Nhớ PGS.TS Phạm Tú Châu

Thấm thoát, mới đó mà đã 3 năm kể từ ngày PGS Phạm Tú Châu vĩnh biệt trần thế. Những ký ức về bà vẫn còn đủ đầy trong tôi, bởi những tư liệu bà trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam luôn hiện hữu trong công việc nghiên cứu của tôi.

Mới đây, khi lần giở khối tư liệu của PGS Phạm Tú Châu, đang được lưu giữ tại Trung tâm Di sản, tôi đọc được cuốn sổ ghi chép chi tiêu của bà. Những nét chữ đều tăm tắp, ngay ngắn thẳng hàng trên từng trang giấy đã ngả màu trong cuốn sổ không có bìa, với kích thước 12cm x 17cm. Tôi đặc biệt xúc động khi đọc được bút tích của bà vào ngày 19-3-2017 – chỉ 6 ngày trước khi bà rời cõi tạm tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô. Cuốn sổ dừng lại ở trang thứ 36, còn trống hàng trăm trang phía sau, tôi có cảm giác, những trang giấy trắng ấy như là nỗi lo dương gian mà bà đành phải để lại.

PGS.TS Phạm Tú Châu, năm 2016

Dù được tiếp xúc, làm việc với PGS Phạm Tú Châu chỉ chưa đầy 9 tháng (từ tháng 6-2016), song tôi cảm nhận được nghị lực mạnh mẽ nơi người phụ nữ này. Bên cạnh hình ảnh một nhà nghiên cứu, một dịch giả có tiếng của Việt Nam, bà còn là người phụ nữ của gia đình,là một trụ cột không thể thiếu trong gia đình.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, tuổi thơ của bà đắm chìm trong môi trường văn chương, nghệ thuật của những buổi đọc truyện chung cùng các anh chị em. Năm 1956, bà tốt nghiệp khóa phiên dịch tại trường Trung văn thuộc Khu học xá Nam Ninh Trung Quốc, rồi được giữ lại trường làm phiên dịch. Năm 1959, bà về công tác tại Viện Văn học và gắn bó với Viện cho đến khi nghỉ hưu. Hơn 50 năm gắn bó với nghề, bà đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, từ một nhân viên phòng Tư liệu, làm công việc đơn thuần là tìm và dịch tài liệu cho cán bộ nghiên cứu, bà đã tham gia các khóa học, trong đó có lớp Đại học Hán học (ở Hà Bắc), rồi sau đó bà chuyển sang làm công tác nghiên cứu. Với vốn tiếng Hán cổ và hiện đại, bà vững vàng dấn thân vào "đôi dòng đam mê"[1] của mình – nghiên cứu văn học cổ đại, hiện đại của Việt Nam và của Trung Quốc; chọn dịch các tác phẩm văn học đương đại Trung Quốc, Nhật Bản… để giới thiệu cho độc giả Việt Nam. Ở "dòng đam mê" nào, bà cũng được độc giả và đồng nghiệp đánh giá cao. Bà nghiên cứu, dịch thơ văn Lý Trần, và khảo cứu, dịch lại Hoàng Lê nhất thống chí, khảo cứu Truyện Kiều; dịch các tiểu thuyết hiện đại như Gót sen ba tấc (Giải thưởng văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam, 1998)…

Nhìn vào khối lượng công trình PGS Phạm Tú Châu để lại, gồm khoảng 30 cuốn sách, gần 100 bài nghiên cứu, bài hội thảo…, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng bà có điều kiện dành nhiều thời gian cho nghiên cứu. Quả thực, bà từng có một gia đình hạnh phúc, dù không khá giả. Nhưng rồi, trên vai bà là gánh nặng kinh tế cùng người con trai bệnh tật, từ khi chồng bà qua đời. Dù hoàn cảnh là vậy, song bà luôn tâm niệm rằng: "Trời sinh ra phụ nữ, đã có con thì việc nuôi con và trông nom gia đình là tất yếu, không thể trốn tránh"[2].Và, như có một nghị lực phi thường, hàng ngày, một tay bà vừa chăm sóc con trai vừa miệt mài làm việc.

Thừa hưởng đức tính chịu thương, chịu khó và sự tiết kiệm trong chi tiêu từ mẹ, PGS Phạm Tú Châu cảm nhận rằng phẩm chất đó thật phù hợp với cuộc sống và công việc của bà. Bà luôn có kế hoạch chi tiết hợp lý cho mọi việc. Kinh tế khó khăn, việc ghi chép lại toàn bộ các khoản mua bán trong ngày là cách để bà cân đối, kiểm soát chi tiêu trong gia đình. Khoản tiền tiết kiệm được, bà gửi ngân hàng để dùng khi cần. Giữa bao bộn bề của cuộc sống thường nhật, PGS Phạm Tú Châu vẫn cần mẫn, đam mê nghiên cứu về đôi dòng văn học, đồng thời đó cũng là nguồn tăng thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống gia đình.

Tôi cảm thấy mình thật may mắn vì được làm việc, trò chuyện cùng bà lúc sinh thời, nay bà đã đi xa, tôi thầm cầu mong cho linh hồn bà được siêu thoát ở thế giới bên kia. Thân tứ đại chẳng còn, nhưng sức sống của những tác phẩm bà để lại là trường tồn; tấm gương về người phụ nữ bình dị, nghị lực và những điều tốt đẹp ở bà sẽ sống mãi trong tâm trí người thân, bạn bè, đồng nghiệp và độc giả.

Lê Thị Hằng

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

[*] PGS.TS Phạm Tú Châu (1935-2017), chuyên ngành Văn học, nguyên cán bộ nghiên cứu, Phó ban Văn họccận đại Viện Văn học, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay làViện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

[1] Độc giả có thể đọc thêm bài viết "Đôi dòng đam mê" để hiểu thêm về con người, sự nghiệp của PGS.TS Phạm Tú Châu http://cpd.vn/news/detail/tabid/77/newsid/3524/seo/Doi-dong-dam-me/Default.aspx

[2] Phỏng vấn PGS.TS Phạm Tú Châu ngày 4-10-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.