Đón tiếp cậu thanh niên ‘‘đưa thư’’ tại nhà riêng – phòng số 110 nhà K2, trên đường Nguyễn Phong Sắc, GS Nguyễn Ngọc Long được biết, anh là Lê Chí Thành, sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh Thành là con trai ông Lê Tuất – học trò cũ của GS Nguyễn Ngọc Long, thời kỳ ông làm Hiệu trưởng trường cấp 2 Báo Đáp, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Đọc những dòng thư của học trò cũ cách đây đã hơn bốn thập kỷ, GS Long vô cùng xúc động: Thưa thầy, đã 44 năm rồi, đất nước ta đã trải qua bao thăng trầm. Con người cũng thế, trong 44 năm đó, các trò của thầy đã tỏa ra mọi miền đất nước để làm trách nhiệm của tuổi thanh xuân. Trong số các trò của thầy, ai còn ai mất…[1]. Mắt ông bỗng nhòe đi, những ký ức về trường cấp 2 Báo Đáp dần trở về trong tâm trí. Những dãy nhà lợp lá gồi, vách trát đất, trong lớp là những học trò đang khoanh tay trên bàn gỗ và chăm chú nghe giảng… Vậy là đã hơn 40 năm rồi !
Thầy Nguyễn Ngọc Long (mặc áo trắng) chụp cùng học sinh lớp 4, trường cấp I Trần Phú, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên (1958-1959)
Năm 1958, Bộ Giáo dục có chủ trương vận động ‘‘xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa’’ và tăng cường phát triển văn hóa giáo dục ở vùng Tây Bắc. Một năm sau đó (1959), khi đang làm Hiệu trưởng trường cấp 1 Trần Phú, xã Trần Phú, huyện Ân Thi, ông Nguyễn Ngọc Long nhận được thông báo của Ty Giáo dục tỉnh Hưng Yên cử đi đào tạo giáo viên 1 năm tại trường Trung cấp Sư phạm Hưng Yên[2] ở xã Hải Yến, huyện Tiên Lữ. Tháng 4-1960, ông kết thúc khóa đào tạo và nhận được quyết định của Bộ Giáo dục cử về công tác ở tỉnh Yên Bái. Giáo sư Nguyễn Ngọc Long nhớ lại: Lúc đó, Trung ương Đảng có chủ trương mới về xây dựng kinh tế – xã hội ở vùng trung du và miền núi, nhiều tác phẩm văn học viết về giai đoạn này như ''Mùa lạc'' của nhà văn Nguyễn Khải, ''Tiếng hát con tàu'' của Chế Lan Viên…để ca ngợi tinh thần những người ở miền xuôi đi lên miền ngược phát triển kinh tế, văn hóa[3].
Tháng 8-1960, một cán bộ Ty Giáo dục tỉnh Yên Bái về đón đoàn giáo viên khoảng 10 người gồm: Nguyễn Ngọc Long, Đặng Ngọc Lương, Đỗ Văn Cảo, Vũ Đức Thiệp… của tỉnh Hưng Yên lên Yên Bái. Đoàn đi tàu từ ga Hàng Cỏ lên thị xã Yên Bái, sau đó vào gặp ông Nguyễn Văn Ngải – Trưởng ty Giáo dục tỉnh để nhận phân công tác. Hai thầy giáo Nguyễn Ngọc Long và Đặng Ngọc Lương được phân về trường cấp 2 Báo Đáp công tác. Với nhiệt huyết của thầy giáo trẻ mới 23 tuổi, ông hy vọng mang tri thức tới cho trẻ em miền núi. Xuống ga Ngòi Hóp của xã Báo Đáp, ông đến gặp lãnh đạo địa phương, trao quyết định của Bộ Giáo dục để nhận công tác thì biết rằng: Hiện xã chưa có trường, nay Ty có chủ trương thành lập trường ở đây thì chính quyền xã sẽ hỗ trợ[4]. Trước đó, huyện Trấn Yên chỉ có một trường cấp 2 ở thị trấn, học sinh đi học rất vất vả bởi phải trèo đèo, lội suối hàng chục cây số. Trường này xây dựng rất tạm bợ, mái lợp lá gồi, vách lớp chỉ ghép các tấm phên đan bằng nứa nên gió mùa đông gió bắc tràn về rất rét. Học sinh nơi đây rất khó khăn, áo mỏng chân đất đến lớp, nhìn các em co ro ngồi học trong giá lạnh rất đáng thương[5]– GS Nguyễn Ngọc Long nhớ lại.
Sau khi được bố trí ở nhờ nhà cụ Chiên, một người dân trong xã, hai thầy giáo trẻ bàn nhau chọn địa điểm xây dựng trường, đồng thời nhờ chính quyền cùng nhân dân trong xã giúp đỡ. Nơi đây còn hoang vắng, người dân sống thưa thớt nên việc chọn đất xây trường khá dễ dàng. Theo đề nghị của thầy Long, chính quyền xã giao cho một quả đồi để xây dựng trường. Biết tin các thầy giáo miền xuôi lên mở trường dạy học cho con em mình, người dân nơi đây rất phấn khởi, tích cực tham gia phát cây, san đất dựng lớp học. Hàng ngày, thầy Long cùng nhân dân vào rừng chặt gỗ dựng nhà, cắt lá gồi về lợp mái, thầy Lương cùng các bà, các mẹ đan phên, nhào đất để trát vách. Để có một khoảng đất bằng phẳng làm sân trường, người dân trong xã đã huy động trâu đến kéo đất rồi đầm nền. Lâu rồi, xã Báo Đáp mới rộn ràng đến thế! Khoảng hơn một tháng sau, với sự giúp đỡ của đồng bào, căn nhà 5 gian đã hoàn thành. Bàn ghế trong lớp được Ty Giáo dục tỉnh Yên Bái cấp và chở bằng tàu hỏa về ga Ngòi Hóp. Khi ấy, trong lòng thầy giáo Nguyễn Ngọc Long trào dâng niềm vui và xúc động, bởi trường xây dựng xong vừa kịp lúc khai giảng vào tháng 10. Khóa học đầu tiên, trường cấp 2 Báo Đáp chiêu sinh được 54 học sinh lớp 5, trong đó có học sinh Lê Tuất. Thầy giáo Long phụ trách dạy các môn khoa học tự nhiên, còn thầy giáo Lương dạy các môn khoa học xã hội. Giáo sư Long kể: Lê Tuất không phải học trò xuất sắc, lực học bình thường nhưng tính khiêm tốn. Năm 1963, Tuất học hết lớp 7 rồi đi bộ đội, hai thầy trò mất liên lạc[6].
Những năm dạy học ở đó, thầy giáo Nguyễn Ngọc Long chỉ tranh thủ về thăm quê ở Hưng Yên vào dịp Tết nguyên đán và dịp hè. Lương giáo viên lúc đó được trả bằng gạo, Mỗi tháng, thầy giáo Long được nhận 58 đồng và khoảng 4 mét vải một năm để may quần áo. Đến năm 1961, Ty Giáo dục tỉnh cử thêm 4 giáo viên về tăng cường cho trường là thầy Nghiêu, thầy Tình, cô Vương Nguyệt Anh và cô Nguyễn Bích Tới. Nguyên nhân là những học sinh lớp 5 lên lớp 6 và tiếp tục nhận học sinh đầu vào lớp 5, hai thầy giáo không thể đảm nhiệm hết được công việc. Với cương vị Hiệu trưởng, hàng đêm ông luôn suy nghĩ về cơ sở vật chất nhà trường, nơi ăn chốn nghỉ cho giáo viên… Cuối năm 1961, đợt tuyển học sinh lớp 5 được gần 100 em nên trường cần dựng thêm 2 gian nhà nữa. Một lần nữa, ông đến từng nhà người dân trong xã vận động giúp đỡ việc dựng thêm lớp học.
Học tập kiến thức phải kèm với nâng cao thể lực cho học sinh, tuy nhiên, sân trường quá nhỏ để chơi thể thao. Do đó, những ngày nghỉ, thầy trò nhà trường cùng phụ huynh cho trâu cày rồi san đất, làm thành một sân bóng nhỏ cho các em vui chơi. Ở đó, vào mùa đông giá rét, nhiều học sinh nhà xa nên phải ở trọ nhà dân. Trách nhiệm của một người thầy, một người quản lý lại đè nặng lên vai thầy Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Long cùng các thầy cô giáo. Thầy trò tranh thủ thời gian vào rừng chặt tre, nứa về dựng thêm một dãy nhà tạm để học sinh xa nhà ở trọ. Mọi người cùng tăng gia sản xuất để có rau xanh cho mỗi bữa ăn. Năm 1962, cô học trò Nguyễn Thị Minh Thông cùng gần 80 học sinh trong huyện nhập trường để học lớp 5. Sau này cô vẫn nhớ hình ảnh thầy Long dạy môn toán với tác phong đĩnh đạc, giọng nói trầm ấm, nghiêm khắc nhưng hết lòng thương yêu học trò. Chỉ với viên phấn trên tay thầy Long, những hình tròn, hình vuông… của môn hình học đều hiện nên trên bảng rất chính xác. Giáo sư Long nhớ lại: Năm 2002, cô Thông đến thăm tôi và khen thầy vẽ hình tròn đẹp dù không có compa. Dù không phải chủ nhiệm lớp cô Thông nhưng ấn tượng về bài giảng của tôi vẫn luôn trong tâm trí cô học trò nhỏ này[7].
Đầu năm 1965, không quân Mỹ tăng cường ném bom phá hoại miền Bắc nên trường phải sơ tán vào trong rừng, cách địa điểm trường cũ 1 km. Cùng lúc đó, một đoàn cán bộ của Nhà xuất bản Kim Đồng trong đó có nhà thơ Định Hải đến thăm trường cấp 2 Báo Đáp. Cảm phục trước nghị lực và nhiệt huyết của thầy giáo Nguyễn Ngọc Long, ông Định Hải đã làm bài thơ, trong đó có những câu rất xúc động:
Thầy giáo Long ơi xin hãy ngừng giây phút
Trang giấy lòng tôi đã nhòa lệ ướt
Ghi sao hết được tấm tình anh
Giữa núi rừng mênh mang biển xanh
Sức mạnh nào đã gọi anh đi tới
Từ sâu thẳm lòng anh, anh đã nghe tiếng gọi
Không xuôi dòng, anh ngược mãi suối lên
Có Đảng trong lòng, nắng rực rỡ vàng thêm
Sau 5 năm làm Hiệu trưởng trường cấp 2 Báo Đáp, thầy Nguyễn Ngọc Long, cùng đồng nghiệp và sự giúp đỡ của địa phương, đã xây dựng, phát triển trường từ con số không thành 7 lớp học gồm: ba lớp 5, hai lớp 6 và hai lớp 7. Giáo sư Long tự hào nói: Cả tỉnh Yên Bái lúc đó chỉ có trường của tôi đạt danh hiệu Tổ lao động xã hội chủ nghĩa, còn tôi được nhận giấy khen Chiến sĩ thi đua của Ty Giáo dục[8].
Tháng 7-1965, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Long nhận được thông báo của Ty Giáo dục tỉnh Yên Bái cử đi học trường Đại học Sư phạm Hà Nội để nâng cao kỹ năng giảng dạy và kiến thức chuyên môn. Sau 2 tuần, ông lại nhận được thông báo sẽ chuyển sang học ở trường Chính trị, Bộ Giáo dục[9]. Vốn là giáo viên dạy toán nên ông không hứng thú với các môn lý luận chính trị, do đó ông đến gặp ông Nguyễn Văn Ngải – Trưởng ty Giáo dục tỉnh Yên Bái để trình bày nguyện vọng từ chối đi học. Tuy nhiên, ông Ngải giải thích: Trong hơn 10 cán bộ được Ty cử đi đào tạo các trường Đại học, riêng ông và ông Cù Liêm (cũng là Hiệu trưởng một trường cấp 2 của tỉnh Yên Bái) là đảng viên nên mới được phân về học ở trường Chính trị, Bộ Giáo dục[10]. Cuối cùng, ông Long đồng ý đi học trường Chính trị, Bộ Giáo dục. Tháng 10-1965, ông bàn giao công việc cho nhà trường. Khi ấy, ông nghĩ rằng học xong sẽ trở về công tác nhưng không ngờ đó lại là buổi chia tay cuối cùng.
GS.TS Nguyễn Ngọc Long (ngồi giữa) chụp kỷ niệm trong buổi họp mặt, năm 2015
Năm 2015, học sinh khóa 1 của trường cấp 2 Báo Đáp tổ chức họp mặt ở tỉnh Yên Bái và mời GS.TS Nguyễn Ngọc Long về thăm lại trường xưa. Trải qua nửa thế kỷ, ngôi trường cũ đã không còn nữa, một ngôi trường mới được xây dựng khang trang với tên gọi Trường phổ thông cơ sở Báo Đáp. Trong số 54 học sinh ngày ấy, buổi họp mặt đã tập hợp được khoảng 30 người tham gia, trong đó có ông Lê Tuất – người học trò đã gửi thư cho cho thầy Ngọc Long hồi năm 2004. Thầy trò cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa trong những năm tháng học tập và phấn đấu, GS Nguyễn Ngọc Long ân cần hỏi thăm tình hình gia đình ông Tuất và biết rằng: Sau khi nhập ngũ một thời gian, Lê Tuất được điều vào miền Nam chiến đấu ở khắp các chiến trường phía Tây Thừa Thiên – Huế, Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1975, đất nước thống nhất, Lê Tuất phục viên trở về xã Báo Đáp làm ăn kinh tế. Năm 1982, Ông Tuất kết hôn với bà Lau và có ba người con, Lê Chí Thành (sinh năm 1983) là con đầu. Trong một lần gặp các bạn học cũ ở trường cấp 2 Báo Đáp, ông Lê Tuất biết được địa chỉ nhà riêng của thầy Hiệu trưởng cũ – thầy Nguyễn Ngọc Long. Ông Tuất liền viết thư rồi đưa con trai Chí Thành mang đến nhà riêng của thầy ở Hà Nội, với lời dặn: Hãy đưa tận tay thầy cho ba, con nhé![11]. Cuối buổi gặp mặt, đại diện lớp học trò cũ nói với thầy cựu Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Long rằng: Chúng em cố gắng 5 năm họp mặt một lần, nhưng người đến dự ngày càng ít thầy ạ[12]. Ông chia sẻ: Sức khỏe tôi ngày càng yếu nên không biết sau này còn dịp gặp lại các em không[13].
Nhớ về mái trường cấp 2 Báo Đáp năm nào, ông thấy trong lòng bâng khuâng khi đọc lại những câu thơ của học trò Nguyễn Thị Minh Thông gửi tặng năm 2002.
Mấy mươi năm gặp lại
Vẫn tiếng cười ngày xưa
Mấy mươi năm xa cách
Vẫn bến sông đợi chờ
Biết tóc thầy điểm bạc
Vì lỗi lầm ta xưa
Biết tóc thầy điểm bạc
Vì khôn lớn bây giờ
Thời gian không dừng lại
Tuổi thơ mãi xa xôi
Chỉ tiếng cười ở lại
Cùng mái trường, thầy ơi ![14]
Rất có thể những dịp thầy trò gặp nhau không còn nhiều nữa, nhưng ký ức về trường Báo Đáp thuở ban đầu chắc chắn sẽ còn được lưu giữ mãi trong lòng mỗi người[15] – GS Nguyễn Ngọc Long chia sẻ.
Ngô Văn Hiển
*GS.TS Nguyễn Ngọc Long, chuyên ngành Triết học, nguyên Trưởng khoa Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
[1] Thư học trò Lê Tuất gửi GS.TS Nguyễn Ngọc Long, ngày 16-11-2004, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[2] Nay là trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên.
[3] [4],[5],[6],[11],[13] Ghi âm phỏng vấn GS.TS Nguyễn Ngọc Long, 26-10-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[7],[8] Ghi âm phỏng vấn GS.TS Nguyễn Ngọc Long, 16-6-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[9] Trường Chính trị Bộ Giáo dục được thành lập năm 1959. Năm 1976, trường Chính trị, Bộ Giáo dục hợp nhất với trường Chính trị, Bộ Đại học thành trường Nguyễn Ái Quốc V. Từ năm 1982-1992 là trường Tuyên huấn Trung ương I. Nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
[10],[12] Ghi âm phỏng vấn GS.TS Nguyễn Ngọc Long, 20-7-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt