt Nam. Trong buổi hoàng hôn của cuộc đời, tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng GS. Phạm Gia Văn vẫn sống một cách thanh thản, nhẹ nhàng trong tình yêu thương của gia đình, học trò, bạn bè, bà con lối xóm và như một thói quen cố hữu, hàng ngày ông vẫn cố gắng luyện tập dưỡng sinh để “sống lâu tích cực”…
Đánh giá công lao to lớn của GS. Phạm Gia Văn đối với sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế và quân y, Đảng, Nhà nước và Quân đội đã trao tặng ông nhiều huân chương và danh hiệu cao quý: Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạnh Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Ba (1958), Huân chương Quân công hạng Nhất (1987), Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Nhất (1987), Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục (1988), Huy chương Vì thế hệ trẻ (1990), Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (1990), Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (2010), Bằng khen của Tổng hội Y học Việt Nam (2013) và nhiều bằng khen, giấy khen các cấp.
Vào những ngày đầu mùa xuân năm nay, GS. Phạm Gia Văn đã bước vào tuổi 92, sức khỏe cũng đã giảm nhiều, thỉnh thoảng những cơn hen đột ngột xuất hiện làm ông cảm thấy khó thở và mệt mỏi. Tuổi già như “bóng hạc bay qua cửa sổ”, “sinh, lão, bệnh, tử” vẫn là quy luật của muôn đời, chiều muộn ngày 23/6/2014, lúc đang làm việc tôi bỗng nhận được một cú điện thoại của KS. Phạm Tiên Phong, con trai GS. Phạm Gia Văn: “Anh Vinh ơi, bố em mất rồi!”. Tôi bàng hoàng, không tin nổi dù đó là sự thật, mới cách đây gần hai tháng, tôi còn đến thăm để xin ý kiến thầy về mấy việc của Bộ môn và của Hội Hình thái học; hôm ấy, tuy hơi mệt vì mới qua khỏi một cơn hen của tuổi già, nhưng thầy vẫn tỉnh táo, trò chuyện với tôi. Vẫn biết “sinh hữu hạn, tử bất kỳ” nhưng sao thầy lại ra đi đột ngột như vậy, để lại bao tiếc thương cho vợ con, gia đình, học trò và đồng nghiệp…
GS.BS. Nhà giáo Nhân dân Phạm Gia Văn đã sống một cuộc đời trong sáng và đẹp đẽ, xa lánh mọi cám dỗ, hư danh, bằng lòng với cái tối thiểu về vật chất để vươn tới những giá trị cao quý của tinh thần, cống hiến hết mình cho sự nghiệp đào tạo cán bộ y tế và y học nước nhà. Thầy đã đi xa nhưng tài năng và nhân cách, đạo đức và sự nghiệp của thầy vẫn còn sống mãi trong lòng các thế hệ học trò của thầy – những người thầy thuốc quân y cách mạng Việt Nam – đúng như nhận định của Trung tướng, TS. Đinh Ngọc Duy, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cựu học viên Hệ Dài hạn khóa 1 của Học viện Quân y, ghi trong sổ tang ngày đưa tiễn Thầy về nơi an nghỉ cuối cùng (26/6/2014): “Vĩnh biệt Thầy, một nhà giáo mẫu mực, hết lòng vì học sinh, đã góp phần xứng đáng đào tạo nên những bác sĩ quân y, cùng toàn quân làm nên các chiến thắng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và bảo vệ Tổ quốc…”.
GS.TS. Lê Gia Vinh
Nguồn: www.hocvienquany.vn