Hồi đầu tháng 8 năm 1945, khi vừa kết thúc năm thứ 3 Ban chuyên khoa Răng miệng, trường Đại học Y Dược Hà Nội và đang hoạt động trong một tổ tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh, tôi nhận được điện của bố Hoàng Ngọc Phách[1] gọi về Bắc Ninh chăm sóc mẹ Phan Thị An bị ốm. Mấy hôm sau, mẹ tôi đã đỡ, chúng tôi đưa cụ về nghỉ tại ấp Ngọc Khám, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Không khí khởi nghĩa lúc ấy đã sôi sục lắm. Đi đâu, tôi cũng gặp các đoàn người: nam có, nữ có, các ông bà nhiều tuổi, các cháu thiếu nhi xếp hàng 2, hàng 3 đi trên đường làng trật tự lắm. Có đoàn vừa đi vừa hát, có đoàn cầm cả cờ đỏ sao vàng. Ngày 19-8-1945, họp mít tinh ở xóm chợ, đoàn nào cũng có cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên bầu trời trong xanh rất đẹp. Các nam, nữ, thanh niên, các ông bà đứng tuổi đeo súng gỗ đẽo rất khéo, trông xa rất giống súng thật. Một không khí tưng bừng phấn khởi tràn ngập lên mọi người. Cái không khí phấn khởi ấy tôi không hề được gặp lại sau này, ngay cả khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng.
Một trang Hồi ký của PGS Hoàng Thị Thục
Hôm mồng 2 tháng 9 tôi lên làng Đông Hồ (làng nổi tiếng về vẽ tranh) lấy thuốc về cho mẹ tôi thì được nghe loa phóng thanh truyền trực tiếp về lễ kỷ niệm ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập là cụ Hồ Chí Minh. Chúng tôi nghe tiếng Nghệ An đọc hơi nhỏ, nhưng rất rõ. Nghe xong mọi người bàn tán rất xôn xao: Cụ Hồ Chí Minh là ai nhỉ? Hay là cụ Nguyễn Ái Quốc? Nếu là cụ Nguyễn Ái Quốc thì tại sao lại không nói là cụ Nguyễn Ái Quốc?… Không ai đoán ra được.
Mấy hôm sau mẹ tôi đỡ, tôi xin phép gia đình về Hà Nội gặp lại anh chị em cùng hoạt động xem sao. Đi bộ từ nhà đến ga Lạc Đạo, vừa bước lên tàu, tôi giơ nắm tay phải lên ngang vai (cách chào lúc bấy giờ): “Chào các đồng chí ạ!”. Tức thì nửa toa tàu đều đứng lên giơ nắm tay nên ngang vai và “chào đồng chí ạ!”. Các đồng chí xếp chỗ cho tôi ngồi và hỏi thăm tôi rối rít: “Đồng chí ở đâu? Không khí ở nhà như thế nào?”… mặc dù tôi không quen ai ở trên tàu cả. Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau rất vui vẻ, thân thiết cho đến khi về tới Hà Nội. Cái không khí phấn khởi, hồn nhiên ở tất cả mọi người mà mình đã gặp chỉ có sau ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh năm 1945 mới có mà thôi. Tuy ngày này (năm 1999), cách hồi đó đã 54 năm nhưng tôi vẫn nhớ như mới xảy ra tháng trước.
Tôi đến gặp anh Lê Trọng Nghĩa[2], tổ trưởng công tác của chúng tôi thời kỳ bí mật. Anh cho biết cụ Hồ Chí Minh chính là cụ Nguyễn Ái Quốc. Tôi mừng quá… Nhưng cũng không được bép xép nói ra đâu! Tôi còn ở lại mấy ngày để nghe cụ Hồ nói chuyện ở Nhà hát lớn.
Lúc về tôi đi đường Hà Nội – Bắc Ninh thì Bắc Ninh bị lụt, phải đi đò từ huyện Từ Sơn đến thị xã, khoảng 20 cây số. Ở ngay thị xã mà có nơi nước tới bụng và ngực. Nhiều nhà mất hết đồ đạc, nhưng không ai than phiền gì cả mà không khí phấn khởi khắc phục khó khăn vẫn bao trùm lên tất cả. Có sống lúc ấy mới thấy rằng cuộc Cách mạng tháng Tám là cuộc Cách mạng sâu sắc nhất. Nó làm cho ta thay đổi hẳn cuộc đời.
Hoàng Thị Thục