Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Nghệ An, sau khi tốt nghiệp cấp 2 (1952), ở tuổi 13 với thân hình bé nhỏ hơn các bạn cùng trang lứa, nhưng Hồ Sĩ Giao phải nghỉ học để đi làm phụ giúp mẹ nuôi các em, bởi bố đi bộ đội vắng nhà. Nhọc nhằn việc kiếm sống ở một miền quê nghèo cận kề vùng kháng chiến tưởng chừng đã đặt dấu chấm hết cho con đường học hành của một thanh niên mới lớn. Thế rồi, hòa bình được lập lại năm 1954. Ông nộp đơn xin theo học lớp Sơ cấp địa chất khóa 2 (1956) do Sở Địa chất[1] mở. Đầu năm 1956, ông khăn gói ra Quốc lộ số 1 bắt xe lên Hà Nội. Đây là lần đầu tiên xa nhà với bao bỡ ngỡ, và cũng là một bước ngoặt quan trọng để ông có cơ may gắn bó trọn đời với ngành Mỏ – Địa chất.
Những ngày đầu và những kỷ niệm khó quên
Sau 4 tháng ăn ở nhà dân, học trong Chùa Láng, cùng 63 thành viên khác, Hồ Sĩ Giao tốt nghiệp lớp Sơ cấp địa chất và được phân công về tổ Thăm dò – tìm kiếm than thuộc Sở Địa chất dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô – J.A. Sanjara. Đầu năm 1957, ông và một người đồng khóa 2 cùng một người đã tốt nghiệp lớp sơ cấp địa chất khóa 1 được điều về “Cơ quan Tổng giám đốc” của Công ty than Hòn Gai[2] nhằm giúp các mỏ về công tác địa chất. Thời gian này, ông không ngừng tự học hỏi, trau dồi kiến thức. Năm 1961, nhận được sự động viên của ông Văn Tôn[3]– Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty than Hòn Gai, Hồ Sĩ Giao đã xin đi học bổ túc kiến thức cấp 3 để chuẩn bị thi đại học. Trong một năm, ông hoàn thành chương trình học phổ thông tại trường Bổ túc công nông Trung ương. Năm 1962, ông thi đỗ trường Đại học Bách khoa Hà Nội, theo học chuyên ngành Mỏ, khoa Mỏ – Địa chất. Tốt nghiệp loại ưu, ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy.
Tháng 4-1966, do nhu cầu cán bộ khoa học kỹ thuật và theo chủ trương của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp[4], trường Đại học Bách khoa Hà Nội ra quyết định thành lập Ban trù bị thành lập trường Đại học Mỏ – Địa chất do PTS Nguyễn Văn Chiển[5] làm Trưởng ban. Sau đó, KS Đặng Xuân Đỉnh được cử làm Trưởng ban thay PTS Nguyễn Văn Chiển sang công tác ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Mọi công việc của Ban trù bị tiếp tục được hoàn tất. Ngày 8-8-1966, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 147/QĐ-CP thành lập trường Đại học Mỏ – Địa chất trên cơ sở khoa Mỏ – Địa chất của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngày 15-11-1966, trường chính thức khai giảng khóa học đầu tiên.
Khi mới thành lập, trường Đại học Mỏ – Địa chất có 4 khoa: Khoa Mỏ, Khoa Địa chất thăm dò, Khoa Địa chất công trình, Khoa Trắc Địa và hai ban: Khoa học cơ bản và Tại chức. Trong đó, khoa Mỏ gồm 7 tổ: Khai thác lộ thiên, Khai thác hầm lò, Cơ điện, Máy mỏ, Tuyển khoáng, Kinh tế mỏ và Sức bền vật liệu[6] – PGS Hồ Sĩ Giao chia sẻ. Lúc này, bốn cán bộ đã tốt nghiệp ngành Mỏ, trường Đại học Bách khoa Hà Nội gồm các ông: Lê Quang Hồng[7] (Tổ trưởng), Nguyễn Thanh Tuân[8] (Tổ phó), Nguyễn Đình Ấu[9] và Hồ Sĩ Giao được phân công xây dựng tổ Khai thác lộ thiên.
Trước khi có quyết định tách trường một năm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã bắt đầu tuyển sinh kỹ sư ngành Khai thác lộ thiên. Ông Phan Điền – Trưởng phòng đào tạo của nhà trường vừa tốt nghiệp ngành Khai thác lộ thiên ở Trung Quốc về đã xây dựng khung chương trình và đề xuất trường mở ngành mới. Ban lãnh đạo trường Đại học Bách khoa Hà Nội chấp thuận và từ khóa 10, nhà trường bắt đầu tuyển sinh ngành mới này, gồm 3 lớp: chính quy, chuyên tu và tại chức (được gọi là sinh viên khóa 10). Bởi vậy, năm 1965, trở thành mốc thành lập của ngành Khai thác lộ thiên ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên, các sinh viên mới chỉ học các môn khoa học cơ bản và kỹ thuật cơ sở. Khóa sinh viên này sau chuyển về trường Đại học Mỏ – Địa chất tiếp tục học tập.
Phó giáo sư Hồ Sĩ Giao nhớ lại thời điểm mới tách trường: Trường Đại học Mỏ-Địa chất lúc đó còn nghèo lắm, các bộ môn “chia” nhau từng chiếc êke, thước kẻ, bàn vẽ, máy chữ… Riêng một số phòng thí nghiệm: Tuyển khoáng, Cơ khí mỏ, Vận tải mỏ… do Liên Xô viện trợ được chuyển từ Bách khoa sang, thì trang thiết bị khá đồng bộ nên hiện nay chúng tôi vẫn giữ cho sinh viên thực hành.
PGS.TS Hồ Sĩ Giao, 2019
Ngay sau khi tách khỏi Đại học Bách khoa, do tình hình chiến tranh, thầy trò trường Đại học Mỏ – Địa chất phải sơ tán về huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc[10]. Tổ (thời kỳ này chưa gọi là Bộ môn) Khai thác lộ thiên và các tổ khác thuộc Khoa Mỏ sơ tán ở thôn Điện Tiền, các lớp sinh viên thì ở các thôn Lê Xá, Kim Tháp, Đông Côi,… huyện Thuận Thành. Trường huy động giảng viên, sinh viên lên rừng chặt tre, nứa về dựng lớp học. PGS Hồ Sĩ Giao chia sẻ: Suốt mấy tháng trời, thầy trò cơm nắm, cơm gói, ngủ rừng… trên Yên Bái khai thác tre, nứa, vầu[11]… rồi đóng bè, thả trôi theo sông Hồng, sông Đuống về Hà Bắc để xây dựng nhà làm việc bộ môn, lớp học và cả bàn ghế. Thầy thì cưa, đục cây que để dựng nhà, làm bàn, làm ghế. Trò thì đắp nền, nhào đất, trát vách, đan tranh lợp mái. Để đề phòng bom đạn khi máy bay Mỹ oanh tạc, xung quanh lớp học chúng tôi còn phải đào hầm, đắp ụ và ngụy trang cây cỏ kín đáo, đủ cho thầy trò trong lớp trú ẩn.
Việc ăn ở nơi sơ tán cực kỳ kham khổ. Chúng tôi và sinh viên đều ở nhờ trong nhà dân. Tuy cuộc sống nghèo khó nhưng tình người đậm đà, chúng tôi nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của dân làng – PGS Hồ Sĩ Giao nhớ lại. Ông và đồng nghiệp Nguyễn Đình Ấu ở nhờ trong gia đình bà Thai. Trường tổ chức nhà bếp chung phục vụ cán bộ và sinh viên. Bữa ăn chủ yếu là hạt bo bo, sắn khô, thỉnh thoảng mới có bữa cơm gạo cũ mà khi ăn không dám nhai mạnh vì sợ vỡ răng, mặc dù nhà bếp đã đãi kỹ trước khi nấu. Nhiều bữa phải ăn bột mì luộc hoặc nướng. Không có dầu để rán, nhà bếp có sáng kiến làm món “bánh nướng”. Đầu tiên là trộn đều bột với nước rồi nặn thành bánh, bọc lá chuối và nướng trên chảo nóng. Đôi khi, bột bị mốc nên bánh rất hôi. Một hôm, bà Thai thấy hai ông lên nhà bếp lấy “bánh nướng” về ăn thì bảo: Nhà chị có nồi khoai lang luộc, hai cậu lấy khoai mà ăn, đổi cho chị bánh mì để cho lợn ăn. Thời bấy giờ, đời sống vật chất của toàn xã hội cực kỳ thiếu thốn. Thịt, cá, gạo, muối, chất đốt… của trường đều được phân phối theo tiêu chuẩn của Hà Nội. Hàng tháng, thầy trò trường Mỏ phải luân phiên nhau đạp xe về Hà Nội để thồ từng sọt lương thực – thực phẩm về giúp nhà bếp. Vào những ngày nghỉ, hai ông tranh thủ lên chùa ở thôn Đào Viên gần đó xin hoa quả trong vườn mang về ăn. Dù chỉ là những tình cảm giản đơn của người dân Hà Bắc nhưng cũng thật quý giá với thầy trò trường Mỏ – Địa chất trong những ngày sơ tán.
Khóa kỹ sư Khai thác lộ thiên đầu tiên
Trở lại câu chuyện chuyên môn, tiếp nhận khung chương trình đào tạo do ông Phan Điền xây dựng cho sinh viên trường Bách khoa, tổ Khai thác lộ thiên bắt tay vào việc đọc các tài liệu tham khảo của Liên Xô để bổ sung, chỉnh sửa chương trình và xây dựng bài giảng. Tổ Khai thác lộ thiên chịu trách nhiệm các môn: các quá trình sản xuất trên mỏ lộ thiên, quy trình công nghệ và thiết kế mỏ lộ thiên, khoan và nổ mìn, thoát nước và an toàn trên mỏ lộ thiên, ổn định bờ mỏ lộ thiên, khai thác khoáng sản bằng sức nước và khai thác lộ thiên đại cương – môn này giảng dạy cả cho các ngành khác trong khoa Mỏ. Trong năm đầu tách trường, ngành Khai thác lộ thiên chỉ có 2 lớp khóa 10 (chuyển từ Bách khoa sang) và khóa 11 mới tuyển. Hai lớp này chưa học các môn chuyên môn nên các thành viên tổ Khai thác lộ thiên vẫn có thời gian nghiên cứu và biên soạn bài giảng và giảng cho các lớp ngoài ngành. Ông Hồ Sĩ Giao được phân công dạy môn Khai thác lộ thiên đại cương cho sinh viên hai lớp Kinh tế mỏ và Khai thác hầm lò khóa 9.
Năm học 1968 -1969, sinh viên ngành Khai thác lộ thiên thuộc khóa 10 bắt đầu học các môn chuyên ngành, thì thật may mắn tổ được bổ sung thêm một số cán bộ vừa tốt nghiệp trường Bách khoa về giảng dạy, như các ông: Nguyễn Văn Kháng[12], Đinh Hữu Thuyết, Nguyễn Hoành, Phạm Quang Miện… và đặc biệt trong đó có ông Phạm Công Khanh[13] vừa tốt nghiệp Phó tiến sĩ ở trường Đại học Mỏ Moskva (MGI) về và được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm bộ môn, đánh dấu thời điểm chuyển từ Tổ lên Bộ môn. Lúc này ông Lê Quang Hồng được cử đi nghiên cứu sinh ở Ba Lan.
Theo sự phân công của Chủ nhiệm bộ môn Phạm Công Khanh: ông Nguyễn Đình Ấu dạy môn khoan – nổ mìn; ông Phạm Văn Hiên[14] dạy môn vận tải mỏ; ông Nguyễn Thanh Tuân dạy môn ổn định bở mỏ;… và ông Hồ Sĩ Giao dạy môn quy trình công nghệ và thiết kế mỏ lộ thiên.
Khi nhận phân công, ông Hồ Sĩ Giao vô cùng lo lắng. Đây là môn học có thời lượng dài nhất với 90 tiết lý thuyết trong hai học kỳ và một học kỳ làm thiết kế môn học. Thiết kế môn học là trên cơ sở tài liệu địa chất một thân khoáng, sinh viên có nhiệm vụ lập phương án khai thác hợp lý cho thân khoáng này dưới dạng một bản thiết kế sơ bộ bao gồm các nội dung như biên giới khai trường ra sao, trữ lượng dự kiến là bao nhiêu, mở vỉa như thế nào, sử dụng thiết bị gì để khai thác, đầu tư lời lãi thế nào…, PGS Hồ Sĩ Giao chia sẻ. Một khó khăn khác là chưa có giáo trình hay tài liệu tham khảo liên quan bằng tiếng Việt. May mắn, ông Phạm Công Khanh đưa cho ông hai cuốn sách tiếng Nga về vấn đề này. Trong đó, một cuốn là: Технология и комплексная механизацшя открытых горных работ (Quy trình công nghệ và đồng bộ cơ giới hóa công tác khai thác lộ thiên) của tác giả – Viện sĩ V.V. Rjepxki, do NXB Недра ấn hành năm 1968. Cuốn sách này do Viện sĩ V.V. Rjepxki nhờ ông Khanh mang về Việt Nam gửi tặng học trò cũ của mình là ông Đinh Văn Lạp[15]. Ở trang bìa lót cuốn sách vẫn còn chữ ký và câu đề tặng của Viện sĩ: Многоуважаемому Динь Ван Лапу (Tặng Đinh Văn Lạp thân mến). Ông Phạm Công Khanh dặn: Cậu cứ dùng để có tài liệu mà giảng dạy, tớ sẽ gặp và xin lỗi ông Lạp sau. Từ đó, hai cuốn sách này trở thành “bảo bối” của giảng viên Hồ Sĩ Giao. Ông nhớ lại: Với vốn tiếng Nga ít ỏi từ thời làm việc với chuyên gia Liên Xô khi ở Quảng Ninh rồi thời học trường Đại học Bách khoa Hà Nội, hàng đêm bên ngọn đèn dầu, tôi miệt mài dịch từng trang sách để soạn bài giảng hôm sau. Tôi phải tự mày mò, tìm hiểu, đọc đi đọc lại, có hiểu thì mới giảng được cho sinh viên. Hơn 5 năm làm việc thực tế ở các mỏ cũng giúp ông phần nào nắm bắt các nội dung chuyên môn khá thuận lợi. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi những buổi lên lớp bị cháy giáo án, cạn nội dung mà chưa hết giờ giảng, phải bịa lý do để cho sinh viên nghỉ sớm, ông bộc bạch.
Cuốn sách “Quy trình công nghệ và đồng bộ cơ giới hóa công tác
khai thác lộ thiên” của Viện sĩ V.V. Rjepxki, 1968
Trong 4 năm học, sinh viên ngành Khai thác lộ thiên phải thực hiện 4 chuyến thực tập. Năm thứ nhất, thực tập tại xưởng cơ khí của trường. Năm thứ hai, tham gia thực tập địa chất để học cách nhận dạng các cấu trúc địa chất và các loại đất đá, khoáng vật. Năm thứ ba, thực tập sản xuất ở các mỏ lộ thiên tại Quảng Ninh. Qua đó, sinh viên được tiếp cận với các công đoạn chuyên môn và thiết bị trong công nghệ khai thác lộ thiên như máy xúc, máy khoan, ôtô tải trọng lớn, khoan lỗ mìn, nạp thuốc nổ, đấu ghép bãi mìn…. Năm cuối, sinh viên đi thực tập để làm đồ án tốt nghiệp. Sinh viên khóa 10 được chia theo nhóm về các mỏ: Cọc Sáu, Đèo Nai và Hà Tu ở tỉnh Quảng Ninh; mỏ Khánh Hòa, mỏ sắt Trại Cau ở tỉnh Thái Nguyên… để thực tập về điều hành sản xuất trên mỏ và thu thập tài liệu làm đồ án tôt nghiêp.
Từng có thời gian làm việc ở Công ty than Hòn Gai và quen biết Giám đốc các mỏ than, nên giảng viên Hồ Sĩ Giao được họ giúp đỡ khi đưa sinh viên về thực tập. Đồng thời, ông cũng nắm được sơ bộ điều kiện tự nhiên, kỹ thuật của các mỏ nên khá thuận lợi trong việc hướng dẫn sinh viên.
Tập thể cán bộ, giảng viên bộ môn Khai thác lộ thiên nhân dịp
45 năm thành lập ngành. PGS.TS Hồ Sĩ Giao (ngồi thứ nhất bên phải)
Với những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ những giảng viên đầu tiên, tháng 6-1970, khóa sinh viên Khai thác lộ thiên đầu tiên của trường Đại học Mỏ – Địa chất và cũng là đầu tiên của cả nước tốt nghiệp. Trong đó có nhiều sinh viên trưởng thành, trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng, phát triển ngành Khai thác lộ thiên của nước nhà như các ông: Nhữ Văn Bách[16], Trần Minh Đản[17], Nguyễn Cát Hòa[18], Nguyễn Viết Hòe[19], Đàm Du[20]. Lý giải về thành tích dạy và học thời đó, PGS Hồ Sĩ Giao cho biết: Không đài điện, không phim ảnh, thầy và trò chỉ tập trung cho việc dạy và học. Bởi vậy chất lượng đào tạo được đảm bảo.
Dù thời gian đã trôi qua hơn 50 năm, nhưng kỷ niệm về những ngày đầu tiên của bộ môn Khai thác lộ thiên vẫn luôn vẹn nguyên trong ký ức của giảng viên Hồ Sĩ Giao. Ông vô cùng tự hào khi được góp chút sức mình cho sự nghiệp đào tạo những thế hệ kế cận, tiếp tục phát triển ngành Khai thác lộ thiên nói riêng và ngành Mỏ nói chung.
Lê Lợi
_______________________
* PGS.TS Hồ Sĩ Giao, chuyên ngành Mỏ, Phó chủ nhiệm khoa Mỏ, trường Đại học Mỏ – Địa chất.
[1] Nay là Tổng cục Địa chất – Khoáng Sản Việt
[2] Nay là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt
[3] Ông Văn Tôn là thành viên đoàn 21 người đầu tiên được cử sang Liên Xô học tập (1951).
[4] Nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
[5] PTS
[6] TL ghi âm PGS.TS Hồ Sĩ Giao, ngày 22-7-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[7] Ông Lê Quang Hồng sau là Phó giáo sư – tiến sĩ, Phó chủ nhiệm khoa Mỏ, trường Đại học Mỏ – Địa chất.
[8] Ông Nguyễn Thanh Tuân sau là Tiến sĩ khoa học, Phó chủ nhiệm bộ môn Khai thác lộ thiên, khoa Mỏ, trường Đại học Mỏ – Địa chất.
[9] Ông Nguyễn Đình Ấu sau là Thạc sĩ, giảng viên bộ môn Khai thác lộ thiên, khoa Mỏ, trường Đại học Mỏ – Địa chất
[10] Nay tách thành hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
[11] Là cây thuộc họ tre, thân nhỏ, thẳng hơn tre và không có gai.
[12] Ông Nguyễn Văn Kháng sau là Phó giáo sư,tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Cơ điện mỏ, trường Đại học Mỏ – Địa chất.
[13] Ông Phạm Công Khanh sau là Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và giáo dục của Quốc hội, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh.
[14] Ông Phạm Văn Hiên sau là Phó giáo sư, tiến sĩ, Chủ nhiệm khoa Tại chức, trường Đại học Mỏ – Địa chất.
[15] Ông Đinh Văn Lạp sau là Thứ trưởng Bộ Điện than.
[16] Ông Nhữ Văn Bách sau là Giáo sư, tiến sĩ, Chủ nhiệm bộ môn Khai thác mỏ lộ thiên, Chủ nhiệm khoa sau đại học, trường Đại học Mỏ – Địa chất.
[17] Ông Trần Minh Đản sau là tiến sĩ ngành Mỏ-Viện KHCN mỏ.
[18] Ông Nguyễn Cát Hòa sau làm Hiệu trường Trường Cao đẳng Mỏ Quảng Ninh.
[19] Ông Nguyễn Viết Hòe sau làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Than Việt Nam, nay là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.
[20] Ông Đàm Du nguyên Giám đốc mỏ Thiếc Cao Bằng.