Dù ở thành thị hay nông thôn thì xưa kia Tết luôn được tất cả những đứa trẻ háo hức đón chờ nhất. Ngày nhỏ cậu bé Lại Ngọc Đường rất hăng hái trong những ngày chuẩn bị Tết nên thường được bố giao nhiệm vụ chặt hai cây mía buộc bên cạnh bàn thờ vào ngày 30 Tết để làm gậy chống cho “các cụ về ăn Tết với con cháu”. Sau đó giúp bố dựng cây nêu trước cổng để xua đuổi ma quỷ trong những ngày đầu năm mới.
PGS.TSKH Lại Ngọc Đường và nghiên cứu viên Trung tâm Di sản
Tết dĩ nhiên là vui, nhưng cũng có những cái Tết “kém vui” đối với Lại Ngọc Đường như dịp tết năm 1952. Năm đó đã là 30 Tết nhưng cậu vẫn ra đồng đánh giậm bắt cá để làm thức ăn dự trữ mấy ngày Tết, trên đường về nhà cậu bắt được một con chim cú mèo (có lẽ già yếu nên không bay được) mà không hề biết đến quan niệm đây là con chim mang lại điều xui xẻo. Bước vào nhà chưa kịp khoe thì cậu đã bị bố mắng rồi đánh cho một trận vì tội đưa chim cú vào nhà.
Năm mới phải đốt pháo mới có không khí của ngày Tết, thường là trước đó cả tháng Lại Ngọc Đường và các bạn tìm cách để mua pháo. Pháo mua về được cất trên gác bếp để tránh bị ẩm, năm nào không may pháo bị nổ trước thì Tết đó cũng kém vui so với các bạn.
Dù Tết nay đã khác Tết xưa rất nhiều khi mọi thứ đầy đủ hơn, nhưng với PGS Lại Ngọc Đường thì Tết xưa dù nghèo vẫn luôn là những ấn tượng đẹp.
Lê Nhật Minh
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam