Bước sang tuổi 75, mái tóc đã bạc trắng, nhưng GS.TS Nguyễn Viết Tùng[1] vẫn rất minh mẫn, giọng nói sang sảng khi chia sẻ về những câu chuyện ký ức. Nghỉ hưu hơn 10 năm nay, nhưng ở ông vẫn toát lên phong thái điềm tĩnh, đạo mạo (có thể của một người thầy. Ông luôn hãnh diện về những người thầy của mình: "Tôi quả thực may mắn, vì trong cuộc đời đã gặp được những người thầy tâm huyết. Chính họ đã ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách giảng dạy sau này của tôi". Trong số họ, GS.TS Nguyễn Viết Tùng đặc biệt ấn tượng với hai thầy giáo thời phổ thông, đó là thầy Phan Xuân Hòe dạy môn văn tại trường trung học tư thục Phạm Hồng Thái (thành phố Vinh, Nghệ An) và thầy Nguyễn Đình Tý dạy môn văn tại trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Bạch Ngọc, Nghệ An).
GS.TS Nguyễn Viết Tùng sinh năm 1941 trong một gia đình dân nghèo thành thị tại Vinh, Nghệ An. Ngay từ nhỏ, ông sớm bộc lộ là một người thích chiêm nghiệm về cuộc sống. Ông hay tránh xa nơi ồn ào, tìm kiếm cho mình một góc nhỏ, đứng quan sát và ghi nhớ những sự việc xung quanh.
Năm 1946, hưởng ứng lời hiệu triệu toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thành phố Vinh tiến hành tiêu thổ kháng chiến. Đến nay, GS.TS Nguyễn Viết Tùng vẫn nhớ như in khung cảnh hoang tàn của quê hương ngày đó với hình ảnh đường phố ngổn ngang gạch ngói của những căn nhà mới đập, hình ảnh những người dân tay xách nách mang đang tùy nghi di tản. Bấy giờ, gia đình Nguyễn Viết Tùng tản cư về vùng tự do ở Anh Sơn, Hà Tĩnh. Tại đây, bố mẹ ông đã thuê người chặt cây trong rừng, dựng nhà tranh tre nứa lá để ở. Trong thời gian ở vùng tự do Anh Sơn (1946-1955), Viết Tùng theo học tại trường tiểu học xã Tường Sơn (1946-1954) và trường trung học tư thục Phan Bội Châu tại xã Phúc Sơn (1954-1955).
Thầy Phan Xuân Hòe – người truyền lửa văn chương
Năm 1955, gia đình Nguyễn Viết Tùng trở về thành phố Vinh, Nghệ An. Ông được bố mẹ xin vào học tiếp hai năm lớp 6, 7 tại trường trung học tư thục Phạm Hồng Thái, đóng ở trung tâm thành phố. Trở về từ nơi tản cư, trường mới, bạn mới, khiến cho Viết Tùng không khỏi bỡ ngỡ. Trong hoàn cảnh đó, sự hiện diện của thầy Phan Xuân Hòe với vốn kiến thức uyên thâm, phong cách giảng dạy lôi cuốn đã nhanh chóng giúp ông hòa nhập với môi trường mới.
Bấy giờ, thầy Phan Xuân Hòe là Hiệu trưởng trường trung học tư thục Phạm Hồng Thái, kiêm giáo viên dạy văn. Sau này tìm hiểu, GS.TS Nguyễn Viết Tùng được biết thầy Hòe sinh ra và lớn lên tại Nam Đàn, Nghệ An. Ông vẫn nhớ rõ lần đầu tiên gặp thầy Hòe, đó là một ngày thu năm 1955, trong buổi học văn – môn học mà ông ưa thích từ cấp I.
Trước mắt ông là hình ảnh một người thầy có vóc dáng cao lớn, trong bộ comple màu tím than gọn gàng. Trong điều kiện kinh tế khó khăn những năm 50, nhiều học sinh còn ăn mặc luộm thuộm, thì việc thầy Hòe luôn ăn mặc chỉnh chu đã để lại ấn tượng mạnh đối với Nguyễn Viết Tùng.
Bằng sự giản dị, chân thành, và giọng nói trầm ấm, thầy Hòe đã truyền cảm hứng văn chương tới học trò một cách say sưa. Thầy có thói quen viết bảng rất chi tiết, sau đó đứng dựa vào bảng để diễn thuyết trước học trò, nhiều khi lưng áo trắng xóa bụi phấn mà không hay biết.
Đôi khi thầy Hòe lại hóa thân thành chính nhân vật trong bài giảng, nên khiến học trò rất thích thú. Ngược với những ồn ào vui đùa, hò hét của tuổi thiếu niên nghịch ngợm trong những giờ ra chơi là sự im lặng và tập trung trong mỗi giờ giảng của thầy Hòe. Mặc dù mỗi tuần có 5-6 tiết văn, nhưng bao giờ, Viết Tùng và bạn bè cũng mong ngóng để được thấy bóng hình thầy Hòe trên bục giảng. Ngày đó, thầy Hòe bị viêm giác mạc, thường xuyên chảy nước mắt, nên trong túi quần bao giờ cũng có khăn bông, thỉnh thoảng vừa giảng, thầy lại rút khăn ra thấm nước mắt.
Là một người luôn hết lòng với học trò, rất thương yêu học trò, nhưng thầy Hòe thường xuyên nhắc nhở học trò phải nghiêm túc trong học tập. Thầy luôn muốn tạo dựng một môi trường sư phạm, trong đó cả thầy cô và học trò đều làm việc hết mình. Thầy Hòe kiên quyết phản đối chuyện học vẹt, luôn khuyến khích sự thể hiện cá tính riêng, miễn là say sưa và hiểu đúng vấn đề. Thầy thường nói với học trò: “Thầy giảng như vậy, những hình tượng văn học như thế, nhưng các em có thể trình bày bằng nhận thức, tình cảm, ngôn ngữ của các em, chứ không nhất thiết phải giống thầy[2]”. Chính sự động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho học sinh thích thú học hành của thầy Hòe đã trở thành một trong những bài học đối với cá nhân Nguyễn Viết Tùng, để ông áp dụng về sau, khi đã trở thành một người thầy.
Ngoài giờ giảng dạy, thầy Hòe luôn tạo cho học sinh sự gần gũi, thoải mái. Thầy thường tâm sự, khuyên bảo: "Các con lớn lên, gia đình mỗi người mỗi cảnh, các con có thể chọn nhiều con đường đi, nhưng đã chọn đi học thì học ra học, là học trò phải ra học trò, đừng giống những đứa bán kem, bán báo. Đã vào môi trường này thì phải học cho thành tài[3]".
Tuy nhiên, trong vai trò của người hiệu trưởng, thầy Hòe là người nghiêm khắc răn dạy mỗi khi học sinh mắc lỗi. Trong lớp Viết Tùng có một bạn tính lúc nhỏ thích khoe khoang. Có lần, anh bạn đó kiếm được một hộp hành nghề của y sĩ, bằng inox, mang đến lớp khoe với mọi người: "Bây giờ tớ học được nghề chữa mắt, đứa nào bị đau tớ chữa được hết[4]". Sau đó, anh bạn đó còn viết lên một mảnh giấy: "Mình là…, lớp 6A, có biệt tài chữa tất cả các bệnh về mắt, bạn nào có vấn đề, cứ đến gặp tớ chữa cho[5]”. Tờ giấy tự “quảng cáo” đó được dán trên tường văn phòng hiệu bộ của trường. Thầy Hòe là người đầu tiên phát hiện ra tờ giấy. Vẫn lên lớp như thường lệ nhưng sau tiết học hôm đó, thầy Hòe gọi trò đó ra, trả lại tờ giấy, và nhắc nhở : "Thầy trả lại cho trò tờ giấy. Trò hãy tự kiểm điểm về hành động của mình. Bức tranh chỉ đẹp và hay nếu treo đúng khung và được đặt đúng chỗ[6]". Bấy giờ, Viết Tùng cũng có mặt ở đó, và câu nói của thầy Hòe mặc dù răn dạy bạn, nhưng khiến ông luôn suy ngẫm.
Thầy Hòe ở trọ và ăn cơm cùng với học trò. Buổi chiều, sau giờ lên lớp, học trò nấu cơm và mời thầy Hòe cùng ăn. Bữa cơm giản dị có cà và món canh rau dền nhưng thầy trò vừa ăn, vừa tấm tắc khen ngon. Tình cảm thầy trò vì thế càng thêm gắn bó.
Thích văn học từ cấp 1, và khi học tập tại trường Phạm Hồng Thái, Nguyễn Viết Tùng được thầy Hòe truyền thêm nhiều cảm hứng và đam mê văn chương. Bấy giờ, ông rất thích đọc thơ Chinh phụ ngâm, ngoài ý nghĩa về chuyện tình cảm vợ chồng, bài thơ còn mang đến cho ông âm hưởng về mặt ngữ nghĩa. Đến nay, GS.TS Nguyễn Viết Tùng vẫn nhớ những câu thơ rất hình tượng trong bài Chinh phụ ngâm:
Sương như búa, bổ mòn gốc liễu
Tuyết dường cưa, xẻ héo cành ngô.
Ông luôn được điểm cao trong các bài kiểm tra văn, trở thành học trò cưng của thầy Hòe. Ông cũng được thầy Hòe yêu quý vì sự giản dị, cần cù, thông minh. Lúc nào thầy Hòe cũng khích lệ: "Con cố lên, con có năng khiếu đấy, cố lên con[7]".
Bấy giờ, Viết Tùng và bạn bè học cả ngày ở trường theo thời khóa biểu định sẵn. Sau giờ học buổi sáng, ông và các bạn bè ăn trưa, sau đó tản mát tìm chỗ nghỉ ngơi, có người tranh thủ ngủ trên bàn học, có người tranh thủ đọc sách. Buổi trưa, thầy Hòe thường nghỉ lại trong văn phòng hiệu bộ, xem lại sổ sách, bài giảng. Mỗi khi nhìn thấy Viết Tùng, thầy Hòe lại gọi vào phòng. Trong những buổi trò chuyện, thầy thường hỏi thăm về gia đình và cuộc sống của ông. Bấy giờ, bố mẹ Nguyễn Viết Tùng đã ra Hà Nội làm việc, ở nhà chỉ có chị cả (Nguyễn Thị Ngà) cùng sống và chăm lo cho ông. Vì học trường tư thục nên hàng tháng bố mẹ vẫn gửi tiền về lo chuyện học hành cho Viết Tùng.
Những dịp đó, Viết Tùng thường chia sẻ với thầy về mong muốn được theo nghiệp văn chương. Mỗi khi nghe ông nói vậy, thầy Hòe chỉ cười, một lúc sau mới nhẹ nhàng khuyên: “Nghề văn cũng hay, nhưng cũng lắm tai họa em ạ. Em cứ xem các nhà văn, cuộc đời gian truân lắm đó[8]". Thầy Hòe đã dẫn ra một số nhà văn có tài nhưng số phận gian truân như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng… Mặc dù vậy, thầy vẫn khích lệ: "Không có một gu chung cho tất cả mọi người, mỗi người nhìn văn học ở một góc độ riêng. Cho nên nếu em thực sự thích văn học thì phải tìm cho mình một chỗ đứng, một góc quan sát, cảm nhận văn học, để sau này nếu em có "tiếng nói", thì đó sẽ là tiếng nói của em chứ không phải của người khác[9]".
GS.TS Nguyễn Viết Tùng
Năm 1957, Viết Tùng kết thúc năm học lớp 7 tại trường trung học tư thục Phạm Hồng Thái. Thầy Hiệu trưởng Phan Xuân Hòe đã đích thân trao tặng giấy khen cho các học trò. Đến giờ, GS.TS Nguyễn Viết Tùng vẫn nhớ như in ngày đáng nhớ đó, vào một buổi chiều mùa hè nóng như đổ lửa, thầy Hòe xuất hiện trong bộ comple quen thuộc, và nụ cười tươi trên môi. Đặc biệt, ông cảm thấy rất hãnh diện khi trong giấy khen có dòng ghi chú của thầy Hòe: "Trò Tùng đứng nhất lớp".
Trước khi ông ra trường, thầy Hòe không quên động viên: "Như ngày xưa là em đỗ Diplome, và vào Thành Chung rồi đấy. Em cố gắng lên, cố gắng học cho giỏi[10]". Không phụ sự kỳ vọng của thầy Hòe, Viết Tùng đã chăm chỉ ôn thi thật tốt, vượt qua kỳ thi tuyển sinh gắt gao, đạt kết quả đỗ đầu môn văn toàn tỉnh Nghệ An, và được lựa chọn vào học lớp chuyên văn, tại trường phổ thông cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng, Bạch Ngọc, Nghệ An.
Một thời gian sau khi ra trường, ông nghe tin thầy Hòe đã đột quỵ và qua đời ngay trên bục giảng, trong một buổi dạy phụ đạo buổi tối. Mặc dù không có cơ hội gặp lại thầy Hòe, nhưng những bài học của thầy luôn khắc sâu trong tâm trí, là hành trang để ông tiếp tục vững tin trong những bước đường phấn đấu cho tương lai.
Thầy Nguyễn Đình Tý – người giữ lửa
Từ năm 1957-1960, Viết Tùng học tập tại trường phổ thông cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây, ông đã có may mắn được học một người thầy tâm huyết. Đó là thầy Nguyễn Đình Tý, dạy văn học, người mà sau này đã dẫn dắt ông đến với một ngã rẽ lớn làm thay đổi cuộc đời ông. Nếu như thầy Hòe là người khơi gợi ngọn lửa đam mê văn chương của Viết Tùng, để nó bùng cháy mạnh mẽ, thì thầy Tý lại là người biết cách giữ nhiệt huyết cho sự đam mê ấy.
Thầy Tý sinh ra và lớn lên tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Bẩm sinh sức khỏe không tốt nên tạng người thầy Tý rất gầy gò. Ấn tượng đầu tiên của Viết Tùng về thầy Tý, đó là một người có vóc dáng thấp nhỏ trong bộ quần áo màu mỡ gà, đầu cắt cua, tóc lốm đốm bạc. Sau này khi đã tiếp xúc thường xuyên, ông được biết, thầy Tý rất thích mặc những bộ quần áo sáng màu như màu trắng, màu mỡ gà. Chỉ cần nhìn thấy bóng dáng áo trắng cao gầy từ xa, học trò dễ dàng nhận ra đó là thầy Tý.
Mỗi khi lên lớp, thầy Tý đều nhập tâm vào bài giảng với một tinh thần trách nhiệm rất cao. Trong quá trình dạy, thầy trích dẫn nhiều câu văn, hình tượng khác nhau, vì thế hàm lượng kiến thức phong phú. Viết Tùng cảm nhận thấy ngồi nghe một tiết học của thầy Tý vừa tiếp thu được kiến thức văn học, giáo dục công dân, vừa mang nội dung tư tưởng cách mạng.
Năm 1959, ông bước vào năm học phổ thông cuối cùng tại trường Huỳnh Thúc Kháng. Bấy giờ, thầy Tý là chủ nhiệm lớp ông. Đó cũng là cơ hội để ông và bạn bè có thêm nhiều thời gian tiếp xúc với thầy. Ngoài bài giảng, với tư cách Bí thư chi bộ giáo viên nhà trường, một đảng viên lâu năm, thầy Tý thường truyền thụ cho học trò những lý tưởng thanh niên, lý tưởng cộng sản, khuấy động các phong trào thi đua yêu nước. Dưới con mắt thầy Tý, học trò như là những người cách mạng trẻ tuổi, phải có lý tưởng, phải nghiêm túc phấn đấu. Thầy Tý thường thẳng thắn: "Các anh lớn rồi, bây giờ học cho xã hội, cho đất nước thì phải nghiêm túc, phải trách nhiệm[11]". Tất cả những người lơ là trong học tập, và có suy nghĩ lệch lạc đều bị thầy nghiêm khắc phê phán. Có dịp, sau cải cách ruộng đất, một số học sinh có gia đình bị quy kết nhầm thành phần, thường đến lớp than phiền. Chuyện đến tai thầy chủ nhiệm lớp. Ngay sau buổi học đó, thầy Tý đã yêu cầu cả lớp ở lại vừa nghiêm khắc, vừa động viên: "Các anh cũng đừng quá nặng nề mà xao nhãng chuyện học hành[12]".
Nửa cuối năm học lớp 10, căn bệnh hen của thầy Tý ngày một trầm trọng. Nhiều hôm khó thở, đi lại khó khăn, nhưng thầy Tý vẫn nằm chõng nhờ học sinh khiêng lên lớp để giảng bài. Lúc đó, mỗi khi kết thúc tiết học, thầy Tý thường kêu gọi học trò: "Các em lựa chọn ngành học nào cũng tốt, nhưng hiện nay đất nước đang rất cần Nông lâm và Sư phạm[13]".
GS.TS Nguyễn Viết Tùng mãi không quên buổi học văn cuối cùng tại trường phổ thông cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Thầy Tý vẫn nằm chõng lên lớp giảng dạy như ngày thường. Nhưng đến cuối tiết học, thầy yêu cầu học sinh khiêng chõng đặt giữa cửa ra vào lớp, rồi run run nói: "Em nào đi Nông lâm, Sư phạm thì qua cửa này, thầy bắt tay, còn lại thì tự kiếm lối khác mà ra khỏi lớp[14]". Lời nói của thầy Tý khi đó vừa là một sự động viên, vừa là định hướng. Nhiều học sinh đã đáp lại lời kêu gọi của thầy, trong khi một số khác lựa chọn việc nhảy ra khỏi ô cửa sổ[15] sau hiên lớp.
Viết Tùng rất phân vân, vì cá nhân ông thích học văn từ nhỏ, và mong muốn theo học chuyên khoa văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Mặc khác, ông cũng thích sinh vật, cũng ấn tượng với những hình ảnh qua các buổi chiếu bóng phim Liên Xô, trong đó ông Mitsurin[16] đang lai tạo những cây táo có quả chín mọng trên nông trường rộng lớn. Lúc đó, ông đã có suy nghĩ: "Thôi thì bây giờ thầy đã động viên thế này thì mình xung phong đi Nông lâm[17]". Nghĩ là làm, ông rảo bước ra phía cửa chính, nắm lấy bàn tay thầy Tý, lúc đó lạnh ngắt, chỉ còn da bọc xương, lắc lắc và nói: "Thưa thầy, con là Tùng đây, con xin đi Nông lâm thầy ạ[18]". Thầy Tý đáp lại: "Tốt, tốt con ạ, con đi, đất nước đang cần[19]".
Chính sự kiên quyết của thầy Tý đã mở ra một ngã rẽ mới trong cuộc đời của Viết Tùng. Năm 1960, ông thi đỗ vào Học viện Nông lâm. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp đại học, ông được giữ lại công tác tại bộ môn Côn trùng học. Mặc dù sau này, không có cơ hội gặp lại hai người thầy yêu quý, nhưng Viết Tùng vẫn luôn tâm niệm những lời dạy về sự khơi gợi những điều thích thú cho học trò, về sự nghiêm túc, thẳng thắn, kiên quyết trong giảng dạy…
Hơn nửa thế kỷ làm việc tại trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (hiện nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), mặc dù đảm nhận nhiều vị trí quản lý khác nhau như Chủ nhiệm bộ môn Côn trùng (1964-1984), Phó Hiệu trưởng (1992-1996), Hiệu trưởng nhà trường (1996-2001) nhưng GS.TS Nguyễn Viết Tùng vẫn dành thời gian cho giảng dạy, nhiệt huyết với công tác giảng dạy, như một sự báo đáp công ơn với những người thầy tâm huyết đã làm thay đổi cuộc đời ông. Sinh viên vẫn bắt gặp hình bóng một người hiệu trưởng say sưa trên các giảng đường, hoặc trong các buổi họp sinh hoạt chuyên môn về giảng dạy, đào tạo với cán bộ các khoa phòng, bộ môn. Trong quá trình giảng dạy, ông luôn có suy nghĩ: "Là người thầy phải lắng nghe học sinh, nắm bắt tâm tư tình cảm của học trò, lúc đó mới hiểu học trò đang thiếu gì, cần gì, từ đó gợi mở sự thích thú của học trò…[20]". Biến suy nghĩ thành hành động, ông đã cùng với các cán bộ giảng dạy khác của trường Đại học Nông nghiệp đào tạo được nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh… góp phần nâng cao công tác giảng dạy của trường.
Thỉnh thoảng trong thời gian nghỉ hưu, GS.TS Nguyễn Viết Tùng dành thời gian tham gia dự thính một vài tiết học ở các trường phổ thông, để mong gặp lại hình bóng những người thầy năm xưa, nhưng không khi nào tìm được. Những chuyện năm xưa, nay đã lùi sâu, nhưng bài học thầy dạy vẫn còn nguyên giá trị với GS.TS Nguyễn Viết Tùng, và với cả các thế hệ nối tiếp về sau.
Phạm Ngọc Hải
________________________
[1] Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
[2] Trích băng hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Viết Tùng, 4-6-2015, tài liệu lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3] Trích băng hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Viết Tùng, 4-6-2015, tài liệu đã dẫn.
[4] Trích băng hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Viết Tùng, 4-6-2015, tài liệu đã dẫn.
[5] Trích băng hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Viết Tùng, 4-6-2015, tài liệu đã dẫn.
[6] Trích băng hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Viết Tùng, 4-6-2015, tài liệu đã dẫn.
[7] Trích băng phỏng vấn ghi hình GS.TS Nguyễn Viết Tùng, 28-5-2015, tài liệu đã dẫn.
[8] Trích băng hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Viết Tùng, 4-6-2015, tài liệu đã dẫn.
[9] Trích băng hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Viết Tùng, 4-6-2015, tài liệu đã dẫn.
[10] Trích băng phỏng vấn ghi hình GS.TS Nguyễn Viết Tùng, 28-5-2015, tài liệu đã dẫn.
[11] Trích băng hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Viết Tùng, 4-6-2015, tài liệu đã dẫn.
[12] Trích băng phỏng vấn ghi hình GS.TS Nguyễn Viết Tùng, 28-5-2015, tài liệu đã dẫn.
[13] Trích băng phỏng vấn ghi hình GS.TS Nguyễn Viết Tùng, 28-5-2015, tài liệu đã dẫn.
[14] Trích băng phỏng vấn ghi hình GS.TS Nguyễn Viết Tùng, 28-5-2015, tài liệu đã dẫn.