Ông Hoàng Văn Khoán học chuyên ngành Khảo cổ học, trường ĐH Tổng hợp Kharcov, Liên Xô từ năm 1963-1967. Dưới sự hướng dẫn của GS Soramcov, Hoàng Văn Khoán đã hoàn thành xuất sắc khóa luận: “Thời đại đồ sắt của các nước phương đông cổ đại”. Sau đó ông Khoán về nước và không còn liên lạc với thầy.
PGS.TS Hoàng Văn Khoán
Năm 1971, ông Khoán được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô nhưng không có cơ hội gặp thầy. Mãi đến năm 1986, trở lại Liên Xô theo chế độ thực tập sinh cao cấp tại Viện Khảo cổ học, ông mới có cơ hội gặp GS Soramcov. Sau 20 năm xa cách, thầy vẫn nhớ trò. GS Soramcov đã nhận giúp đỡ Hoàng Văn Khoán làm luận án tiến sĩ. PGS Khoán còn nhớ, trong lần gặp lại, GS Soramcov tâm sự: “Nay thầy và em đều đã già. Em hãy cố gắng hoàn thành luận án và bảo vệ trước khi thầy mất”.
Sau hơn 6 tháng cố gắng dưới sự hướng dẫn của GS Soramcov, ông Khoán hoàn thành được 3 chương luận án. Nhưng khi đang hoàn thành tiếp những nội dung cuối cùng thì ông Khoán phải về nước vì chuyện cá nhân. “Buổi chia tay mà không thể nói rõ lý do với thầy, thấy thầy buồn và gặng hỏi nguyên nhân đồng thời nhận hỗ trợ học trò bằng bất kỳ hình thức nào, tôi càng cảm thấy buồn và thương thầy” – PGS Khoán tâm sự.
Ngay sau khi về nước, ông đã viết thư hỏi thăm GS Soramcov và nhận được tấm bưu thiếp hồi đáp của ông. Và đó cũng là lần liên lạc cuối cùng của GS Soramcov với học trò Khoán.
PGS Khoán chia sẻ: “Tuy đã hơn 30 năm không có thông tin về GS Soramcov, nhưng trong lòng tôi, ông vẫn rất gần gũi, thân thuộc. Mỗi khi nhớ về Bạch Dương xa xôi, tôi lại nhớ tới thầy, nhớ về sự quan tâm của một người thầy Liên Xô dành cho một học trò nhỏ bé Việt Nam là tôi”.
Hoàng Phượng