Là một trong số ít các nhà khoa học người dân tộc Tày mà Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận nghiên cứu từ năm 2016, PGS.TS Hoàng Văn Ma1 sinh ra và lớn lên tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng – nơi có thác Bản Giốc hùng vĩ. Năm 1959, ông rời quê hương về Thủ đô học tập tại trường Đại học Bách khoa. Nhập học được 2 tháng, ông nhận quyết định đi Liên Xô đào tạo về chuyên ngành ngôn ngữ. Năm 1965, tốt nghiệp về nước, ông nhận công tác tại Viện Ngôn ngữ học ở Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu2.
Thấm thoắt, đã hơn nửa thế kỷ ông sống xa quê nhà. Vào những dịp lễ tết, nỗi nhớ quê lại da diết hơn bao giờ hết, đặc biệt là dịp Tết Slíp slí của người Tày. Người Tày có rất nhiều lễ tết, Tết Slíp slí3 là cái tết lớn thứ hai trong năm, chỉ sau Tết Nguyên đán, thường kéo dài 3 ngày từ 13 đến 15-7 âm lịch. Điều đó được thể hiện qua câu nói: "Bươn chiêng vằn so ết, bươn chất vằn slíp slí" (Tháng giêng ngày mùng một, tháng bảy ngày mười bốn)4– PGS Hoàng Văn Ma chia sẻ.
Nhớ Tết Slíp slí, nhớ hương vị ngọt thanh của chiếc bánh gai còn vương mùi lá chuối! Cách đây chục năm, khi gia đình PGS Hoàng Văn Ma sống ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ (Hà Nội), từ đầu tháng bảy âm lịch, bà Hoàng Thị Bày – vợ ông đã lịch kịch chuẩn bị, nào thì gạo nếp, nào đỗ xanh, lá chuối, lá gai để gói bánh gai hay còn gọi là bánh “pẻng tải”. Theo bà Bày, làm bánh gai truyền thống không khó nhưng đòi hỏi kỹ năng vì có nhiều công đoạn: đi hái lá gai rừng, giã lá gai thành bột mịn, xay gạo, ngào bột, làm nhân, hấp bánh… Vì ở thành phố nên bà Bày chỉ tìm được loại lá gai miền xuôi được bày bán ở chợ. Thế nhưng: Loại lá gai mua ở chợ chẳng thể nào cho hương vị bánh thơm, ngon như lá gai rừng5 – PGS Hoàng Văn Ma bộc bạch. Hiện tại, hai ông bà đang sống cùng gia đình con trai trong khu chung cư làng Việt kiều châu Âu (quận Hà Đông, Hà Nội), thêm vào đó, do tuổi cao sức yếu, bà Bày không tự làm bánh gai như trước nữa.
Ngoài bánh gai, món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Slíp slí là món thịt vịt. PGS Hoàng Văn Ma không rõ vì sao người Tày lại ăn và cúng thịt vịt vào dịp này, ông chỉ nhớ, từ đầu mùa vụ (khoảng tháng tư) dân làng đã bắt đầu nuôi, vỗ béo vịt chờ đến tháng bảy. Thịt vịt được chế biến thành nhiều món nhưng phổ biến nhất là ướp với lá móc mật rồi quay lên, thơm nức mũi hoặc nấu với măng để ăn kèm bún trắng. Trẻ con bao giờ cũng được người lớn dành cho đôi chân vịt, những đứa trẻ phải đi chăn trâu thường được ưu ái chia phần nhiều hơn. Khi còn nhỏ, mỗi khi đi chăn trâu, vì đi xa và vất vả nên tôi và đám bạn thường mang theo đồ ăn. Vào Tết Slíp slí, chúng tôi quây lại rồi bày đồ ăn, đứa nào cũng có thêm ít nhất hai cái còng vịt (chân vịt) bên cạnh mấy nắm cơm, ít cá khô hoặc vài quả trứng luộc. Chúng tôi rất đoàn kết, không bao giờ tranh giành, ai có nhiều còng vịt thường san sẻ cho những bạn có ít hơn6.
Gia đình PGS.TS Hoàng Văn Ma (áo trắng) quây quần bên mâm cơm dịp Tết Slíp slí, tháng 8-2018
(Ảnh do gia đình cung cấp)
Khi xa quê, người ta thường nhớ những món ăn mang đậm hương vị quê hương vì nó gắn với tháng ngày êm đềm trong ký ức. Và cũng giống như Tết Vu Lan của người Kinh, Tết Slíp slí còn là dịp con cháu nhớ về tổ tiên, về những người thân đã khuất. Với mong muốn những thân nhân đã mất có cuộc sống sung túc, an nhàn ở thế giới bên kia và phù hộ cho con cháu, nên vào dịp này các gia đình thường có phong tục hóa vàng mã. Nhắc đến đây, giọng PGS Hoàng Văn Ma bỗng trùng xuống. Không may mắn như bạn bè, bố mất khi ông lên 7 (1944)7 nên mẹ là người thân thiết và gắn bó với ông hơn cả: Mẹ tôi rất hiền lành và chiều các con. Khi học cấp II, mấy tháng đầu trường chưa có chỗ ăn ngủ cho học sinh, lại cách xa nhà nên tôi phải dậy thật sớm để đi học. Mẹ còn dậy sớm hơn, bà chuẩn bị đồ ăn rồi đưa tôi (ngồi trên lưng ngựa) đi hết quãng đường khúc khuỷu, rậm rạp ven sườn núi để đến trường, sau đó mới an tâm dắt ngựa trở về. Mặc dù bà biết tôi khi đó đã cưỡi ngựa khá giỏi. Cho đến những năm tôi học cấp III, bà vẫn dậy sớm nấu ăn, xong xuôi thì mới đánh thức con dậy8.
Tết Slíp slí còn có tục “Tức pha táng” hay sêu Tết9 cũng là một nét đẹp văn hóa của người Tày, là dịp người con gái cùng chồng con về thăm bố mẹ, ông bà ngoại để bày tỏ lòng hiếu thuận. Cũng bởi vậy, nhắc đến “Tức pha táng” người ta thường nhớ về không khí gia đình ấm cúng. Khi còn nhỏ, vào ngày 14-7, tôi thường lẽo đẽo chạy theo mẹ, còn bà thì quẩy đôi quang gánh gồm có bánh, mấy con vịt… sang biếu ông bà, họ hàng bên ngoại. Vì hai bên nội ngoại khác làng, lại cách xa nhau nên có khi hai mẹ con đi sêu tết hết cả ngày. Dịp này, nhà có đông con gái thì làm cỗ rất to. Họ mang đồ lễ sang bên ngoại rồi nấu nướng, ăn uống và trò chuyện rất vui vẻ10 – PGS Hoàng Văn Ma chia sẻ.
Trước những năm 90, do điều kiện và phương tiện đi lại hạn chế, trong thời gian làm việc tại Viện Ngôn ngữ (1965-2002), ông Hoàng Văn Ma thường dành tiêu chuẩn nghỉ phép cả năm để về quê dịp Tết Nguyên đán. Mỗi dịp như vậy, ông được nghỉ khoảng 10 ngày nhưng chỉ riêng thời gian đi lại đã mất 5-6 ngày. Lần cuối tôi về quê ăn Tết Slíp slí có lẽ từ năm 1962. Khi còn trẻ chưa có điều kiện để thường xuyên về thăm quê, khi có điều kiện thì đã già, sức khỏe không cho phép11– PGS Hoàng Văn Ma tâm sự. Có lẽ vì thế mà mỗi lần con trai hay vợ về quê, ông bao giờ cũng hỏi han đủ chuyện về họ hàng, làng xóm và những thay đổi của quê hương: Tục “Tức pha táng” vẫn được đồng bào người Tày gìn giữ như một nét văn hóa đặc trưng. Bây giờ nhà nào cũng có xe máy, đường xá bê tông hóa nên không phải vất vả đi bộ như trước. Không còn hình ảnh người phụ nữ quẩy đôi quang, gánh đồ lễ đi sêu tết, thay vào đó là hình ảnh các gia đình chở nhau trên chiếc xe máy với những túi đồ lễ lớn nhỏ được treo ở đầu xe, cuối xe12.
Năm nay, cả gia đình PGS.TS Hoàng Văn Ma không về quê ăn Tết Slíp slí. Họ quây quần nấu nướng bữa cơm giản dị nhưng ấm cúng tại nhà riêng, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện thường nhật. Vợ chồng ông Ma không quên kể cho mấy đứa cháu về những phong tục truyền thống của người Tày với hy vọng dù sống ở thành phố hiện đại con cháu vẫn biết về cội nguồn, về quê hương, bản quán.
Nguyễn Thị Điệp
______________________________
1 PGS.TS Hoàng Văn Ma, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học.
2 Năm 1965, Viện Ngôn ngữ học mới chỉ là Tổ Ngôn ngữ học thuộc Viện Văn học. Năm 1968, Viện Ngôn ngữ thành lập theo nghị định số 59/CP của Hội đồng Chính phủ trên cơ sở Tổ Ngôn ngữ học thuộc Viện Văn học và Tổ Thuật ngữ khoa học trực thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước.
3 Slíp slí có nghĩa là mười bốn.
4 Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Hoàng Văn Ma, 11-8-2018, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
5 Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Hoàng Văn Ma, 11-8-2018, tài liệu đã dẫn.
6 Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Hoàng Văn Ma, 5-9-2018, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
7 Mẹ PGS.TS Hoàng Văn Ma mất năm 1970.
8 Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Hoàng Văn Ma, 11-8-2018, tài liệu đã dẫn.
9 Ngoài dịp Tết Slíp slí, tục Tức pha táng được thực hành vào mùng 2 Tết Nguyên đán.
10 Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Hoàng Văn Ma, 5-9-2018, tài liệu đã dẫn.
11 Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Hoàng Văn Ma, 11-8-2018, tài liệu đã dẫn.
12 Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Hoàng Văn Ma, 11-8-2018, tài liệu đã dẫn.