Nhớ tết xưa

Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên đán là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Nhà nào cũng cố sắm cái Tết cho thật tươm tất. Nhà cửa được quét dọn, sơn sửa lại. Và những hương vị Tết: mứt bánh chưng với dưa hành, thịt mỡ. Và những tín hiệu của đất trời mùa xuân: mai vàng miền Nam, đào thắm miền Bắc. Truyền thống ấy đã có bao đời nay, vẫn vậy, có thay đổi chăng là điều kiện, hoàn cảnh mỗi thời. Trước và những năm đầu thời kỳ đổi mới,để sắm được một cái tết đủ đầy, người ta phải lo Tết từ rất lâu, thậm chí là cả năm làm và tiết kiệm chỉ để sắm tết. Và câu chuyện của PGS.TS Mai Văn Lề đã khắc họa được phần nào câu chuyện ấy.

PGS.TS Mai Văn Lề (thứ 2 từ trái) chụp cùng cán bộ khoa Công nghệ thực phẩm năm 1994

Cuối năm 1984, khoa Công nghệ thực phẩm và khoa Công nghệ hóa học, trường Đại học Bách khoa Hà Nội sáp nhập thành một khoa lớn có tên là Công nghệ hóa học và công nghệ thực phẩm. Lúc ấy, PTS Hoàng Trọng Yêm (sau này là giáo sư, tiến sĩ khoa học, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội) được bầu là Chủ nhiệm khoa, còn giảng viên Mai Văn Lề là Phó khoa phụ trách mảng nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất.

Những năm 80 của thế kỷ trước, đời sống cán bộ khó khăn nên dường như ai cũng lo tết. Thời điểm ấy, Ban quản lý khoa Công nghệ hóa học và công nghệ thực phẩm họp bàn kế hoạch để lo một phần đời sống cho cán bộ. Sau nhiều trao đổi, cuối cùng vẫn chưa có phương án cụ thể. Tết năm 1985 ngày càng đến gần, trách nhiệm của người phụ trách lao động sản xuất càng làm cho giảng viên Lề cảm thấy áp lực. Ông thổ lộ: mình muốn kiếm thêm một chút thu nhập cho mỗi cán bộ nhưng do thời gian gấp nên không thể xoay kịp[1]. Trong buổi họp ban Chủ nhiệm khoa, giảng viên Lề đề xuất tìm nguồn tài chính để chi dịp tết. Ý kiến của ông ban đầu cũng không được chấp thuận. Sau đó, do không có phương án nào khả quan hơn nên mọi người đành thực hiện phương án này và cử giảng viên Lề tìm nguồn.

Lúc này Phó khoa Mai Văn Lề quyết định huy động tiền quỹ các bộ môn ở trong khoa. Sau đó là kêu gọi sự đóng góp của những cán bộ mới đi chuyên gia về. Tiếp theo là xin ở nguồn kinh phí các đề tài cấp nhà nước. Cuối cùng là ở những cán bộ đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài mới về. Đa phần các thầy đều ủng hộ. Có người ủng hộ vài trăm đồng nhưng cũng có người ủng hộ cả nghìn đồng. Trong lần đi quyên góp ấy, Phó chủ nhiệm khoa Mai Văn Lề huy động được 50 nghìn đồng, đồng thời mua được cho các cán bộ mỗi người nửa cân bánh đa nem với giá rẻ. Có thể hỗ trợ được anh em trong khoa sắm tết là mình vui lắm[2], PGS Mai Văn Lề bộc bạch như vậy.

Sau cái tết năm ấy, tinh thần tăng gia lao động sản xuất kiếm thêm thu nhập của các cán bộ ở trong khoa ngày càng tăng cao. Một giảng viên trong khoa là Nguyễn Đình Thưởng xin được giấy phép sản xuất rượu và cùng cán bộ trong khoa nấu rượu để bán. Rồi ông nghĩ ra phương án tăng gia sản xuất để tăng thêm thu nhập. Nghĩ là làm, giảng viên Thưởng xin trường cho phép cán bộ khoa tận dụng đất trống để nuôi gà, lợn và được đồng ý. Cuối năm, giảng viên Nguyễn Đình Thưởng lặn lội lên vùng cao để mua trâu và lợn giá rẻ về bán với giá gốc cho cán bộ trong khoa… Vậy là, cái tết hai năm 1986, 1987 của cả khoa trở nên ấm cúng và đủ đầy hơn, mọi người ai cũng vui và hạnh phúc[3], PGS.TS Nguyễn Đình Thưởng nhớ lại.

Riêng đối với PGS Mai Văn Lề, cái tết năm 1987 đối với ông trở nên đặc biệt hơn. Cuối năm 1986, ông có hợp đồng với Ủy ban Khoa học của tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Sở Khoa học của các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định) về việc sản xuất giấy gói kẹo. Kết thúc hợp đồng, ngoài số tiền nhận được như thỏa thuận ban đầu, ông còn được Ủy ban Khoa học của tỉnh biếu gạo nếp, bánh, kẹo. Ngay khi về Hà Nội, ông nhận được giấy mời của Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, mời tới dự buổi gặp mặt thân mật nhân dịp tết Đinh mão (1987) tại Phủ Chủ tịch vào hồi 15 giờ ngày 24-1-1987. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, còn có các đại biểu: GS Phạm Đồng Điện – nguyên Hiệu trưởng nhà trường, Hiệu trưởng Hà Học Trạc, Phó hiệu trưởng Nguyễn Đình Trí và hai giảng viên được cấp bằng sáng chế năm 1986, trong đó có giảng viên Mai Văn Lề.

Chiều ngày 24-1-1987, đoàn đại biểu của trường Đại học Bách khoa Hà Nội tập trung tại trường và có xe của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đến đón. Khách mời được tiếp đón trọng thị, mỗi bàn 6 người. Sau những lời chúc tết của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước các đại biểu cùng ăn tiệc. Mỗi mâm có một bát dưa hành, một đĩa chả nem rán và một chiếc bánh chưng rất to cắt sẵn cho mỗi người một miếng. Cuối buổi gặp mặt tất cả đều được nhận phần quà tết rồi được xe đưa về nơi xuất phát. Trong túi quà lần đó có một chai rượu, một hộp mứt, hai gói kẹo, một bao thuốc lá và một gói chè. Phó giáo sư Mai Văn Lề thổ lộ, năm đó, gia đình tôi được ăn một cái tết tương đối đầy đủ vì có quà của Phủ Chủ tịch, quà của Ủy ban Khoa học tỉnh Hà Nam Ninh và cả quà của khoa[4].

Năm 1987 bộ môn Công nghệ thực phẩm khoa Công nghệ hóa học và công nghệ thực phẩm tách thành khoa riêng và giảng viên Mai Văn Lề được bầu làm Chủ nhiệm khoa Công nghệ thực phẩm. Cán bộ khoa lúc này có khoảng 80 người. Ba Phó khoa được đề bạt là: Nguyễn Đình Thưởng, Nguyễn Duy Thịnh và Hà Văn Thuyết. Ngay khi ban lãnh đạo khoa được thành lập, họ đã có một buổi họp bàn về biện pháp để lo sản xuất tăng thu nhập cho cán bộ để mỗi cái tết của các cán bộ trở nên đầm ấm, đủ đầy hơn. Sau nhiều lần họp bàn, cuối cùng cũng tìm ra được giải pháp như sau: thứ nhất là tổ chức pha chế rượu chanh cung cấp cho Hà Nội, hai là làm nước giải khát côcacôla và nước cam, sau đó làm thêm rượu hoa quả giống như rượu vang. Phụ trách bộ phận sản xuất rượu do giảng viên Thưởng và khâu làm nước giải khát thì do giảng viên Hà Văn Thuyết phụ trách, và phụ trách chung sản xuất là giảng viên Nguyễn Duy Thịnh. Sau nửa năm đi vào sản xuất, tổ lao động sản xuất của khoa Công nghệ thực phẩm còn sản xuất thêm kem. Công việc này do một nữ giảng viên trong khoa phụ trách. Nguồn thu được từ công việc lao động sản xuất một phần được đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học của khoa, một phần chi phí sửa chữa phòng thí nghiệm, còn lại chia cho cán bộ trong khoa 10 nghìn/người/tháng. Năm 1989, khoa xin phép nhà trường cho sử dụng một ô nhà trống mà trước kia được sử dụng làm nơi sửa xe đạp của trường để làm quán bán hàng và ưu tiên cán bộ có cuộc sống khó khăn được bán hàng tại đây. Kể từ khi tăng gia sản xuất, cán bộ trong khoa trong đó có tôi không chỉ có cái tết ấm no hơn, trọn vẹn hơn, mà cuộc sống hàng ngày cũng khá hơn[5], PGS Mai Văn Lề hạnh phúc kể lại. Rồi ông chậm rãi nói tiếp, bắt đầu từ những năm 90 trở về đây, đời sống cán bộ ngày càng khá hơn, mối lo về ngày tết cũng vì thế mà giảm dần. Bây giờ, gia đình tôi có thể sắm sửa đầy đủ từ mâm ngũ quả, đôi câu đối đến các loại hoa quả, bánh kẹo nhưng tôi vẫn nhớ lắm những cái tết năm xưa. Những cái tết của một thời của ít, người nhiều, nhưng thấy gia đình mình và gia đình đồng nghiệp đón Tết đàng hoàng, tôi lại cảm thấy ấm lòng[6].

Hoàng Thị Kim Phượng

[1] Hỏi thông tin PGS.TS Mai Văn Lề, ngày 4-10-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Hỏi thông tin PGS.TS Mai Văn Lề, ngày 4-10-2016, tài liệu đã dẫn.

[3] Hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Đình Thưởng, ngày 27-1-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Hỏi thông tin PGS.TS Mai Văn Lề, ngày 4-10-2016, tài liệu đã dẫn.

[5] Hỏi thông tin PGS.TS Mai Văn Lề, ngày 4-10-2016, tài liệu đã dẫn.

[6] Hỏi thông tin PGS.TS Mai Văn Lề, ngày 4-10-2016, tài liệu đã dẫn.