GS. Đặng Hiếu Trưng (người thứ hai từ trái sang)
trong một ca mổ trong hầm Điện Biên (tháng 4-1954)
500km và 30kg quân trang trên lưng
Quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 20-11-1953. 9 ngày sau, chúng tôi được lệnh lên đường và đóng quân cùng Đại đoàn Bộ 308 tại Phú Xuân, Thái Nguyên. Lực lượng của chúng tôi có 100 cán bộ nhân viên, trong đó có 60% là chuyên môn, 40% là chính trị, hậu cần. Đến mặt trận, chúng tôi được bổ sung 2 đại đội dân công từ Phú Thọ lên phục vụ chiến dịch.
Tôi còn nhớ rõ đêm ngày 29-11-1953, chúng tôi rời Thái Nguyên. Đêm đi, ngày nghỉ (do máy bay địch đánh phá dữ dội ban ngày). Qua Tuyên Quang, Yên Bái, Mộc Châu, Sơn La… và đến ven rừng Điện Biên vào ngày 6-1-1954. Dụng cụ mổ, thuốc men cho thương binh, tăng bạt, gạo muối, nước mắm khô từ Thanh Hoá, Nghệ An đưa ra, rồi tài liệu, sách về y phẫu, về bệnh học, về phương pháp mổ xẻ… tất cả đều trên lưng người. Do đã qua hàng chục chiến dịch từ năm 1950 nên chúng tôi có kinh nghiệm tổ chức hành quân đường dài.
Dựa theo hoạt động máy bay địch và địa hình từng chặng để định giờ xuất phát, giờ đến và các chỗ nghỉ. Ban ngày do tạm tránh bên rừng, chúng tôi tổ chức huấn luyện cho dân công khoảng 2 tiếng mỗi ngày cách săn sóc sơ bộ thương binh. Nhờ đó, sau hơn 1 tháng hành quân, chúng tôi đã có thêm hàng trăm anh chị em dân công biết những điều căn bản về săn sóc thương binh. Đến ven rừng Điện Biên Phủ, chúng tôi đóng cách vị trí Tổng hành dinh của Tướng Đờ Cát chỉ có 5 cây số đường chim bay. Nhờ ngụy trang (đóng quân không tập trung, không lộ), nhờ bảo mật khi đến mặt trận, lúc chiến dịch bắt đầu một số bộ đội công binh đã giúp chúng tôi làm những hầm kiên cố, những hầm mổ trên có phủ cành cây…
GS. Đặng Hiếu Trưng (người thứ ba từ trái sang)
trước hầm mổ Điện Biên (tháng 4-1954)
Những ca mổ trong tiếng đại bác rung chuyển
Lần đầu tiên trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các tuyến quân y ngoài mặt trận đã làm công tác chuyên môn trong hầm hào để tránh pháo địch. Địch bắn phá suốt ngày đêm cho nên cách tránh thương vong tốt nhất là phải có một hệ thống hầm, giao thông hào. Chúng tôi đã mổ thương binh nhiều đêm liền trong tiếng đại bác nổ ngay trên trần hầm. Hàng chục ca mổ mỗi đêm được chúng tôi thực hiện dưới ánh đèn măng sông, đèn quay tay…
Tiếp tế thuốc men trong chiến dịch Điện Biên Phủ hết sức khó khăn, nhất là khi số thương binh tăng vọt qua các đợt chiến đấu. Hậu phương đã dốc hết khả năng cho tiền tuyến song vẫn thiếu. Nhưng chính cái khó ló cái khôn. Có lúc thiếu băng, chúng tôi đã cùng dân công làm băng 4 giải trong đó 3 giải bằng vải dù của địch. Địch quăng rải rác hàng vạn dù trắng, dù hoa loang lổ, dù đủ màu… Có chị dân công Phú Thọ mà tôi còn nhớ tên chị là Long, khâu băng dù rất khéo tay. Các chị em còn tước dây dù lấy chỉ để khâu. Có đợt, 1 tuần đã giải quyết 4.000 băng dù. Đơn vị còn chế thuốc ngay tại mặt trận, trong hầm pha chế, chủ yếu là huyết thanh bởi hồi đó không có huyết thanh chống uốn ván.
Là phẫu thuật viên, tôi nhớ rõ đến tận bây giờ là thường trước khi mổ, thương binh được tiêm thuốc gây mê, như Pentothal, thuốc mê tĩnh mạch (lấy của địch từ các thùng thuốc địch thả xuống đất, lạc vào trận địa ta). Song giai đoạn trước mê – giai đoạn kích thích, tôi nghe thương binh vẫn hô xung phong, vẫn lặp lại các mệnh lệnh chiến đấu: “Alo, Alo, sông Hương đâu? – Đây là sông Thao!” hay “Pháo đâu, bắn vào vị trí X”…
Chữa bệnh cho tù binh Pháp
Ngày 8-5-1954, một ngày sau khi địch đầu hàng, tôi được lệnh đưa đơn vị vào cứu chữa cho tù binh Pháp. 55 ngày đêm trong vòng vây ngày càng thắt chặt, quân địch đã sống những ngày kinh hoàng, khốn đốn… Trước ngày 28-3-1954, địch còn đưa từng đợt hàng chục, hàng trăm thương binh bằng máy bay Dakota về Hà Nội. Song từ 28-3, không một máy bay hoặc trực thăng nào có thể hạ cánh xuống Điện Biên Phủ. Địch chỉ chuẩn bị được 200 giường thương binh, nhưng số thương binh không chuyển được đã ùn tới 1.300 tên. Chúng phải nằm 2, 3 tầng. Sàn hầm ngập ngụa bùn, rác, bông băng bẩn, các chất thải, các mỏm chân tay cưa cắt… Thật không thể tưởng tượng nổi!
Thế mà chỉ 5 ngày sau, chúng tôi đã đưa lên mặt đất 858 tù thương nặng để chúng nằm dưới những lều bạt, dù, mổ xẻ, chăm sóc vết thương, băng bó, tiêm thuốc, nuôi dưỡng… Dần dần tù thương đã trở lại cuộc sống. Đến ngày 25-5-1954, tên tù thương cuối cùng đã rời Mường Thanh bằng máy bay Dakota chuyển về Hà Nội.
T.Hương (ghi)