Nhớ màu xanh Trường Sa

Năm 1996, sau một năm nghiên cứu thử nghiệm chế tạo và ứng dụng thành công phân bón phức hữu cơ Pomior cho cây cà phê ở Sơn La, cây lúa và cây rau ở huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh, tôi bắt đầu nghĩ đến nghiên cứu đề tài ứng dụng loại phân bón cao cấp này cho những vùng đất hạn, đất mặn của miền Trung. Tôi đã soạn thảo đề cương, chuẩn bị nguyên vật liệu và cùng với đồng nghiệp là KS Nghiêm Thị Bích Hà[1] hướng dẫn một nhóm sinh viên khoa Trồng trọt[2] khoá 37 tiến hành thực hiện đề tài “Trồng rau trên cát” tại vườn thí nghiệm của bộ môn.

Một hôm, anh Phạm Gia Toàn ở Trung tâm giao dịch hợp tác đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng hai Việt kiều Pháp đã đến thăm vườn thí nghiệm của bộ môn ở trường Đại học Nông nghiệp I. Sau buổi đó, mọi người về nhà anh Phạm Gia Toàn ăn cơm tối. Trong bữa cơm còn có em rể anh Phạm Gia Toàn – anh Từ Linh[3] – Giám đốc Trung tâm thông tin khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng. Anh Từ Linh hỏi ngay tôi về vấn đề trồng rau trên cát. Nghe xong Từ Linh nói luôn: Anh giúp bộ đội kỹ thuật trồng rau trên cát đảo Trường Sa nhé. Tôi vui vẻ nhận lời.

Ít ngày sau đó, khoảng tháng 2 năm 1996, tôi đã hoàn tất đề cương nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trồng rau trên cát đảo Trường Sa. Một số đoàn cán bộ kỹ thuật Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần đã nhiều lần sang thảo luận với Ban Giám hiệu nhà trường về vấn đề này; Tôi được mời sang họp với Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng ở số 1A Hoàng Diệu do thiếu tướng Nguyễn Minh chủ trì để cùng hoàn tất đề cương đề tài. Tôi đã ký hợp đồng với Cục Quân nhu, cung cấp chế phẩm phân bón và hướng dẫn anh em kỹ thuật trồng rau trên cát. Sau đó bên quân đội  tiến hành thí nghiệm ở quân cảng Cam Ranh và một số địa điểm trên đảo Trường Sa; Cam Ranh có khí hậu đôi chút tương đồng với Trường Sa tuy nhiên điều kiện trồng trọt thì thuận lợi hơn. Theo tôi, họ chọn Cam Ranh để tiến hành thí nghiệm trước khi đưa ra Trường Sa là một hướng đúng và sáng tạo. Các thí nghiệm đã được tiến hành chủ yếu với các loại rau ngắn ngày: Rau muống, rau cải, củ cải, rau dền…

Ngày 9-6-1996, tôi nhận được báo cáo kết quả thí nghiệm của Cục Quân nhu rằng các loại rau trồng thí nghiệm ở Cam Ranh đạt năng suất cao hơn gấp 1,5-2 lần so với canh tác theo phương thức truyền thống. Rau được phân tích kiểm tra chất lượng tại Viện Dinh dưỡng. Mọi chỉ tiêu về thành phần dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm đều đạt kết quả tốt. Cùng với đó Cục Quân nhu đã gửi công văn đến Phòng Khoa học và Hội đồng Khoa học của nhà trường đề nghị tổ chức Hội nghị nghiệm thu kết quả nghiên cứu. Đề tài “Trồng rau trên cát” do tôi và chị Nghiêm Thị Bích Hà chủ trì đã được Hội đồng khoa học khoa Nông học nghiệm thu và đánh giá cao.

Sau thí nghiệm ở Cam Ranh, Cục Quân nhu cử Thiếu uý, kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Gia Xuyên ứng dụng đề tài này ở đảo Trường Sa Lớn. Theo kết quả đề tài nghiên cứu của chúng tôi, họ đã thực hiện một cách sáng tạo, điều mà trước đó tôi không thể nghĩ tới. Cách làm này đã tạo tính an toàn và bền vững, hiệu quả kinh tế cao cho các kết quả nghiên cứu thử nghiệm.

Trong thời gian này, Phòng Khoa học, trường Đại học Nông nghiệp I cũng tiến hành một đề tài cấp Bộ là Nghiên cứu kỹ thuật trồng rau trên “đất nhân tạo” trong nhà bạt nilon với diện tích 9m2. Trước khi tiến hành đề tài, nhà trường đã tổ chức một cuộc hội thảo mà theo tôi biết là khá hoành tráng với sự tham gia của cán bộ Vụ Khoa học – Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn ngành Giáo dục. Kinh phí đề tài do Bộ Giáo dục và Đào tạo tài trợ. Tôi không được mời tham dự hội thảo nên không nắm rõ nội dung và quy trình công nghệ của đề tài này. Trước đó ít tháng nhà trường đã cử một sinh viên mới tốt nghiệp tên là Trường đang làm việc tại Trung tâm Công nghệ sinh học[4] của trường ra đảo Trường Sa Lớn thực hiện một thí nghiệm về trồng rau thuỷ canh trong hộp xốp không hồi lưu. Sau này khi ra công tác ở Trường Sa tôi được biết thí nghiệm không có kết quả. Trồng rau thuỷ canh trong hộp xốp khi ở trong đất liền cũng cần thực hiện trong nhà lưới với một số lượng nước ngọt rất lớn cùng với các chỉ tiêu chất lượng nước đạt chuẩn công nghệ thuỷ canh như độ PH, độ dẫn điện EC … Trong khi đó, nước ngọt ở Trường Sa thuộc nhu cầu sống thiết yếu và đắt đỏ so với nhiều vùng sinh thái khác trong cả nước.

Mấy tháng sau khi tổ chức hội thảo, một số cán bộ Phòng Khoa học của trường xuống vườn trường xem các thí nghiệm “trồng rau trên cát” của tôi và đề nghị tôi mang các hộp rau thí nghiệm trưng bày tại hội thảo của đoàn các cán bộ khoa học sẽ đi công tác Trường Sa cùng Bộ Tư lệnh hải quân Bộ Quốc phòng Việt Nam. Lẽ ra tôi không nhận công việc này vì tôi không được mời tham gia chương trình. Tôi biết nhóm đề tài của trường chưa hề có sản phẩm ngoài chiếc nhà bạt nilon rộng vẻn vẹn 9m2, với chiều cao khiêm tốn 1m6, mấy bao “đất nhân tạo” của PGS.TS Đoàn Thị Thanh Nhàn, cán bộ giảng dạy bộ môn Cây công nghiệp, khoa Trồng trọt. Tuy nhiên, đây là chương trình quà tặng bộ đội Trường Sa của Công đoàn ngành Giáo dục, có sự tham gia của hai trường Nông nghiệp và Bách khoa Hà Nội. Quà tặng gồm: tivi, bộ loa đài, dàn ampli cùng với các tấm pin mặt trời, cung cấp năng lượng thắp sáng trên đảo và cho các thiết bị nghe nhìn; nhà bạt và đất nhân tạo để trồng rau xanh… Vì vậy, tôi quyết tâm thực hiện chuyến đi công tác có một không hai trong cuộc đời làm khoa học của mình.

Sáng ngày 6-4-1998, tôi gặp 2 cán bộ khoa học của trường Đại học Bách khoa Hà Nội tại sân bay Nội Bài: PGS.TS Nguyễn Hoàng Nghị[5] và KS Nguyễn Văn Linh. Họ là các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu vật lý thực nghiệm của trường. Phía trường Nông nghiệp có tôi và KS Nguyễn Văn Năng – cán bộ giảng dạy khoa Cơ khí với trách nhiệm lắp ráp “nhà” trồng rau. Chúng tôi nhanh chóng nhận ra nhau, làm quen và chuyện trò vui vẻ, trao đổi công việc suốt những ngày trên đường đi công tác. Sau khi xuống sân bay Nha trang chúng tôi có xe của bộ đội Hải quân đón về nghỉ tại khách sạn hải quân ở Cam Ranh. Trên đường về Cam Ranh chúng tôi dừng nghỉ ở một bãi biển Nha Trang. Biển và trời Nha Trang đẹp như một hòn ngọc bích kỳ diệu; tôi mải mê ngắm nhìn bãi biển mà quên cả uống nước. Đương nhiên là cả 4 chúng tôi đều có sức khoẻ tốt, nên với hơn 1 giờ bay không hề hấn gì. Ngồi trên bãi biển một lát tôi bỗng phát hiện một thứ cây có sức sống kỳ lạ mọc dày đặc trên bãi cát ngay gần sát bờ sóng. Những bộ rễ phụ to khoẻ như những cặp giò lực sĩ hiên ngang giang rộng trên bờ cát sóng. Tôi chưa từng gặp loại cây này bao giờ nên hỏi các sĩ quan Hải quân, các anh bảo là cây tra biển. Tôi chụp bộ rễ của cây. Sau này tôi gặp lại một số cây này ở đảo Trường Sa Lớn nơi tôi sẽ đến công tác. Hồi đó tôi không có máy ảnh kỹ thuật số nên một số ảnh cây tra biển ở Nha Trang đã không còn.

TS Hoàng Ngọc Thuận tại Cam Ranh, 1998

Ngày 9-4-1998, đoàn chúng tôi được các cán bộ đoàn Hải quân tiễn ra đảo Trường Sa trên một chiếc tàu vận tải 500T của quân đội, cùng với các quà tặng của Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam. Trước khi lên đường các anh dặn: “Xác suất gặp tàu Trung Quốc là khoảng 1/1000 thôi, trong trường hợp đó cứ bình tĩnh, đàng hoàng, kiên trì không nổ súng mặc dù chúng ta có đủ sức chống lại họ, hơn nữa mình là chủ nhân biển và đảo Trường Sa”. Chúng tôi cười vui vẻ.

Tàu chúng tôi đi 3 ngày 2 đêm thì đến đảo Trường Sa Lớn. Sức khoẻ của 4 anh em trong đoàn đều rất tốt, trừ KS Năng là sinh viên mới tốt nghiệp, còn lại 3 anh em chúng tôi đều là U60. Trên tàu còn có một số học viên trường Hải quân đi thực tập; hầu hết số anh em này đều say sóng. Cả bốn chúng tôi thường xuyên lên boong tàu ngắm nhìn biển cả và trời xanh bao la. Tháng tư trời trong xanh, biển yên bình và lặng sóng. Chúng tôi được vào buồng lái nói chuyện với các thuỷ thủ và chỉ huy con tàu. Thi thoảng chúng tôi nhìn thấy một vài con tàu buôn trọng tải 10.000 tấn xa xa thấp thoáng như một trái núi khổng lồ; con tàu 500 tấn của chúng tôi bé quá. Nhiều lúc đứng một mình trên boong tôi lại nhớ về ba tôi và câu chuyện về tàu biển ông thường kể khi tôi còn nhỏ. Đó là năm 1946 khi tôi 2 tuổi, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình tôi đi từ Phan Thiết ra Bắc trên một con tàu biển. Con tàu đi chậm lắm, là tàu khách thi thoảng lại ghé vào một cảng nào đó cho khách xuống tàu. Tôi không say sóng có lẽ vì bé quá, nhưng đau mắt nặng nên trong suốt hành trình mắt luôn nhắm nghiền lại không mở ra được. Ba tôi biết nhiều bài thuốc bắc gia truyền nên mài củ hoàng liên nhỏ vào mắt đến khi tàu vào cảng, lên bờ thì tôi khỏi hẳn. Mẹ tôi say sóng. Suốt bảy ngày bảy đêm bà không ăn uống gì ba tôi lo sợ phải đưa mẹ con tôi vào bờ để bà ăn uống cho lại sức, ít ngày sau lại đi tiếp. Cứ như vậy chúng tôi về quê Nam Định rồi Bắc Ninh và lên Việt Bắc khi quân Pháp từ Hà Nội tràn lên quê ngoại Từ Sơn.

Không mấy chốc đảo Trường Sa Lớn đã hiện ra trước mắt chúng tôi, xa xa cách tàu chúng tôi khoảng 5-10 hải lý. Tôi chụp được một số kiểu ảnh trên tàu còn anh Linh thì quay phim. Đảo Trường Sa Lớn càng lúc càng gần, lấp lánh, thi thoảng đây đó nổi lên những chấm xanh mờ khi ấy hòn đảo trông đẹp như một dải lụa bay phấp phới theo nhịp sóng nhấp nhô trước mũi con tàu. Tôi hồi hộp đón chờ giây phút con tàu cập cảng.

Bến cảng và cầu tàu của đảo Trường Sa Lớn thuộc huyện đảo Trường Sa cũng giống như bao bến cảng khác tôi đã từng đến ở khắp nơi trong nước và ở nước ngoài; khác hẳn với trí tưởng tượng của tôi khi còn ở trong đất liền. Bến cảng làm việc tấp nập, bốc hàng hoá và vật liệu xây dựng cùng các nhu yếu phẩm cho chiến sĩ và người dân trên đảo. Xa xa là cờ đỏ sao vàng trên cột mốc của Đảo và trên nóc Sở Chỉ huy quân sự hoà vào nền trời trong xanh, như một sức sống cuộn trào trên quần đảo Trường Sa của Tổ quốc Việt Nam.

Đoàn công tác chúng tôi được đón về Sở Chỉ huy quân sự của đảo, ngay gần trụ sở của UBND huyện. Đó là toà nhà 3 tầng được xây dựng rất uy nghi, hoành tráng. Tiếp chúng tôi là vị Đại tá Trần Đình Tạc chỉ huy trưởng đảo và Thượng tá Nguyễn Văn Liên Chính uỷ đảo Trường Sa Lớn. Chúng tôi được mời dùng cơm tối dưới tán cây bàng vuông ngay trước nhà chỉ huy sở. Bữa cơm đơn sơ mà sang trọng. Một anh trung uý nói với chúng tôi: Mấy năm rồi không có con vích[6] nào lên bờ; đúng chiều nay khi các anh đến thì anh em ở Sở Chỉ huy bắt được con vích, chia cho mỗi phân đội một ít để cải thiện, gọi là của hiếm. Thịt vích sào, không rau thơm, không hành tỏi và gia vị, nhưng ngon tuyệt vời, bốn anh em chúng tôi, ai cũng nói lần đầu tiên trong đời được thưởng thức món ăn thiên nhiên thú vị này. Mỗi khi nhớ lại bữa cơm hôm ấy trên đảo Trường Sa, tôi vẫn thoáng buồn. Con vích tội nghiệp, vì chào đón đoàn công tác chúng tôi mà phải hy sinh một đời động vật hoang dã, quý hiếm. Những ngày về sau, trong suốt thời gian công tác trên đảo, chúng tôi thường dùng cơm ở dưới bóng cây bàng vuông thân yêu này của đảo. Bữa nào cũng có thịt hộp, rau khô, ít khi có rau tươi; rau xanh là thứ xa xỉ. Các anh chăn nuôi được nhiều lợn gà, nhưng chỉ dùng vào những ngày lễ tết đặc biệt. Rau xanh cho lợn là cỏ, nhưng đến mùa vụ không có cỏ, thì ăn cỏ khô dự trữ với một số lượng hạn chế. Nhìn những chú lợn lai trắng hồng đi quanh khu vườn trước nhà, tôi có tưởng tượng như mình vẫn ở trên đất liền một vùng quê nào đó.

TS Hoàng Ngọc Thuận (thứ 4 từ trái), PGS.TS Nguyễn Hoàng Nghị (thứ 2 từ phải)

và các chiến sĩ sau bữa cơm chiều ở Trường Sa, 4-1998

Sáng 144-1998, anh em chúng tôi báo cáo với Ban chỉ huy đảo về Kế hoạch công tác của đoàn và đề nghị cho bắt tay vào công việc. Mỗi nhóm được phân công một chiến sĩ “hậu cần” giúp việc. Các anh làm việc rất hăng say và thích thú. Thi thoảng tôi chạy lên tầng thượng xem lắp đặt dàn pin mặt trời, ắc quy và các thiết bị nghe nhìn trong câu lạc bộ của Sở Chỉ huy.

Các vật tư và thiết bị trồng rau của Trường Đại học Nông nghiệp I gửi ra đảo gồm nhà bạt nilon khung thép hình lục giác rộng 9m2, mấy bao đất nhân tạo và một ít ống nghiệm đựng các loại hoá chất thuỷ canh. Phần tôi mang theo phân bón phức hữu cơ Pomior do tôi tự pha chế trong một phòng thí nghiệm ở Hà Nội. Trước khi lên đường, tôi không nhận được bất cứ một tài liệu kỹ thuật nào của nhà trường về vấn đề trồng rau trên đất nhân tạo trong nhà bạt nilon cũng như kỹ thuật trồng rau thuỷ canh. Tôi nghĩ rằng nhà trường đã có thông tin với đảo từ trước đó về vấn đề này. Khi trao đổi với các lãnh đạo Sở Chỉ huy, các anh cho biết hoàn toàn không nhận được các thông tin này.

Sau một ngày làm việc, tôi, Năng và một cậu lính hải quân đã lắp đặt xong nhà trồng rau. Tôi bắt đầu tìm kiếm cát đen để gieo trồng các giống rau do tôi mang ra từ đất liền. Tuy nhiên trên đảo không có loại cát này. Tôi đành thử nghiệm trồng rau trên giá thể cát trắng ở đảo. Sau này khi trò chuyện với Đại tá Trần Đình Tạc, tôi đã tìm ra một loại đất tuyệt vời tốt hơn cát đen hay cát trắng và có sẵn ở trên đảo. Tôi cũng phát hiện trên đảo có nhiều vỏ hộp gỗ đựng đạn bỏ không có thể thay cho hộp xốp bởi to hơn, đựng được nhiều giá thể hơn nên trồng được nhiều rau hơn, khả năng giữ ẩm tốt và có sẵn trên đảo không phải mất kinh phí chở từ đất liền ra.

Qua tìm hiểu, tôi biết ở đảo thường trồng các loại rau và cây bóng mát trên đất chở từ trong đất liền ra cùng với các loại giống cây và rau …Theo thời giá năm 1998, tổng kinh phí cho công việc này là 8 tỉ đồng/ năm. Tuy nhiên đất chỉ dùng được 1 năm là chai cứng vì nhiễm mặn. 

 Một tuần sau khi gieo, hạt rau muống và rau lang trong nhà bạt đã bắt đầu mọc mầm. Vấn đề nảy sinh là ngay trong tháng tư nhiệt độ ngoài đảo đã rất cao, một số cây bắt đầu bị thối nhũn. Giải pháp duy nhất là phải mở hết bạt nilon che xung quanh để giảm nhiệt nhưng nước tưới phun tới đâu khô ngay tới đó vì nắng nóng và gió biển. Chúng tôi không tưới rau bằng nước ngọt mà tưới bằng nước lợ lấy trong giếng tắm rửa của đảo. Khi pha phân bón vào nước lợ với nồng độ thích hợp, không thấy có hiện tượng kết tủa các yếu tố có trong phân bón nên tôi rất yên tâm.

TS Hoàng Ngọc Thuận kiểm tra việc trồng rau và dứa trong nhà bạt, 4-1998

Công việc lắp đặt pin mặt trời của các chuyên gia trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã hoàn tất, các anh đang chạy thử các thiết bị nghe nhìn và cũng là lúc một con tàu của Bộ Tổng tham mưu cập bến để kiểm tra công tác huấn luyện của bộ đội đảo Trường Sa Lớn. Trung tướng Đào Trọng Lịch[7], Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác, cùng với đoàn văn công Quân khu II mang theo rất nhiều quà tặng cho các chiến sĩ trên đảo. Mấy ngày trước, anh em trong Sở Chỉ huy chuẩn bị rất hân hoan chu đáo để đón tiếp đoàn kiểm tra. Buổi tối các chiến sĩ đến phòng sinh hoạt văn hoá xem đoàn văn công biểu diễn, xem tivi và nghe ca nhạc, hát hò vui vẻ. Quà tặng của trường Đại học Bách khoa Hà Nội ngay lập tức phát huy hiệu quả.

Theo kế hoạch, cả bốn anh em đoàn chúng tôi sẽ rời đảo cùng với đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu. Nhưng các hộp rau của chúng tôi chưa nẩy mầm hết vì vậy cũng chưa thể nhận biết được kết quả cuối cùng. Do đó, tôi xin với Sở Chỉ huy đảo cho ở lại thêm một tuần để hoàn tất mọi công việc như đã dự kiến. Đề xuất của tôi được Ban chỉ huy đảo chấp thuận. Tôi rất vui mừng nhưng cũng hơi nuối tiếc vì không được về trên con tàu khách đẹp và đồ sộ của Bộ Tổng tham mưu, điều mà sau này tôi sẽ không bao giờ có được.

Những ngày công tác trên đảo, tôi vẫn giữ thói quen sống và làm việc thường ngày từ thuở nhỏ cho đến bây giờ: Sáng nào tôi cũng dậy từ 5 giờ tập thể dục. Tôi chạy trên sân bay của đảo được làm bằng những tấm hợp kim nhôm trải dài trong trung tâm của đảo. Từ sau ngày giải phóng miền Nam đến thời điểm chúng tôi ra đảo công tác, sân bay này đã không hoạt động nữa. Buổi chiều hết giờ làm việc chúng tôi cùng nhau ra bãi tắm biển bơi và chụp ảnh kỷ niệm. Tôi vô cùng tiếc nuối những tấm ảnh chụp trên bãi biển giờ đã không còn nữa.

Một buổi chiều, Thiếu uý, kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Gia Xuyên, người đã ứng dụng đề tài “Trồng rau trên cát” gặp tôi và dẫn tôi đến xem thí nghiệm của Xuyên trong một phân đội gần đó. Thí nghiệm được bố trí trên một miếng đất bao quanh bốn bức tường cao khoảng 2m, không lợp mái. Xuyên ra đảo trước tôi ít ngày, rau đã lên xanh tốt. Tôi thấy rõ thí nghiệm của Xuyên như vậy là hết sức hợp lý, phù hợp với điều kiện khí hậu và thời tiết của Trường Sa.

TS Hoàng Ngọc Thuận (trái) và Thiếu úy Nguyễn Gia Xuyên

tại vườn trồng rau ở Trường Sa, 1998

Sau khi hai vị chuyên gia của trường Đại học Bách khoa Hà Nội về đất liền, tôi vẫn giữ thói quen tắm biển buổi chiều; nhưng giờ đây thường đi tắm cùng với Đại tá Trần Đình Tạc. Anh Tạc thường nhắc tôi phải bơi phía sau và sát cạnh anh. Trong một buổi chiều trên đường ra bãi tắm, anh Tạc chỉ tay về phía bãi cây phi lao và nói với tôi: Cây giống phi lao chở ra đến đảo đã bị hư hỏng nhiều, những cây còn lại cũng rất yếu. Ngừng một lát anh Tạc nói tiếp: Khi đào công sự trên các bãi tập và các công trình xây dựng trên đảo chúng tôi phát hiện loại cát mùn đen xám do xác lá cây và thân cây trên đảo chết đi từ rất nhiều năm để lại. Từ rất xa xưa đảo Trường Sa đã quanh năm xanh tốt bởi những cây bàng vuông, mù u và tra biển, nhưng qua mấy chục năm chiến tranh, những khi khó khăn do tình hình chiến sự vận chuyển nhiên liệu cho đảo bị ngừng, những người lính đảo đã chặt cây làm củi nấu ăn. Chặt phá thì dễ và nhanh nhưng trồng lại thì khó khăn chật vật vô cùng. Ngừng một lát anh Tạc nói tiếp: Anh giúp chúng tôi phát triển cây xanh trên đảo nhé? Tôi thầm nghĩ anh Tạc là người chỉ huy quân sự có tầm chiến lược sâu xa; anh đã cho tôi chiếc chìa khoá vàng trong công nghệ trồng rau trên cát của đảo Trường Sa. Suy nghĩ một lát tôi nói với anh Tạc: Có hai điểm mấu chốt chúng ta cần giải quyết trong phát triển cây xanh trên đảo: Từ phân tích của anh, rõ ràng phi lao không thích hợp trồng trên đảo Trường Sa lớn. Các cây bàng vuông, mù u, và tra biển đều mọc rất tốt ở đây sao ta không trồng nó. Ta có thể lấy hạt của những cây này và ươm giống tại chỗ để đỡ công vận chuyển mà tỉ lệ sống lại rất cao. Tuy nhiên, anh Tạc cho biết những loại cây này nở hoa rất nhiều nhưng bị gió biển thổi rụng, không kịp kết quả. Vì vậy, tôi quyết định nhân vô tính cây mù u và tra biển bằng phương pháp chiết cành. Tôi đã quan sát kỹ 2 cây này trong suốt mấy ngày qua sống và làm vệc trên đảo nó rất dễ dàng ra rễ trong bầu chiết hoặc giâm cành.

Thuở đó, mọi người chủ yếu sử dụng rơm, đất và phân bón làm bầu chiết cành. Tuy nhiên, nhưng trên đảo không có sẵn rơm nên tôi quyết định lấy giấy báo cũ thay thế. May mắn đảo Trường Sa Lớn có một kho báo, thư cũ. Ông Trần Đình Tạc cử một chiến sĩ hỗ trợ ông. Tôi hướng dẫn các chiến sĩ  xé nhỏ báo cũ, dấp nước, trộn với phân bón Pomior rồi vo tròn dùng để làm bầu chiết cành. Sau khoảng 3-4 buổi, chúng tôi chiết được hơn 100 cành và hướng dẫn chiến sĩ trên đảo cách chăm sóc.

Rau trong nhà bạt và cả ở mảnh vườn thí nghiệm của kỹ sư Nguyễn Gia Xuyên lên xanh tốt. Đã đến ngày tôi và kỹ sư Năng phải trở về đất liền. Vài ngày trước khi rời đảo, trong lòng tôi cứ trào dâng một nỗi buồn lưu luyến, tiếc vì chưa nhìn thấy kết quả cuối cùng của công trình sản xuất thử nghiệm. Thêm vào đó, mấy ngày trước khi rời đảo các chiến sĩ thuộc mấy phân đội gần sở chỉ huy, thay nhau đến thăm và nói chuyện với 2 chúng tôi và mời xuống đơn vị liên hoan, thưởng thức những món hải sản quý hiếm chỉ có ở biển Trường Sa. Các bạn trẻ tặng chúng tôi những đôi giày và áo hải quân để làm kỷ niệm. Tình cảm quân dân thật đậm đà sâu sắc. Bất giác tôi lại nhớ những ngày thơ ấu, đội mũ ca-lô, quần áo thiếu sinh quân, theo ba mẹ đến tặng quà các đơn vị bộ đội trong những khu rừng Việt Bắc khi các anh thắng trận trở về.

Một tháng sau, tôi nhận được điện thoại của Đại tá Trần Đình Tạc báo tin tất cả các cành chiết cây Tra biển và Mù u đã ra rễ rất tốt. Tôi ngay lập tức gởi fax cho anh Tạc quy trình nhân giống vô tính và trồng cây sau khi ra rễ. Trong thời gian này tôi cũng nhận được một vài bức thư của một số chiến sĩ ngoài đảo gửi về; các anh báo tin khi dùng phân bón Pomior của chúng tôi sản xuất rau lên tốt và chất lượng tốt hơn trước đây.

Cuối năm 2000, nhân dịp về Bộ Quốc phòng, anh Trần Đình Tạc ghé qua trường Nông nghiệp thăm tôi. Anh gặp ông Nguyễn Quang Thạch – Phó hiệu trưởng và thông báo ngắn về kết quả trồng rau trên cát và trồng cây xanh trên đảo của tôi. Anh Tạc cho biết cây xanh và rau, trồng theo cách của tôi lên rất tốt. Trong 2 năm 1998-2000, các anh đã chủ động được nguồn giống cây trồng cho việc phủ xanh đảo. Tất cả các cán bộ và chiến sĩ trên đảo đều tham gia trồng cây xanh, mỗi cây sống được nghiệm thu, chiến sĩ được thưởng 50.000 đồng. Tổng số tiền thưởng các chiến sĩ trên đảo nhận được năm 2000 là 1,2 tỷ đồng. Tiền thưởng không bao nhiêu so với mồ hôi và tình yêu biển đảo của các anh. Công việc của các anh có tầm chiến lược lâu dài góp phần bảo vệ vững chắc biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

Tối hôm đó tôi mời đại tá Trần Đình Tạc dùng cơm và về nhà tôi ở gần trường ĐH Nông nghiệp I nghỉ ngơi. Nhà tôi vừa xây xong, chưa có đồ đạc, anh em chúng tôi ngủ trên sàn nhà còn thơm mùi vữa mới, trò chuyện mãi tới đêm khuya. Sáng hôm sau, tôi tiễn anh lên đường ra đảo cùng với một ít phân bón Pomior để các anh trồng rau và trồng cây xanh với hy vọng góp chút sức giúp các anh tiếp tục sự nghiệp phủ xanh quần đảo Trường Sa.

Trong gần 50 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, giảng dạy và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tôi có nhiều chuyến công tác trên khắp mọi miền đất nước cả những chuyến đi học tập và nghiên cứu dài ngày ở nước ngoài, nhưng chuyến đi công tác ở Trường Sa đã để lại trong tôi những kỷ niệm sâu sắc. Mỗi khi xem ti vi, thấy đảo Trường Sa xanh ngút ngàn và những hộp rau xanh tươi tốt lòng tôi lại bồi hồi nhớ những ngày công tác trên đảo, những tấm lòng của đồng bào và chiến sĩ nơi biên cương xa xôi của Tổ quốc. 

                                           PGS.TS Hoàng Ngọc Thuận

_________________________

     * Nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

    [1]Lúc đó, bà Nghiêm Thị Bích Hà là cán bộ giảng dạy ở bộ môn Rau-Hoa-Quả, khoa Trồng trọt, trường Đại học Nông nghiệp I.

[2] Nay là khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

[3] Ông Từ Linh sau là Thiếu tướng.

[4] Nay là Viện Sinh học nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

[5] Ông Nguyễn Hoàng Nghị sau là Giáo sư – tiến sĩ, Phó viện trưởng Viện Vật lý kỹ thuật, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

[6] Là một loại rùa biển.

[7] Ông Đào Trọng Lịch sau là Thiếu tướng.