Nhớ mãi những người thầy Sử học

PGS Phạm Thị Tâm sinh năm 1937, tại một vùng quê nghèo thuộc huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, năm 1946 khi toàn quốc kháng chiến cả gia đình bà tản cư lên vùng Bất Bạt, Ba Vì (Hà Tây). Sau khi học hết cấp tiểu học tại tỉnh Sơn Tây, Phạm Thị Tâm về Hà Nội theo học tại trường cấp 2 Trưng Vương. Năm 1956, sau khi tốt nghiệp trường cấp 3 Trưng Vương – một trong số trường cấp 3 có tiếng ở Hà Nội, Phạm Thị Tâm trở thành sinh viên khóa I, Khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Sau 3 năm học tập tại Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội, tháng 9-1959 Phạm Thị Tâm là một trong số 17 sinh viên của khoa được giữ lại trường làm giảng viên và đã gắn bó với khoa cho đến khi nghỉ hưu (năm 1994).

PGS Phạm Thị Tâm

Là thế hệ sinh viên đầu tiên, Phạm Thị Tâm cùng các bạn được học với rất nhiều thầy giỏi như: Đào Duy Anh, Hoàng Thiếu Sơn, Lê Văn Sáu, Trần Văn Giàu, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng… Và đến nay, kỷ niệm về những người thầy, phong cách giảng bài của các thầy vẫn luôn in đậm trong trí nhớ của PGS Phạm Thị Tâm: nếu thầy Hoàng Thiếu Sơn có cách giảng và thường chọn từ, ý hay để “chốt” bài thì thầy Vượng lại là người luôn sắc sảo, tỷ mỷ và là một người làm dân vận rất tốt nhất là mỗi khi đi điền dã… Không những thế, cái “duyên” đến với chuyên ngành lịch sử Việt Nam Cổ trung cũng được bà “bật mí”: “Ngày đầu mới vào khoa, những bài giảng của GS Trần Văn Giàu đã cuốn hút khiến tôi có ý định chọn sử cận hiện nhưng do hai cán bộ ở tổ biên dịch, hiệu đính tài liệu Hán Nôm của khoa là Ngô Lập Chi và Đoàn Thắng “tiết lộ” việc tôi biết Hán Nôm nên thầy Phan Huy Lê đã “chọn” tôi sang chuyên ngành sử Việt Nam Cổ trung“.

Khuôn mặt và ánh mắt của PGS Phạm Thị Tâm ánh lên niềm vui khi nhắc lại những kỷ niệm của những ngày cùng thầy Vượng đi điền dã tại núi Đọ (Thanh Hóa), những ngày theo trường, theo khoa sơ tán lên Đại Từ (Thái Nguyên) dựng lán, xây trường… Và trong những ngày tháng gian lao, vất vả đó giảng viên trẻ Phạm Thị Tâm đã cùng thầy Hà Văn Tấn biên soạn thành công cuốn sách “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên-Mông thế kỷ XIII’’. Cuốn sách được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành năm 1968 và khi ra mắt đã được giới sử học đánh giá cao.

Với những đóng góp trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, hết lòng với nghề, năm 1984 giảng viên Phạm Thị Tâm trở thành nữ PGS Sử học đầu tiên của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội – và đến năm 2008 bà vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Ưu tú.

Ngót 40 năm học tập và công tác tại Khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, thời gian đã trôi xa nhưng sự đoàn kết, tình thân ái, nghĩa thầy trò… khó có thể phai nhòa trong tâm trí của PGS Phạm Thị Tâm.


Khánh Phương

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam